Hôm nay,  

Nhà Trần Khởi Nghiệp (16). Trần Tự Khánh Thao Túng Triều Đình

18/09/200600:00:00(Xem: 15306)
Trần Việt Bắc

Lúc này, tháng giêng năm Giáp Tuất (1214), Trần Tự Khánh coi như đã làm chủ kinh thành. Binh lực họ Trần hùng hậu nhưng lại thiếu chính nghĩa để an dân. Dùng mũi giáo hay lưỡi kiếm kề cổ người dân bắt họ phải theo mình, thì đầu môi chót lưỡi, người dân phải nghe, nhưng tâm địa không ai phục. Trần Tự Khánh biết điều này và ông ta muốn giả thần phục nhà Lý, dùng nhà Lý như một triều đình bù nhìn để mặc tình thao túng. Vì thế ông ta bèn đi một nước cờ mới: "Vài ngày sau Trần Tự Khánh cắt tóc sai người dâng cho nhà vua và tâu rõ ý mình rằng là: "Tôi thấy bọn tiểu nhơn ở cạnh vua, chúng che lấp ngăn cản các bậc trung lương, dân tình thì uất ức không biết theo đâu mà chuyển đạt thấu lên trên. Cho nên nhân đó mà (tôi tụ họp) người trong nước khởi binh đánh bọn này, cắt bỏ gốc rể của sự hiểm họa để làm yên lòng dân. Và, đến phận mệnh của vua tôi thì không dám một tí xúc phạm, lại há có cái ý quá ỷ vào việc chăm đánh dẹp đó hay sao! Chẳng ngờ là tôi đã khiến cho xa giá phải lẫn tránh chỗ khác. Tôi tự lượng biết thân tôi. Tội tôi thật đáng muôn chết. Xin bệ hạ hãy tạm nguôi cơn giận mà đưa xa giá trở về kinh sư".(ĐVSL). Sau đó lại nhờ em của thái hậu là Đàm Kinh Bang chuẩn bị đón vua Huệ Tông từ Lạng châu về kinh sư. Vua và quần thần muốn về lại kinh thành, nhưng Doãn Tín Dực (81)tâu với nhà vua và thái hậu : "Kẻ kia từ lâu đã chứa sẵn cái lòng khác, nay muốn bày kế để bắt đấy thôi, chứ ai bảo đón rước đó" Xin bệ hạ hãy nghĩ lại ba lần đã"(ĐVSL). Thái hậu không chịu về lại kinh thành, nhà vua thấy mẹ mình không muốn về nên muốn cùng thái hậu đi Cổ Lộng (Lạng Châu). Đàm Kinh Bang và một số quan lại cố khuyên nhà vua nhưng vua và thái hậu không nghe. Thế là hầu hết những quan lại cũng như những người hộ giá bỏ trốn, chỉ còn lại quan "Nội thị Phán thủ là bọn Trần Hân 30 người đều cùng với vua và Thái hậu lên thuyền đi về núi Tam Trĩ (82)"( ĐVSL). Nhà vua, thái hậu và đoàn tùy tùng đi Lạng châu nhưng thấy "thủy thổ bất tiện" nên sau một tháng lại di chuyển sang Nam Sách.

Thấy mưu mô của mình không thành và không nắm được nhà vua trong tay, Trần Tự Khánh nổi giận bèn "triệu tập các bậc Vương tước và trăm quan để nghị bàn về việc cải lập" (ĐVSL). Tự Khánh sai người đi đón con của vua Anh Tôn (chú của vua Huệ Tông) là Huệ Văn Vương lập làm vua. Đồng thời để tránh những phản đối của phe ngoại thích; Tự Khánh ra lệnh bắt hết họ hàng của Đàm thái hậu, kể cả Đàm Kinh bang mang về giam tại Mỹ Lộc ( căn cứ địa của họ Trần). "Tháng 3, Huệ Văn Vương lên ngôi vua ở điện Thiên An. Đổi niên hiệu là Càn Ninh và lấy hiệu là Nguyên Vương" (ĐVSL).

Lời bàn của người viết:
Tuy Trần Tự Khánh dùng bạo lực để lập nên vua mới là Huệ Văn Vương, nhưng ông vua này đã không được triều đình nhà Lý, toàn dân cũng như các sử gia đời sau công nhận là một triều vua. Vì vua Huệ Tông vẫn còn tại thế, không bị Tự Khánh kiềm toả lúc này và hiện đang là vua chính thức của Đại Việt. Huệ Văn Vương, đối với cái nhìn của các Nho gia thì ông này chỉ là một phản thần của triều đại nhà Lý. Vì thế không thấy hai bộ chính sử là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục cũng như các bộ sử khác ghi lại, ngoại trừ Đại Việt Sử Lược.

Lịch sử đã lập lại, Trần Tự Khánh đã hành động giống như Tào Tháo thời Tam Quốc. Tào Tháo đã thao túng nhà Đông Hán là phế Hán Linh Đế (Lưu Hoành, 156-189) và tự ý lập Lưu Hiệp lên làm Hiến Đế (189- 220). Tuy nhiên có một điểm hơi khác là Tào Tháo nắm cả Linh Đế và Hiến Đế trong tay, còn Trần Tự Khánh chỉ nắm được Huệ Văn Vương mà không nắm được Huệ Tông, vì thế Hán Hiến Đế được công nhận là một ông vua thực thụ của Trung Quốc còn Huệ Văn Vương chỉ là một ông vua "hờ", được dựng nên bởi một kẻ loạn tặc và hầu như không được ai biết tới.


Trần Tự Khánh bị các bộ tướng phản.

Trần Tự Khánh công khai làm chuyện phản nghịch, các tướng dưới quyền của Trần Tự Khánh chống lại ông ta. Tháng 4, cùng năm (1214), Tại Cam Giá (83), Phan Cụ phản, nhưng bị Tự Khánh bắt được và đem về giam ở Mỹ Lộc. Đỗ Bị cũng là một viên tướng của Tự Khánh đóng ở Cam Giá làm phản, Trần Tự Khánh sai Phan Lân đang đóng ở Siêu Loại (Bắc Ninh) đi bắt Đỗ Bị, nhưng bị thua. Tự Khánh sai Lại Linh ở Nghĩa Trụ tới cứu Phan Lân, Lại Linh cũng thua nữa. “Thái Tổ (NV: Trần Thừa) thấy hai vị tướng quân đều thua bèn tự làm tướng đánh Đỗ Bị, nhưng đánh không nổi phải rút lui”(ĐVSL).

Phan Lân và Lại Linh là hai tướng thuộc loại khá của Trần Tự Khánh, Trần Thừa là anh của Tự Khánh, những người này đã có khá nhiều kinh nghiệm chiến trường mà vẫn bị Đỗ Bị đánh bại, chứng tỏ Đỗ Bị là một vị tướng có tài. Tuy nhiên sau cuộc binh biến này, không thấy ĐVSL hay các sử liệu khác viết về Đỗ Bị.

Nguyễn Nộn lúc này là tướng dưới quyền của Trần Tự Khánh đang cai quản Bắc Giang, vùng núi Đông Cứu (84)thuộc Bắc Giang bị người ở vùng Hồng là Đoàn Nhuyễn mang quân tấn công "đốt phá nhà cửa, giết hại sinh vật, bắt cướp gà, chó gần hết" (ĐVSL). Nguyễn Nộn mang quân tới đánh Đoàn Nhuyễn, Nhuyễn bị Nộn giết nhưng Nộn lại bị phục binh của họ Đoàn là Đoàn Nghi đánh bị thương nên phải rút quân. Dù bị thương nhưng thấy các bộ tướng của T ự Khánh nổi lên chống lại ông này, Nguyễn Nộn cũng muốn tìm hướng đi riêng cho mình - trở thành bá chủ một cõi, nên Nguyễn Nộn thông đồng với Nghĩa Tín Vương phản Trần Tự Khánh. Nghĩa Tín Vương bị Tự Khánh bắt giết. Đại tướng của Khánh là "Phan Lân muốn cất binh hưởng ứng thao Nguyễn Nộn. Âm mưu bị tiết lộ, Trần Tự Khánh chém Phan Lân ở châu Đại Thông (85)" (ĐVSL).

Trần Tự Khánh tàn phá Thăng Long

Trần Tự Khánh thấy các bộ tướng thay phiên nhau phản mình, bèn như nổi khùng và có những hành động tồi tệ. Đối với Nguyễn Nộn, Tự Khánh trả thù ông này một cách bỉ ổi, thấy "Nguyễn Nộn ở Bắc Giang làm phản. Trần Tự Khánh nhân đó mà đi về nhà vợ y" (86)(ĐVSL), Tự Khánh đã đào sâu thêm cái hố thù hận không thể hàn gắn giữa họ Trần và Nguyễn Nộn. Sau đó Tự Khánh , "đón Nguyễn Vương (87)đi đến hành cung Lị Nhân . Rồi sai Lại Linh đốt cung thất ở kinh đô, gồm có 19 sở" (ĐVSL). Nguyễn Nộn mang quân về kinh đô, "Tháng 6, Trần Tự Khánh đánh Nguyễn Nộn ở cung Thánh Nghi, rồi đốt cung ấy". (ĐVSL). Không thấy tác giả của ĐVSL nó về kết qủa của trận giao tranh giữa Nguyễn Nộn và Tự Khánh, nhưng người viết phỏng đoán là Nguyễn Nộn thua trận và kéo quân về lại Bắc Giang.

Thấy lực lượng của Tự Khánh đã yếu vì bị các bộ tướng phản, vua Huệ Tông và thái hậu tìm hậu thuẫn mới là Nguyễn Nộn, "phong cho tướng quân ở đạo Bắc Giang là Nguyễn Nộn tước Hầu" (ĐVSL), và dùng lực lượng của Nộn để bảo vệ triều đình về lại Thăng Long."Đến đại nội, bà Thái hậu ngầm hạ chiếu cho tướng quân ở đạo Phù Nhạc là Phan Thế dụ Ô Kim hầu là Nguyễn Bát (88)để giết đi. Nhưng rồi việc không xong chỉ đánh Bát bị thương" (ĐVSL).

Trần Tự Khánh thấy vua và triều đình về lại Thăng Long, ông này vẫn chưa bỏ ý định nắm toàn bộ triều đình nhà Lý trong tay, dù đã lập vua mới là Huệ Văn Vương. "Trần Tự Khánh sai Đàm Bật dâng thổ vật. …Sai Nguyễn Ngạnh đưa Đàm Kinh Bang về kinh sư tâu rõ rằng mình chẳng có ý gì khác. Nhà vua nghe Nguyễn Ngạnh đến lại càng sợ mới sang nhà Doãn Bá ở ngõ Phiên Cầm. Nguyễn Ngạnh đi rồi nhà vua mới trở về cung" (ĐVSL). Không được như ý nên "Trần Tự Khánh dẫn binh xâm phạm cửa khuyết"(ĐVSL). Vua và thái hậu cố gắng tập họp được quân để chống giữ, nhưng cũng chẳng làm được gì, chỉ đủ sức tạm cản trở để chạy khỏi kinh thành và không bị Trần Tự Khánh bắt."Ngày đó Trần Tự Khánh thả quân sĩ đi cướp lấy các tài vật trong phủ của nhà vua. Rồi lại đốt phá gần hết cung thất và nhà dân ở trong kinh thành"(ĐVSL). Thế là gần như toàn bộ thành Thăng Long bị Trần Tự Khánh phá hủy, đến độ khi "nhà vua cùng với Thái hậu trở về kinh sư thấy cung thất bị thiêu hủy hư hỏng hếtcả mới trọ lại ở đền Chúa Thánh bên cạnh cầu Thái Hòa.Nhà vua sai dựng ngôi nhà tranh để ở "(ĐVSL) và hạ chiếu kêu gọi các đạo quân khắp nơi đánh Trần Tự Khánh.


Lời bàn của người viết :

Qua những sử liệu trong ĐVSL thì toàn bộ cung thất nhà Lý tại Thăng Long đã bị phá huỷ bởi Trần Tự Khánh. Bài chiếu của vua Huệ Tông viết : "Trần Tự Khánh tụ tập đảng tặc hung bạo cướp phá trộm cắp chốn kinh sư. Dưới nước, trên cạn đều có quân tiến đánh làm phương hại đến tông miếu xã tắc mà trong mùa đông qua, cái khí thế mạnh lại càng bốc mạnh hơn. Trần Tự Khánh đốc xuất lũ buông tuồng tham tàn bạo ngược. Chúng cướp bóc tài vật của ta. Chúng đốt sạch cung thất của ta. Cho đến nỗi các khu xóm ở kinh thành hóa thành đống tro tàn" (ĐVSL) .
Mới đây (2003), phái đoàn khảo cổ Việt Nam khai quật cổ thành Thăng Long và nói là tìm được hàng triệu di chỉ thời Lý, Trần. Người viết lạm nghĩ rằng đây chỉ còn lại những di chỉ đời Trần (từ đầu thế kỷ 13) và không còn di chỉ bắt đầu từ thời Lý (từ đầu thế kỷ 11), nếu có thì có lẽ còn lại rất ít hoặc là những di chỉ các đời trước (thành Đại La) đã bị chôn vùi dưới thành Thăng Long đời Lý. Người viết đưa ra nhận xét thô thiển để bàn luận, hầu được hiểu biết thêm.


Trần Tự Khánh biết là các đạo quân sắp đánh mình, bèn "phân chia cho các tướng sĩ của y đóng quân ở Cửu Cao và Cửu Ông(89)để ngăn ngừa Nguyễn Nộn. Rồi sai tướng quân ở Khoái Lộ là Nguyễn Đường và Nguyễn Giai lại giữ dân đất ấy. Nguyễn Đường và Nguyễn Giai lại cùng với Nguyễn Nộn thông đồng mưu sự với nhau để đánh Trần Tự Khánh"(ĐVSL). Bị hai bộ tướng là Đường và Giai phản, Tự Khánh "sai Lại Linh giữ An Duyên Phù Liệt (90)" (ĐVSL). Để lấy lòng Nguyễn Nộn và dùng ông này làm một viên tướng bảo vệ mình, vua Cao Tông phong Nguyễn Nộn từ tước Hầu (phong Hầu cho Nộn tháng 6, 1214) lên tước Vương (tháng 2, 1215). Sau đó nhà vua sai quân (")(91)đánh Lại Linh, Lại Linh thua.

Thấy tướng của mình người thì phản, kẻ bị thua, Tự Khánh "giận cá chém thớt" mang quân "đánh làng Khoái, san bằng làng nầy" (ĐVSL). Rồi kéo quân đi đánh Nguyễn Nộn, Nguyễn Đường, Nguyễn Giai. Đường và Giai thua trận, Tự Khánh chấp nhận cho hai bộ tướng cũ của mình đầu hàng. Có lẽ Tự Khánh thấy là mình đã mất khá nhiều bộ tướng nên không giết hai ông này, Nguyễn Đường còn được Tự Khánh lấy lòng một cách đặc biệt: gả em gái là Trần Tam Nương cho ông này.Tự Khánh sai các tướng của mình đắp lũy Hoàng, An Giá, Công Chúa để phòng Nguyễn Nộn và các đạo quân khác. Nộn mang quân tấn công Đường và Giai ở lũy An Lợi, Đường và Giai thất trận, Trần Tự Khánh mang quân đi cứu và thắng được Nguyễn Nộn.

Nguyễn Nộn thua trận và kéo quân về Bắc Giang, thế là chung quanh vua Huệ Tông không có một đội quân nào có thể bảo vệ được triều đình. Nhà vua thấy nhà Lý đang từ từ lọt vào tay họ Trần, quá chán nản. "Nhà vua bảo quần thần rằng: "Trẫm muốn nhường ngôi, các khanh thấy như thế nào"" Quần thần đều ứa lệ mà ngăn cản vua. Nhà vua không nghe mới cùng với Thái hậu lấy dao cắt tóc"(ĐVSL). Không thấy ĐVSL nói là nhà vua muốn nhường ngôi cho ai lúc này. Vua Huệ Tông không có con trai, có được mấy người em (khác mẹ ) thì bị mẹ mình là thái hậu giết chết. Vậy nhà vua muốn nhường ngôi cho Huệ Văn Vương, người mà Trần Tự Khánh tự ý lập làm vua" Hay Ô Kim Hầu Lý Bát (sau này được phong Hiển Tín Vương) hay một hoàng thân nào khác (92)" Đây là lần đầu vua Huệ Tông chán ngán thế sự và có ý muốn thí phát, về sau này dưới sự kềm kẹp và uy hiếp của họ Trần (Thủ Độ) , nhà vua đã nhường ngôi cho con gái và bỏ đi tu. Một lần nữa nhà vua lại phải bôn đào: "Ngày ấy nhà vua từ dinh Thái Hòa đi đến nhà của Trương Canh và Đặng Lão rồi cho xa giá trở về nhà của nội Ký Ban là Đỗ An ở trong ngõ Chỉ Tác thuộc vùng cầu Tây Dương (93)"(ĐVSL).

Trần Tự Khánh vẫn chưa giữ được vua Huệ Tông trong tay và hành động càng lúc càng càn rỡ : "Mùa thu, tháng 7, Trần Tự Khánh đốt cung Động Nhân. Nhà vua sai rước thần chủ Thái Hậu Linh Nhân (94)về đền Chúc Thánh"(ĐVSL). Rồi Tự Khánh mang quân đánh Đại Hoàng (95), tại đây em rể của Khánh là bộ tướng Nguyễn Đường bị chết đuối.

Trần Tự Khánh phò vua Huệ Tông.
(còn tiếp)



81) Doãn Tín Dực là quan nhà Lý, ông này chống lại Trần Tự Khánh, đã bị Khánh bắt giam rồi lại thả ra - đã trình bày trong phần trước.

82) Người viết không biết chính xác địa danh này, nhưng phỏng đoán là núi Tam Trĩ ở gần sông Thư ơ ng thuộc tỉnh Bắc Giang ngày nay .

83) Chú thích của dịch giả : Cam Giá ở Hà Tây.

84) Người viết phỏng đoán là núi này nằm phía nam sông Thiên Đức (sông Đuống), Bắc Ninh. ĐVSL viết : " Đông Cứu và vùng Hồng hai cõi liền nhau" . Ngày nay có một địa danh là xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh

85) Người viết phỏng đoán vùng này nằm phía đông của Thăng Long, phía tả ngạn sông Hồng .

86) Người viết tự hỏi : không biết bà vợ của Nguyễn Nộn được ĐVSL nói lúc này có phải là con của bà dì của Khánh; mà Khánh đã gả cho Nộn hồi tháng 9 năm trước (1213), hay là người vợ nào khác của Nộn.

87) Huệ Văn Vương do Trần Tự Khánh lập nên làm vua .

88) Bà thái hậu họ Đàm này có lẽ muốn tiêu diệt hết tông thất của họ Lý .

89) Ghi chú của dịch giả :" Cứu Liên, Cửu Cao và Cửu Ông nay thuộc vùng tiếp giáp giữa Hưng Yên và Bắc Ninh".

90) Người viết chưa tra cứu được vị trí của địa danh An Duyên Phù Liệt. Tuy nhiên trong ghi chú của dịch giả thì Phù Liệt thuộc Thanh Trì, Hà Đông. Ghi chú của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì "Tây Phù Liệt và Đông Phù Liệt " nay ở huyện Thanh Trì, Hà Nội.

91) Không thấy ĐVSL nói nhà vua sai lực lượng nào đi đánh Lại Linh. Theo thiển ý của ngưới viết thì đây là lực lượng của Nguyễn Nộn


92) Tác giả Trần Gia Phụng trong Việt Sử Đại Cương tập 1, trang 210 có đề cập đến một hoàng thân nhà Lý như sau:

"Sau khi nhà Lý mất ngôi, hoàng tử Lý Long Tường, một người con thứ của Lý Anh Tông, đã bỏ nước ra đi vào năm 1226 (bính tuất). Ông cùng đoàn tùy tùng dùng thuyền vượt biển sang Trung Hoa, rồi qua lập nghiệp ở Triều Tiên (hay Cao Ly tức Korea)".

Cũng trong sách này, ghi chú số 3, trang 223 " Nguyễn Văn Canh, "Hoàng Tử Lý Long Tường", đăng trong Kỷ Yếu Bắc Ninh, 1997, tt 105-128.
Khi Mông Cổ sang xâm lăng Triều Tiên vào các năm 1232 và 1253, Lý Long Tường đã góp sức chống quân Mông Cổ, lập chiến công nên được vua Triều Tiên trọng thưởng. Cháu chắt dòng dõi của Lý Long Tường đã tìm về Việt nam để thăm quê hương của tổ tiên> Tài liệu chính để tiến sĩ Nguyễn Văn Canh viết bài nầy là tấm văn bia tại Thụ Hàm Môn (Thụ Hàm Môn bi các) hiện còn ở Thụ Hàm Môn (Bắc Triều Tiên) và quyển lịch sử tiểu thuyết Triều Tiên là Hoàng Tử Lý Long Tường. Tiểu thuyết dã sử nầy căn cứ theo gia phả họ Lý ở Triều Tiên, với ít nhiều thêm bớt.



93) Khu Cầu Giấy, Hà Nội.

94) Linh Nhân Hoàng Thái Hậu là Ỷ Lan Phu Nhân, vợ vua thứ 3 nhà Lý là Lý Thánh Tông, mẹ của vua Lý Nhân Tông (Lý Càn Đức)

94) Ghi chú của người dịch : " Đại Hoàng là nơi sanh trưởng của Đinh Tiên Hoàng đế, tức thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình ngày nay ".

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.