Hôm nay,  

Nhà Trần Khởi Nghiệp (14).

18/09/200600:00:00(Xem: 12921)
Trần Việt Bắc

Âm mưu của Trần Tự Khánh là mang quân về kinh thành để thao túng triều đình nhà Lý. Niềm mong muốn của Tự Khánh đã đạt được như ước nguyện sau hai lần không thành công. Đóng quân tại Thăng Long, uy hiếp vua Huệ Tông, dùng hiệu lệnh của nhà vua để tỏ ra có chính nghĩa là một điều mà những lực lượng khác cũng đang muốn làm. Dù họ Trần có binh lực mạnh, nhưng nỗi lo của Trần Tự Khánh là nếu Bắc Giang, vùng Hồng và những lực lượng khác hợp lại để cùng tấn công thì ông ta sẽ khó chống nổi. Hơn nữa, Nguyễn Tự đang hùng cứ ở Quốc Oai (phía tây thành Thăng Long). Nếu Nguyễn Tự cùng với họ Nguyễn ở Bắc Giang, họ Đoàn ở vùng Hồng, ba mặt giáp công, Trần Tự Khánh chắc chắn sẽ bị nguy khốn. Để giải toả nỗi lo trong gan ruột, Trần Tự Khánh đã đi một nước cờ khá cao: lập liên minh với Nguyễn Tự để tạo thêm sức mạnh và cùng nhau đi tấn công các "sứ quân" khác theo sách lược "tiên hạ thủ vi cường".

ĐVSL viết: (năm 1212) "Quan Minh Tự ở Thuận Lưu là Trần Tự Khánh cùng với Nguyễn Tự hội họp nhau ở bến Triều Đông thề là đến chết vẫn kết giao với nhau mà hết lòng giúp nước, cùng chung dẹp yên cho dân cái họa nhiễu loạn. Rồi chia theo hai bờ con sông lớn, mỗi người tự quản lãnh mọi việc một bên. Từ Thượng Khối đến Na Ngạn, con đường ven theo Bắc Giang và làng ấp ở Lục Lộ thì thuộc về Trần Tự Khánh. Từ Kinh Ngạn đến Ô Diên thì thuộc về Nguyễn Tự. Hẹn nhau đến tháng 3 họp binh đánh người vùng Hồng".

Thế là "mũi giáo" kề bên hông Tự Khánh đã được quay sang hướng khác. Tại kinh đô, Trần Tự Khánh "ép" (63)vua Huệ Tông phong cho mình tước hầu cho có danh vọng. ĐVSL "Ngày Canh Tuất nhà vua phong Trần Tự Khánh lên tước Hầu với danh hiệu là Chương Thành". Để mở mang thêm vùng ảnh hưởng, Tự Khánh sai bộ tướng của mình là " Đinh Khôi đánh Lạng Châu, làm hàng phục được Lạng Châu và cướp các tài vật trong nhà Công chúa Thiên Cực rồi kéo đi" (64).

Sau đó, “Trần Tự Khánh trở về bến Tế Giang”( ĐVSL). Bến Tế Giang nằm tại huyện Văn Giang, góc tây bắc của tỉnh Hưng Yên trên bờ sông Hồng, phía nam thành Thăng Long. Tự Khánh kéo quân về đây để cản đường tiến về kinh đô của đám Khoái Châu và vùng Hồng. Hơn nữa, Tự Khánh đã có lần mang quân về kinh đô cướp bóc, nhưng đã bị dân chúng tại kinh thành đánh bại phải bỏ chạy. Vì thế Tự Khánh đã cảm thấy là ông ta bị cả triều đình nhà Lý và dân chúng oán ghét, nên kéo đóng quân ở bên ngoài kinh đô, tuy nhiên không quá xa để có thể mang quân vào trong kinh đô bất cứ lúc nào.

Lúc này nhóm liên minh của Trần Tự Khánh là "Nguyễn Tự đánh người Cát Lợi là Ngô Thưởng Vu và Võ Cao, bị tên bắn trúng bèn trở về ở ngõ Tây Dương. Hơn một tuần …. khí độc lại phát lên mà chết"(65) (ĐVSL).Nguyễn Tự chết, viên phó tướng là Nguyễn Cuộc lên nắm quyền.

Để dò xét phản ứng của Nguyễn Cuộc, với hy vọng là dùng đám quân kề bên phía tây kinh đô này để chống lại Trần Tự Khánh ở phía nam, "Nhà vua sai người đến vỗ về dân chúng ở đấy"(ĐVSL). Tuy nhiên Nguyễn Cuộc biết mình không đủ mạnh, sợ Trần Tự Khánh tấn công, nên phải giữ "minh ước" với Trần Tự Khánh. Nguyễn Cuộc giết sứ giả của nhà vua để chứng tỏ Quốc Oai vẫn còn là liên minh với Thuận Lưu, dù Nguyễn Tự đã chết. Thấy sứ giả mình sai đi bị giết, "nhà vua giận lắm, mới tự làm tướng dẫn quân đi đánh Nguyễn Cuộc ở ngoài thành Tây Dương. Lúc tiến đến ngõ Phổ Hỷ, quan quân nhà vua thua to. Cây bảo kiếm nhà vua dùng cũng mất. Vua phải ra roi giục ngựa mà chạy về đến ngõ Diêu Tắc mới thoát được". Giận quá mất khôn, vua Huệ Tông đã làm một việc hết sức dại dột và nguy hiểm. Triều đình không còn ai để can ngăn nhà vua hay sao" Hoặc là cử một viên tướng nào thay mình đi đánh đám giặc cỏ này.

Lời bàn của người viết: có lẽ không phải vua Huệ Tông thoát chết, mà nhà vua được Nguyễn Cuộc tha không giết. Vì nếu Nguyễn Cuộc giết vua, Trần Tự Khánh sẽ lợi dụng cơ hội phất cờ chính nghĩa, mang quân sang đánh kẻ thí vua là Nguyễn Cuộc. Dẹp xong Nguyễn Cuộc, với triều đình không vua, Tự Khánh mang quân vào thành và xưng vương, ai dám chống! Hoặc sẽ làm như Tào Tháo thời Tam Quốc bên Trung Hoa, dựng nên một ông vua bù nhìn rồi Tự Khánh sẽ làm tướng quốc, dùng nhà vua để sai khiến mọi người. Nguyễn Cuộc là một người biết tính toán, vì nếu giết vua thì mang tiếng là kẻ thí vua, nếu ông ta không bị Trần Tự Khánh giết thì sẽ cũng sẽ bị mọi người truy lùng và Nguyễn Cuộc sẽ không còn đất dung thân. Trần Tự Khánh cũng đi một nước cờ khá cao, không giúp nhà vua để đánh Nguyễn Cuộc, vì như thế trái với lời thề của "minh ước Quốc Oai - Thuận Lưu". Trần Tự Khánh đang chờ "nước đục thả câu".

(còn tiếp)

63) Người viết đã dùng chữ " ép" dù ĐVSL không viết thế. Lý do là Đàm thái hậu vì việc Tự Khánh kéo quân về kinh thành mà giết ba người em của vua Huệ Tông, nếu vậy thì làm sao mà nhà vua có thể phong tước cho Tự Khánh nếu không bị bắt buộc!

64) Có lẽ Trần Tự Khánh muốn trả mối thù về việc ông cậu của mình là Tô Trung Từ bị chết về tay vợ chồng công chúa Thiên Cực và Vương Thượng (đã trình bày trong phần trước)

65) Theo dịch giả thì " Tây Dương là khu Cầu Giấy, Hà Nội ngày nay".

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.