Hôm nay,  

Lược Sử Thiết Giáp Vnch Thời Hình Thành 51-60

15/12/199900:00:00(Xem: 8277)
* Những đơn vị Thiết giáp đầu tiên của Quân đội Quốc Gia Việt Nam
Ngày 1 tháng 1/1951, Quân đội Quốc Gia Việt Nam thành lập đơn vị Thiết giáp đầu tiên, đó là tiểu đoàn 1 Thám thính xa hoạt động tại Nam Việt, thuộc quyền điều động của bộ Tư lệnh Đệ Nhất Quân khu. Tiếp đến ngày 1-3-1951, tiểu đoàn Thiết giáp thứ hai được thành lập, lấy tên là tiểu đoàn Thám thính 4 thuộc Đệ Tứ Quân khu (danh hiệu của các các đơn vị Thiết giáp đầu tiên được đặt theo số hiệu của Quân khu mà đơn vị đó thống thuộc), ngày 1 tháng 5, tiểu đoàn Thám thính 3 thành lập tại Bắc Việt, thuộc quyền điều động của Đệ tam Quân khu. (Các tiểu đoàn Thiết giáp sau này được cải danh thành chi đoàn Thiết giáp). Vào thời gian này, Thiết giáp Quân đội Quốc gia chưa thành lập bộ chỉ huy binh chủng, và cũng do chưa có đủ sĩ quan Việt Nam nên các tiểu đoàn Thám thính xa tạm thời do các sĩ quan Pháp giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng, các sĩ quan Việt Nam giữ chức vụ phụ tá hoặc chi đội trưởng, giám sát hoạt động các tiểu đoàn này là vị tổng thanh tra Thiết giáp Quân đội Pháp tại Việt Nam. Đến ngày 1 tháng 9/1952, cùng với các binh chủng khác, văn phòng thanh tra Thiết giáp Quân đội Quốc gia được thành lập nhưng vẫn do tổng thanh tra Thiết giáp Pháp chỉ huy.
Cũng trong năm 1952 có thêm 3 đơn vị Thiết giáp được thành lập theo tiến trình sau đây: ngày 1 tháng 5, tiểu đoàn Thám thính 2 thành lập tại Trung Việt, thống thuộc bộ Tư lệnh Đệ Nhị Quân khu; ngày 1 tháng 9, tại Bắc Việt có thêm tiểu đoàn Thám thính 5; ngày 1 tháng 12, chi đoàn thám thính 6 thành lập tại Nam Việt. Trong năm 1952, có một vài đơn vị hoàn toàn do sĩ quan Việt Nam chỉ huy từ chức vụ chi đội trưởng đến tiểu đoàn trưởng, trong đó có tiểu đoàn Thám thính 3 do đại úy Lâm Văn Phát chỉ huy (cấp bậc cuối cùng: thiếu tướng, thăng ngày 2/11/1963). Năm 1953, tiểu đoàn Thám thính xa 7 thành lập tại Bắc Việt vào ngày 1/5. Đầu năm 1954, tiểu đoàn thám thính xa số 8 thành lập tại Nha Trang. Theo tổ chức lúc bấy giờ, mỗi tiểu đoàn (chi đoàn) gồm có 1 chi đội chỉ huy và 3 chi đội thám thính xa, mỗi chi đội thám thính gồm 3 thiết giáp xa AM (auto mitrailleuse) và 3 chiếc vừa Scout vừa Half track; quân số của mỗi chi đoàn là 140 quân nhân.

* Trung đoàn Thiết giáp đầu tiên
Đầu năm 1954, binh chủng Thiết giáp phát triển đến cấp Trung đoàn, đó là trung đoàn 3 Thám thính xa. Trung đoàn được hình thành từ sự kết hợp các tiểu đoàn Thám thính xa số 3, 5 và 7. Trung đoàn trưởng đầu tiên là thiếu tá De la Morsanglière. Sau nửa năm hoạt động, vị chỉ huy này đã phát biểu một số ý kiến về việc sử dụng các Thiết giáp xa như sau:
Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy các xe Half track và Scout không còn thích hợp với chiến trường nữa. Nhiệm vụ của các chi đoàn thám thính là yểm trợ cho các cuộc hành quân mở đường, hộ tống, can thiệp khi một đơn vị bộ binh bạn đụng độ, cứu viện cho các đồn bót ban đêm đóng trên những trục lộ giao thông lớn. Tất cả những nhiệm vụ này đều cần thiết có một thiết giáp có vỏ thép dày, chạy nhanh, không gây tiếng động và được võ trang đầy đủ. Đoàn xe thiết giáp không cần phải có một bộ phận tùng thiết cơ hữu, bởi vì tất cả những nhiệm vụ trên đều được tiến hành với các đơn vị Bộ binh. Xe Half track và xe Scout là những loại xe mỏng manh, trung đoàn có 21 xe thuộc loại này bị nổ mìn, thì có tới 20 xe bị bỏ không dùng lại được. Và với mỗi xe này bị mìn, ít nhất cũng có một hai người chết và từ ba đến 4 người bị thương nặng. Xe Half track còn thất lợi ở điểm là khó sử dụng, lại không chạy nhanh mà còn gây tiếng động. Chỉ riêng có xe AM 3 là tiện lợi. Xe chạy vừa nhanh không gây tiếng động, linh động dễ sử dụng và tương đối không nguy hiểm. Trên 20 xe AM bị mìn và bị bắn, chỉ có 2 xe bị bắn bởi súng không giật là phải loại bỏ. Còn tất cả những xe khác đều sửa chữa lại được, chỉ cần thay cầu trước hay cầu trung gian. Với những xe AM bị bắn này, chỉ có những người bị thương rất nhẹ. Do đó, trung đoàn chúng tôi nhận thấy cần phải thay các Half track và Scout car bằng các AM loại M 8, mỗi một chi đội có 5 AM; nếu đề nghị này chấp thuận, xin thay 18 Scout car bằng 12 AM loại AM 8 và 12 Half track bằng 10 AM loại M 8.

* Sự phát triển của binh chủng Thiết giáp Quân đội Quốc gia Việt Nam sau Hiệp định Genève:


Từ tháng 5/1954 đến tháng 11/1954, để đáp ứng nhu cầu chỉ huy của các binh chủng Quân đội Quốc Gia Việt Nam ngày càng lớn mạnh, bộ chỉ huy lực lượng binh chủng cấp quân khu chính thức thành lập, riêng Thiết giáp, bộ chỉ huy cấp quân khu được thành lập ngày 16-11 nhưng trên thực tế, các bộ chỉ huy này mới chính thức hoạt động do các sĩ quan Pháp đảm trách vừa với tư cách cố vấn cho các tư lệnh Quân khu Quân đội Quốc gia Việt Nam và vừa là chỉ huy trưởng lực lượng Thiết giáp trong quân khu.
Ngày 29 tháng 3/1955, tổ chức thanh tra binh chủng trung ương của Quân đội Quốc Gia Việt Nam chính thức thành lập với các vị thanh tra kiêm chỉ huy trưởng binh chủng, để thay thế các bộ chỉ huy binh chủng cấp quân khu bị giải tán. Những vị sĩ quan này được coi là những chỉ huy trưởng đầu tiên của binh chủng được bổ nhậm. Riêng binh chủng Thiết giáp do trung tá Dương Ngọc Lắm giữ chức thanh tra kiêm chỉ huy trưởng.
Về hệ thống binh đoàn, trước khi Hiệp đình Genève được ký kết (20-7-1954), chỉ có Đệ tam Quân khu có cấp trung đoàn Thiết giáp, sĩ quan Việt Nam đầu tiên thay thế sĩ quan Pháp chỉ huy trung đoàn này là thiếu tá Dương Ngọc Lắm. Tại các quân khu khác chỉ có các tiểu đoàn (chi đoàn) biệt lập. Ngoài số chi đoàn cũ, có thêm chi đoàn thám xa 10 và 11 được thành lập để đáp ứng cho chiến trường Miền Trung và Nam Việt. Đến khi đình chiến, Đệ nhất trung đoàn Thiết giáp hộ tống của Pháp được chuyển giao cho Quân đội Quốc Gia Việt Nam. Đây là một đơn vị cơ giới phức tạp, với đủ các loại xe, dùng để hộ tống các đoàn xe vận chuyển trên đường bộ và cả trên đường xe lửa. Vào thời gian này, các đơn vị Thiết giáp phối trí như sau:
- Đệ tam trung đoàn thám thính xa, Đà Nẵng.
- Đệ nhất trung đoàn 1 Thiết giáp hộ tống, Gia Định.
- Chi đoàn 1 thám thính xa, Cần Thơ.
- Chi đoàn 2 thám thính xa, Văn Xá (Trung Việt).
- Chi đoàn thám thính xa 4, Ban Mê Thuột.
- Chi đoàn thám thính xa 6, Long Xuyên.
- Chi đoàn thám thính xa 10 An Nông (Trung Việt).
- Chi đoàn thám thính xa 11, Cai Lậy.
Đầu năm 1955, tên gọi các trung đoàn thám thính được đổi thành các trung đoàn Kỵ binh Thiết giáp, tổ chức này được duy trì tới khi có kế hoạch quân số áp dụng vào tháng 9/1955 với việc thành lập thêm liên đoàn thủy xa và 2 trung đoàn Kỵ binh Thiết giáp số 2 và số 4. Tất cả các đơn vị Thiết giáp đã trải qua một thời kỳ cải tổ để đến cuối năm 1955 hoàn thành theo sự kết hợp và phối trí như sau:
- Đệ nhất trung đoàn kỵ binh đóng tại Gia Định, kết hợp bởi các đơn vị thuộc đệ nhất trung đoàn thiết giáp hộ tống, riêng các cơ giới chạy trên đường rầy như loại Wicklam và những toa xe bọc thép võ trang đều cho Sở Hỏa xa Quân đội (thành lập 1 tháng 9/1955).
- Đệ nhị trung đoàn Kỵ binh Thiết giáp đóng tại Miền Tây Nam Việt, kết hợp bởi các chi đoàn 1, 6 và 11.
- Đệ tam trung đoàn Kỵ binh Thiết giáp đóng tại Đà Nẵng, kết hợp với một phần của trung đoàn 3 Thám thính xa và một phần các chi đoàn biệt lập ở Miền Trung.
- Đệ tứ trung đoàn Kỵ binh Thiết giáp trước đóng tại Nha Trang sau chuyển lên Ban Mê Thuột, kết hợp bởi các chi đoàn 4 và 8 và một phần của trung đoàn 3 Thám thính xa.
- Đệ ngũ liên đoàn thủy xa đóng ở Nhà Bè, được thành lập với 1 chi đoàn chiến xa con cua (crabes) và 1 chi đoàn chiến xa con cá sấu (alligators). Đây là những chiến xa lội nước xuất hiện trong các trận chiến giữa quân đội Liên Hiệp Pháp và quân Việt Minh (tên gọi của quân CSVN lúc bấy giờ). Khi đình chiến, các loại xe này đã cũ, Pháp mới chuyển giao cho Quân đội Quốc gia Việt Nam để thành lập những đơn vị trên. Bởi thế liên đoàn thủy xa này chỉ hoạt động được một thời gian ngắn thì giải tán.
Một ghi nhận đặc biệt là khi thành lập các trung đoàn Kỵ binh Thiết giáp, các chiến xa M24 đã xuất hiện trong thành phần tổ chức của các đơn vị này. Các trung đoàn Kỵ binh Thiết giáp với quân số 514 quân nhân gồm 1 chi đoàn chỉ huy. một chi đoàn chiến xa và 2 chi đoàn thám thính xa. Binh chủng Thiết giáp kể cả liên đoàn thủy xa ( 420 quân nhân) đến cuối năm 1955 có quân số là 2,500 người. Một thời gian sau, các trung đoàn Thiết giáp Ky binh (TGKB) được cải danh thành Trung đoàn 1, 2, 3 và 4 TGKB. Về chiến xa, trước năm 1960, các chiến xa M 24 là loại cơ giới chính yếu của binh chủng Thiết giáp.

Kỳ sau: Chiến sử của Thiết Giáp binh VNCH từ 1960-1975.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.