Hôm nay,  

Chứng Mập Phì Rất Có Thể Do Virus Gây Ra

27/09/200000:00:00(Xem: 4108)
Thế giới đã gia tăng một cách nhanh chóng số lượng những người mắc chứng mập phì trong vài thập niên vừa qua. Tính từ năm 1980, tỉ lệ của số lượng người mắc chứng này đã gia tăng đến 30% ở Hoa Kỳ. Ngày nay, 23% những người trưởng thành ở Mỹ được xem là mắc chứng mập phì, trong khi đó tỉ lệ này ở Anh và ở Úc, một cách tương ứng là 20 và 12 phần trăm. Ở những đảo quốc trên vùng biển phía nam Thái Bình Dương sự mập phì còn lan rộng ra một cách tệ hại, đến một nữa những người trưởng thành ở Samoa bị liệt vào hàng những chiến hạm di động ở trên cạn!

Theo định nghĩa của tổ chức Y tế thế giới (WHO, world health organisation), một người được coi là phì nhiêu nếu chỉ số trọng lượng cơ thể, BMI (Body Mass Index), vượt quá 30. BMI được tính như sau: BMI = w/(hh)
Trong đó: w là trọng lượng cơ thể tính bằng kilogram (kg)
h là chiều cao tính bằng mét (m)

Nếu BMI lớn hơn 30, xem như mắc chứng mập phì. Từ 25 đến 30: Hơi mập, vượt qúa trọng lượng bình thường. Từ 18.5 đến 25: trọng lượng lý tưởng. Dưới 18.5: gầy, ốm.

Ví dụ: một người cân nặng 70 kg, cao 1.67 m, BMI sẽ là:
BMI = 70/1.672 = 70/2.7889 = 25.099 = 25.1 (hơi mập)

Nếu một người cao 1.75 và nặng 80 kg, BMI = 80/1.802 = 80/3.24 = 24.69 (bình thường).

Sự gia tăng chứng mập phì ở những quốc gia giàu có là một điều dễ hiểu. Nhưng ngay cả những xứ sở rất nghèo khó mà tỉ lệ của những người mập phì vẫn rất cao, thậm chí còn cao hơn cả tỉ lệ ở những quốc gia có thói quen ăn nhiều chất béo và chế phẩm của sữa như Hoa Kỳ, Úc và Âu Châu, quả là một điều khó lý giải.

Lúc đầu giới Y khoa quy trách nhiệm cho chứng mập phì xuất xứ từ chế độ ăn uống không cân bằng và thiếu vận động thể dục thể thao. Nhưng khi Bác Sĩ Arne Astrup, một giảng viên về môn học liên quan đến thể trọng tại đại học Copenhagen (thủ đô Đan Mạch), quan sát kỹ hơn những nhóm đối chứng có dấu hiệu mập phì, cô thấy rằng, vấn đề không giản dị như nhiều giới chuyên môn đã suy nghĩ. Vì rất nhiều người vô cùng năng động vẫn bị mập như thường, dù rằng họ nói rằng đã nhịn hẳn buổi sáng và buổi tối ăn rất nhẹ, và trong thực đơn của họ có rất ít chất béo.

Richard Atkinson, một tiến sĩ Y khoa chuyên nghiên cứu về chứng bất thường này tại đại học Wisconsin, Madison, miền Trung-Tây Hoa Kỳ, chú ý đến những loại virus (siêu vi khuẩn) gây bệnh loạn trí (Distemper Virus), virus gây bệnh Borna; Atkinson đã tìm thấy sự liên hệ giữa chứng mập phì và những loại virus này trên súc vật thí nghiệm. Cơ chế bệnh lý cho thấy, những súc vật sau khi nhiễm loại siêu vi này, trung khu thần kinh điều khiển sự thèm ăn bị kích thích một cách quá mức. Sự tăng trọng là hệ quả tất yếu của việc ăn uống thái quá. Từ những quan sát thực nghiệm này, Atkinson luôn luôn ám ảnh rằng, biết đâu sau một trận dịch siêu vi lây lan, như dịch cúm chẳng hạn, một chủng loại siêu vi nào đó bị biến dị và có khả năng gây rối loạn về hệ thống chuyển hoá chất mỡ trong cơ thể chúng ta, sau khi trận dịch đi qua, chúng để lại một di chứng mập phì ở nhiều người trên đường phố mà chúng ta thấy. Trong một bài thỉnh giảng của ông tại trường đại học Y khoa Washington ở St. Louis, Missouri, ông kết thúc bài giảng: Các bạn cứ cho là tôi nói đùa đi, nhưng nếu tôi chứng minh được sự mập phì có nguồn gốc từ virus, thì một hệ quả đương nhiên là chứng mập phì có thể lây từ người này sang người kia như bệnh cúm vậy. Nếu đúng như thế, thì các cô nên coi chừng, vì khi lên xe bus, hay khi vào thang máy, một ai đó nhảy mũi hắt hơi vào bạn, bạn hít phải virus gây mập và thế là bingo, một tuần sau bạn sẽ phì nhiêu hơn bây giờ rất nhiều.

Tuy có suy nghĩ và ngay cả giảng cho sinh viên nghiên cứu Y khoa về những manh nha trong ý nghĩ của ông, Atkinson đã chưa bao giờ đi tới nơi tới chốn để chứng minh cho ý nghĩ của mình là đúng sự thật, một cách thuyết phục theo tính chất biện chứng của khoa học. Hình như linh cảm cho ông biết rằng sẽ có sứ giả từ một miền đất nhiều thần linh và huyền bí đến mặc khải cho ông...

Tại thành phố Bombay, Ấn Độ năm 1988, Nikhil Dhurandhar đã bước vào đời một cách bình thường dung dị như bao sinh viên mới ra trường khác. Tốt nghiệp bảng đỏ từ trường thuốc, anh khởi nghiệp bằng những thành công rực rỡ về tài chánh cũng như danh vọng. Sinh trưởng trong một gia đình trâm anh thế phiệt, anh nối nghiệp cha mình đi theo con đường chăm sóc sắc đẹp cho các tiểu thư đài các, mà thân hình của họ không có được vóc dáng như cánh hạc sương mai. Anh mở một lúc đến ba trung tâm chữa trị chứng mập phì cho quý bà quý cô, nhưng vẫn không tài nào đáp ứng nổi nhu cầu ở một thành phố đông đến mười triệu dân. Mỗi năm, anh tiễn đi hàng ngàn bệnh nhân và mong rằng họ đừng bao giờ trở lại. Nhưng chỉ trong vòng một thời gian ngắn, khách củ lại đụng mặt khách mới. Tiền vẫn chảy đều vào trương mục của anh ở ngân hàng mà bệnh nhân vẫn không tận tuyệt với chứng quá tải của họ. Lương tâm cũng hơi cắn rứt, nhưng biết làm sao, kẻ có công, người có tiền, cuộc đời là một sự đổi trao sòng phẳng. Anh ung dung sống với vợ đẹp con ngoan cho đến một ngày định mệnh đến gõ cửa…

Sau một cơn cảm lạnh xoàng xỉnh, vợ anh từ một tiểu thư thân mai mình hạc, nay không hiểu vì sao ngày một nở nang ra mọi phía. Sự tăng trưởng kích cỡ ở những vị trí chiến lược trên hình hài của bà bác sĩ đã làm cho lương ông ăn không ngon ngủ không yên, trong khi ông nhà là một danh y chuyên đi chữa bệnh phì nhiêu trái ý cho biết bao người trong thành phố. Từ lâu, thị dân Bombay hết lòng ngưỡng mộ nhan sắc khuynh nước khuynh thành của bà bác sĩ, đặc biệt nhất, dù đã có con mà không một cô gái còn son nào bì kịp vóc dáng mảnh mai tơ liễu của bà. Còn đối với bác sĩ Dhurandhar, vợ anh không những là niềm tự hào cho anh ở những buổi dạ tiệc có nhiều tai mắt, mà dáng vẻ của bà nhà đã trở thành một nhãn hiệu cầu chứng cho cái doanh nghiệp hái ra kim cương của dòng dõi anh.

Nhưng nay thì những hào quang đó đã biến mất. Người ta ngày một ít thấy anh đi dạ tiệc, vắng hẳn anh trên truyền hình mỗi tối thứ bảy cùng người vợ xinh đẹp. Họa hoằn lắm mới thấy anh xuất hiện ở một vài bữa tiệc gây quỹ từ thiện. Mà nói cho ngay, anh chỉ đến cho có lệ rồi tất tả đi về. Còn vợ anh thì hầu như biến mất trong tầng lớp xã hội thượng lưu Bombay. Anh biếng ăn mất ngủ, người phờ phạc như kẻ thất tình. Mới ngoài ba mươi, đang lúc sung sức tràn đầy nhựa sống mà tóc anh đã lốm đốm ngã màu. Anh buồn bã sống trong nỗi thất vọng âm thầm. Cho đến một hôm...

Trong bữa cơm cuối tuần tại gia đình người cha Dhurandhar, Sharad Ajinkya, một nhà bệnh học thú y gia cầm, là chỗ thân quen với dòng họ Dhurandhar từ bao năm nay, ông ngồi gần bác sĩ Nikhil Dhurandhar, trong câu chuyện lúc trà dư tửu hậu, ông đề cập đến việc ông đang nghiên cứu một bệnh dịch siêu vi đang lan tràn trong nhiều trại nuôi gà công nghiệp vùng ngoại ô thành phố Bombay, làm chết hàng trăm ngàn con gà. Ajinkya vô cùng ngạc nhiên khi khám nghiệm tử thi những con gà chết, ông thấy cơ thể của chúng có số lượng mỡ cao một cách bất thường. Bác sĩ Dhurandhar đã tiếp nhận câu chuyện trên tri thức của một nhà chuyên môn về sự quá tải thể trọng. Tại sao chúng bệnh hoạn đến nổi không ăn uống được cho đến chết mà cơ thể của chúng còn nhiều mỡ đến vậy" Chúng phải không còn mỡ hoặc còn rất ít, mỡ phải bị phân giải đến mức không còn trong cơ thể của những con gà này, chúng đã bỏ ăn một thời gian lâu mà. Dhurandhar lẩm bẩm trên đường về.

Ngày hôm sau, Bác sĩ Dhurandhar đóng cửa phòng mạch và đến phòng nghiên cứu của nhà bệnh lý học Sharad Ajnkya để đề nghị cùng ông hợp tác nghiên cứu.

Hai nhà khoa học này phân lập virus trong những con gà mắc bệnh, đặt tên cho chúng bằng một ám hiệu vi sinh SMAM-1, sau đó tiêm vào những con gà lành để gây nhiễm loại siêu vi này.

Sáu tuần lễ sau khi gây nhiễm siêu vi, những con gà này được mổ để khám nghiệm lượng mỡ trong cơ thể của chúng. Tất cả những con đã bị gây nhiễm siêu vi đều có lượng mỡ cao hơn đến 50% so với những con trong nhóm đối chứng không tiếp xúc với SMAM-1. Lạ lùng hơn nữa, trong cơ thể của chúng không những lượng mỡ tăng cao, mà lượng cholesterol và triglycerides trong máu lại thấp hơn rất nhiều so với hàm lượng hai hợp chất này ở những con gà bình thường. Đây là điều nghịch lý về phương diện sinh lý bệnh, vì những động vật có chứng mập phì phải có hàm lượng hai phân tử này đủ cao, ít nhất cũng phải cao hơn bình thường, do vận chuyển mỡ trong máu.

Dhurandhar tò mò thử xem những dấu chứng lâm sàng và cận lâm sàng này có xuất hiện trên người hay không. Anh lấy máu của 52 bệnh nhân mắc chứng mập phì để tìm xem có chứa kháng thể chống SMAM-1 (SMAM-1 antibodies) hay không" (sự hiện diện của kháng thể là một cách gián tiếp để chứng minh rằng người bệnh đã bị nhiễm loại siêu vi này). Anh thấy rằng 20% bệnh nhân có chứa kháng thể chống SMAM-1, nghĩa là họ đã bị nhiễm siêu vi SMAM-1. Đồng thời những bệnh nhân này cũng có những dấu chỉ cận lâm sàng như anh và Ajinkya quan sát thấy trên gà: hàm lượng hai phân tử cholesterol và triglycerides trong máu đều thấp hơn so với những người bình thường. Cũng nên nhắc ở đây, hàm lượng cholesterol trong máu được cho là bình thường nếu nhỏ hơn 200 mg trong 100 ml máu thử nghiệm; và hàm lượng bình thường của triglycerides trong máu là 10-190 mg trong 100 ml máu thử nghiệm.

Khi quan sát thấy những số liệu mới này trong những thực nghiệm sơ khởi, tôi linh cảm được rằng, đây sẽ là một đề tài hết sức quan trọng cần phải theo đuổi. Dhurandhar đã tâm sự như vậy. Dhurandhar cũng đã nhận thức được rằng, anh sẽ không có cở sở thực nghiệm lẫn ngân sách tài trợ đủ mạnh, để có thể theo đuổi đề tài lớn lao này tại đất nước Ấn Độ đông dân và nghèo khó của anh. Dhurandhar tìm cách liên lạc với những cá nhân cũng như tổ chức chuyên nghiên cứu về chứng mập phì ở Mỹ. Mặc cho anh gởi đi hàng trăm lá thư, với hàng ngàn trang viết về kết quả thực nghiệm sơ khởi, cũng như những dự án nghiên cứu đầy hứa hẹn, giới khoa bảng ở Mỹ hầu như không ai chú ý đến một anh bác sĩ vô danh tiểu tốt người Ấn Độ với những ý tưởng có vẽ như hơi trật dìa.

Dhurandhar không nản chí, anh nghĩ rằng, nếu anh đích thân đến Mỹ và trình bày một cách tường tận, mặt đối mặt, với những đồng nghiệp Hoa Kỳ, biết đâu họ sẽ có phần tin tưởng hơn để hợp tác cũng như cấp ngân khoản cho anh tiến hành nghiên cứu. Tôi xin phép ba tôi, được sự đồng thuận của vợ và con trai tôi, tôi đã ngưng hoạt động tất cả ở cả ba phòng mạch của mình, gia đình tôi quyết định làm một chuyến phiêu lưu đến miền đất hứa. Đó là một bước nhảy lớn trong số phận của tôi, có thể nói rất lớn. Bác sĩ Nikhil Dhurandhar hồi tưởng.

Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng luôn mỉm cười với anh. Sau hai năm làm trợ tá nghiên cứu cho một vị giáo sư tại đại học Bắc Dakota, tại thành phố Fargo, đồng lương kiếm được chỉ đủ cho gia đình sinh hoạt trong sự tiết kiệm ở mức tối đa nhất. Anh đã đi đến biết bao nhiêu trường đại học, phòng nghiên cứu thực nghiệm, cũng như cá nhân những nhà khoa học có uy tín. Kết quả vẫn giống hệt như khi anh còn ở Ấn Độ. Nản chí, anh chuẩn bị khăn gói về lại cố hương và trở về với đời sống của một nhà doanh nghiệp trong lãnh vực chuyên môn của mình.

Tại trường đại học Wiscosin, thành phố Madison, tiến sĩ Y khoa Richard Atkinson, sau một thời gian đi tu nghiệp ở Âu Châu, trở về phòng làm việc, thu xếp lại những hồ sơ giấy tờ vung vãi một cách lộn xộn sau gần một năm trời đi xa. Trong đống hỗn mang đó, ông nhặt ra lá thư hơi là lạ, thư viết từ xứ sở nhiều thần linh và đầy huyền bí: Ấn Độ. Đọc xong, ông vội vã lên máy bay đi Fargo. Đến nơi, ông thấy gia đình Dhurandhar còn mỗi một chuyện là lên máy bay để về lại Bombay. Atkinson đã đùa với Dhurandhar trên chuyến bay về lại Madison: Tôi đã linh cảm biết rằng một sứ giả ở xứ sở huyền diệu đến mặc khải cho tôi!

Nhưng sự hợp tác nghiên cứu giữa hai nhà nghiên cứu Mỹ-Ấn Độ gần như đã kết thúc trước khi nó bắt đầu. Kế hoạch của Atkinson và Dhurandhar là nhập cảng loại virus SMAM-1 mà Dhurandhar và Ajinkya đã phân lập được từ Ấn Độ. Chúng tôi xin giấy phép nhập cảng siêu vi vào Mỹ từ bộ nông nghiệp. Họ nhanh chóng gởi cho chúng tôi một lá thư khuyên chúng tôi đừng điên rồ. Chúng tôi còn bị hăm dọa rằng, nếu loại virus này lọt ra ngoài gây nên bệnh dịch cho những nông trại nuôi gà của Mỹ, chúng tôi sẽ bị truy tố ngay lập tức. Atkinson đã kể lại. Không những gà chết, mà lỡ ra nó gây nên bệnh mập phì cho người Mỹ thì đúng là chết dỡ.

Ông nói thêm : Không thể nào tiến hành thực nghiệm như đã dự định, Dhurandhar và Atkinson đã thử thời vận một cách may rủi trước khi đầu hàng. Biết được SMAM-1 thuộc nhóm Adenovirus, họ đã liệt kê ra một danh sách gồm 50 loại virus khác nhau trong nhóm này đã được phân lập từ người và có bán trên thị trường, đó là những loại siêu vi gây ra bệnh ỉa chảy, cảm cúm và viêm kết mạc mắt (gây nên dịch đỏ mắt). Một cách ngẫu nhiên và hết sức may rủi, virus có ký hiệu vi sinh Ad-36 đã được chọn. Ad-36 tương đối khác biệt với những virus gây bệnh khác cùng nhóm nên khi lây nhiễm, chúng sẽ cho kháng thể dễ nhận diện hơn. Thứ hai có lẽ Ad-36 được chú ý vì lâu nay ít ai đoái hoài đến loại virus này. Người ta chỉ biết một cách mập mờ rằng Ad-36 đã được phân lập từ phẩn của một cô gái Đức đến Mỹ du lịch và bị mắc bệnh ỉa chảy do loại siêu vi này gây ra.

Nhưng sự chọn lựa run rủi này lại là một chọn lựa hết sức may mắn. Chỉ ba tuần sau khi cho ủ bệnh với loại virus này, đã có trên hai phần ba những con gà nhiễm bệnh có mỡ bụng nhiều hơn hẳn những con gà lành không lây nhiễm trong nhóm đối chứng. Và một lần nữa, Dhurandhar đã lập lại kết quả thực nghiệm cận lâm sàng trước mắt tiến sĩ Atkinson: lượng cholesterol và triglycerides trong máu của những con gà mập đều thấp hơn bình thường rất nhiều. Họ đã lập lại thực nghiệm này trên loài động vật có vú, chuột nhắt, và kết quả hoàn toàn y hệt. Hai phần ba những con chuột nhắt lây nhiễm siêu vi đã mập hơn, nhiều mỡ bụng hơn và lượng cholesterol, triglycerides đều thấp.

Sau khi thành công trên gà và chuột nhắt, hai nhà nghiên cứu đã tiến tới thực nghiệm trên một trong những loài động vật gần với loài người, loài khỉ đuôi sóc. Tại hội nghị khoa học Âu Châu chuyên đề về chứng mập phì tổ chức tại Antwerp, Bỉ, tháng 5 năm 2000, Dhurandhar và Atkinson đã báo cáo trước các nhà nghiên cứu thế giới phát hiện mới nhất của họ, trong kết quả thực nghiệm trên khỉ đuôi sóc. Sau sáu tháng kể từ ngày cho lây nhiễm loại siêu vi Ad-36, tất cả ba con khỉ thí nghiệm đều tăng gấp ba thể trọng của chúng. Cũng giống như gà và chuột nhắt, dấu hiệu cận lâm sàng trên khỉ cho thấy cholesterol và tryglycerides đều hạ thấp so với nhóm chứng. Kết quả thực nghiệm trên khỉ đã chứng minh một cách mạnh mẽ quan điểm của hai nhà nghiên cứu Dhurandhar và Atkinson, mà từ lâu các nhà chuyên môn trong cùng lãnh vực đã tỏ ý nghi ngờ về một tiến trình tương tự xảy ra trên người. Người ta có thể loại bỏ những giả thuyết đặt định trên cơ sở kết quả thực nghiệm ở gà. Họ đã làm vậy. Người ta cũng vẫn có thể nghi ngờ những cơ chế bệnh lý dựa vào thực nghiệm trên chuột nhắt và họ cũng đã làm như thế. Nhưng những kết quả thực nghiệm thu đạt được trên khỉ thật khó phủ nhận. Atkinson đã kết luận bài thuyết trình về đề tài của ông và Dhurandhar như vậy tại hội nghị Antwerp.

Giới chuyên môn phần nào đã có được niềm tin vào lý thuyết nhiễm khuẩn của chứng mập phì. Nhưng để có được một bằng chứng thuyết phục có tính cách khoa học, người ta phải tiến hành thực nghiệm trên người. Đây là một kế hoạch gần như không thể nào thực hiện được. Không ai điên khùng đứng ra để hai ông làm cho họ mập lên trong khi chưa có phương pháp nào chữa trị một cách hiệu quả và lâu bền. Atkinson và Dhurandhar đành phải đi con đường gián tiếp. Hai ông đã lấy mẫu nghiệm từ máu của 313 người có chỉ số thể trọng BMI trên 30, và từ máu của 92 người có BMI dưới 18. Tất cả những người tham gia thử nghiệm sống trên ba tiểu bang: Florida, New York và Wisconsin. Kết quả phân tích kháng thể chống virus Ad-36 trong máu của những người này cho thấy 32% những người mập (BMI > 30), trong khi chỉ có 4% những người ốm (BMI

Những gì mà Dhurandhar đã chứng minh thật đáng giật mình. Nếu một ai trong chúng ta kém may mắn, đi ngang qua trại gà, hay đi chung toa tàu với một người cảm cúm, lỡ hít phải loại virus SMAM-1 hay Ad-36, cầm chắc mười mươi y chục sẽ trở thành tròn trịa múp míp hình lu! Thật đáng sợ. John Foreyt, một nhà nghiên cứu về chứng mập phì hiện làm việc tại trường đại học Y khoa Baylor, Houston, Texas, USA, đã nói như thế sau buổi thuyết trình của Atkinson và Dhurandhar.

Cho dẫu bằng chứng khoa học ngày một minh bạch hơn, Atkinson và Dhurandhar vẫn không được giới khoa học công nhận sự khám phá của họ một cách rộng rãi. Lý thuyết bệnh lý hai nhà nghiên cứu này đưa ra vẫn gặp phải những chống đối mãnh liệt từ mọi phía.

Tôi nghĩ thái độ này khá điển hình trong cộng đồng những nhà khoa học. Người ta cảm thấy khó chịu trước những khám phá quá mới mẽ. Những bác sĩ của Úc, cách đây mười năm cũng bị chỉ trích tối tăm mặt mũi về lý thuyết sinh lý bệnh của loét dạ dày vùng hạ vị là do vi khuẩn Helicobacter pylori, Frank Greenway, một chuyên gia về ngành học Obesity ở trung tâm nghiên cứu sinh học Y khoa Pennington, thành phố Baton Rouge, bang Louisiana, phía nam miền trung tây Hoa Kỳ, đã phát biểu như vậy.

Sau khi đề tài được trình bày tại Âu Châu và đăng tải trên chuyên san Tạp chí thế giới về chứng mập phì (International Journal of Obesity) đầu tháng này, không một nhà khoa học nào, mà đại diện tạp chí đã tiếp xúc, cho rằng ý tưởng bệnh mập phì gây ra bởi virus là khùng điên. Phần lớn đều chấp nhận và cảm thấy thích thú, số khác, cẩn thận hơn, nói rằng, họ muốn chứng minh trên người. Tôi nghĩ chúng ta có thể nói vào lúc này rằng, virus Ad-36 có thể gây nên chứng mập phì ở một vài loài động vật, nhưng chưa có những thực chứng trên người, Giáo Sư Luc Van Gaal, thuộc đại học Antwerp đã kết thúc buổi họp báo một cách thận trọng.

Dhurandhar và Atkinson thừa nhận kết luận đó về mặt thực nghiệm là chính xác, rồi nói thêm Mọi người đều muốn chúng tôi chứng minh rằng siêu vi khuẩn Ad-36 đã gây nên bệnh mập phì trên con người một cách chắc chắn, không thể chối cãi. Nhưng chúng tôi chưa chuẩn bị một cách sẵn sàng để làm điều đó.

Nhưng như đề cập ở trên, đòi hỏi những bằng chứng trực tiếp trên người quả là điều khó khăn không thua gì lấp bể dời non. Về mặt lý thuyết, một cách lý tưởng nhất, bạn có nhúm người trong tay chịu để cho bạn gây nhiễm siêu vi khuẩn, rồi đem so sánh những triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng với nhóm người tương tự về chủng tộc, tuổi tác, giới tính, để tìm xem những sự khác biệt giữa hai nhóm chứng. Nhưng về nguyên tắc, không ai cho bạn tiến hành thực nghiệm theo khuôn mẫu súc vật như vậy ở trên người. Do đó, cách chọn lựa hay nhất là tìm hiểu cơ chế bệnh lý gây ra bởi siêu vi khuẩn trên súc vật ở khía cạnh sinh học phân tử, rồi đối chứng với những quá trình tương tự ở trên người. Frank Greenway đã đưa ra ý kiến như vậy.

Dhurandhar và Atkinson đã đi bước đầu tiên trong nghiên cứu cơ chế bệnh lý bằng cách nuôi cấy tế bào mỡ chưa trưởng thành lấy ra từ chuột nhắt trong môi trường có chứa siêu vi khuẩn Ad-36. Những tế bào mỡ này cho thấy một sự tăng trưởng nhanh chóng một cách bất thường so với những tế bào nuôi dưỡng trong môi trường không có virus Ad-36. Những tế bào bệnh lý này, sau đó được đưa trở lại vào cơ thể chuột nhắt lành mạnh, hai ông phát hiện thấy chúng tiết ra một nội tiết tố làm tích tụ thêm những tế bào mỡ khác, đồng thời làm cho chúng tăng trưởng nhanh hơn gấp nhiều lần. Điều này lý giải tại sao người mập mỗi lúc càng mập hơn.

Đi xa hơn một bước, Atkinson và Dhuandhar đang tìm xem tại sao virus Ad-36 làm hạ giảm hàm lượng cholesterol và triglycerides trong máu những động vật gây mập bằng cách cho nhiễm siêu vi. Siêu vi khuẩn phân giải phân tử cholesterol và triglycerides hay ức chế không cho chúng hình thành" Dù bằng cách nào chăng nữa nếu phát hiện được sẽ rất có lợi và là một bước tiến lớn trong ngành tim mạch, giúp chữa trị những bệnh nhân xơ cứng thành mạch vì tích tụ cholesterol.

Một hướng nghiên cứu khác mà Dhurandhar và Atkinson giả định là biến đổi yếu tố di truyền. Nếu sự nhiễm siêu vi đã dẫn đến sự biến dị yếu tố di truyền chịu trách nhiệm cho vấn đề chuyển hoá chất mỡ thì việc điều trị sẽ trở nên rất có triển vọng. Vì chỉ cần điều chỉnh yếu tố di truyền và loại trừ tác nhân gây bệnh, sẽ đảo ngược tiến trình tăng trọng của bệnh nhân một cách nhanh chóng.

Cuối cùng, hai ông cũng đang tiến hành những công trình khảo sát chế tạo vaccine để chủng ngừa phòng chống loại virus gây mập này. Nếu thành công, những người dễ nhạy cảm với loại virus gây mập sẽ thoát khỏi căn bệnh thiếu thẩm mỹ này. Được biết, Dhurandhar đã được một công ty dược phẩm lớn ở Mỹ mời cộng tác để chế tạo vaccine cũng như kháng sinh chống nhóm virus gây mập. Công trình tiến hành đến đâu đã không được tiết lộ do vấn đề cạnh tranh thương mãi.

Sau mười hai năm miệt mài, Nikhil Dhurandhar đã được trả công, mùa hè năm nay anh đã được phong học hàm Giáo Sư tại đại học Wayne State ở Detroit, một phẩm vị cao nhất đối với bất cứ một nhà khoa bảng nào. Tại đây, anh đã chứng minh được rằng, những con khỉ có chứng mập phì không còn tiết ra virus trong phân của chúng sau 60 ngày, mặc dầu trong máu của chúng vẫn còn kháng thể. Kết quả này nói lên được một điều, những người mập phì do virus gây ra sẽ không còn khả năng lây bệnh sau hai tháng. Trái lại, nếu nhốt chung với những con gà bị cảm cúm gây ra do virus Ad-36, chỉ cần 12 giờ sau là chúng nhiễm bệnh, và sau đợt nhiễm siêu vi, chúng sẽ tăng lượng mỡ trong cơ thể y hệt như những súc vật cho tiêm virus trực tiếp vậy.
Trong bài thỉnh giảng đầu tiên sau khi nhận chức Giáo Sư tại đại học Wayne State ở Detroit, Giáo Sư Bác Sĩ Nikhil Dhurandhar cùng với người bạn mười năm, Richard Atkinson, cũng vừa được sắc phong học hàm Giáo Sư Tiến Sĩ, đã kết thúc bài thuyết trình một cách đầy dí dỏm rằng: Những người mắc chứng mập phì thường bị xã hội kỳ thị một cách bất công. Người ta suy diễn biết bao nhiêu thứ xấu xa đổ trên đầu họ. Nào là con mụ mập này, thằng cha béo kia, rặt là thứ siêng ăn nhác làm, bụng thê lê ra và lưng bằng sập gụ, ngữ ấy thì chỉ giỏi phàm ăn vân vân. Nhưng thật ra đây là chứng bệnh, như bao nhiêu chứng bệnh nan y khác. Và các bạn hãy tin tôi, họ là những bệnh nhân vô hại vì không lây lan gì cho bạn. Nếu bạn muốn đề phòng, tôi khuyên bạn nên để ý đến những cô những cậu mình hạc xương mai, hể cứ trái gió trở trời là sù sà sụt sịt, nhảy mũi hắt hơi.

Lên xe bus, xe lửa hay vào thang máy mà gặp những bộ xương di động đó mới đáng sợ. Họ dễ tặng cho bạn một nhúm siêu vi Ad-36 và bingo, bạn sẽ gia nhập đoàn quân có thân hình bồ tượng!

15/8/2000

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Câu Lạc Bộ Nhiếp Ảnh Việt Nam/VN Photography Club sẽ tổ chức một cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật "Ánh sáng và sắc màu" tại Little Saigon, Nam Cali. Buổi triển lãm sẽ diễn ra hai ngày, Thứ Bảy và Chủ Nhật, 7 và 8 tháng 12 năm 2019 từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, tại Hội trường nhật báo Người Việt
Bộ trưởng quốc phòng Nam Han, Jeong Kyeong-doo và đồng nhiệm Trung Quốc, Ngụy Phượng Hòa đã đồng ý thiết lập thêm những đường dây nóng quân sự giữa hai nước và chuẩn bị cho chuyến công du của bộ trưởng Jeong đến Trung Quốc vào năm 2020.
Ánh nắng chiều đã tắt nhưng tôi vẫn như cảm nhận được cái nóng hừng hực qua cung cách vén ống tay áo để lau mồ hôi trán của người tưới cỏ.
Công Ty Disneyland sẽ chính thức tham dự cuộc Diễn Hành Tết tại Westminster với sự góp mặt của nhiều nhân vật trong đó có Mickey và Mini Mouse.
Thương vụ bán hàng trên mạng tại Hoa Kỳ Ngày Lễ Tạ Ơn đã tăng vọt 17$ tới 4.1 tỉ đôla, theo Salesforce cho biết. Doanh thu bán hàng mạng trên toàn cầu đã tăng còn nhanh hơn.
2 du khách của chiếc du thuyền Carnival Cruise Line đã chdết trong một xe buýt trong thời gian một tua độc lập tại Belize hôm Thứ Tư.
Thủ Tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi cho biết hôm Thứ Sáu rằng ông sẽ từ chức theo sau nhiều tuần lễ biểu tình bạo động và lời kêu gọi ông ra đi bởi nhà lãnh đạo tôn giáo hàng đầu quốc gia của phái Hồi Giáo Shia.
2 phi đạn được Bắc Hàn phóng đi hôm Thứ Năm “được cho là bắn từ một bệ phóng phi đạn nòng siêu lớn,” theo các viên chức quân sự Nam Hàn cho biết.
Cảnh sát Anh đã bắn chết một người tấn công khủng bố hôm Thứ Sáu tại Cầu London -- một sự kiện đau lòng đã khiến ít nhất một người vô tội thiệt mạng và một số người khác bị thương xung quanh con đường trọng yếu là nơi xảy ra vụ tấn công Hồi Giáo chết người chỉ hơn hai năm trước.
Trấn Cảnh Đồng nằm bên bờ sông Liễu Hạ, xinh đẹp như cảnh thiên thai ở chốn trần gian. Khách thương hồ đến đi mua bán quanh năm. Khách du thanh tú lịch lãm cũng dập dìu trẩy hội…
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.