Hôm nay,  

Xây Dựng Dân Chủ Iraq

18/04/200300:00:00(Xem: 4285)
Chế độ Saddam đã tan rã mau lẹ, giai đoạn giao tranh lớn đã kết thúc. Giai đoạn kế tiếp sẽ mất nhiều thời giờ hơn, vì xây dựng một chế độ mới cho một nước như Iraq là một tiến trình khó khăn. Bước đi nhỏ đầu tiên trong cuộc họp ở Ur đã làm nổi bật tính phức tạp mà các nhà phân tích đã dự liệu từ trước khi Mỹ mở cuộc tấn công quân sự. Iraq là một nước chỉ bằng khoảng diện tích tiểu bang California, có nhiều thành phần dân tộc khác nhau, và tuy đại đa số theo đạo Hồi nhưng đạo này cũng chia làm hai phái Sunni và Shiite thường kình chống nhau.
Miền Bắc Iraq có dân tộc Kurd theo Hồi giáo Sunni nhưng không phải gốc Ả rập. Dưới thời đế quốc Thổ Ottoman vào thế kỷ 16, dân tộc Kurd sống rất đông trên một vùng bao gồm cả những phần lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ngày nay. Riêng trên phần đất Iraq, người Kurd có dân tộc tính rất mạnh, nên nhân cuộc chiến Bão sa mạc năm 1991, họ đã tự giải phóng khỏi ách độ hộ của Saddam Hussein với ý định thành lập một nước độc lập. Saddam đã dùng hơi ngạt đàn áp, nhưng rút cuộc vẫn phải để cho người Kurd có một khu tự trị ở miền Bắc. Lần này Mỹ tấn công Iraq, nguời Kurd đã hợp tác với liên quân ở mặt trận miền Bắc và ước mơ lập quốc của họ càng lớn, nhưng gặp phải sự chống đối dữ dội của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại miền Nam Iraq, đa số là dân Ả rập nhưng Hồi giáo của họ là Shiite, trong khi nước Iran ở cạnh cũng là Hồi giáo Shiite. Trong 24 triệu dân Iraq, có 1/3 là Sunni, còn lại hầu hết là Shiite. Người Sunni sống ở miền Trung Iraq trong đó có thủ đô Baghdad và thành phố Tikrit, gốc của Saddam và đảng Baath. Như vậy người Sunni chỉ là thiểu số nhưng cai trị độc quyền Iraq từ năm 1963, khi đảng Baath cướp được chính quyền. Saddam Hussein có mộng "Ả rập hóa" Iraq, nhưng ông ta đã bị những sự chống đối từ người Kurd và những người Shiite mà một số là gốc Ba tư (Iran). Tuy chế độ Saddam không phải là chế độ giáo quyền, nhưng ông ta và đảng Baath là Sunni, cũng giống như Syria là Hồi giáo Sunni và đảng Baath của Syria cũng là Hồi giáo Sunni.
Dân chúng Iraq không có sự đồng nhất về chủng tộc. Nhưng về tôn giáo đại đa số là Hồi giáo, họ có sự đồng nhất hay không" Từ ngàn xưa hai phái Sunni và Shiite vẫn chống lẫn nhau, họ chỉ sống yên bên nhau khi có một sức mạnh cai trị độc tài đè nặng lên họ. Thế nhưng trong nội bộ mỗi phái Sunni và Shiite cũng không có sự đoàn kết. Thí dụ trong thập niên 80, khi chế độ Saddam Hussein (Sunni) lâm chiến với Iran (Shiite), nước Syria (Sunni) lại ủng hộ Iran chớ không ủng hộ Iraq. Trong nội bộ Shiite ở ngay miền Nam Iraq cũng không có sự đồng nhất. Sau khi Mỹ giải phóng được miền Nam Iraq tuần qua, tại thành phố thiêng liêng An-Najaf của người Shiite, một giáo sĩ nổi tiếng của Shiite là Abdul Majid al-Khoei, đã bị đám đông dân chúng shiite nổi giận bao vây, đâm bằng dao và bắn chết. Ông này từ Anh quốc trở về để hô hào dân chúng hợp tác với liên quân. Sự tức giận của dân Shiite có thể vì sự tranh chấp ngôi đền thờ Iman Ali. Đền này theo tục truyền có nấm mồ của Ali, con rể của đấng Tiên tri Mohammed. Vào thế kỷ thứ, 7 Ali đã gây ra sự tách rời phái Shiite thiểu số với phái Sunni đa số của đạo Hồi thời đó. Phe phái Shiite ở An-Najaf nghi kỵ một phe phái Shiite khác muốn chiếm quyền kiểm soát đền Iman Ali.

Giữa một bối cảnh phức tạp như vậy, tuần này một bước nhỏ khiêm tốn đã bắt đầu để mưu cầu xây dựng một chế độ hậu Saddam. Khoảng 80 người đại diện các phe phái Iraq đã đến tham dự cuộc họp do Mỹ chủ trương ở một nơi gần di tích thành Ur, nơi theo truyền thuyết là sinh quán của Abraham, tổ phụ của ba tôn giáo lớn ở Trung Đông. Trong số người tham dự có đại diện người Kurd, Shiite và Sunni, ở trong nước cũng như từ ngoài nước trở về. Tuy nhiên một số người Hồi giáo đã tẩy chay hội nghị để phản kháng kế hoạch của Washington đặt một tướng lãnh hồi hưu làm Quản trị lâm thời của Iraq, trong khi hàng ngàn người đứng bên ngoài la ó phản đối: "Không với Mỹ và không với Saddam". Cuộc họp có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cũng thỏa thuận được vài điều cơ bản: Iraq phải là một nước dân chủ, đảng Baath của Saddam phải bị giải tán và một chính phủ mới phải mở rộng cho tất cả các phe nhóm quốc gia tham dự. Phát ngôn nhân Bạch Cung Zalmay Khalilzad đã bảo đảm với các đại biểu rằng Mỹ "không muốn và không hề muốn cai trị Iraq". Hội nghị đồng ý sẽ họp lại trong 10 ngày tới.
Những dân tộc vừa thoát khỏi ách cai trị của một chế độ độc tài đảng trị hay cảnh sát trị đều mong muốn có một chế độ dân chủ, đó là điều dễ hiểu. Nhưng mong muốn là một việc, có hoàn thành được dân chủ hay không lại là chuyện khác. Iraq đã được giải phóng, các phe phái chủng tộc và tôn giáo trước đây bị kìm kẹp dưới bàn tay sắt của Saddam đều nằm im re, nay vừa được thoát cũi xổ lồng đã ra mặt kình chống nhau chí tử. Dân chủ là thế chăng" Đúng, dân chủ là thế đó, nhưng dân chủ không phải là một khẩu hiệu hùng hồn hay một bảng hiệu hào nhoáng mà là một tập quán, một nếp sống. Không phải chỉ hô lên một tiếng là có được tập quán và nếp sống đó. Cần phải học hỏi, cần phải có thời gian. Chúng tôi nghĩ việc dân chủ hóa Iraq có hai điều kiện tiên quyết: 1) toàn vẹn lãnh thổ, 2) ổn định trật tự. Để hoàn thành hai điều kiện này, Iraq phải có ngay một chính quyền mạnh của người Iraq mà không nhất thiết phải là do dân chúng bầu ra hay do các phe đảng lựa chọn. Bởi vì nhiệm vụ của chính quyền chỉ là ổn định cuộc sống của người dân. Việc bầu cử tự do theo thể chế dân chủ chỉ đến sau, có thể sau một thời gian hơi dài. Nước Mỹ có hai sự lựa chọn: việc xong rồi, đem con bỏ chợ hay ở lại vài năm, chịu tốn người tốn của cho đến khi Iraq có một nền dân chủ thực sự.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.