Hôm nay,  

Liên Quân Việt-mỹ-đại Hàn: Trận Chiến Ở Tây Bình Định

30/09/199900:00:00(Xem: 5661)
* Cuộc hành quân đầu năm 1966 vào mật khu An Lão:
Thung lũng An Lão là một trong những căn cứ địa trọng yếu của lực lượng CQ tại Trung nguyên Trung phần. Nằm về phía Tây tỉnh Bình Định, An Lão có địa thế rất hiểm trở nhưng thuận lợi cho địch quân trong phòng ngự. Tận dụng địa hình, Cộng quân đã xây dựng những cụm tuyến liên hoàn để chống trả các cuộc hành quân của lực lượng bộ chiến VNCH và các đơn vị Hoa Kỳ, Đại Hàn diễn ra trong thời gian từ 1965 đến 1971. Cũng chính từ An Lão, Cộng quân đã tung nhiều cuộc hành quân quấy rối vào 3 quận phía Bắc tỉnh Bình Định.
Để chận đứng các hoạt động của CQ đang cố xâm nhập khu vực đồng bằng, ngày 25 tháng 1/1966, bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã khởi động cuộc hành quân vào thung lũng An Lão và Bồng Sơn, để truy kích sư đoàn 3 Sao Vàng CSBV và 2 trung đoàn chủ lực của Cộng quân thuộc B5. Lực lượng tham dự cuộc hành quân gồm 2 trung đoàn thuộc Sư đoàn 22 BB, 1 lữ đoàn Nhảy Dù VNCH, 2 trung đoàn bộ chiến của Sư đoàn Không ky Hoa Kỳ, 1 lữ đoàn thuộc Sư đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn. Theo phân nhiệm, lực lượng bộ chiến VNCH truy kích 2 trung đoàn CSBV, lực lượng Hoa Kỳ và Đại Hàn tảo thanh Cộng quân tại An Lão và phía Tây Bồng Sơn.
Chỉ huy lực lượng VNCH trong cuộc hành quân này là chuẩn tướng Nguyễn Xuân Thịnh-tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh (đến 1/3/1965, tướng Thịnh bàn giao quyền tư lệnh Sư đoàn cho chuẩn tướng Nguyễn Thanh Sằng). Giao tranh ác liệt đã diễn ra từng ngày quanh khu vực Bồng Sơn, sau một tuần giao tranh, lực lượng Nhảy Dù và Sư đoàn 22 Bộ binh đã loại ngoài vòng chiến 695 Cộng quân. Tại khu vực An Lão và phía Bồng Sơn, lực lượng Đồng minh đã liên tục chạm địch trong hơn 40 ngày liền và kết thúc vào ngày 7 tháng 3/1966 với kết quả được ghi nhận như sau: 1,484 CQ bị hạ, 536 CQ bị bắt tại trận, tịch thu 267 vũ khí.
Trong cuộc hành quân nói trên, trung đoàn 7 Không Kỵ Hoa Kỳ đã đụng độ mạnh với Cộng quân khi nỗ lực chính của trung đoàn này là tiểu đoàn 1/7 được trực thăng vận xuống bãi đáp Xung Phong (X-Ray). Sau khi thiết lập một căn cứ trung tâm hành quân gần làng Bồng Sơn,trung đoàn 7 Không Kỵ đã khai triển đội hình tiến quân vào thung lũng An Lão, và những giao tranh ác liệt đã ra dưới thời tiết xấu, do đó các hoạt động yểm trợ của Không quân đã bị hạn chế. Cuối cùng lực lượng Không Kỵ đã làm chủ trận địa, gây tổn thất nặng cho đối phương.
Đến tháng 3/1966, sư đoàn 3 Sao Vàng CSBV được bổ sung quân số và tung ra các cuộc tấn công quấy rối tại nhiều nơi ở Bình Định. Để ngăn chận địch, tháng 5/1966, Sư đoàn 22 Bộ binh và Sư đoàn 1 Không Kỵ đã phối hợp tổ chức cuộc hành quân quy mô để tảo thanh các đơn vị thuộc sư đoàn 3 Sao Vàng. Khi chiến dịch mới được khai triển, thiếu tướng Kinnard tư lệnh Sư đoàn 1 Không kỵ đã nghĩ ra một đội hình không vận thực nghiệm, thế nhưng khi sắp đến ngày thực hiện thì ông nhận được lệnh bàn giao quyền chỉ huy Sư đoàn cho thiếu tướng Norton thuộc binh chủng Nhảy Dù trong thế chiến thứ hai, người mà vào thời gian gần 1966, chỉ đảm nhiệm các chức vụ về tiếp vận như là chỉ huy trưởng bộ chỉ huy Tiếp vận của bộ Tư lệnh Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (USARV). Tướng Norton chỉ đủ thời gian tháo ba lô ra khi vị tân tư lệnh này nhận được các báo cáo dồn dập về các trận tấn công cường tập của CQ vào trại Lực lượng Đặc biệt Vĩnh Thạnh Tây, Bình Định.

* Trận kịch chiến ở bãi đáp gần Vĩnh Thạnh Tây:
Trước tình hình mới, liên quân Việt Mỹ tạm ngưng cuộc hành quân truy kích sư đoàn 3 Sao vàng để tập trung lực lượng tiếp cứu đơn vị trú phòng tại trại nói trên. Ngày 16 tháng 5/1966, Sư đoàn 1 Không Kỵ đã tung trung đoàn 8 vào trận chiến. Cuộc hành quân bắt đầu bằng một cuộc đổ quân của đại đội B, tiểu đoàn 2/8 xuống bãi đáp giữa đường lên ngọn núi cao nhất ở hướng Đông của trại Vĩnh Thạnh Tây. Trong liên lạc vô tuyến, bãi đáp này được gọi là bãi Hereford.
Sau khi leo trèo một cách khó khăn đến đường đỉnh dọc theo con đường mòn trong rừng rậm, trung đội đi đầu phát hiện được và đã tác xạ vào toán 6 CQ đang di chuyển trước họ cùng theo một con đường mòn. Một lúc sau, tiếng súng im. Sau đó thình lình, một loạt đạn liên thanh từ hướng Đông bắn vào đội hình của trung đội Không kỵ, 3 chiến binh tử trận, và sau đó địch quân cố khép chặt trung đội này. Bị bắt buộc phải rút lui sau khi một tiểu đội tan rã bởi bị tấn công cạnh sườn, cuối cùng trung đội đã giao tiếp được với thành phần còn lại của đại đội. Mọi hy vọng lấy lại thế chủ động đã bị loại bỏ. Khi lực lượng CQ ở cấp tiểu đoàn đè nặng áp lực tấn công và tổn thất của đại đội tăng lên, đại úy John D. Coleman vội vã tổ chức lại đơn vị trong chu vi phòng thủ hẹp và chờ quân tiếp cứu.


Cùng lúc đó, hai trực thăng võ trang của tiểu đoàn 2/20 Không pháo tìm đường bay lên núi xuyên qua cơn mưa như thác đổ để cố gắng tìm ra vị trí đại đội đang ở giữa rừng già bị phủ kín ở khoảng cách 60 thước phía dưới. Được hướng dẫn bằng vô tuyến, cuối cùng họ tìm được mục tiêu và bắt đầu tác xạ hàng loạt hỏa tiển 2.75 inch (khoảng 60 mm) bên ngoài rìa vòng đai phòng thủ của đại đội B đang sa sút tinh thần. Sự yểm trợ không pháo của 2 trực thăng võ trang đã tạm phá vỡ tấn công của CQ, đồng thời tạo thuận lợi để đại đội A tiểu đoàn 1/12 Không Kỵ lên đến đỉnh núi để tiếp cứu đại đội bạn đang bị bao vây.
Sáng ngày hôm sau, CQ tiếp tục cuộc tấn công trên bộ sau một màn hỏa tập bằng hỏa tiễn, đạn súng không giật và lựu đạn. Trong hai giờ sau đó, hy vọng sống còn của 2 đại đội Không kỵ Hoa Kỳ rất mõng manh cho đến khi một cánh quân tiếp ứng khác của đại đội C thuộc tiểu đoàn 1/12 Không kỵ đến tăng viện buộc CQ phải đoạn chiến và rút vào rừng già.
Cuộc giao tranh ác liệt tại bãi đáp nói trên đã gây tổn thất nặng cho hai đại đội Không kỵ Hoa Kỳ: 28 tử thương và gần 100 bị thương, tuy nhiên trận đánh này đã giúp cho bộ phận tình báo chiến trường liên quân Việt Mỹ xác định được sự hiện diện của một lực lượng CQ đáng kể mà tin tức tình báo kế tiếp cho biết đó là tiểu đoàn thuộc trung đoàn 2 CSBV, một trung đoàn mà Sư đoàn 1 Không kỵ đã có lần giao chiến trong chiến dịch White Wing (Cánh Trắng).
Trong vòng 3 tuần lễ kế tiếp, các đơn vị Không kỵ đi sâu vào địa thế khó khăn nhất của Cao nguyên miền Trung, một khu vực có các đồi núi thẳng dốc ở cao độ 900 mét cách mặt biển. Để thực hiện cuộc đổ quân, các vị chỉ huy điều không đã phải dựa vào những bãi đáp nhỏ để từng chiếc trực thăng đáp xuống xuyên qua các lỗ hổng rất hẹp giữa rừng già, hay sử dụng những thang dây Jacob thả từ các trực thăng CH 47 Chinook đang vần vũ trên không. Dù các cuộc chạm trán rời rạc đã xảy ra, các cuộc hành quân trên bộ cuối cùng cũng đã kết thúc sau các nỗ lực kềm chế Cộng quân không đạt kết quả. Pháo binh Sư đoàn 1 Không kỵ sau đó đã pháo dữ dội vào các vị trí nghi ngờ có địch với mức độ từ 12 ngàn đến 13 ngàn quả mỗi ngày, trong khi đó Không lực cũng tiến hành các cuộc không kích, kể cả các cuộc oanh tạc của pháo đài B 52. Bao nhiêu binh sĩ CQ đã bị chết trong cơn bão lửa cũng không xác định được thế nhưng trung đoàn 2 CQ không thấy tái hiện trên chiến trường trong nhiều tháng.

* Chiến trường Bình Định, những tháng cuối năm 1966:
Chính nhờ chiến dịch nói trên, đã có một thời gian tình hình chiến sự tại phía Tây và Tây Bắc Bình Định tạm lắng khi Sư đoàn 1 Không Kỵ được xé lẻ ra để tổ chức các cuộc hành quân trải rộng ra ở xa: hành quân Paul Revere vùng tỉnh Tây Ninh, hành quân Hawthorme tại Kontum, hành quân Nathan Hale tại Phú Yên. Đã bị tỗn thất quá nhiều và đang thiếu phi cơ trực thăng, Sư đoàn 1 Không kỵ đã gặp trở ngại về tiếp vận khi hệ thống này đã bị căng ra quá mức. Nhưng không phải chỉ có trở ngại trên mà tướng Norton-tư lệnh Sư đoàn, và bộ tham mưu của ông phải đương đầu. Các đơn vị bộ chiến của Sư đoàn đang thiếu hụt quân số trầm trọng, một phần vì các tỗn thất chiến trận, phần khác vì cuộc luân chuyển 9 ngàn sĩ quan và binh sĩ về nước. Trước tháng 6/1996, các tiểu đoàn bộ chiến của Sư đoàn 1 Không kỵ mà bản cấp số là có 900 chiến binh, thế nhưng thường các tiểu đoàn này thường chỉ tham chiến ở khoảng 500 quân nhân, trong khi các đại đội khinh binh xuất trận chỉ có quân số bằng 2/3 cấp số lý thuyết.
Tháng 9/1966, Sư đoàn trở về hậu cứ An Khê để phối hợp với Sư đoàn 22 Bộ binh tham dự một chiến dịch được gọi “Chiến dịch Bình Định” trong tỉnh Bình Định. Tư lệnh Sư đoàn 22 BB vào thời gian này là đại tá Nguyễn Văn Hiếu, ông được cử thay thế chuẩn tướng Sằng vào ngày 23 tháng 6/1966, đây là lần thứ hai đại tá Hiếu được cử giữ chức tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh (lần thứ nhất: ngày 7 tháng 9/1964 dến 24/10/64); đại tá Hiếu được thăng chuẩn tướng vào năm 1967, tiếp tục giữ chức tư lệnh Sư đoàn 22 BB đến ngày 11 tháng 8/1969. Tướng Hiếu tử nạn vào thượng tuần tháng 4/1975 khi ông là thiếu tướng tư lệnh phó Quân đoàn 3.
Trở lại với chiến dịch Bình Định, trong cuộc hành quân ở phía Tây Bắc Bình Định, lữ đoàn 1 và 2 Không kỵ đã bung rộng để tảo thanh CQ tại Kim Sơn và thung lũng Suối Cả. Các đơn vị của 2 lữ đoàn nói trên đã phát hiện được nhiều hầm chứa vũ khí đạn dược cũng như một bệnh xá cấp trung đoàn và 1 công binh xưởng của CQ. Dù các cuộc chạm súng không đáng kể, cuộc hành quân này đã buộc CQ phải tháo chạy về hướng Đông phía khu đồng trống dọc duyên hải, và tại vùng này, 2 tiểu đoàn của trung đoàn 18 CSBV sau đó đã bị liên quân Việt Mỹ đánh tan. (Phần trình bày về Sư đoàn 1 Không Kỵ được biên soạn dựa theo tài liệu của cựu đại tướng Westmoreland và cựu trung tá Nguyễn Minh Tánh, đối chiếu với các bản tin chiến sự do Tổng cục Chiến tranh Chính trị QL/VNCH phổ biến hàng ngày cho báo chí).

Kỳ sau: Trận kịch chiến đầu năm 1967 tại vùng cận duyên Bồng Sơn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.