Hôm nay,  

Ong Bush Chụp Giật Chụp Lấy Cơ Hội Và Giật Miếng Mồi Của Đảng Dân Chủ...

16/09/200600:00:00(Xem: 6546)

Khi mở chiến dịch vận động dư luận về chuyện Iraq lồng trong cuộc chiến chống khủng bố, ông Bush chứng tỏ là chính quyền ông không thụ động nhìn đa số của đảng Cộng hoà bị bào mỏng tại Quốc hội trong cuộc bầu cử sắp tới vì bản thân ông bị công kích về chuyện an ninh. 

Theo đúng "truyền thống Bush", ông không né vấn đề, chẳng lùi một bước về lập trường hay chiến lược mà tiếp tục khẳng định một số điều mà dư luận có thể nghĩ là đã nhàm chán, và đối lập cho là ngoan cố. Chính quyền ông sẽ tiếp tục truy lùng khủng bố ở khắp nơi hầu cho các thế hệ lãnh đạo kế tiếp sẽ không phải đặt trước những bài toán mà ông đã gặp.

Đảng Dân chủ triệt để khai thác tâm lý hoài nghi bất mãn của dân chúng đối với thành quả chống khủng bố của Bush để giành lấy đa số trong Quốc hội vào khóa tới. Nếu chiếm đa số và kiểm soát được nghi trình làm việc của Quốc hội, họ sẽ đàn hặc và cột tay tổng thống cho đến kỳ bầu cử tới vào năm 2008. Đảng Cộng hoà thì cố gắng nín thở qua sông với hy vọng giữ được đa số, dù có mỏng hơn, nhờ những đề mục thiết thực tại từng địa phương. Tổng thống Bush tiếp sức cho đảng bằng một loạt những bài diễn văn về tình hình an ninh và khủng bố. Quan trọng nhất và phản ảnh rất rõ những suy tính của ông là việc giảm nhiệt trên những đề tài nóng mà vẫn không nhường một bước.

Trong bài diễn văn hôm mùng sáu tuần trước, ông công nhận điều mọi người đều đã biết. Là cơ quan CIA có bắt giữ để khai thác một số nghi can thuộc loại cao cấp của mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Điều bí mật này đã bị báo chí phanh phui từ lâu và gây lúng túng không ít cho các chính quyền ngoại quốc, tại Âu châu, Trung Đông và Á châu, đã kín đáo hợp tác với Hoa Kỳ. Bây giờ, ông Bush cho biết là các nghi can ấy sẽ được giải về nhà giam ở Guantanamo Bay để chờ ngày ra toà.

Ông Bush giải tỏa áp lực trên một vấn đề nhạy cảm và thực ra lỗi thời, để mở cuộc phản công ở nơi khác với những hậu quả khiến phe đối lập phải lúng túng. 

Trong các năm 2002 và 2003, Hoa Kỳ có bắt được một số đặc công cao cấp của al-Qeda, kể cả kẻ chủ mưu thực hiện vụ khủng bố 9-11 là Khalid Sheik Mohammed. Những nghi can quan trọng này đã được tra hỏi, tại những nơi được giữ bí mật và… ngoài lãnh thổ Mỹ để khỏi bị luật lệ Mỹ chi phối. Địa điểm của những nhà tù mật này là ở tại Âu châu, Á châu hay Trung Đông và kỹ thuật khai thác có thể mấp mé lằn ranh hợp pháp của một xã hội tôn trọng pháp luật đến tối đa và nhiều khi kỳ cục là Hoa Kỳ.

Tra hỏi khác với tra tấn cỡ nào là chuyện của các luật sư, nếu như họ được quyền khai thác hồ sơ khai thác tù nhân. Nhưng, dù có tra hỏi hay tra tấn, việc khai thác ấy công hiệu đến cỡ nào thì câu trả lời thuộc phạm vi của các viên chức về tình báo hay quân báo và câu trả lời ấy thiếu thống nhất. Những người trong cuộc không nhất trí với nhau và nhiều người đã xì tin cho báo chí. Vì vậy, một việc bí mật đã bị bật mí khiến chính quyền Bush mất điểm.

Bây giờ, ông Bush công khai cho biết là có các nhà tù bí mật đó, nhưng các nơi u ám đó sẽ bị đóng, nghi can được giải giao ra một nhà tù không mật, để sẽ bị truy tố trước công lý.

Ông chụp lấy một vấn đề, mở banh ra và vứt ra ngoài, để chính quyền mình và các chính quyền bạn - nhất là các chính quyền Hồi giáo - khỏi bị vặn hỏi, đồng thời hỏi ngược lại là khi cần giải quyết loại vấn đề tế nhị mà sinh tử cho an ninh Hoa Kỳ thì luật pháp Hoa Kỳ có được trang bị đầy đủ không" Đâu là lằn ranh của hợp pháp và phi pháp trong việc đối phó với loại kẻ thù hung hiểm, không coi trọng mạng sống con người chứ đừng nói gì đến pháp luật!

Ông đề nghị Quốc hội cứu xét những quyền hạn của Hành pháp và các cơ quan hữu trách khi cần theo dõi, nghe lén, truy lùng và khai thác quân khủng bố hầu bảo vệ nước Mỹ và dân Mỹ. Nếu không cho nhà chức trách rộng tay hành động, các nhà làm luật sẽ bị cử tri nghi ngờ là thiếu ý chí bảo vệ nước Mỹ. Và nếu không có luật lệ rõ ràng, nhân viên CIA thi hành công vụ có khi lại bị truy tố về phạm tội ác chiến tranh. Hội nghị các nước phi liên kết tại Cuba là một nhắc nhở về tình hình quốc tế, về ác cảm phổ biến của các nước đối với Hoa Kỳ. Mấy chính quyền gay gắt chống Mỹ mà bắt được một viên chức CIA để đòi truy tố họ trước Toà án Quốc tế về Tội ác Chiến tranh thì vui biết mấy. Và mệt biết mấy cho những người thi hành nhiệm vụ bảo vệ Hoa Kỳ.

Trong một năm tranh cử, điều ấy quả thật là quan trọng, hơn hẳn những chuyện xa xôi như Iraq: trái banh đang lăn về chân các nhà làm luật.

Và thực tế, các nghi can bị bắt giữ từ mấy năm trước thì đã trở thành món hàng ôi. Họ đã bị vắt cho kiệt, nếu chưa thì những tin tức bí mật của họ đã thành lỗi thời.

Còn lại, nếu nhân viên chức trách Hoa Kỳ không được trực tiếp khai thác các nghi can thì họ vẫn có thể nhờ các đồng nghiệp ngoại quốc thi hành cho những việc nhạy cảm ấy. Ông Bush gỡ một gánh nặng trên vai nhân viên hữu trách và giảm bớt sức ép cho phe Cộng hoà trong mùa bầu cử nhưng vẫn tiếp tục triệt để truy lùng khủng bố.

Thông điệp của ông là trong thời chiến tranh, chính quyền Bush ráo riết diệt trừ khủng bố, còn hậu phương muốn đánh võ chính trị hay luật pháp thì họ đã có trò chơi mới, do chính ông bày ra cho họ, trong khi ông tiếp tục bảo vệ an ninh nước Mỹ.

Cử tri hãy cứ phán xét đi…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.