Hôm nay,  

Ngày Lễ Cha, Lại Nhớ Đến Mẹ

20/06/200600:00:00(Xem: 1908)

Buổi sáng, đi mua vật liệu về làm cái kệ sách, gặp một bà Mỹ ở cửa Home Depot cũng đang tiến vào. Bất ngờ, bà Mỹ quay qua, mỉm cười: "Anh đang ước gì cho ngày Lễ Cha hôm nay"" Tôi hơi sững người, chưa kịp trả lời, bà lại tiếp: "Chắc anh ước một cái tủ lạnh mới" Hay một cái máy ảnh thật hiện đại"" Tôi cười đáp lời: "Tôi chỉ muốn có một ngày bình yên, không phải lo làm việc chi cả, chỉ nằm dài ra salông, coi một cuốn phim thật hay, bên cạnh có một ly cà phê sữa đá." Bà cười lớn: "Chỉ vậy thôi sao""

Tôi nói: "Đúng thế. Điều ao ước đơn giản đó, mà tôi ít khi thực hiện được. Ngày nào tôi cũng phải làm việc mười mấy tiếng đồng hồ." Nhìn tôi một phút như muốn ước lượng giá trị lời nói của tôi, rồi bà cười: "Vậy thì tôi cho phép anh được nghỉ ngày hôm nay đó." Rồi bà cười thêm một lần nữa, rồi nhanh nhẹn bước hẳn vào trong.

Mua đủ vật liệu xong, tôi trở về nhà, và bắt đầu cưa, đục, rồi sơn. Trong đầu tôi, câu hỏi của bà Mỹ lúc sáng cứ lởn vởn hoài. Tôi ước gì nhỉ" Mong gì nhỉ" Đời tôi có bao nhiêu là giấc mộng đã được thực hiện và cũng biết bao nhiêu điều tôi mong ước, nhưng không bao giờ có hy vọng thành đạt. Đột nhiên, nhìn xuống cánh tay đang cầm chiếc cưa kéo qua kéo lại, một ý tưởng chợt bật lên. Tôi ước có mẹ tôi bên cạnh để giúp tôi  cưa...

Ngày xưa, cách đây mấy chục năm, khi tôi mới mười hai tuổi, mẹ tôi dạy tôi cách cưa. Mẹ bảo: "Con không được cầm lưỡi cưa giật giật như thế. Lưỡi cưa sẽ kẹt vào gỗ và làm cho đường cưa bị méo đi. Con phải đưa chầm chậm, nhẹ nhàng, kéo từ đầu đến cuối lưỡi cưa, như vậy đường cưa mới thẳng được." Tôi nghe lời mẹ và từ đó, đường cưa của tôi thẳng như đường kẻ, không còn quẹo qua quẹo lại nữa.

Mẹ lại dậy tôi sơn. Mẹ bảo: "Con phải sơn hai lần. Sơn lót trước, rồi sơn thật sau. Sơn lót để cho sơn hút vào trong gỗ, che hết những nếp hở của gỗ đã, đợi cho khô, sơn lần thứ hai, nước sơn mới bóng và mịn. Con đưa những lát sơn đi thẳng, không được đi cong, lại càng không được vẽ hình chữ thập." Mẹ còn dậy tôi dùng giấy nhám, và "bào" nữa. Ấn tay tôi trên cái bào thành thạo như một người thợ mộc, mẹ đẩy lưỡi bào đi thoải mái. Tôi mê mải nhìn những sợi bào cong cong trồi lên từ khe hở bên trên lưỡi bào riồi uốn lượn lả tả xuống đất mà tưởng tượng như những sợi tóc tiên, và mê thích làm thợ mộc từ đó, mà quên hỏi một điều rất quan trọng: "Làm sao mà mẹ lại biết được những ngón nghề làm thợ mộc như thế""

Mẹ tôi vốn chỉ là một nhà buôn chuyến. Mẹ bán đủ thứ, từ những khối gỗ khổng lồi chặt từ trên rừng rồi thả trôi sông tới một bến khác, đến những ống nho nhỏ đựng đá lửa, thuốc tây.. buôn từ thành phố vào trong vùng Tề. Mẹ bán thuốc lào Vĩnh Bảo, từng kiện thuốc lào được chở trong thùng tôn xuôi ngược Nam Định, Phủ Lý, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Kiến An, Hà Nội... rất nhiều địa danh mà tôi không thể nhớ hết được. Tôi đã có may mắn được mẹ cho đi theo trong các chuyến hàng không nguy hiểm. Lên xe "ca" (một loại xe buýt cổ lỗ sĩ), xuống tầu thủy, đi thuyền "đinh" (một dạng thuyền buồm) hay đi xe kéo... tôi đã mê man với phong cảnh, giang sơn đẹp tuyệt vời của miền Bắc, nhất là vùng thượng du với những ngọn núi mù mù xa tít, những cuộn mây vàng ánh buổi chiều tà, những buổi sáng sương mờ, hai mẹ con dắt tay nhau đi như trong mơ. Mẹ, với tôi, hồi đó, chính là nguồn thơ của tôi. Trong những chuyến đi dài như thế, mẹ đọc cho tôi bao nhiêu là bài thơ. Từ những câu Kiều, đến Cung Oán Ngâm Khúc, rồi Gia Huấn Ca... mẹ cứ rót vào trái tim thơ ấu của tôi các cung điệu ngân nga tuyệt vời đó, làm cho hồn thơ tôi ướt đẫm tự bao giờ. Mẹ lại còn bảo tôi đọc truyện cho mẹ nghe, các cuốn truyện của Tự Lực Văn Đoàn mà mẹ lúc nào cũng mang theo trong bọc. Tôi đã mê say đọc hết truyện này sang truyện khác rồi mẹ cho quà mỗi khi tôi đọc xong một đoạn hấp dẫn, hoặc một cái bánh rán nóng  hổi, một cặp bánh dầy chả lụa, hay một chiếc bánh giò còn bốc khói. Tôi yêu mẹ hồn nhiên, thơ ngây, và tuyệt đối. Trong mắt tôi, lúc nào cũng có hình bóng mẹ. Trong giấc mơ nào đẹp đẽ, cũng có thấp thoáng dáng mẹ bởi trước khi đi ngủ, bao giờ mẹ cũng kể chuyện cho tôi nghe. Cũng có khi, hai mẹ con vừa châm đèn bắt muỗi trong mùng, vừa kể chuyện. Tâm hồn tôi hồi đó phơi phới trong truyện và thơ, khiến tôi bật ra một bài thơ đầu đời, không nhớ rõ từ lúc tôi mười hay mười một tuổi.

Hôm nay trời trở gió

Con Vện vàng co ro

Chui trong bao bố rách

Vẻ mặt chú buồn xo.

 

Những con chim luống cuống

Bay qua lại rất buồn

Chuồn chuồn ta cũng mỏi

Cánh dăng rồi lại buông...

Và còn ba đoạn nữa mà bây giờ tôi đã quên. Chỉ nhớ còn những đoạn nói về các lần đi chơi trên sông... Tình cảm hai mẹ con cứ thế mà theo tôi lớn lên cho đến khi tôi mười hai tuổi. Trận đòn đầu đời, kinh hoàng nhất đã làm cho tình cảm mẹ con bất ngờ nhạt đi. Tôi nhớ, hôm ấy, ở Khánh Hội, vừa mới đẽo xong một cái ná cao su, tôi lơn tơn đi tìm chim ở trên các bóng cây cao chung quanh bệnh viện. Chưa thấy một bóng chim nào, đã gặp ngay ông Cảnh sát. Ông ta thấy tôi cầm ná, liền vẫy vẫy:

-Con! Con! Lại đây, chú chỉ cho chỗ bắn nhiều chim lắm.

Tôi ngơ ngác nhìn ông Cảnh sát tử tế quá sức, chưa kịp nói gì, thì ông đã tiến lại, nắm cánh tay tôi, vừa dẫn về phía cổng bệnh viện, vừa nói vui vẻ:

-Hôm qua, có một bầy chim làm tổ ở đây nè. Con mà thấy, mê luôn!

Tôi khoan khoái đi theo, chắc mẩm phen này mang mấy con chim về khoe thằng bạn cùng xóm cho nó phục sát đất, và không để ý đến lối đi mà ông Cảnh sát đang dẫn tới.

Thật không tưởng tượng được, vừa tới lối vào phòng khám bệnh, ông ta trở mặt, lôi tôi ào đi, khiến tôi sút cả dép. Tới trước mặt bác sĩ, ông ta dúi đầu tôi xuống, rồi quát lớn:

-Quỳ xuống đây!

Rồi ông lon ton báo cáo với ông bác sĩ oai vệ ngồi trên ghế:

-Bẩm đốc tờ, thằng mất dậy này bắn chim làm bể kiếng phòng khám đó!

Tôi điếng người, không biết nói sao. Ông bác sĩ nhìn tôi qua cặp kính trắng, rồi phán:

-Cho nó quỳ đấy tới chiều luôn!

Bàng hoàng, tôi nhìn quanh, ứa nước mắt. Những khuôn mặt lạ xa, trâng tráo, dữ dằn nhìn tôi đằng đằng sát khí. Tôi quỳ đó, nhục nhã, đau đớn khôn cùng. Nhưng cũng không đau đớn bằng lúc mẹ tôi, hay tin tôi bị quỳ ở nhà thương, chạy đến, hầm hầm lôi tôi về, vừa đi vừa tát tôi dúi dụi. Bà cảm thấy nhục nhã hơn tôi khi có thằng con mất dậy. Về đến nhà, mẹ lôi thước sắt ra quật tôi túi bụi và bắt tôi xin lỗi. Tôi nhất định không nói, vì oan quá. Mẹ thấy tôi lì, thì giận điên lên,  đánh đến khi cong cây sắt, thì rút cây cọc giường sắt vẫn dùng để mắc mùng, mẹ quật lên đầu lên cổ tôi tới tấp. Tôi mơ màng quỵ xuống, mê đi... Trong đầu tôi đầy những hình ảnh gì to đùng, nhỏ tí, xa xa gần gần, nở ra rồi túm lại...Tỉnh dậy vào khoảng 3 ngày sau, tôi mới biết mình đã "bắt chuồn chuồn", tức là trong khi mê man, mấy ngón tay đã rung rung vò nắm, dấu hiệu của sự chết. Mẹ lúc đó, hối hận, nấu cháo "sâm gà" cho tôi ăn, mẹ cho nguyên củ sâm vào ruột con gà giò, nấu cho đến khi cả gà cả sâm tan ra, rồi đút cho tôi.

Sau đó, tôi bắt đầu lì lợm, không còn thương mẹ nữa. Rồi quậy, đi chơi về khuya, ăn cắp tiền mẹ đi xi nê, lén lấy chìa khóa cửa để về nhà trễ không cần gọi cửa... Những trò đó, không qua mặt mẹ, nên mẹ đánh tôi càng ngày càng kinh hoàng. Nhất là sau khi mẹ bị lừa hết tiền để dành, còn mang thêm nợ, mẹ đâm bẳn tính, đánh con cái như hằn thù. Một lần, đứa cháu con ông anh cả của tôi cứ lèo nhèo đòi tôi đưa võng, tôi ham chơi, không chịu. Cháu khóc ra rả, mẹ bảo:

-Mày (mẹ không gọi tôi bằng "con" nữa) có đưa võng cho nó không thì bảo"

Tôi cương quyết lắc đầu:

-Me có đánh chết con, con cũng không đưa võng cho nó!

Thế là bà điên lên, vớ lấy cây gỗ 3 phân vuông, đánh tôi đến khi gẫy đôi, thì chập cả hai cây lại, đánh tiếp. Tôi gục xuống, mê đi...

Vài năm sau, các trận đòn mỗi ngày mỗi mạnh. Tôi xin tiền chị Hai đi học võ, rồi học vẽ. Học võ thì bị gẫy xương, bó bột về nhà, mẹ lại đánh thêm. Học vẽ thì thấy những hình khỏa thân, cũng bị mẹ đánh. Mẹ bảo: "Vẽ gì mà toàn ma toàn quỷ!" Tôi dấu tranh của tôi dưới chiếu, trên trần nhà, bị mẹ lục ra, là đánh. Bị đánh riết rồi tôi oán ghét mẹ không thể tả. Mẹ, với tôi, lúc đó là Ác thần, không còn là bà tiên thơ mộng như xưa nữa. Tôi không dấu nỗi oán ghét này, khiến bà càng đánh thêm, nhất là khi đó, cả nhà đi xa hết. Anh Cả tôi đóng quân xa, chị Hai tôi lấy chồng đi Vĩnh Long, anh Ba tôi ra tận Đà Nẵng, chị Tư thì trốn đi tu mất biệt, chị Năm đi làm tận Qui Nhơn, còn mỗi mình tôi, ôm tất cả những buồn giận của mẹ vào lòng. Mỗi sáng sớm, mẹ vẫn đi lễ về lúc 5 giờ. Tôi thức dậy trước đó, lấy cái ghế đẩu không có lưng dựa ra để giữa nhà, chờ mẹ về là ăn đòn. Để mẹ đánh cho đau hơn, tôi cởi cả áo lót ra, và ngồi đó, chờ mẹ. Khi bà bước vào cửa, thấy tôi ngồi thách thức đó rồi, mẹ liền ngưng đọc kinh, thay áo, kiếm cây gậy vào là quật tôi túi bụi. Khi bà quật cây đầu tiên, tôi đếm "Một!" Bà quất cây sau, tôi đếm: "Hai!" chọc gan mẹ, làm bà càng lúc càng điên thêm, quất cả vào đầu vào cổ và mặt. Tôi ngã xuống đất, thiếp đi, không một lời xin lỗi. Suốt đời tôi, từ đó, chưa lần xin lỗi mẹ...

Giờ đây, mẹ mất rồi, tôi muốn xin lỗi mẹ cũng không được nữa. Cuộc đời tôi, giang hồ, mất dậy, bỏ nhà đi bụi đời mấy năm, lang thang đói rách, có lúc phải cướp giật để có cơm ăn, rồi cương quyết trả thù đời, bằng cách nghiến răng học cho được như người ta, tình nguyện đi lính, rồi chầm chậm lên từng nấc thang đời, tôi vẫn luôn day dứt giữa tình yêu Mẹ và sự hận Mẹ không yêu tôi nữa. Nhưng có lẽ những năm tháng thơ mộng hồi nhỏ vẫn đậm nét trong hồn tôi hơn là thời gian bị đòn vọt, nên tôi luôn yêu mẹ, tình yêu một chiều mà thôi. Tôi đã không tìm cách làm cho tình yêu một chiều ấy được đáp lại, vì cho dù tôi có lo cho mẹ bao nhiêu đi nữa, mẹ vẫn lạnh lùng với tôi, và chỉ nhớ đến người anh cả mà thôi. Trước khi mẹ nhắm mắt, mẹ chỉ gọi mỗi tên anh cả tôi: "Thằng Văn đâu rồi"" rồi đi luôn. Còn tên tôi, không được nhắc đến, cho dù bao năm tháng cuối đời, tôi vẫn luôn ở gần mẹ.

Ngày hôm nay, trong ngày lễ của Cha, tôi đột nhiên nhớ đến Mẹ, và tôi nghẹn ngào khóc. Nước mắt tôi rơi xuống, ướt hết những lằn sơn, mà ngày xưa Mẹ đã cầm tay tôi, dậy tôi cách sơn. Mẹ ơi! Xin Mẹ tha lỗi cho con!

Chu tất Tiến.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.