Hôm nay,  

Thế Giới Đầu Thế Kỷ 21

17/03/200300:00:00(Xem: 4185)
Sau vụ quân khủng bố tấn công Trung Tâm Thương Mãi Thế Giới (World Trade Center, WTC) biểu tượng quyền lực kinh tế và Ngũ Giác Đài (Pentagon) biểu tượng sức mạnh quân sự của siêu cường quốc duy nhất trên thế giới ngày 11 tháng 9 năm 2001, Hoa Kỳ nhận thức được rằng lục địa Mỹ Châu ngăn cách bởi hai đại dương và cận kề hai láng giềng thân thiện Canada và Mexico không còn là nơi bất khả xâm phạm. Thật vậy, chỉ vài chục quân khủng bố đánh cướp phi cơ dân sự rồi lao vào Trung Tâm Thương Mãi Thế Giới và Ngũ Giác Đài không những, một cách cụ thể, phá sập các tòa cao ốc WTC và một góc Pentagon, giết hại hơn ba ngàn người dân lương thiện mà quan trọng hơn, còn đánh lung lay nền kinh tế nước Mỹ, vốn đặt căn bản trên tự do mậu dịch và niềm tin vào thị trường chứng khoán. Cuộc tấn công cảm tử này cũng chứng tỏ rằng các nhóm thù nghịch nhỏ yếu tìm ra phương tiện hữu hiệu của nhà nghèo để khủng bố siêu cường Hoa Kỳ ngay trong lòng lãnh thổ nước Mỹ. Mặt khác, cuộc tấn công bất ngờ gây thiệt hại lớn lao đã phô bày nhược điểm của biện pháp bảo vệ nền an ninh quốc gia khiến chính phủ HK đã phải xét lại toàn bộ kế hoạch phòng thủ nội địa cũng như thế chiến lược toàn cầu một lần nữa hầu có thể đối phó hiệu quả với hình thức chiến tranh mới.

Thế Giới Thân Thiện Hơn
Trước Đệ Nhị Thế Chiến, chính sách "Châu Mỹ Của Người Mỹ Châu" đã giữ Hoa Kỳ bất can thiệp vào những xung đột xảy ra tại các lục địa khác. Hoa Kỳ vẫn "điềm nhiên tọa thị" đứng ngoài cuộc Đệ Nhị Thế Chiến mặc cho khối Trục gồm Đức, Ý và Nhật thao túng chiếm đoạt các quốc gia khác, mãi đến khi Nhật bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng vào ngày 7 tháng 12, 1941, dồn Mỹ vào chân tường lúc đó Mỹ mới bừng tỉnh kịp thời mà tuyên chiến với khối Trục. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, thế giới chia ba thành thế chân vạc: Tự Do, Cộng Sản và khối Phi Liên Kết. Thế Giới Tự Do và khối Cộng Sản đã kèn cựa nhau trong gần phần tư thế kỷ với những cuộc chiến tranh tạo ảnh hưởng tiêu biểu qua những cuộc chiến dành độc lập của các nước bị trị ở khắp nơi từ Ma Rốc bên Phi Châu, Ấn Độ tại Trung Á đến Việt Nam tại Á Châu. Chiến Tranh Lạnh xảy ra giữa Hoa Kỳ và Nga Sô khởi đầu từ cuộc Phong Tỏa Tây Bá Linh năm 1949 đã đưa thế giới vào tình trạng căng thẳng đáng sợ và đẩy nhân loại tới sát bờ vực thẳm của cuộc chiến có thể tiêu diệt cả nhân loại giữa hai cường quốc nguyên tử lãnh đạo hai khối do biến cố Phi Đạn Nga tại Cu Ba năm 1962. Khoảng giữa thập niên 80s trở đi, khối Cộng Sản Đông Âu và Nga Sô lần lượt sụp đổ do nền kinh tế chỉ huy bị phá sản đã chấm dứt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh năm 1989. Hiện nay, những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật phát triển ngành hàng không, truyền thông và nhất là hệ thống tin học đã tạo phương tiện cho loài người từ mọi ngõ ngách trên thế giới đối thoại, tiếp cận và thông cảm nhau hơn. Thế giới dường như nhỏ lại và sinh hoạt của mọi quốc gia không còn biệt lập mà có ảnh hưởng hỗ tương dẫn đến tình trạng hợp tác làm ăn mật thiết với nhau; vì thế các nước như Nga Sô và Đông Âu, sau khi từ bỏ Chủ Nghĩa Cộng Sản đã trở nên thân thiện với Thế Giới Tự Do.

Dân-Chủ-Hóa Toàn Cầu
Sự tháo gỡ giới hạn về biên giới, luật lệ giao thông, thuế má và tiền tệ giữa các quốc gia trong cùng một vùng kinh tế khiến các quốc gia thuộc khối Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ (NAFTA), khối Liên Hiệp Âu Châu (EU) hoặc khối Tự Do Mậu Dịch Á Châu (AFTA) giao thương thật thoải mái với nhau nhưng lại đòi hỏi mỗi nước phải tôn trọng tiêu chuẩn và luật lệ chung củaTổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) như nâng cao phẩm chất hàng hóa, hiệu năng sản xuất và giảm giá hàng hầu có thể cạnh tranh với quốc gia khác. Ví dụ, muốn chế tạo một chiếc xe hơi, các hãng General Motors, Ford hoặc Chrysler tại Hoa Kỳ nhập cảng nhiều bộ phận phẩm chất tốt giá thành rẻ, sản xuất từ nhiều nước khác để ráp thành chiếc xe hơi bán cho giới tiêu thụ nội địa hoặc xuất cảng sang chính các nước sản xuất bộ phận cho chiếc xe đó. Sự di chuyển bằng phản lực Concorde Mach 2 nối liền Nữu Ước với Luân Đôn trong 3 tiếng đồng hồ, sự liên lạc qua hệ thống tin học và mạng lưới Internet dùng fiber optics chuyển với vận tốc hàng tỉ tín hiệu bits trong một giây đã cho phép nhiều công ty trên thế giới thực hiện những dịch vụ thương mãi một cách nhanh chóng và dễ dàng. Chính vì thế, HK nhận thấy rằng họ cần phải thay đổi thế chiến lược toàn cầu hầu đáp ứng với tình thế mới: dùng ảnh hưởng kinh tế, văn hóa thẩm nhập dần dần hầu thay đổi tư duy, quan niệm, lập trường chính trị của người dân nước liên hệ, tận dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại. Nói chung, thế chiến lược toàn cầu hiện nay là "sống chung hòa bình, ổn định xã hội, phát triển kinh tế giữa các quốc gia trên thế giới" mà tránh tối đa những xung đột lâu dài, tốn kém về tài nguyên và nhân lực. Hoa Kỳ phải duy trì cương vị siêu cường có thực lực duy trì nền hòa bình thế giới và bảo đảm lý tưởng dân chủ và chiến lược của họ nên dù muốn hay không, cũng nhận lãnh nhiệm vụ cảnh sát quốc tế vì rằng chẳng ai có khả năng và tiền của hơn. Áp dụng chiến lược mới, HK sẽ theo đuổi chính sách triển khai tinh thần dân chủ tới tận mọi ngõ ngách trên toàn cầu để xóa nhòa những bất công, giảm bớt nghèo đói và nâng cao mức sống đặc biệt là những quốc gia họ mong muốn. Thật vậy, khi người dân một nước nghèo trực tiếp mắt thấy tai nghe, xử dụng tiện nghi vật chất và tinh thần do các nước tiền tiến đem lại, họ càng ngày càng đòi hỏi cuộc sống tiện nghi hơn nữa để theo kịp trào lưu văn minh và tiến hóa của nhân loại. Tương tự, khi người dân sống dưới chế độ độc tài nhìn thấy nếp sống tự do trong một nước dân chủ, tôn trọng nhân quyền, họ sẽ đòi hỏi một đời sống dân chủ thoải mái thay vì chịu áp bức, khinh khi. Dùng sách lược dân-chủ-hóa toàn cầu lấy kinh tế, văn hóa làm động lực thay đổi thể chế chính trị tại các quốc gia họ muốn, Hoa Kỳ một mặt giúp nhiều quốc gia khác mở mang, mặt khác phục vụ cho quyền lợi của Hoa Kỳ bằng cách không nhiều thì ít trực tiếp can thiệp vào chủ quyền của các nước đó. Nhiều quốc gia phong kiến, bảo thủ nhận thấy khó thể "bế môn tỏa cảng" để tránh cơn bão "dân-chủ-hóa" nên cũng đành chuyển mình thay đổi để tồn tại. Chiến lược "dân-chủ-hóa toàn cầu" đang tiến hành tốt đẹp tưởng chừng thế giới sẽ qui về thể chế dân chủ trong thời gian ngắn thì một số lãnh tụ độc tài cảm thấy chính sách này bất lợi cho mình, tìm cách bảo vệ quyền hành và quyền lợi nên đã xử dụng chiến tranh khủng bố chống lại siêu cường Hoa Kỳ và một khi "kẻ liều mạng" làm liều thì HK có nguy cơ bị thiệt hại nhiều nhất. Thật vậy, chiến tranh hiện nay không thuần túy chiến tranh quy ước, dùng xe tăng, đại pháo, phi cơ giàn quân đánh đấu nhau mà được thi hành dưới nhiều hình thức bất quy ước, du-kích-chiến, khủng bố với các vũ khí có tầm sát hại khủng khiếp, nhanh chóng và có thể êm ái hơn như vũ khí nguyên tử, hóa học hay vi trùng. "Ngăn chận cuộc tấn công khủng bố trước khi nó xẩy ra" là phương pháp diệt khủng bố hay nhất; tuy nhiên, "bằng cách nào cho thật hữu hiệu"" vẫn chưa có câu trả lời ổn thỏa.

Hình Thức Chiến Tranh Mới
Khoa học tiến bộ vượt bực trong thời đại Tin Học được ứng dụng chế tạo nên nhiều loại chiến cụ tân tiến như máy bay tàng hình, máy nhiễu xạ phá tín hiệu radar, mắt thần theo dõi nhất cử nhất động của mọi sinh hoạt trên mặt địa cầu của mục tiêu nhỏ như con người từ ngoài không gian. Những vũ khí chính xác như bom tinh khôn điều khiển đánh mục tiêu bằng tia laser, cruise missle tự tìm và tấn công mục tiêu bất cứ ở đâu, hỏa tiễn phá hủy những mục tiêu đang bay trên không trung hay bom địa nhiệt mới có tầm sát hại rộng lớn cả những địch quân ẩn náu ngầm dưới địa đạo trong lòng đất. Những phát minh mới này đã giúp Hoa Kỳ chiến thắng nhiều cuộc chiến gần đây một cách dễ dàng, nhanh chóng và giảm thiểu thiệt hại về nhân mạng binh sĩ. Cuộc Hành Quân "Bão Sa Mạc" kết thúc chiến tranh vùng Vịnh trong khoảng 6 tháng với số quân Mỹ thiệt hại chưa đến 150 người đa số có thể nói vì tai nạn. Cuộc không tập liên tục tại Kosevo, kéo dài cũng khoảng nửa năm đưa đến sự đầu hàng của tổng thống độc tài Nam Tư Milosevic mà số quân Mỹ thiệt mạng không đáng kể. Cuộc chiến tại Afghanistan khiến Nga Sô tốn 10 năm với bao thiệt hại vẫn không xong, liên quân Hoa Kỳ và Đồng Minh đã quét sạch chính quyền Taliban bảo trợ Al Qaida chỉ mất gần năm trời kể từ tháng 10, 2001. Nhiều vũ khí tân kỳ gấp bội có tầm sát hại khủng khiếp như máy thu điện lực và làm tê liệt các tế bào sinh vật mà nhà Bác Học Marconia của Ý phát minh vào thời Đệ Nhị Thế Chiến rồi sau đó tự hủy vì thấy hậu quả khôn lường của nó hoặc đại bác bắn tia Laser không còn là chuyện khoa học giả tưởng mà rất có thể sẽ được xử dụng vào đầu thế kỷ 21. Thế nhưng, những vũ khí thần kỳ đó có khả năng ngăn chận những cuộc tập kích của quân khủng bố trong tương lai hay không" Biến cố 911 trả lời thật rõ ràng! Không viên chức cao cấp thẩm quyền trong nội các Hoa Kỳ nào có thể khẳng định sẽ ngăn chận được những hành động khủng bố trong một nước rộng lớn theo tinh thần dân chủ, tôn trọng nhân quyền, nhiều kẽ hở mà địch thủ dễ dàng lợi dụng như nước Mỹ. Chính vì thế, bàn cờ thế giới thời hậu Chiến Tranh Lạnh tưởng chừng hòa dịu hơn, nhưng dưới lớp vỏ ổn định tạm thời đó là mầm mống của những âm mưu, kế hoạch đang hình thành cho một thế chiến lược toàn cầu nhiều thử thách trong nửa đầu thế kỷ.

Chiến Lược Của Hoa Kỳ
Cuộc khủng bố 911 nhắm phản kháng mũi dùi kinh tế của Mỹ, một cách tình cờ, kết hợp với sự làm ăn thiếu thanh liêm đưa đến sự phá sản của vài công ty lớn như Enron, WorldCom đã khiến dân chúng Mỹ lo sợ và giảm niềm tin vào đầu tư càng làm gia tăng sự thiệt hại kinh tế theo tác dụng giây chuyền. Mang tâm trạng bất an của "con chim bị bắn hụt" các nhà doanh thương tránh tối đa sự chuyển dịch bằng phi cơ, hội họp tại các trung tâm thương mãi đông đúc và nhiều công ty làm ăn thua lỗ phải giảm số nhân viên để đáp ứng với nền kinh tế đang xuống dốc. Dĩ nhiên, khi kinh tế chậm lại thì niềm tin vào thị trường chứng khoán cũng giảm theo và dân chúng giữ tiền phòng thân, ít đầu tư vào stock, bond gây nên thị trường chứng khoán tụt dốc thảm hại: Dow Jones từ hơn 10 ngàn trước tháng 9 năm 2000 xuống còn 8 ngàn chỉ trong vòng nửa năm sau biến cố 911. Chính niềm tin vào khả năng phục hoạt của các công ty và sự an toàn của môi trường trao đổi những dịch vụ thương mãi sẽ khuyến khích người dân đầu tư và giúp phục hồi nền kinh tế HK nhanh nhất nên chính phủ HK đã tuyên bố thẳng thắn quyết tâm diệt trừ khủng bố khắp nơi trên thế giới. Hoa Kỳ chọn phương thức lấy "công làm thủ" trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu là một chiến lược "diều hâu" có thể mang tiếng "ỷ mạnh hiếp yếu" nhưng nếu những cuộc dàn xếp chính trị thất bại thì đó chính là chiến lược thích hợp nhất đối với chiến tranh khủng bố trong thời đại mới này. Mang danh một siêu cường duy nhất trên thế giới, Hoa Kỳ không thể là một "con cọp giấy" để bọn khủng bố trêu ngươi "vuốt râu hùm" lúc nào cũng được. Hoa Kỳ không thể thụ động để bọn khủng bố nắm thế thượng phong, ưu tiên chọn lựa chiến trường, thời điểm phá hoại nền an ninh quốc gia, khủng bố tinh thần nhân dân, đánh sập nền kinh tế và đe dọa đời sống tự do, thanh bình của dân Mỹ. Hoa Kỳ không thể bạc nhược nghĩ như nhiều nhóm phản chiến: "Đánh khủng bố thì bọn chúng càng gia tăng khủng bố hơn." Một cách cụ thể, Muhammad Williams và Lee Malvo đã gieo kinh hoàng cho dân chúng trong vùng Washington DC, Maryland và Virginia vài tháng trước đây, chúng ta không thể nghĩ rằng, vây bắt chúng thì chúng sẽ trả thù bằng cách giết người tàn khốc gấp bội nên tốt hơn đừng đụng đến chúng. Thử hỏi, mọi người sống trong vùng chung quanh Washington DC có yên tâm không hay bị khủng hoảng tinh thần vì bị ám ảnh, mất ăn mất ngủ bởi sự hiện hữu của hai kẻ khủng bố đó" Tại sao, cả hệ thống cảnh sát, quân đội, an ninh nội địa, FBI và CIA hùng hậu mà để mấy kẻ sát nhân làm xáo trộn hoặc đe dọa thường trực cuộc sống yên lành của dân chúng" Tại sao ta không diệt trọn ổ mấy kẻ khủng bố để người dân khỏi phải lo ngay ngáy, không dám ra đường, đi chợ, dừng xe đổ xăng vì không biết lúc nào đến lượt mình bị bắn sẻ" Chúng ta biết rằng chiến tranh khủng bố cũng tương tự như du-kích-chiến mà còn tàn bạo hơn là đằng khác bởi vì bọn khủng bố nhắm vào thường dân, công sở, tư gia, v.v. nhằm gây khiếp hãi, làm co cụm mọi sinh hoạt thường nhật của dân chúng. Nên chi, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Hoa Kỳ chọn lối "đánh phủ đầu" những nhóm khủng bố nào dám đụng đến họ và làm thiệt hại quyền lợi của họï. Nhưng nếu không nghiên cứu mục tiêu cẩn thận trước khi hành động, HK có thể gây họa cho những người dân lương thiện và gây căm phẫn cho thế giới; nên chi, song song với hoạt động ngăn chận khủng bố, HK tốt hơn nên nỗ lực tăng cường về mặt ngoại giao để thuyết phục thế giới ngả theo mình. Kế hoạch "lùng và diệt" khủng bố cũng là cơ hội thuận tiện cho HK bung ra tạo ảnh hưởng tại một số quốc gia mà trước đây, họ chưa có cơ hội như Indonesia tại Á Châu cho đến Qartar ở Phi Châu. Tuy nhiên, đó chẳng phải là một kế hoạch chiến lược dễ thực hiện vì Hoa Kỳ sẽ gặp chống đối không những từ các cường quốc dân đông như Nga Sô, Đức, Ấn Độ, khối Hồi Giáo và Trung Quốc do tâm lý muốn giữ thể diện, dìm ảnh hưởng Hoa Kỳ mà một cách đặc biệt, còn từ những liên minh kinh tế vùng như khối Liên Hiệp Âu Châu (EU), khối Liên Minh Tự Do Mậu Dịch Á Châu (AFTA), v.v. do sự cạnh tranh kinh tế.

Hình Thái Bàn Cờ Thế Giới Đầu Táhế Kỷ 21
Ấn Độ về nhân số chỉ xấp xỉ TQ nhưng vị trí Ấn Độ nằm kẹt giữa Pakistan và TQ và với tinh thần tồn cổ, hạ tầng kiến trúc về tiện ích như hệ thống phân phối điện nước, khí đốt, giao thông, truyền tin cổ lỗ, Ấn Độ khó thu hút vốn ngoại quốc đầu tư để phát triển nhanh như TQ ngoại trừ ngành nhu liệu điện toán. Nga Sô đang yếu, nhưng con Gấu Nga có đủ nguồn liệu, nhân tài để vươn lên lại; tuy nhiên, nước Nga rút kinh nghiệm một nước Cộng Sản nghèo đói hơn nửa thế kỷ sẽ không quay ngược trở lại con đường CS mà sẽ gắn bó với Tây Phương hơn. Vì vị trí địa dư bị hai khối lớn EU và TQ chẹn đường; hơn nữa, Âu Châu bao gồm nhiều cường quốc thuộc khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên về lâu dài, Nga Sô sẽ có lợi về cả chính trị và kinh tế nếu trở nên một thành viên của khối Liên Hiệp Âu Châu. Chiến lược của Nga Sô trong tương lai gần chỉ nhắm vào phục hồi nền kinh tế yếu kém, gây dựng ảnh hưởng và uy tín đối với khối Tây Âu và giữ thế trung lập, làm ngư ông hưởng lợi. Dẫu chưa chính thức trở nên một thành viên uy tín của khối EU và NATO, Nga sẽ tìm mọi cách cản trở, gây khó khăn hoặc làm giảm ảnh hưởng của siêu cường Hoa Kỳ tại khắp nơi trên thế giới. Một khi xây dựng lại được cương vị đại cường của mình, gia nhập khối NATO, cạnh tranh thế lực được với Pháp, Đức lúc đó Nga Sô sẽ lợi dụng tiếng nói uy quyền của khối này để phân ba thiên hạ một cách êm thắm hơn: Nga Sô kiểm soát Âu Châu, TQ kiểm soát Á Châu và Hoa Kỳ khống chế phần đất còn lại. Một cách tổng quát, tình hình thế giới sau thời Chiến Tranh Lạnh dần dần ổn định hơn, trong thời gian này nó hình thành hai vùng núi lửa ngầm chuyển động là Trung Đông và Á Châu, chúng ta sẽ lần lượt xét đến sau đây.

Mặt Trận Trung Đông
Cuộc xung đột giữa khối Hồi Giáo và Do Thái tại Trung Đông luôn là mối đe dọa cho nền hòa bình thế giới. Do Thái và Ả Rập mang mối thù truyền kiếp từ thời Cựu Ước và nhiều người dân cả hai phe đều khư khư giữ lập trường cực đoan của mình nên khó tìm giải pháp cho một nền hòa bình lâu dài. Năm 1948, sau khi vận động thế giới và ủng hộ tích cực cho việc tái tạo quốc gia Do Thái, Hoa Kỳ gây được ảnh hưởng trong khối Hồi Giáo từ đầu thập niên 50 đến nay nhờ đầu cầu Do Thái mọc mầm sâu trong vùng đất Trung Đông. Những nước Hồi Giáo cổ truyền, cực đoan nhiều thành kiến về Thiên Chúa Giáo cũng như sự khác biệt ý-thức-hệ chính trị dân chủ đối với quân chủ phong kiến đã càng ngày càng đào sâu thêm hố ngăn cách với Do Thái và thù lây đến Hoa Kỳ bởi nhiều lý do. Thứ nhất, sự tích cực ủng hộ và yểm trợ Do Thái nhất là về quân sự đè bẹp lực lượng của Liên Quân Ả Rập trong mấy cuộc chiến xảy ra năm 49, 56, 67 và 73 đã khiến cho thù hận giữa HK với các quốc gia Ả Rập càng sâu đậm hơn. Lý do thứ hai, Sadam Hussein sẽ dùng bạo lực nhất là vũ khí sát hại hàng loạt (mass destruction) uy hiếp các nước nhỏ yếu chung quanh rất giầu về dầu hỏa như Saudi, Kuwait để kiểm soát và dùng dầu hỏa làm vũ khí áp lực Tây Phương. Giả thử Iraq thành công trong ý đồ này, một khi Iraq trở thành lãnh tụ của khối Hồi Giáo, kiểm soát được 2/3 tổng lượng dầu trên thế giới, chỉ nghĩ đến giá dầu thô sẽ tăng từ khoảng $24/thùng vào năm 2000 lên tới gần $50/thùng, chúng ta cũng hiểu được mối ưu tư của thế giới như thế nào. Do đó, Hoa Kỳ sẽ phải duy trì giòng dầu chảy và bảo vệ các quốc gia đồng minh ôn hòa thân Tây Phương như Kuwait, Saudi, Ai Cập, Jordan để kiểm soát giá cả dầu thô cho thế giới nếu không muốn bị Iraq tống tiền. Lý do thứ ba, một Iraq mạnh về quân sự sẽ là mối nguy lớn cho nền an ninh của quốc gia Do Thái và đe dọa các nước Hồi Giáo hiếu hòa trong vùng; nên chi, Do Thái sẽ hành động quyết liệt "tiên hạ thủ vi cường" đánh phủ đầu Iraq và sẽ gây nên chiến tranh lớn với khối Ả Rập. Điều tế nhị này Hoa Kỳ từ trước đến giờ không muốn xảy ra vì càng đổ thêm dầu vào lửa, khơi sâu thêm lòng thù hận giữa các nước Ả Rập và Do Thái mà thôi.

Về mặt kinh tế, qua các cuộc chiến trước đây, quân đội Do Thái đã đánh bại Liên Quân Ả Rập một cách nhanh chóng mà vũ khí Mỹ viện trợ cho Do Thái chứng tỏ khả năng vượt trội hẳn vũ khí do Nga Sô và khối Cộng cung cấp cho khối Ả Rập đã quảng cáo một cách hùng hồn cho chiến cụ của Mỹ. Sự xung đột truyền kiếp giữa Do Thái và khối Ả Rập, "vô tình hay cố ý" tạo nên thị trường tiêu thụ vũ khí, chiến cụ lâu dài vì cả hai phe thù nghịch đều muốn mua vũ khí, phi cơ, xe tăng, hỏa tiễn tối tân của Hoa Kỳ giúp mang mối lợi lớn lao cho kỹ nghệ chiến tranh phát triển. Do đó, trong thâm tâm, Hoa Kỳ cũng không muốn giải quyết ổn thỏa cuộc xung đột giữa hai kẻ cựu thù vì một khi Do Thái và Ả Rập sống chung hòa bình, Hoa Kỳ sẽ bị mất ảnh hưởng chính trị cũng như mối lợi kinh tế tại vùng đất Hồi Giáo. Hiện nay, Iraq ngầm yểm trợ nhiều nhóm quân khủng bố như Taliban, Al Qaida, Jihad, Hamas bằng tài chánh, tiếp liệu, huấn luyện mà vũ khí giết người hàng loạt, hóa học hoặc vi trùng nếu lọt vào tay chúng, sẽ trở nên mối đe dọa khủng khiếp cho thế giới. Thêm vào đó, vì quyền lợi riêng đã khiến Pháp, Đức, Nga Sô thân Iraq, hợp tác kinh tế và bám trụ vùng đất này dai dẳng làm trở ngại những dự tính của Hoa Kỳ và càng ngày càng gia tăng áp lực trên Do Thái. Pháp và Đức từ lâu vẫn đóng vai trò thứ yếu sau Hoa Kỳ, nay Đức thống nhất tỏ tham vọng trở lại một đế quốc Prussia, nhân dịp Nga Sô suy yếu cần dựa thế Tây Âu, ba nước này sẽ liên kết giai đoạn nhằm khống chế Liên Hiệp Âu Châu về sau. Muốn duy trì ảnh hưởng tại vùng đất Hồi Giáo, đến lúc Hoa Kỳ không thể dùng "remote control" điều khiển bộ máy Do Thái tả xông hữu đột ngoài tuyến đầu chống chọi với khối Ả Rập đang được Nga Sô, Pháp và Đức tiếp tay, mà phải trực tiếp sát cánh với quốc gia này. Hoa Kỳ cần bảo vệ Do Thái bằng mọi giá; nên chi, đem quân vào giải giới chế độ Sadam Hussein, thiết lập chính phủ ôn hòa tại Iraq hầu quân bình thế và lực nhằm duy trì nền hòa bình tại đây lại trở thành hợp lý. Tuy vậy, đóng đồn tại Trung Đông để duy trì ảnh hưởng, bảo vệ nước bạn và giảm tốn phí nếu cần di chuyển quân và chiến cụ khi chiến tranh xảy ra là điều cần thiết nhưng nhiều nguy hiểm đối với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ chắc chắn không bao giờ muốn quay trở lại chế độ thuộc địa như thế kỷ 19 vừa qua bằng cách chiếm đoạt Iraq vì cai trị lâu dài là một sai lầm lớn cho chiến lược của Hoa Kỳ tại Trung Đông. Thật dễ hiểu, dù ôn hòa cách mấy, khối Ả Rập sẽ khó thể chấp nhận chủ nghĩa đế quốc lỗi thời mà đoàn kết chống lại chính sách của Hoa Kỳ và Do Thái và đây chính là cơ hội cho Trung Cộng, Nga Sô giật giây và bán vũ khí cho khối Ả Rập. Điều này sẽ kéo đến cuộc đối đầu trực tiếp giữa Hoa Lục và Hoa Kỳ trong tương lai.

Mặt Trận Á Châu
Thế trận tại Á Châu có thể còn sôi động hơn cả vùng dầu lửa khói súng mịt mù Trung Đông nữa. Hiện nay, Trung Quốc trong khi tạm thời chịu lép vế trước Hoa Kỳ để giao thương phát triển kinh tế, Hoa Lục vẫn ngấm ngầm tăng cường khả năng quân sự, đặc biệt về Hải Quân hầu có thể kiểm soát và làm bá chủ Á Châu trong tương lai không xa. Lợi dụng ưu thế một "tối-huệ-quốc" với nhiều ưu quyền, TQ đã cải tiến nền công nghiệp cổ lỗ dùng chân tay sang nền kinh tế hiện đại với kỹ thuật cao, tự động, sản xuất hàng loạt và xuất cảng ào ạt qua những quốc gia Tây Phương và láng giềng. Hiện nay, các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Trường An và Shenzhen trở thành những trung tâm thương mãi sầm uất nối liền những thành phố tân lập chuyên về cao kỹ và điện toán với hàng trăm hi-tech parks như Silicon Valley qua một hệ thống giao thông, tiện ích mới mẻ tỏa ra khắp thế giới. TQ gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) năm qua, được hưởng quyền của thành viên WTO nên tự do cạnh tranh với các quốc gia thành viên WTO. Thêm vào đó, giá nhân công rẻ mạt và chính sách đầu tư tương đối thoải mái đã thu hút vốn đầu tư lớn lao của ngoại quốc; vì vậy, từ một nước thiên về nông nghiệp, Trung Quốc bước qua nền công nghiệp bằng bước nhảy vọt do mau mắn chuyển hướng nền kinh tế chỉ huy sắp sửa phá sản vào khoảng đầu thập niên 1980s. Dân chúng gồm nhiều người thuộc giai cấp trung lưu mới sẽ tiêu thụ một phần sản phẩm mà phần lớn thặng dư sẽ được TQ xuất cảng lấy ngoại tệ. TQ cần thị trường tiêu thụ hàng hóa của mình, sẽ phải cạnh tranh với các quốc gia xuất cảng cùng loại sản phẩm như quần áo, đồ chơi cạnh tranh với Thái Lan, Taiwan, Nhật Bản, Việt Nam. Tuy nhiên khi kỹ nghệ sản xuất nhu yếu phẩm đã bão hòa, TQ sẽ phải chuyển qua sản xuất kỹ nghệ nặng chế tạo chiến cụ như chiến xa, hỏa tiễn Silkworm, súng đạn, ... và thị trường tiêu thụ sản phẩm này chính là thị trường của các nước kỹ nghệ phát triển như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nga, Đức v.v. đang nắm giữ. Chế tạo vũ khí, quân cụ thì phải tìm thị trường tiêu thụ mà thị trường nào tiêu thụ vũ khí ngoài các cuộc xung đột giữa những kẻ thù truyền kiếp trên thế giới như vùng Trung Đông, vùng Kashmir hoặc những cuộc chiến tranh tạo nên do các thế lực đen tối giật giây hầu khai thác quyền lợi kinh tế của họ. Vấn đề phát sinh từ đấy!

Mặc dù HK đã cố thay đổi TQ bằng dân chủ và kinh tế nhưng tham vọng bá chủ Á Châu của siêu cường TQ không dễ gì bỏ được khi họ có lãnh thổ rộng lớn tương đương với Hoa Kỳ, kinh tế phát triển, quân đội đông, nguồn liệu cũng phong phú, nhất là nguồn nhân lực 1.3 tỉ người cần cù càng ngày có mãi lực càng mạnh. Cứ đà tăng trưởng như hiện nay, trong khoảng hai thập niên nữa, TQ sẽ trở thành một siêu cường tại Á Châu và nếu không được thả lỏng để vươn lên thành một cường quốc như thời Đệ Nhị Thế Chiến, Nhật Bản sẽ bị TQ đè bẹp về quân sự. Vì vậy, TQ sẽ tránh đụng độ với HoaKỳ trong lúc này mặc dù cả hai nước đều nhận thấy rằng trong tương lai "rừng nào cọp nấy" mà dù muốn dù không, họ sẽ trở thành kình địch của nhau. Thử hỏi, với một quân số chính quy có thể lên đến 5 triệu, gấp đôi quân số hiện nay, nạn nhân mãn ló dạng và nuôi sống khối dân khổng lồ đó chẳng phải là vấn đề đơn giản, TQ sẵn sàng hi sinh 1 triệu quân để đối đầu với HK hầu đạt tham vọng bá chủ Á Châu giữ chặt "sân nhà." Một hải lực mạnh đủ khả năng tung hoành suốt vùng biển Đông Hải xuống Nam Hải, khống chế cả Á Châu, chiếm nguồn liệu dầu hỏa trong thềm lục địa biển Đông, cùng các nguồn liệu thiên nhiên khác dùng chế biến phẩm vật sản xuất là niềm mơ ước của họ. Hiểu rõ điều này, Hoa Kỳ sẽ không để TQ thao túng tại Á Châu mà sẽ tìm cách ngăn chận ảnh hưởng của TQ và bảo vệ các quốc gia thân Hoa Kỳ trong vùng. Đóng quân tại Nam Hàn, Hoa Kỳ đạt lợi thế là có lực lượng hải, lục, không quân trang bị vũ khí nguyên tử đặt sát nách Trung Quốc. Nhìn "cái gai" Hoa Kỳ nằm sẵn tại Nam Hàn, Trung Quốc chỉ mong nhổ được cái gai này càng sớm cho khuất mắt nên họ tìm cách xúi dục Bắc Hàn gây hấn với Nam Hàn hầu lôi kéo Hoa Kỳ sa lầy vào vòng chiến để đứng ngoài yểm trợ và thủ lợi. Bắc Hàn có vũ khí nguyên tử và một quân đội hùng hậu hơn 1 triệu người dựa thế nước lớn mạnh như TQ sẽ trở nên một địch thủ đáng nể cho Hoa Kỳ. Chắc chắn rút kinh nghiệm từ chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam, HK sẽ không rơi vào cái bẫy trực tiếp đối đầu với Bắc Hàn để rồi cuối cùng có thể đụng độ với chính liên minh TQ và Bắc Hàn, mà dùng chiến thuật bao vây kinh tế, áp lực ngoại giao hầu giải giới vũ khí nguyên tử của BH. Cách khác, Trung Quốc muốn Bắc Hàn thống nhất với Nam Hàn và với quân lực mạnh, Bắc Hàn dần dần sẽ nắm được ảnh hưởng trên toàn thể bán đảo Triều Tiên làm lợi cho họ. Lúc đó, TQ sẽ tạo áp lực xúi dục chính phủ Hàn Quốc đòi Hoa Kỳ rút hết quân khỏi nước này để khỏi phải lo mối họa cạnh sườn lâu hơn. Hoa Kỳ cũng thừa hiểu dụng ý của TQ muốn hất cẳng Mỹ ra khỏi vị trí chiến lược kềm hãm ảnh hưởng TQ trong vùng Á Châu nên vẫn cù nhầy về vấn đề thống nhất giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên. Để phòng xa, Hoa Kỳ sẽ phải tái trang bị Nhật Bản và Đài Loan trong vùng biển Đông, cũng như thương thuyết với Phi Luật Tân đóng quân tại căn cứ hải quân Subic Bay và với Việt Nam để đưa hạm đội vào Cam Ranh hầu bao vây Trung Quốc. Muốn làm bá chủ Á Châu, TQ phải nhờ vào một hải lực hùng hậu để khống chế vùng biển Đông tạo áp lực trên các nước thân Hoa Kỳ trong vùng và đây cũng là lý do TQ muốn nuốt trọn hoặc kiểm soát hoàn toàn VN hầu giữ cửa ngõ thông xuống phương Nam làm chủ tâm điểm giao thông bằng đường thủy và đường hàng không của thế giới từ Đông sang Tây và Bắc xuống Nam.

Việt Nam Nên Sẵn Sàng
Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta biết rằng Trung Quốc là quốc gia duy nhất đã xâm lăng và chiếm giữ đất của VN trong suốt gần 5 ngàn năm; nên chi, sống cạnh con khủng long TQ dù nó đang cựa mình, VN cũng nơm nớp lo sợ sẽ bị nó "nuốt chửng" không biết lúc nào. Nếu còn chút lương tâm và lòng "yêu nước, thương dân," các nhà lãnh đạo CSVN phải chọn kế hòa hoãn tìm thời gian chỉnh đốn binh bị, xây dựng kinh tế, kiện toàn guồng máy công quyền, lành-mạnh-hóa xã hội, chuyển hướng chính trị để đoàn kết dân tộc và thực hiện càng sớm càng tốt, càng kín càng hay. Muốn vậy, thu phục nhân tâm là điều kiện cần thiết và tiên quyết để tập đoàn lãnh đạo CSVN vận dụng được niềm tin của người Việt hải ngoại cũng như quốc nội. Sách lược tốt nhất là các nhà lãnh đạo VN thật lòng thay đổi thể chế Cộng Sản hiện nay, can đảm chấp nhận chế độ dân chủ, hòa nhập vào giòng tiến hóa của thế giới, xây dựng VN thành một nước hùng mạnh, mang hạnh phúc cho dân chúng và mượn thế các cường quốc khác làm áp lực bắt buộc TQ từ bỏ tham vọng chiếm đoạt VN của họ. Nếu vì khiếp nhược mà tập đoàn lãnh đạo CSVN chịu thần phục TQ để củng cố quyền hành và bảo vệ quyền lợi riêng thì họ càng chứng tỏ mình bất xứng với lòng kỳ vọng của dân tộc và đặt nhân dân trước một quyết định sống còn: Vùng lên đạp đổ chế độ phản nước hại dân hay chấp nhận sống kiếp tôi mọi. Trong trường hợp này, Quân Đội Nhân Dân Việt Nam phải nhận lãnh trách nhiệm lịch sử bằng cách yểm trợ toàn dân phế bỏ chế độ CS để thiết lập một chính quyền dân cử xứng đáng phục vụ cho quyền lợi tối thượng của đất nước, cũng như cương quyết không để gót chân của người khổng lồ Trung Quốc nhiều tham vọng giầy xéo và đồng hóa dân ta.

Như vừa phân tích, chính vì quyền lợi kinh tế dây dưa từ vùng đất Hồi Giáo sẽ đưa thế giới đến thế Tam Siêu Cường chia ba thiên hạ và đến sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Á Châu. Hai con mãnh hổ tranh mồi thì khó biết hậu quả sẽ ra sao! Hi vọng rằng HK và TQ đều nhận thấy rằng thế giới này còn quá nhiều quyền lợi đủ chia đều cho những cường quốc, nên tốt hơn họ hãy chọn một giải pháp dung hòa để sống chung hòa bình và hưởng lợi. Có lẽ, những nhân vật lãnh đạo tài đức, những bậc anh hùng siêu quần bạt tụy, những vị quân sư mưu kế thần sầu của mỗi phe sẽ lần lượt xuất hiện và kèn cựa, quân bình thế lực nhau như thời Tam Quốc bên Tầu. Tuy nhiên, nhiều điều chúng ta không thể kiểm soát được và đôi khi chỉ một quyết định thiên về cảm tính quên xử dụng lý trí đã dẫn đến hậu quả nguy hại khôn lường như vụ ám sát Quận Công Francis Ferdinand, người thừa kế ngôi vua xứ Austria-Hungaria vào ngày 28 tháng 6, 1914 tại Savajero là nguyên nhân gần đưa đến cuộc Đệ I Thế Chiến. Chẳng biết chừng Trung Đông sẽ rực lửa và biển Đông sẽ nổi sóng bởi một lý do không đâu! Trước viễn tượng tương lai bất định đó, Việt Nam sẽ phải chuẩn bị để khỏi ngỡ ngàng cũng như đủ khả năng đáp ứng thời cuộc một cách thích đáng khi nó xảy ra!

Phạm Văn Thanh
Mar 12, 2003
VnhfThanhPham@aol.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.