Hôm nay,  

Trang Kinh Dị: Căn Gác Quạnh Hiu

02/10/200600:00:00(Xem: 3289)

Tìm kiếm mãi, cuối cùng thì Nhân cũng đã mướn được một căn gác lửng nhỏ với giá rất vừa với cái túi tiền khiêm nhường của chàng. Nhân đã bỏ ra nhiều ngày vất vả cỡi chiếc Vespa cũ mèm chạy bình bịch với chiếc ống khói sét rỉ phun khói mù mịt khắp mấy mươi nẻo phố phường Sài Gòn, để lùng cho được một chỗ trọ, mà theo tiêu chuẩn của chàng là phải làm sao vừa rẻ, vừa tiện nghi và nhất là khoảng không gian chung quanh phải thật yên tĩnh. Vừa vặn làm sao, Nhân đã chộp được cái mà chàng muốn, mặc dù chàng chẳng hài lòng cho lắm.
Định mệnh dường như muốn dành sẵn căn gác lửng này cho chính Nhân, vì người chủ nhà đã cho chàng biết có nhiều người đến trước, nhưng sau khi leo lên xem xét chung quanh và nhìn ra ngoài, tất cả đều đã ra đi và chẳng bao giờ trở lại nữa, biền biệt như bóng chim tăm cá. Nhân nắm cái tay vịn lỏng lẻo bên chiếc cầu thang ọp ẹp dẫn lên căn gác quan sát cái nơi mà chàng sẽ dọn mớ đồ đạc ít ỏi của mình đến. Chàng tựa tay lên chiếc cửa sổ nhỏ đứng nhìn ra phía sân sau của căn nhà, lập tức chàng đã rờn rợn hiểu ngay tại sao những con người kia đã vội vã cuốn gói. Ngay phía sau tiếp giáp với cái sân nhỏ là một cái nghĩa trang hoang phế, lùm bụi mọc um tùm. Những khóm cỏ may vàng úa dầy đặc những cọng đuôi chồn oặt òa theo những cơn gió nhẹ, thấp thoáng những tấm bia mộ ngã nghiêng xiêu vẹo trong mọi tư thế. Tầm mắt của chàng bị ngăn lại từ những chòm cây rậm rạp ken đặc ở phía cuối nghĩa trang. Chúng mọc san sát nhau làm thành một khu rừng chồi lá thấp thâm u. Những táng cây xòe rộng và đan vào nhau làm thành một cái màn ngăn che ánh mặt trời, chỉ một vài tia yếu ớt xuyên qua, cố gắng rọi xuống mặt đất những dải sáng bạc như những mảnh tơ mỏng mảnh, làm cho cảnh vật toát lên vẻ đìu hiu ma quái. Một cái ao nhỏ nước đóng váng màu phèn vàng đục nằm gần chòm cây, men bờ có một thân cây xoài già đã chết khô. Những cành nhánh trụi lá của nó khẳng khiu và khoằm khoằm vươn ra giữa khoảng không, giống như những cánh tay xương xẩu của thần chết. Ít nhất là Nhân đã nghĩ thế.
Cách gốc xoài năm ba thước, nằm rải rác vài nấm mộ. Có những cái có lẽ đã lâu không có thân nhân đến chăm sóc, nấm mộ đã xẹp xuống bằng phẳng, chỉ còn trơ lại những tấm bia xi măng mỏng rạn nứt. Một con đường đất nhỏ chạy xuyên qua khu nghĩa trang và mất hút vào đám rừng chồi lá thấp. Nhân không dám đưa trí tưởng tượng của mình đi xa hơn nữa, rằng phía sau dãy cây bí ẩn đó còn có những cái gì khác hơn. Thuở đó vùng Bình Lợi còn hoang vu lắm, ao vũng, lau lách và cây dại mọc đầy. Nhiều nghĩa trang từ thời Pháp theo giòng thời gian vài mươi năm bể dâu, thân nhân tản lạc tứ phương nên chúng đã trở thành hoang phế.
Thoạt đầu thì Nhân cũng có ý định cuốn gói dông tuốt như những người mướn nhà khác, vì cái mùi ẩm mốc đã lâu không có người ở trên căn gác. Mùi âm khí hăng hăng mà cái khứu giác của chàng ngửi thấy bàng bạc trong cái nghĩa trang đã làm cho chàng chùn lòng. Từ đầu con hương lộ đi vào thì còn có thể gọi là khá một chút, vì nhà cửa san sát nhau, Nhân còn trông thấy sinh hoạt của thế giới con người. Nhưng càng đi sâu vào thì bóng dáng của nhà cửa và con người thưa thớt dần, để chấm dứt bằng căn nhà nằm trơ vơ bên cạnh những nấm mộ hoang chìm khuất giữa cỏ cây hiu hắt. Sự sống duy nhất bên cõi chết này là cái gia đình của hai ông bà chủ nhà và một đứa con trai nhỏ. Và cả Nhân nữa, nếu chàng nhất định ở lại. Suy đi tính lại mãi, bàn tay của chàng chạm vào cái túi quần chỉ còn lơ thơ vài ngàn bạc nghèo nàn, Nhân đành chặc lưỡi ký giấy mướn. Vừa đặt viết ký tên lên tờ hợp đồng, Nhân vừa đưa mắt nhìn về hướng cây xoài già và cái ao. Đột nhiên một cảm giác rờn rợn, kỳ dị bao trùm lấy những cảm quan của Nhân, làm cho tim chàng nện thình thình trong lồng ngực. Nhân bần thần không biết phải gọi đó là thứ cảm giác gì. Cũng có thể là cái sợ của một con người yếu đuối trước những quyền năng ma quái của thế giới bên kia. Nhân muốn quăng cây viết xuống và nói lời vĩnh biệt với người chủ nhà. Nhưng hỡi ơi, chàng đã ký tên vào tờ hợp đồng mất rồi. Người ta nói bút sa là gà chết. Đối với chàng thì bút đã ký thì đời chàng chắc cũng... tàn. Nhân thở dài trong lòng, thây kệ nó, người ta nói đức trọng quỷ thần kinh. Suốt đời chàng, ngoại trừ thuở học trò phá phách như quỷ ma, thì Nhân chưa làm điều gì tội lỗi cả. Cái "đức" của chàng chắc phải to tổ bố bằng cái... thúng, đố con ma nào nhát nổi. Được trang bị bằng niềm tin như đá tảng đó, Nhân hẹn với người chủ nhà ngày dọn đồ đạc vào ở.
Làm cái nghề nhân viên phân phối cho một công ty phát hành nhật báo nằm trên đường Lê Lai, Nhân phải thức dậy giữa khuya, chừng hai ba giờ sáng, mắt nhắm mắt mở gò lưng đạp Vespa phóng ra công ty. Chiếc Vespa thổ tả đáng lẽ cho nó vô nằm trong nghĩa trang phế thải, thì Nhân đã phải cong lưng đạp phành phạch vài chục cái nó mới chịu è ạch nổ máy cho. Nên khi Nhân thượng được cái mông của mình lên cỡi nó, thì chàng cũng đã lè lưỡi. Nhiệm vụ của chàng là đứng trông coi những nhân viên cột báo và dán địa chỉ phân phối lên. Hàng trăm chồng báo được chất lên một chiếc xe vận tải nhỏ hiệu Toyota chở ra bến xe Miền Tây và Miền Đông giao cho bọn xe đò chuyển đi. Báo in đêm hôm trước, thì khoảng xế trưa ngày hôm sau, hầu như khắp tỉnh thành đều đã có báo đọc. Rồi còn phải giải quyết nhiều chồng báo nhỏ cho đạo quân mấy chú nhóc tì bán báo dạo khắp thủ đô Sài Gòn, hàng trăm chồng báo khác cho những sạp đại lý. Khi tất cả ngần ấy công việc chấm dứt, thì Nhân cỡi Vespa chạy nhong nhong khắp phố phường, vì chàng còn có nhiệm vụ ghé các sạp báo để thu tiền báo của ngày hôm trước.
Đêm đầu tiên thức dậy đi làm, quả thật Nhân có thấy trong lòng nhờn nhợn, khi chàng nhìn ra khoảng tối đen ngoài nghĩa trang. Vợ chồng ngưới chủ nhà trao cho chàng cái chìa khóa cửa sau, vì chàng xin để nhờ xe trong nhà bếp. Nên chàng phải dắt chiếc Vespa ra mảnh đất nhỏ sau nhà đạp máy xe. Nhân cũng là người yếu bóng vía lắm, chàng không dám nhìn vào những nấm mộ đất sù sù ghê rợn đó. Để chắc ăn hơn, Nhân tháo cặp mắt kính cận dầy cộm, dầy đến nỗi người ta có thể trông thấy ba bốn vòng thủy tinh, bỏ vào túi, kể như là chàng bị mù và không thấy gì nhé. Nhân đã tự dối lòng. Những tiếng cú rúc ảo não từ trên ngọn cây xoài vọng xuống làm Nhân rợn tóc gáy. Trời mùa hè mà chàng thấy lạnh cóng cả chân với tay. Thời may, chiếc Vespa đã thương xót chàng, nó vui vẻ nổ ùm ùm. Nhân mừng quá, nhảy lên yên phóng vù ra con hương lộ, vừa chạy vừa tự nguyền rủa mình tại sao lại sa vào thảm cảnh như thế này. Có lẽ là tại vì chàng nghèo. Lương ba cọc ba đồng làm sao chàng có thể mướn được những chỗ khác tươm tất và an toàn hơn. Nói cho công bằng, thì ở đây, điện nước, cầu tiêu cầu tắm gì chàng đều được chủ nhà cho dùng một cách rộng rãi, khỏi phải trả tiền phụ trội. Hay có lẽ họ cũng muốn có thêm người ở cho đỡ phần tịch mịch chăng.
Đêm thứ hai, Nhân thấp thỏm dắt chiếc Vespa ra khỏi nhà bếp dáo dác nhìn vào vũng tối đậm đặc. Đêm không có trăng sao gì hết. Chỉ có một dải ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn đường ngoài hương lộ cách xa vài chục thước hắt vào, càng làm cho những lùm cây bụi cỏ bỗng trở thành những hình thù kỳ quái đầy hăm dọa. Con cú mắc dịch trên cây xoài chết rúc lên một tràng dài chào mừng chàng. Tiếng kêu của nó rù rù ục ục như tiếng tru của quỷ. Nhân nghe gai ốc nổi cồm cộm trên da tay mình. Chàng cúi đầu bậm môi đạp xuống cái cần máy. Một tiếng cạch khô khan vang lên giữa cái im ắng của đêm trường. Nhân đạp thêm một cái. Vẫn một tiếng cạch lạnh lùng. Chiếc Vespa lại trở chứng. Nhân gò lưng đạp thêm mấy cái nữa. Cũng chẳng ăn thua gì. Nhân vừa gài chân vào cái bàn dựng để kéo chiếc xe đứng lên, thì bỗng con cú rít lên một tràng dị kỳ, rồi nó đập cánh phành phạch hối hả bay về hướng chòm cây phía cuối nghĩa trang. Nhân nhìn lên ngọn cây xoài, thì đột nhiên, chàng có nhìn lầm không, hay là chàng bị hoa mắt, dường như có một cái bóng trăng trắng, ẻo lả như một làn khói lãng đãng trên mặt nước ao. Thình lình cái dáng trắng đó phóng vút lên ngọn cây mất dạng. Suýt nữa Nhân đã buông chiếc xe ngã kềnh ra, nhưng chàng đã kịp níu nó lại. Nhân ú ớ toan kêu lớn, nhưng dường như cổ họng chàng đã bị bít chặt bằng một thứ keo dính, chỉ có thể nghe được một chuỗi âm thanh khò khè nghèn nghẹn vô nghĩa. Nhân cố gắng tự chủ, chàng lắc đầu để xua cái ảo ảnh đó tan biến đi. Khi nhìn lên ngọn cây lần nữa, thì chàng chẳng thấy gì hết. Nhân thở phào bật cười một mình. Có lẽ là mình trông lầm, thần hồn nhát thần tính chăng"
Nhân cúi xuống đạp cành cạch mấy cái nữa mà chiếc xế vẫn cứ không chịu nổ, chàng thở dài định dựng nó lên để tháo bugi ra chùi, thì con cú đang đậu trên cành cây thấp đằng kia lại rít lên một tràng dài nữa, rồi cái bóng trắng bỗng đâu từ trên chót ngọn xoài hiện ra dang hai tay trong chiếc áo phùng rộng chập chờn lao xuống. Một làn hơi lạnh tạt vào mặt chàng, Nhân hoảng sợ buông chiếc xe ngã ngồi về phía sau, lưng đập đánh sầm vào cánh cửa lợp tôn. Chàng dựa lưng vào cánh cửa trừng trừng nhìn về phía cái bóng trắng đang đứng gần mé nước. Trong cơn kinh hoàng, Nhân vẫn có thể nhận ra rằng cái bóng ẻo lả đó phải là một cô gái trẻ, nhưng vì trời hãy còn tối mờ mịt nên chàng không thể thấy rõ được khuôn mặt của nàng. Nhân rùng mình khi đôi mắt chàng chạm phải tia nhìn nửa căm hờn, nửa ai oán của nàng, từ hai cái hốc mắt ánh lên màu đỏ khé như loài dơi đêm. Bỗng dần dần màu đỏ ma quái đó chuyển sang màu xanh biếc dịu dàng của những con mèo hoang, mà chàng trông thấy vài con chạy đuổi nhau ban ngày trên những gò mả.


Cánh cửa đằng sau lưng Nhân bỗng mở ra, phát lên tiếng kèn kẹt của sắt rỉ. Cái bóng trắng đột nhiên tan biến nhanh chóng, nó bể vỡ ra thành hàng trăm ngàn mảnh vụn và rơi xuống mất biến dưới đáy nước lạnh lẽo. Cái đầu của ông chủ nhà thò ra thảng thốt kêu lên:
- Ủa, là cậu hả" Vậy mà tôi tưởng ăn trộm chớ!
Nhân lập cập đứng lên lắp bắp nhìn ông chủ không nói được lời nào. Ông chủ lạ lùng nhìn chiếc Vespa còn ngã kềnh dựa vách:
- Chuyện gì vậy cậu, sao tui trông cậu xanh quá vậy"
Nhân thều thào:
- Chú Năm, tôi... tôi... thấy... thấy ma...
Ông chủ nhà ngơ ngác bước ra khỏi cửa hỏi dồn:
- Ma" Ở đâu"
Nhân run rẫy chỉ về hướng mấy ngôi mộ gần gốc xoài:
- Ở dưới đó... hình như là một cô gái.
Ông Năm sạm mặt nhíu mày xua tay:
- Ma cỏ gì cậu ơi, gia đình tui ở đây lâu rồi có thấy gì đâu. Chắc là cậu trông lầm rồi, cậu đừng nói vậy xui xẻo cho nhà tui.
Nhân gắng gượng biện bạch:
- Thật mà, tôi trông thấy nó hiện ra đến hai lần.
- Nó hiện ở đâu"
Nhân chỉ tay về hướng cái ao mà giờ này bọn ếch nhái đang đua nhau kêu ồm oàng:
- Nó hiện ra từ cái ao đó.
Trong bóng tối, Nhân đã không kịp để ý nét mặt nhăn nhó rất kỳ lạ của chú Năm. Người chủ nhà cúi đầu đi đến gần chiếc xe:
- Thôi tui với cậu dựng cái xe này lên, rồi cậu đi làm đi, để tui đứng đây canh chừng với cậu coi có con ma nào dám hiện ra không!
Nhân gượng gạo đạp máy. Thật lạ lùng đến khó thể tin được, chỉ một cú đạp nhẹ nhàng, chiếc Vespa già cỗi đã nổ dòn dã. Nhân thở phào đưa tay quẹt mồ hôi trên trán nhìn chú Năm cười sượng sùng:
- Có thể là tôi đã nhìn lầm, thôi chú Năm vào nhà nghỉ, cám ơn chú và xin lỗi đã làm mất giấc ngủ của chú.
Chú Năm bước vào vừa đóng cửa vừa nói:
- Ngủ ngê gì cậu ơi, từng tuổi này tui ngủ ít lắm.
Đêm kế tiếp, Nhân rón rén bước thật nhẹ xuống cầu thang. Mỗi lần chàng đặt chân lên từng miếng ván mỏng nhỏ đó, thì cứ như là chúng rên rỉ kèn kẹt. Nhà bếp chìm trong một màu tối đen, Nhân đưa hai tay ra phía trước quờ quạng như một anh mù để tìm cái công tắc bật đèn. Bỗng nhiên, có một bàn tay xương xẩu chộp lấy vai chàng. Một làn hơi lạnh từ bàn tay in đậm sâu vào da dẻ của Nhân, làm chàng hoảng kinh há miệng định kêu toáng lên, thì một bàn tay lạnh lẽo khác đã bịt lấy miệng chàng. Rồi giọng quen thuộc của chú Năm thì thầm bên tai Nhân:
- Cậu Nhân, là tui mà... Cậu đừng la lớn!
Nhân vuốt ngực thở phào, chàng cứ tưởng con ma đang hiện lên và túm lấy chàng bắt hồn chứ:
- Chú làm tôi đứng tim luôn...
- Suỵt, cậu cứ im lặng đi làm như mọi ngày... đừng có vặn đèn.
Nhân cảm thấy đôi môi dầy thâm sì và hơi thở nồng nặc mùi thuốc lá Gò Vấp áp vào tai chàng:
- Cậu cứ ra ngoài đạp máy xe, tui... tui... muốn rình xem con ma ra làm sao!
Nhưng đêm nay con ma đã không xuất hiện. Nhân chỉ đạp có một cái là máy đã nổ dòn dã. Xe đã ra đến con đường cái rồi mà Nhân vẫn hãy còn băn khoăn suy đoán, chẳng lẽ con ma nữ đó nó đã cảm biết có người rình rập nó chăng. Đột nhiên Nhân không còn thấy sợ ma nữa, ít nhất là đối với cô gái ma ẻo lả này. Từ ánh mắt của con ma, Nhân không thấy có một dấu hiệu nào chứng tỏ là nàng dọa cho chàng chết khiếp hay muốn giết chàng cả. Nó chỉ đứng lơ lửng trên mặt nước và nhìn chàng, đôi mắt sâu thăm thẳm toát lên một nỗi u buồn lạnh lẽo. Dường như nàng chỉ thích hiện lên với riêng Nhân thôi, vì chàng đã kịp đọc thấy nét hốt hoảng pha lẫn căm hờn trên khuôn mặt trắng bệch của nàng khi chú Năm xuất hiện. Nó sợ chú Năm hoặc không thích chú Năm. Điều này Nhân thầm hẹn với lòng là sẽ tìm cho ra lẽ. Nhưng bắt đầu từ đâu thì chàng chưa biết.
Hình ảnh cô gái mặc áo trắng đứng dưới gốc cây xoài già cứ mãi vấn vương trong tâm tưởng của Nhân suốt ngày làm việc hôm đó, đến nỗi trên đường về, có một lần chàng đã nghễnh ngãng vượt đèn đỏ lúc nào chẳng biết. Cũng may là chẳng có thầy phú lít nào đứng ở chỗ đó, nếu không thì cái giấy phạt sẽ làm cái túi tiền nhẹ tênh của chàng càng nhẹ thêm hơn. Hơn nữa, chẳng có chiếc xe hơi nào tông vào chàng, nếu có thì chắc chắn chàng sẽ có dịp tao ngộ với con ma đó quá đi.
Mãi suy nghĩ về chuyện đó, mà chàng đã suýt không để ý một đám học trò nhỏ đang túm tụm thành một cái vòng tròn ở đầu con lộ đất và reo hò thích thú một chuyện gì đó. Nhân giật mình nhìn sang, thì chàng thấy thấp thoáng có hai thằng nhóc áo trắng quần cụt đen đang thụi đấm nhau tưng bừng. Nhìn quanh quất, Nhân chỉ thấy mỗi chàng là gã người lớn duy nhất, chàng có bổn phận phải can gián cái đám đánh lộn này. Nhân dừng xe lại, tắt máy và dựng chiếc Vespa đứng lên. Chàng cũng đã kịp nhận biết một trong hai đứa bé là thằng Mến con của chú thiếm Năm, chủ nhà trọ của chàng. Nhân xô dạt tụi nhỏ qua một bên nhảy vào đứng giữa hai cậu học trò, chú nào chú ấy mặt mũi đỏ au như ánh mặt trời chiều, chàng đưa tay ra dàn hòa:
- Thôi thôi, mấy em cho anh xin. Có chuyện gì từ từ nói, mấy em là học trò chứ có phải là... là...
Là cái gì nhỉ, Nhân tắt tịt. Thằng Mến nhận ra chàng thanh niên, nó mừng rỡ nắm lấy tay chàng phân trần:
- Anh Nhân, tụi thằng Ngân ăn hiếp em hoài hà, anh giúp em trị tụi nó đi...
Nhân quay sang nhướng mắt nhìn thằng nhóc Ngân hất hàm chờ đợi câu biện minh của nó, thằng Ngân cũng hùng hổ không kém:
- Thằng này nó... nó... thảy lổ... nó... thắng, em xin nó tha cho một bàn nó không chịu tha, nên em oánh cho nó biết mặt.
Ố là là, Nhân đã hiểu rõ câu chuyện. Thằng Ngân thua tiền thảy lổ thằng Mến xin xù, thằng Mến không chịu xù, thế là chiến tranh xảy ra. Nhân không thể không cười hì hì, chàng xoa đầu hai thằng nhóc:
- Thôi, là bạn học với nhau, các em phải thân thiết nhau mới phải chứ.
Ngân gãi đầu dùng dằng:
- Ai biểu nó chọc quê em làm chi.
Nhân tìm lời nhẹ nhàng với hai thằng nhóc, chàng biết tụi nhỏ thích những lời có cánh:
- Thôi được rồi, để anh giải quyết cho. Nhưng anh muốn sau vụ này mấy em phải chơi lại với nhau. Đâu hai đứa móc ngoéo cho anh xem nào.
Hai thằng nhỏ ngượng nghịu đưa hai cái ngón tay trỏ nhỏ xíu lên móc vào nhau. Thằng Mến cộc lốc nói với bạn:
- Mình chơi lại hén.
- Nhưng mà tao hết tiền trả cho mầy rồi.
Nhân chen vào:
- Khỏi có lo đi, Ngân thiếu Mến bao nhiêu nói đi, anh bao cho.
Thằng nhóc Mến ngước cặp mắt đen nhánh của nó nhìn người thanh niên dịu giọng:
- Thôi, em tha cho nó, anh khỏi đền.
Bọn trẻ đứng chung quanh nhảy tung lên reo hò hoan hô tình bạn đã được chắp nối lại, như miếng gương vỡ lại lành. Nhân hân hoan nắm tay thằng Mến:
- Sẵn có xe, nhảy lên anh chở về nhà.
Thằng Mến toét miệng cười nhảy lên ôm lấy eo ếch chàng:
- Hồi chị Miên còn sống, chiều nào chị cũng đạp xe ra chở em về.
Nhân giật mình giảm ga để bớt tiếng ồn, chàng ngoái đầu lại hỏi dồn:
- Chị Miên là ai, là chị của em hả"
- Dạ, chị Miên thương em lắm. Chị chết rồi em nhớ chị lắm.
Giật thót lần nữa, trong lòng Nhân đột nhiên dậy lên một mối linh cảm xốn xang, có một điều gì đó rất không bình thường, nhưng chàng không dám xác quyết là cái gì. Hay là... Nhân tìm cách gợi chuyện cho thằng nhỏ phun ra thêm chuyện chị Miên:
- Chị Miên bệnh hả"
- Em cũng không biết nữa, nghe ba má nói chị bị phụ tình nên chị nhảy cầu Bình Lợi tự tử, ba má mướn người vớt xác mà không thấy.
- Có khi nào em thấy chị Miên... hiện về báo mộng không"
Thằng Mến vừa định trả lời thì chiếc Vespa cũng đã ghé vào trước hiên nhà, nó nhảy xuống ngước mắt lên nhìn Nhân như muốn nói điều gì đó, thì bỗng nhiên khuôn mặt của thím Năm hiện ra từ khung cửa. Dù đã từng gặp người đàn bà này mấy ngày trước khi đến coi nhà, nhưng Nhân vẫn không khỏi không giật mình khi bắt gặp đôi mắt hầu như chỉ toàn tròng trắng đang trừng trừng nhìn chàng. Cái thân hình nhỏ nhắn nhưng tròn trịa của thím Năm lách ra ngoài khung cửa, thím nắm lấy tay thằng Mến kéo vào, miệng càu nhàu:
- Mày đi đâu giờ này mới vác mặt về hả, coi nè, cái lưng áo, đánh lộn nữa phải không"
Thím Năm nhìn Nhân, đôi mắt ánh lên một vẻ lạnh lùng nghi kỵ, thím khẽ gật đầu với Nhân:
- Cậu Nhân đi làm mới về.
Không đợi chàng đáp lời, thím Năm đã nắm cổ áo thằng nhỏ lôi vào trong. Nhân đoán thế nào thằng nhóc cũng ăn mấy roi. Mến vừa đi vừa cố xoay đầu nhìn lại, ánh mắt của nó như muốn nói lên thật nhiều điều với chàng. Bỗng nhiên nó đưa cánh tay lên chỉ về phía cây xoài già. Nhân ngơ ngác nhìn theo. Chẳng có gì cả. Chàng không hiểu thằng nhỏ ngụ ý gì. Một luồng gai lạnh chạy dọc theo sống lưng Nhân. Chẳng có lẽ nào thằng bé cũng đã trông thấy con ma dưới gốc xoài, và, trời ơi, có phải cô gái đó chính là... Nhân lắc lắc đầu, không dám để cho luồng suy tưởng dẫn dắt chàng đi quá xa đến những điều phi lý nhất.
Mấy đêm liên tiếp sau đó, chú Năm luôn thức sớm chờ Nhân dưới chân cầu thang để nhìn trộm con ma trong lúc Nhân dẫn chiếc Vespa ra ngoài. Nhưng thật lạ lùng đến khó hiểu, cái bóng trắng của cô gái vẫn biệt tăm tích, đến nỗi Nhân đã ngờ là chính chàng đã tự có một ảo giác từ sự sợ hãi quá độ trong khung cảnh hoang vắng ghê rợn của cái nghĩa trang. Chàng đã định hỏi chuyện thằng Mến bằng cách canh giờ ra về của nó. Nhưng vừa trông thấy chàng tấp chiếc Vespa vào gần bên, thì nó đã khoát tay lia lịa và lắc đầu tỏ vẻ không muốn đi với chàng. Bỗng Nhân trông thấy chú Năm đang đạp xe từ xa, chắc là để ra đón thằng nhỏ, chàng liền lách xe vọt nhanh ra đường. Hai chiếc xe đi ngược chiều nhau, chú Năm đưa tay lên chào:
- Cậu Nhân đi làm về...
Nhân đọc thấy trong đôi mắt của người đàn ông tia nhìn kỳ dị, chàng giả vờ vui vẻ đưa tay lên chào rồi rú ga, phóng nhanh...

(Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.