Hôm nay,  

Mỹ Kim Sụt Giá

24/05/200600:00:00(Xem: 1728)

... Trong kịch bản Mỹ kim sụt giá, làm sao bảo vệ trị giá tài sản bằng loại tiền này"

Hôm mùng tám vừa qua, lần đầu tiên Trung Quốc đã nâng giá đồng Nhân dân tệ so với Mỹ kim qua mức tâm lý là tám đồng Nguyên ăn một đô la Mỹ. Từ đấy, đồng Nguyên đã lên giá so với Mỹ kim. Biến cố ấy khiến các thị trường thế giới để ý tới hiện tượng đô la sụt giá.

Diễn đàn Kinh tế của đài RFA sẽ tìm hiểu về hiện tượng ấy qua phần trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, do Việt Long thực hiện.

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, các thị trường ngoại hối trên thế giới đã chú ý đến quyết định mới của Trung Quốc là ấn định trị giá đồng Nhân dân tệ ở mức cao hơn kể từ Thứ Hai mùng tám qua theo đó chỉ cần 7,9882 đồng Nguyên thay vì 8,11 đồng là đã ăn một Mỹ kim.

Sau quyết định mà ông gọi là "ảo thuật ngoại hối" của Bắc Kinh vào tháng Bảy năm ngoái khi họ nâng tỷ giá lên 2,1%, thì vì sao biện pháp vừa qua lại được thị trường chú ý"

Dư luận quốc tế vẫn thường bị mê hoặc bởi những gì xảy ra trong thị trường đông dân nhất thế giới là Trung Quốc. Việc Bắc Kinh nâng hối suất, dù không nhiều, và vẫn cho giao dịch trong biên độ hẹp là chỉ có 0,3% trên dưới giá chính thức ấy, thực ra có tác dụng tâm lý hơn thực tế. Và đậm màu ngoai giao chính trị hơn là kinh tế. Điều đáng chú ý nằm trong lãnh vực khác là đồng Mỹ kim sụt giá mạnh kể từ tháng trước và sẽ đi vào mấy tuần lên xuống thất thường.

Hỏi: Từ cuối năm 2004, ông cảnh báo trên diễn đàn này là thời của đồng Mỹ kim rẻ đã hết và Á châu sẽ phải ứng phó với việc đô la lên giá. Bây giờ, Mỹ kim lại xuống giá, vì sao như vậy"

Tất cả tùy vào viễn ảnh dài hay ngắn. Với nạn nhập siêu ngoại thương khiến Mỹ bị khiếm hụt chi phó, là phải nhập khẩu tư bản ngày một nhiều hơn, mỗi ngày kinh doanh cần tới ba tỷ đô la, việc Mỹ kim sụt giá là sự điều chỉnh tất yếu và cần thiết của thị trường. Vấn đề là việc điều chỉnh ấy xảy ra tiệm tiến hay không. Năm 2001, Mỹ bị suy trầm nhẹ và lại bị khủng bố rồi chiến tranh, nên ngân hàng trung ương giảm lãi suất liên tục, khiến lãi suất thực tế nằm ở số không nếu so với tỷ lệ phạm phát. Điều ấy khiến Mỹ kim càng sụt giá và mở ra thời kỳ gọi là "đô la rẻ" làm cho các thị trường Á châu quen dần.

Thế rồi vì kinh tế Mỹ đã phục hồi, từ tháng Sáu năm 2004 ngân hàng trung ương Mỹ bắt đầu nâng lãi suất một cách tiệm tiến, bình quân sáu tuần lại nâng 25 điểm, tức là 0,25% - mới nhất và lần thứ 16 là mùng 10 tuần qua. Vì vậy mà trên diễn đàn này ta mới nói đến một chuyển động mới trong tinh thần cảnh báo là đồng Mỹ kim hết còn rẻ như xưa. Lý do là để bà con và doanh giới tại Việt Nam chú ý đến một hiện tượng mới. Quả như vậy, sau ba năm sụt giá đều, bình quân là 16% kể từ 2002 đến 2004, đồng Mỹ kim lại tăng giá, bình quân là 5% trong suốt năm 2005, là một điều phải nói là đã gây ngạc nhiên cho nhiều người.

Hỏi: Xin hỏi ông thêm một lần nữa cho rõ, vì sao Mỹ kim phải sụt giá vì nạn nhập siêu mà trong năm 2005 lại tăng giá dù kinh tế vẫn bị nhập siêu, và bây giờ mới bắt đầu sụt lại"

Thưa vì trong một xu hướng lớn - là lâu dài - khiến Mỹ kim sụt giá, lại có những chuyển động nhỏ - có tính đoản kỳ. Chính vì vậy mà ta phải thường xuyên theo dõi tình hình thị trường dể điều chỉnh nhận định và tính toán. Tình hình thay đổi thường xuyên và có khi rất nhanh trong vài tháng tới mà mình cứ quyết định căn cứ trên những kết luận đã lỗi thời thì sẽ bị thiệt hại.

Chuyển động nhỏ ở đây là trong khi Hoa Kỳ bắt đầu điều chỉnh lãi suất từ giữa năm 2004, thì hai khối kinh tế lớn của thế giới là Nhật Bản và Âu Châu vẫn còn bị suy trầm, vì vậy mà các ngân hàng trung ương Nhật và Âu châu không nâng lãi suất, khiến đồng Yen Nhật và Euro Âu châu sụt giá so với tiền Mỹ, hay nói ngược lại, tiền Mỹ lên giá so với hai ngoại tệ ấy.

Then chốt trong việc theo dõi, phân tách và nhận định về việc trị giá đồng bạc là phải xem lên hay xuống so với ngoại tệ nào, và sai biệt lãi suất giữa từng nước hay từng khối tất nhiên chi phối hối suất hay tỷ giả đồng bạc. Nói vắn tắt thì trong giai đoạn sụt giá, Mỹ kim sụt mạnh nhất so với tiền Âu, nhiều hơn là so với tiền Nhật hay tiền Á.

Hỏi: Và bây giờ, tình trạng sai biệt ấy về giá trị các ngoại tệ đã chấm dứt phải không"

Về cơ bản thì đúng như vậy, sau khi ngân hàng trung ương Nhật Bản rồi Âu Châu đều đã nâng lãi suất kể từ cuối năm ngoái. Cho nên, đồng Mỹ kim sẽ rơi thật chậm vào đúng thực giá của nó trong tương lai, nhất là khi thị trường dự đoán là ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ hết cần tăng lãi suất sau mùa Thu này, nếu thấy lạm phát không còn đáng ngại. Tuy nhiên,  thống kê tuần qua cho thấy chỉ số vật giá, cả hàng xỉ lẫn lẻ, tại Hoa Kỳ lại tăng vọt nên lãi suất ngắn hạn tại Mỹ còn có thể tăng vào ngày 29 tháng Sáu tới đây và sẽ làm chậm nhịp sụt giá đô la trong ngắn hạn.

Đi vào chi tiết, Mỹ kim có thể sụt giá tương đối ít so với đồng Euro Âu châu mà lại có thể sụt mạnh hơn so với đồng Yen Nhật hay các đơn vị tiền tệ châu Á. Sự sai biệt ấy cũng là điều ta cần chú ý khi giao dịch buôn bán bằng hoặc với các loại tiền tệ ấy. Kế tiếp, với giá thương phẩm tăng quá nhanh tại Á châu vì số cầu quá cao, lạm phát sẽ đe dọa châu Á khiến lãi suất ở đây sẽ tăng và tiền Á càng lên giá so với tiền Mỹ, hoặc Mỹ kim càng mất giá tại Á châu.

Hỏi: Chúng ta bắt đầu đi vào phần phức tạp của đề tài. Nếu biết trước là Mỹ kim sẽ còn sụt giá, người ta có nên tồn trữ tài sản dưới dạng đô la Mỹ không"

Tôi hiểu vì sao lại có câu hỏi ấy, khi tại Việt Nam, ta vẫn quen mua đô la và tồn trữ tài sản dưới dạng Mỹ kim. Trong xu hướng dài và tổng quát của thị trường, ta vẫn thấy nổi lên phản ứng đầu cơ vì nhiều yếu tố đặc thù ở từng thị trường, từng địa phương. Nhưng, trên đại thể, xin nói ngay là Mỹ kim sụt giá làm các sản phẩm yết giá hay trao đổi bằng đô la Mỹ sẽ tăng, điều ấy sẽ ảnh hưởng mạnh đến các tính toán đầu cơ ngắn hạn và nếu tính sai là sẽ bị lỗ. Ví dụ như cách đây ba tuần, Mỹ kim lên giá rất mạnh tại Việt Nam, sau đó lại sụt mạnh.

Hỏi: Thưa ông, một câu hỏi có thể khiến nhiều người chú ý là nếu thế giới cùng thấy rằng Mỹ kim sẽ mất giá, liệu có trường hợp nào mà các nước sẽ bớt tồn trữ tài sản dưới dạng Mỹ kim không. Hoặc, liệu Mỹ kim có bị khủng hoảng và bị truất phế không"

Các kinh tế gia ưa nhìn vấn đề dưới dạng lý thuyết và cho là với thiếu hụt mậu dịch quá lớn của Hoa Kỳ, đồng Mỹ kim sẽ còn tuột giá và thế giới có thể bị khủng hoảng tài chính nếu không có chính sách điều chỉnh. Tuy nhiên, những người sẽ làm giá cả lên hay xuống, giới kinh doanh và đầu tư, lại nhìn vấn đề từ một giác độ khác, và ít bi quan hơn.

Thực tế khách quan của thế giới ngày nay là Mỹ kim vẫn là ngoại tệ thông dụng nhất địa cầu và còn chi phối từ tính toán kinh doanh đến kế toán kinh tế của rất nhiều quốc gia. Ta có thể gọi các quốc gia ấy là "khối Mỹ kim", gồm có Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước Á châu, có giàng giá đồng bạc vào tiền Mỹ một cách trực tiếp hay không, và cả sáu nước trong vùng Vịnh tại Trung Đông. Nếu tính chung sức mạnh kinh tế của cả khối ấy thì thiếu hụt mậu dịch của Mỹ dù đã vượt qua 6% của tổng sản lượng Hoa Kỳ cũng vẫn chỉ ở khoảng 2% của tổng sản lượng GDP của toàn khối. Vì vậy, vấn đề có thể không trầm trọng như người ta vẫn ngại. Nôm na là dù có thể bị sụt giá, Mỹ kim vẫn là đồng tiền phổ biến nhất, và có thế giá nhất.

Hỏi: Nhưng, trong kịch bản Mỹ kim sụt giá, làm sao bảo vệ trị giá tài sản bằng loại tiền này"

Các ngân hàng trung ương và giới đầu tư trên thế giới đều tự nêu ra câu hỏi ấy. Nó dẫn tới câu hỏi là những thị trường nào trên thế giới mà tài sản có thể lên giá với tốc độ cao nhất"  Thị trường Nhật Bản và Âu Châu là loại công nghiệp cao, tiết kiệm nhiều, đầu tư mạnh nhưng bị ách tắc về hành chính và lao động nên có tỷ suất doanh lợi rất thấp. Thị trường Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng cao, tiết kiệm nhiều mà đầy bất trắc và có tỷ suất doanh lợi cũng thấp.

Đầu tư vào ba nơi ấy không có lợi bằng đầu tư vào Mỹ vì xã hội Mỹ sinh động, không già nua lão hóa như Âu Châu hay Nhật Bản nhờ di dân, lại thường xuyên đổi mới bằng khoa học kỹ thuật và cởi mở trong kinh doanh. Vì vậy mà dù Mỹ kim mất giá và, người ta tiếp tục mua Mỹ kim đầu tư vào Mỹ. Việc đô la sụt giá còn là giảm dần mức nhập siêu của nền kinh tế và về dài thì đây là một sự điều chỉnh có lợi, nếu không gây ra đột biến.

Hỏi: Dù sao, một trường hợp đột biến như nhiều xứ khác đã gặp với đồng tiền của họ có thể xảy ra cho Hoa Kỳ hay không"

Tôi thiển nghĩ là giả thuyết ấy có xác suất thấp. Lý do là trọng lượng quá lớn của kinh tế Mỹ. Các nước đang phát triển, như Thái Lan, Indonesia hay cả Liên bang Nga thời 1998 có thể bị khủng hoảng ngoại hối, thị trường chứng khoán tuột đáy. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF sẽ nhảy vào cấp cứu với bài bản cổ điển mà đôi khi tai hại là phải nâng lãi suất và điều chỉnh thiếu hụt chi phó bằng chính sách giảm phát. Hoa Kỳ mà gặp tình trạng ấy, ngân hàng trung ương sẽ lấy quyết định ngược, là hạ lãi suất cho tiền rẻ tràn ngập khắp nơi, Mỹ kim sụt giá thêm và xứ nào tồn trữ tài sản bằng tiền Mỹ sẽ phá sản, chứ kinh tế Mỹ vẫn sẽ lại hồi phục!

Hỏi: Câu hỏi cuối, trong giả thuyết hãi hùng ấy, các nước - cụ thể là trường hợp Việt Nam - có thể làm gì và nên làm gì"

Sau hội nghị cấp Bộ trưởng Tài chính của nhóm G-7 là bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới vào trung tuần tháng trước, đồng Mỹ kim bắt đầu sụt mạnh và các nước đều hiểu ra một quy luật mới. Đó là thế giới cần quan niệm lại chiến lược phát triển của mình. Cụ thể là các nước Á Châu, kể cả Nhật Bản và Trung Quốc, cùng các nước Âu Châu, sẽ phải tìm cách giảm bớt thặng dư chi phó và mậu dịch, bằng cách xuất khẩu ít hơn và nhập khẩu nhiều hơn. Ngược lại, Hoa Kỳ sẽ phải nâng mức tiết kiệm và nhập khẩu ít hơn, xuất khẩu nhiều hơn.

Trước sự thay đổi lớn như vậy, và với hy vọng có thể gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm tới, Việt Nam cũng cần quan niệm lại sách lược của mình, đó là vừa hội nhập vào kinh tế toàn cầu trong khuôn khổ WTO, nhưng vẫn phải phát triển thị trường nội địa để kinh tế lệ thuộc ít hơn vào xuất khẩu và không bị những giao động thái quá về ngoại hối trên thị trường quốc tế.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.