Hôm nay,  

Những Tin Không Lành

01/06/200600:00:00(Xem: 2288)

Những tin không lành đã đến với Tổng Thống Bush từ nhiều mặt trong lúc ông nỗ lực tìm sự ủng hộ của quần chúng Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố trên khắp thế giới. Trong tuần qua ông Bush nói đến một chương mới trong mối quan hệ của Mỹ đối với Iraq sau khi chính phủ Maliki thành hình và bắt đầu nắm quyền kiểm soát nước của họ để Mỹ được nhẹ gánh tang bồng. Thế nhưng bạo động và rối loạn vẫn chiếm hàng đầu tin tức mỗi ngày. Người ta không quên hình ảnh ngoạn mục cuối năm 2001, Bush được dân chúng hoan hô khi ông thề tiêu diệt bọn khủng bố đã đánh bom New York, rồi chỉ vài tháng sau Mỹ tấn công sào huyệt của bọn bin Laden, phá tan chế độ Taliban ở Afghanistan và một chính phủ dân chủ thành hình. Vậy mà nay Taliban tái xuất hiện. Vào đầu tuần này, các cuộc biểu tình nổi lên dữ dội sau khi một quân xa Mỹ tông vào nhiều xe dân sự gây tử thương một số người. Hàng trăm lính Afghanistan và quân NATO với chiến xa đã được huy động khi bọn biểu tình hô "Đả đảo Mỹ" tiến về dinh Tổng Thống ở Kabul.

Tại Iraq vào ngày có lễ Tưởng niệm ở Mỹ, 40 người dân đã bị chết thảm trong các vụ đánh bom của khủng bố. Trong số này có 3 phóng viên của CBS lâm nạn khi đi theo quân đội Mỹ, hai chết và 1 trọng thương. Hôm sau có 47 người chết, 107 người bị thương, tỷ lệ bạo hành đẫm máu đã gia tăng mạnh sau khi Iraq có chính quyền dân cử. Mặt khác có tin nói 75 tù nhân nghi can khủng bố bị giam ở căn cứ Mỹ trên đảo Cuba đã tuyệt thực để phản đối sự giam cầm không có tội trạng rõ ràng. Quân đội Mỹ hiện giam giữ lối 450 tù nhân bị nghi có quan hệ với al-Qaida và Taliban. Các nhóm tranh đấu Nhân quyền nói nhiều người vô tội đã bị bắt oan vẫn bị giam không có ngày về. Chỉ có 10 người bị nêu tội danh rõ ràng. Những người này sẽ bị đưa ra xử trước Tòa án Quân sự Mỹ, chưa rõ ngày nào nhưng ít ra cũng phải chờ nhiều tháng nữa mới xử. Đây sẽ là Tòa án Quân sự Mỹ đầu tiên kể từ thời Đệ nhị Thế chiến. Nhưng tháng tới, Tối Cao Pháp Viện mới phán xét liệu chính phủ Bush có vượt quá quyền hạn hay không khi đem xử một số nghi can như tội phạm chiến tranh.

Trong khi đó cũng tuần này lại nổi lên một vấn đề tuy cũ, nhưng khá quan trọng về quân phong quân kỷ của Mỹ ở Iraq. Đó là vụ một số Thủy quân Lục chiến Mỹ đã giết người vô tội trong một lúc phẫn nộ điên cuồng. Thêm vào đó là lời tố cáo mới đây nói có sự bao che tội phạm. Nguồn tin Ngũ giác đài Mỹ nói vụ giết người xẩy ra vào lúc 7 giờ sáng ngày 19 tháng 11 năm 2005 ở thị trấn Haditha trên bờ sông Euphrate thuộc miền Tây Iraq, sau khi một quả mìn chôn trên đường lộ gây tử thương cho một quân nhân Mỹ trẻ, mới có 20 tuổi. Lúc đầu Thủy quân Lục chiến nói có 15 người dân tử thương trong vụ nổ mìn này. Nhưng theo CNN thuật nguồn tin Ngũ giác đài, ngay sau khi bị trúng mìn, Thủy quân Lục chiến đã nghi 4 thanh thiếu niên Iraq ngồi trên xe taxi ở bờ sông và bắn chết mấy người này vì không tuân lệnh nằm xuống đất. Kế đó cuộc truy lùng tiến đến một căn nhà gần đấy để tìm bắt kẻ đặt mìn. Nhà này có 7 người - gồm cả 2 phụ nữ và trẻ em - bị bắn chết. Căn nhà bên cạnh có 8 người, trong số này 6 phụ nữ, cũng bị hạ sát, ở căn nhà thứ ba có mấy phụ nữ không bị bắn. Qua căn nhà thứ tư có 4 người đàn ông bị lính Mỹ bắn chết. Nguồn tin Ngũ giác đài nói tất cả có 24 nguòi dân Iraq bị giết.

Lúc đầu giới quân sự Mỹ không tin lời dân làng tố cáo Thủy quân Lục chiến Mỹ đã giết thường dân không có vũ trang, ngay cả khi tạp chí Time đưa ra những chứng cớ đáng tin cậy trong số báo hồi Tháng Ba. Aparisim Ghosh của tờ Time thuật lại: "Giới quân sự tỏ ra bất bình. Họ tố cáo chúng tôi đã nghe theo sự tuyên truyền của địch và họ vẫn giữ nguyên luận điệu từ đầu là mấy người Iraq chết vì mìn tự chế gài trên đường lộ". Nhưng luận điệu này đã tan biến sau một cuộc điều tra cho thấy cáo buộc giết dân là có thật. Nguồn tin cho biết từ 4 đến 8 Thủy quân Lục chiến thuộc Đại đội Kylo, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 5 TQLC Mỹ đã trực tiếp can dự vụ này - nhưng một vài TQLC thuộc các đơn vị khác biết sự việc xẩy ra vì họ giúp vào việc thu thập tài liệu. Một TQLC nói với báo Los Angeles Times anh ta chụp hình ít nhất cũng đến 15 tử thi và sự kiện ám ảnh anh hoài là lúc anh thâu lượm tử thi một cô gái trẻ bị bắn vào đầu.

Quốc hội Mỹ đã chuẩn bị điều tra vụ này. Hôm chủ nhật, Dân biểu John Murtha, Dân Chủ, nói trên đài ABC vụ giết thường dân và sự bao che sẽ làm văng miểng tệ hại hơn cả vụ hành hạ tù nhân ở Abu Ghraib. Thượng nghị sĩ John Warner, Cộng Hòa, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng Viện, loan báo Ủy ban của ông sẽ mở điều trần về vụ này. Hồi đầu tháng cũng có tin tiết lộ TQLC thuộc tiểu đoàn 3, Trung đoàn 5, ngày 26 tháng Tư đã giết một thường dân ở thị trấn Hamandiya, phía Tây Baghdad. Những tin không lành mạnh như trên có thể làm TT Bush mất điểm thêm nữa trong các cuộc thăm dò dân ý. Khi tiếp kiến Đại sứ mới của Iraq tuần này TT Bush tỏ ý tin tưởng ở khả năng chống khủng bố của chính phủ Maliki. Nhưng chưa đầy hai ngày sau, những tin không lành cho Mỹ lại càng gây khó khăn thêm cho chính phủ Iraq.

Thủ tướng Maliki (người Shi-a) phải cấp tốc bay xuống miền Nam, đến Basra để tìm cách chấm dứt nạn xung đột đẫm máu trong nội bộ phái Shi-a. Ông thề sẽ tiễu trừ các "băng đảng" dầu lửa bằng võ lực nếu cần. Miền Nam Iraq, đại đa số cư dân là Shi-a. Miền này cũng có giếng dầu lớn gần Iran và Kuwait. Quan trọng nhất, Basra là yết hầu của Iraq để các ống dẫn đưa dầu dến hải cảng xuất cảng. Các "băng đảng" vũ trang Shi-a đánh lẫn nhau gồm có Tổ chức Badr, đảng Fadhila và Phong trào Giáo sĩ al-Sadr, tất cả đều muốn chiếm yết hầu Iraq, tùy nghi xiết họng để đòi quyền trong Quốc hội và Chính phủ dân cử. Thành ra sự chia rẽ nát như tương ở Iraq không chỉ vì sắc tộc giữa người Kurd và người Ả rập, không phải chỉ vì tôn giáo giữa Sun-ni và Shi-a, và cũng không phải vì chính trị phe đảng. Nguyên nhân đúng hơn hết vì một chất có tên là "vàng đen" tức đồng tiền dầu lửa. Xét ra Chính phủ Bush cũng không nên nhắc đến hai chữ "rút quân" làm chi cho mệt.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.