Hôm nay,  

Phong Tỏa Biên Giới - Đánh Bùn Sang Ao

27/05/200600:00:00(Xem: 1970)

Những lỗ cần bít tại biên giới sẽ mở ra những lỗ hổng khác.

Ngày 25 vừa qua, với đa số 62-36 Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật S. 2611 nhằm giải quyết một cách "toàn diện" (comprehensive) nạn di dân nhập lậu vào Mỹ. Dự luật này phải được dung hợp với dự luật H.R. 4437 Hạ viện đã thông qua ngày 16 tháng 12 năm ngoái với đa số là 239-182. 

Dự luật S. 2611 có tính cách "ôn hoà" hơn (hay "nhu nhược" hơn, tùy quan điểm) so với dự luật H.R. 4437, vốn có mục tiêu còn toàn diện và triệt để hơn dưới tên gọi là "Bảo vệ Biên giới, Chống khủng bố và Kiểm soát Di dân bất hợp pháp". Hai vấn đề then chốt đã gây tranh luận là phải ưu tiên kiểm soát biên giới (quan điểm Hạ viện) trước khi nói đến việc xử lý về số phận của những người đã nhập lậu và đang sống trên lãnh thổ Hoa Kỳ (mối quan tâm của Thượng viện) và, kế tiếp, nên hay không nên "ân xá" kẻ phạm luật bằng một chánh sách thiết thực hợp lý. Phe bảo thủ cho rằng ân xá - dưới bất kỳ lối gọi nào - cũng là bất công với những người muốn nhập cư hợp pháp mà vẫn bị đứng ngoài, và sẽ tiếp tục khuyến khích nhập lậu.

Nếu muốn suy ra vấn đề gần với cộng đồng người Việt thì hãy liên tưởng đến số thuyền nhân bị kẹt từ mấy chục năm nay tại Philippines mà không được Hoa Kỳ cho nhập cư … Lòng từ tâm có chọn lọc.

Một vấn đề (trong rất nhiều vấn đề) sẽ gây tranh luận tại ủy ban tư pháp hỗn hợp của hai viện và trong dư luận là bảo vệ biên giới đến chừng nào.

Trên một vùng biên cương Mỹ-Mễ dài hơn 2.000 dậm (3.200 cây số), Hạ viện đề nghị lập những hàng rào hiện đại, tổng cộng dài 698 dậm (1.117 cây số), còn Thượng viện đề nghị 370 dậm (592 cây số). Nếu hai viện có thể tiến tới giải pháp "trung dung" (mỗi viện nhượng bộ một chút) thì Hoa Kỳ sẽ có chừng 500 dậm (800 cây số) biên cương được bảo vệ bằng hàng rào, so với vỏn vẹn có 75 dậm hiện nay. Dài nhất trong số này là hàng rào 44 dậm được dựng tại biên giới Mexico với San Diego, miền cực Nam California từ cuối năm 1994.

Những thống kê do Cảnh sát Biên phòng San Diego loan tải cho biết từ khi hàng rào được dựng, số người nhập lậu lẫn cần sa ma túy bị tịch thu đã sút giảm đáng kể. Trước đây, hàng năm Biên phòng San Diego vẫn bắt được chừng 100 ngàn người Mễ nhập lậu, con số này chỉ còn là 5.000 người mỗi năm kể từ 1995.

Điều ấy là tin vui một nửa: hàng rào bảo vệ biên giới có hiệu quả, nhưng chỉ hiệu quả ở nơi được dựng lên. "Bít lỗ hà ra lỗ hổng" là phần giải thích còn lại: Khi di dân và các phần tử bất hảo khó xâm nhập vào Mỹ qua ngả San Diego, họ tìm nơi khác, thí dụ như khu vực Tucson của tiểu bang Arizona.

Dựng hàng rào vì vậy là điều có ích cho những nơi có hàng rào, nhưng cuối cùng vẫn là chuyện đánh bùn sang ao. Nếu tìm hiểu thống kê của Biên phòng Hoa Kỳ, người ta có thể thấy là có nhập lậu đã giảm tại San Diego nhưng từ đấy lại gia tăng mạnh tại các khu vực Tucson (AZ) hay El Paso, Marfa, Del Rio, Laredo và McAllen tại tiểu bang Texas. 

Di dân nhập lậu thường chọn nơi đông dân ở bai bờ biên giới, hầu dễ tản vào cư dân địa phương nhất là khi những di dân đi trước thường tập trung tại các vùng biên giới. Từ nơi đông dân tại Mexico là Tijuana vào một nơi đông dân khác là San Diego, họ có nhiều hy vọng thành công. Việc thiết lập hàng rào tại những nơi ấy có thể khiến di dân sẽ nhập lậu qua các vùng rừng núi hoang vu, hoặc sẽ…. đi vào bằng đường biển hay dùng giấy tờ giả.

Kết quả thì truyền thông báo chí và chính quyền địa phương gây ra ấn tượng là số di dân nhập lậu (và những phó sản đi cùng là ma túy, băng đảng khai thác kỹ nghệ ma túy) có giảm: chính quyền đã có hành động ứng phó và hành động ấy có hiệu quả.

Kết quả thứ hai là di dân nhập lậu qua núi rừng hay sa mạc có thể tử nạn nhiều hơn vì đi lạc, thiếu ăn thiếu uống. Số tổn thất ấy ban đầu còn bị lãng quên, nhưng nếu gia tăng thì được các tổ chức nhân quyền chú ý - và báo động: Hoa Kỳ có chánh sách bất nhân khiến nhiều người bỏ mạng.

Muốn khỏi bị lạc, người nhập lậu phải nhờ bọn dẫn đường (dân địa phương gọi là "sài lang" coyotte). Xưa nay, họ thường bị các tổ chức bất lương này trấn lột, đánh đập và cưỡng bức mà nay lại rơi vào vòng kiểm soát của chúng. Con đường tiến tới giấc mơ Hoa Kỳ nay dễ tuột chân vào địa ngục.

Và một kết quả cũng cần chú ý là cư dân Hoa Kỳ tại các vùng không có hàng rào bảo vệ ở biên giới sẽ thấy sinh hoạt của mình bất an hơn, nạn móc túi, ăn cắp, thậm chí ăn cướp lương thực và nước uống sẽ gia tăng, nhà cửa ở các vùng ấy sẽ xuống giá. Hiện tượng đã từng gặp tại Tucson sau khi San Diego đóng chốt sẽ tái diễn tại El Paso, Marfa hay Del Rio của Texas.

Loài người là sinh vật biết ứng phó với hoàn cảnh, hoàn cảnh xâm nhập bất hợp pháp mà thay đổi thì phương thức xâm nhập cũng sẽ thay đổi, dẫn tới nhiều đổi thay ở từng địa phương. Trong cuộc chạy đua giữa nhà chức trách và những kẻ gian lận, kể cả làm giấy tờ giả để hợp thức hoá việc bất hợp pháp, kẻ gian thường có nhiều sáng kiến hơn và rốt cuộc thì những người bần cùng khốn khổ nhất vẫn lại là nạn nhân, của cả cảnh sát lẫn bọn bất lương.

Loại vấn đề này không thấy được đặt ra cho Tổng thống Mexico Vincente Fox trong chuyến thăm viếng ba tiểu bang Hoa Kỳ vào tuần này.

Chuyện di dân nhập lậu từ Mexico vào Hoa Kỳ không phải là mới. Nó trở thành đề tài đáng chú ý rồi gây sôi nổi từ đầu năm nay sau khi Hạ viện Hoa Kỳ đưa ra dự luật đối phó, chứ là hiện tượng đã xảy ra từ nhiều thập niên.

Điều đáng nói - và cần nói ra dù có thể bị hiểu lầm và xuyên tạc - là đa số di dân gốc Mễ lại không phân tán để hội nhập vào xã hội Hoa Ky như các thành phần di dân khác. Họ sống tập trung tại các địa phương lân cận với Mexico và vẫn coi Mexico là quê hương, có khi là tổ quốc. Sự tập trung ấy ảnh hưởng đến xã hội và chính trị Hoa Kỳ ở các tiểu bang vùng Tây Nam trước khi lan rộng ra toàn quốc nếu mật độ dân số gia tăng đều theo tốc độ đã thấy từ hai chục năm nay.

Vấn đề ấy của Hoa Kỳ có nguyên nhân sâu xa từ Mexico.

Di dân nhập lậu vào Mỹ giảm bớt sức ép về nhân dụng (tỷ lệ thất nghiệp) tại Mexico, nơi mà hàng năm có nửa triệu dân đến tuổi đi làm thì cũng có 400 ngàn tìm cách chạy vào Mỹ. Đã vậy, tới nơi và có việc làm rồi, họ còn gửi tiền về cho thân nhân gia đình. Ngân khoản 18 tỷ Mỹ kim gửi từ Hoa Kỳ về Mexico cũng bằng với số đầu tư ngoại quốc được trút vào Mexico. Tại Hoa Kỳ, họ lại được nâng đỡ - chương trình giáo dục song ngữ là một thí dụ - để khỏi cần hộp nhập vào xã hội Mỹ. Họ sẽ trở thành một quốc gia trong một quốc gia, và một cánh tay nối dài của Mexico vào Mỹ. Họ càng thấy chuyện ấy là chính đáng khi được nhắc nhở rằng Hoa Kỳ đã cướp đất của dân Mễ từ những năm 1820-1840.

Trong lịch sử con người, sự chuyển dịch dân số, âm thầm mà mãnh liệt, mới gây vấn đề giữa các quốc gia, trước khi trở thành xung đột về văn hoá hay chính trị. Chúng ta đã thấy vấn đề ấy tại Nga, Yougoslavia, Indonesia, Trung Quốc, Phi Châu, và sẽ còn thấy…

Một số phần tử ưu tú - giới lãnh đạo chính trị tại Mexico hay các chính khách, doanh gia và truyền thông tại Hoa Kỳ - đã có những lý luận hấp dẫn để bênh vực quyền lợi của quần chúng lầm than ở dưới.

Sự thật nhiều khi lại chẳng tốt đẹp như vậy.

Giới lãnh đạo Mexico không cải thiện hệ thống cai trị, từ kinh tế đến luật pháp, và xua đuổi những kẻ bần cùng ở nông thôn qua bên kia biên giới, cho Mỹ nuôi dùm. Bên này biên giới, thành phần ưu tú trong chính trị và truyền thông thì được dịp chứng tỏ là mình quan tâm đến người thiểu số; doanh giới thì có nhân công rẻ - rẻ hơn nếu so với nhân công đang lao động hợp pháp tại Mỹ. Họ mặc nhiên hỗ trợ nhau để kéo dài hiện trạng.

Và cũng lại chơi trò ném bùn sang ao.

Người dân Mexico, dù ở quê nhà hay đã nhập lậu vào Mỹ, không thể là đống bùn để bị đối xử như vậy, và mọi kế hoạch về di dân của Hoa Kỳ mà không có một vế ngoại giao, phần liên hệ đến chính quyền Mexico, cũng sẽ không giải quyết được vấn đề. Y như chuyện lập hàng rào ngăn cản di dân vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.