Hôm nay,  

Về Một Bức Tường

11/10/200600:00:00(Xem: 4129)

Bức Tường do CS Đông Đức xây để ngăn cách Đông Bá Linh Cộng Sản  và Tây Bá linh Tự do, ngăn cản người dân Đức cùng chung giống nòi, ngôn ngữ, lịch sử  vá ý chí thuộc về nhau, muốn sống chung nhau. Thế giới Tự  do gọi là Bức Tường Ô Nhục. TT Reagan kêu gọi phá sập nó đi. Tên gọi đó đúng không có gì đáng bàn cãi nữa. Vì khi người dân Đức phá sập nó rồi, nước Đức thống nhứt lại, Tây Đức Tự do dùng tất cả nhân tài vật lực làm ra được nhờ tự do, dân chủ từ sau Đệ Nhị Thế Chiến kéo vựt Đông Đức dậy sau vì  bị CS độc tài đảng trị làm dân nghèo, nước mạc.

Nhưng còn bức tường mà Thượng Viện Mỹ mới vừa biểu quyết thông qua kinh phí để chánh quyền Mỹ có phương tiện xây giữa biên giới Mỹ và Mễ thì sao"  Đó là bức tường tốt hay xấu. Tốt hay xấu tùy quan điểm của người nhìn nó. Người thì gọi đây là bức Tường O Nhục nếu có quan điểm, lập trường ủng hộ chủ trương hợp thức hoá những người Mễ vượt biên vào Mỹ. Đó là Bức Tường Ổn  Định nếu người nhìn là người ủng hộ chủ trương nhập cư phải theo đúng luật lê, giữ đúng chủ quyền quốc gia. Vấn đề người Mễ nhập cư Mỹ là một "chuyện dài Nhân dân Tự vệ", trở thành chánh trị nội bộ của Mỹ, tranh luận của hai chánh đảng Cộng Hòa Dân Chủ  mà mỗi mùa bầu cử tổng thống Mỹ thường tái diễn.

Nhưng sự kiện vẫn là sự kiện về bức tường Mỹ- Mễ này. Mỹ và Mễ chia nhau đường biên giới dài 3.500 km không thiên nhiên. Theo thống kê ước tính có trên  mấy chục triệu người Mỹ ở trên đất Mỹ, trong đó có trên 11 triệu người bất hợp pháp, mà báo chí Mỹ vì tế nhị gọi là "không có giấy tờ". Gần đây quân khủng bố Hồi Giáo Cực đoan thường xâm nhập qua đường biên giới không thiên nhiên này. Số người Mễ chết trên đường vượt biên qua sa mạc rất nhiều. Số người gốc Mễ nói chung là một khối cử tri ảnh hưởng không ít trong các cuộc bầu cử Mỹ. Nhiều tiểu bang nhứt là ở Miền Nam nước Mỹ, khối thiểu số đa phần là Mễ, trở thành khối đa số như TB Cali.

Từ trước tại TB Cali đã có một bức tường ngăn cách Mỹ- Mễ dài 300 km. Tin Thông tấn Xã Pháp, mới đây Thượng Viện Mỹ chấp thuận cho xây thêm một bức tương rào  dài 1.125 km, từ Cali tới Texas. Song sắt cách nhau chỉ 20 cm, như song sắt nhà tù. Bên ngoài một hàng rào khác có gắn máy quay phim, bộ cảm ứng cực nhậy để kiểm soát. Túc trực dưới đất có 1.500 quân nhân lực lưọng Biên Phòng, trên trời có máy bay quan sát  canh giữ và tuần tra. Khi hoàn thành, bức tường này là bức tường dài và lớn nhứt thế giới thời cận đại, chỉ thua Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc thời cổ đại xây để cản Rợ Hung nô mà thôi.

Nói chung chánh quyền và nhân dân Mễ tây cơ không đồng ý về bức tường này. Ngoại Trưởng Mễ, Ô. Luis Ernesto Derbez, nói quyết định của Thượng Viện Mỹ làm xấu đi tương quan ngoại giao, làm hại tinh thần hợp tác của hai nước. Bức tường này làm nổi dậy làn sóng ngầm không ưa Mỹ của dân Mễ, coi đó như bức tường ở Berlin hay ở Cisjordanie, cảm thấy và kêu  là Bức Tường Ô Nhục. Người dân tự hỏi, Mễ là một nước giao thương hàng thứ nhì với Mỹ trong Tổ chức Thương Mại Liên Mỹ Châu. Mễ cung ứng dầu thô, nguyên liệu quăng mỏ lao động rẻ tiền công cho Mỹ  để đổi lại Mễ phải nhận tủi nhục như thế này à!

Nhưng đó là cảm xúc trong lòng, cái thực tế ngoài đời là cả một vấn đề nan giải. Việc qua lại Mỹ của người Mễ sẽ khó khăn hơn. Khó qua để lao động chân tay mà kiếm tiền nhiều, khó qua để sanh nở miển phí bên Mỹ nữa. Khó lén qua và ở lại sanh con để mưu cầu một đời sống nhiều lần dễ chịu và sướng hơn bên Mễ. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được, chỉ phải tốn kém nhiều hơn  và có lợi cho đường dây tổ chức vượt biên hơn thôi. Những người tổ chức vượt biên Mễ sẽ tăng giá gấp ba để đưa lối, dẩn đường. Người vượt biên gặp nhiều nguy cơ chết dọc đường hơn. Không có bức tường nào ngăn được đói nghèo. Không có bức tường cản được truyền thống của người Mễ qua lại Mỹ để tới lui bà con, truyền thống đã có hàng trăm năm nay. Nhiều đất địa của Mỹ ở Miền Nam là lãnh thổ xa xưa của Mễ mà Mỹ đánh lấy hay mua lại.

Còn người Mỹ cũng có nhiều người không đồng ý bức tường với lý do rất chánh đáng. Không phải người dân Mễ thiệt hại vật chất và tinh thần mà dân Mỹ cũng thiệt, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp. Bức tường gần 1.200 km mới cộng với 300 km cũ sẽ gây trở ngại cho những nhà nông, những nhà thầu xây cất, những hàng quán  Mỹ cần lao động phổ thông, thứ cấp,  tiền công rẻ, khỏi bảo hiểm mà người Mễ là nguồn cung ứng rất sẵn sàng nhưng người Mỹ không chịu làm.

Nhưng điều quan trọng nhứt, là, điều bức tường nhắc nhở cho nhân dân và chánh quyền Mể. Tại sao cùng một thổ nhưỡng, cùng một khí hậu mà Mỹ thì giàu có, sung túc còn Mễ thì nghèo khổ. Lý do chánh yếu không thể không chối cãi - đó là do chánh quyền. Chánh quyền Mễ lâu nay chưa tạo điều kiện đủ để tự do, dân chủ phát triễn hầu nhân dân Mễ đủ điều kiện căn cơ, tiên quyết phát triển kinh tế. Sau một thời độc tài dài quân phiệt và dân chủ trá hình,  đến khi đối lập vưon lên được, TT Fox lại cuồng nhiệt ủng hộ Hiệp ước Liên Mỹ làm Mễ càng tùy thuộc hơn vào Mỹ. Chánh quyền Mễ đồng minh mọi mặt với Mỹ. Đến đổi thay vì để Mỹ ở nhà khách hay phòng khách, lại để Mỹ luông tuồng trong khuê phòng vợ  con mình. Đến nổi kinh tế Mễ chỉ đóng vai trò cung ứng dầu thô, nguyên liệu cho Mỹ và tiêu thụ đồ Mỹ. Hậu quả nhãn tiền là mỗi năm có 500.000 người Mễ vượt biên sang Mỹ, tức cứ trung bình 1 phút thì có 2 người Mễ vượt biên.

Phong trào này tạo khó khăn và đạt thành một vấn đề  lớn về chánh trị và xã hội cho Mỹ. Chỉ riêng cho số 11 triệu bất hợp pháp, nếu hợp thức hoá, gánh nặng tài chánh  Mỹ phải chịu không thua  cuộc khủng bố 911 hay bão Katrina. Quỹ Medicaid của Mỹ có thể phá sản. Tại nhiều tiểu bang khác, khối thiểu số Mễ sẽ trở thành khối đa số như TB Cali.

Nhưng vấn đề không phải không có lối thoát. 11 triệu người Mễ sẽ ổn định về qui chế sinh sống. Làn sóng vượt biên có thể bớt đi. Giải pháp nằm trong tay nhân dân và chánh quyền Mễ là chánh vì không ai thương người Mễ, nước Mễ hơn người Mễ. Đó là phát huy tinh thần quốc gia, tạo nội lực dân tộc để độc lập hơn với Mỹ. Nếu chánh quyền Mễ tập trung hướng nội, tạo nội lực kinh tế, chánh trị, để thế đứng ngoại giao vững hơn trước Mỹ; nếu chánh quyền Mễ phát triển kinh tế của mình, tạo công ăn việc làm, công xá khá cho dân mình, thì có ai muốn rời bỏ quê hương, xứ sở.  Bao lâu mà chánh quyền Mễ chỉ biết sống nhờ  vào việc cung ứng nguyên liệu và dầu thô cho Mỹ, và đi ngoại giao trong chiếc xe Mỹ, ngày đó bức tường sẽ còn lý do tồn tại.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.