Hôm nay,  

Lê Khánh Thọ: Nữ Họa Sĩ Sứ Giả Hòa Bình

01/07/200600:00:00(Xem: 2573)

Foto: Le Khanh  Tho a.jpg

Nữ họa sĩ Lê Khánh Thọ tại Việt Báo sáng 29-6-2006.

Nữ họa sĩ Lê Khánh Thọ từ Châteauroux, Pháp bay sang, ghé thăm tòa soạn Việt Báo sáng 29-6-2006. Chị đã tám lần xuất hiện trong mục Viết Về Nước Mỹ, với các bài viết: Một Hướng Đi, Một Lần Ghé Thăm, Chuyện Cầu Cơ: Vị Thánh Trại Nam Hà, Papa Noel và Khánh, Tiếng Chuông Ái Tình, Chức Nữ Về Việt Nam Hè 2004, Good Morning Minie, và gần đây nhất là Ghen Hận, đăng ngày 9/10/2005.

Những giòng giới thiệu về chị khá giản dị: dạy tiếng Pháp cho người tị nạn và người Ả Rập và là người tổ chức sinh hoạt văn nghệ ở các trại dưỡng lão dành cho người già Pháp. Chị triển lãm khá đều, với các họa sĩ người Pháp hoặc với các bạn đồng môn ở trường, trung bình mỗi năm 4 lần. Chị cũng vừa triển lãm tranh ở Houston, Hoa Kỳ, và đã đoạt giải Pastel vào năm 2000 và giải tranh sơn dầu vào năm 2005 tại Pháp. Chị cũng là cây bút đoạt giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ.

Chỉ khi tiếp xúc với chị, tôi mới biết chị cầm cọ trong một dịp thật tình cờ và chị bước vào nghề hội họa với đôi tay từ tốn.

Chị kể: ‘Tôi là người Đà Nẵng, vào Sài Gòn năm 1975 và theo chồng sang Pháp vào cuối năm 1978. Tôi làm đủ nghề để mưu sinh trong những ngày đầu ở Pháp: dạy học, làm thông dịch viên, tổ chức văn nghệ giúp vui người già ở viện dưỡng lão…Khi được yêu cầu dạy người già cắt dán hình giúp họ giải trí, không tìm được lớp học, tôi vào thư viện mượn sách nghiên cứu và vô tình nghiên cứu cả sách dạy hội họa. Không có lớp dạy những người mới học, tôi tìm đến trường Cao đẳng mỹ thuật Beaux-Arts xin vào các khóa thực hành, mỗi tuần hai buổi, học vào ban đêm, dành cho người đã từng biết vẽ. Mấy ông thầy người Pháp ở đây khuyên tôi đừng uổng thời giờ đi học, vô ích. Tôi năn nỉ, xin được học thử. Ông buộc lòng ghi một cái list dài những vật dụng cần mua sắm và giao cho tôi một tấm hình phococopy quang cảnh. Vẽ xong, tôi cầm đến, ông thầy kinh ngạc khen tôi có khiếu, vẽ khá hơn những người từng học mấy năm ròng. Chính tôi cũng ngạc nhiên về mình, vì hồi học lớp đệ thất ở VN, tôi vẽ hình cái cặp táp, bị ông thầy chê vẽ không giống, suýt nữa bị chấm điểm không!’

- Điều gì đã mang lại sự thành công cho chị trong những bước đầu tiên đi vào ngành hội họa"

- Tôi rất thích học hỏi, nghiên cứu và ghi nhận rất kỹ những lời giáo huấn của các ông thầy. Tôi nhận ra sự khác biệt trong cách dạy, chỉ nói riêng môn hội họa, ở VN và ở Pháp. Ở VN, ông thầy yêu cầu phải vẽ thật giống, giống từng chi tiết và màu sắc. Ở đây, ông thầy lại nói rằng nếu vẽ giống y thì không cần vẽ, cứ cầm cái máy chụp ảnh là xong,  nhanh, gọn. Ông khuyên tôi thích gì vẽ nấy, và vẽ bằng suy nghĩ sáng tạo của mình. Thầy giúp tôi đi vào thế giới hội họa bằng sự tự do sáng tạo. Tự nhiên nó trở thành dễ dàng hơn đối với tôi, và tôi bắt đầu yêu thích vẽ hơn. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn phải theo học các khóa thực tập, có người mẫu ngồi cho mình vẽ. Ở đó thầy bình phẩm về những ưu khuyết trên bản vẽ của mình, giúp mình rất nhiều. Nếu không học là dở liền.

- Chị đã từng thể hiện tính cách sáng tạo, tự do, vẽ theo ý thích của mình, như thế nào"

- Có một bức tranh tôi vẽ giòng sông có nhiều màu sắc: nâu, hồng, vàng, trắng…chứ không phải màu xanh đơn điệu. Khi sáng tác, tôi nhìn thấy cả một thế giới kỳ ảo trước mắt mình.

- Thường chị vẽ vào lúc nào"

- Buổi sáng, sau khi điểm tâm xong, tôi thấy mình tỉnh táo hơn. Có lúc say mê, quên cả ngủ trưa.

- Chị thích vẽ cái gì nhất, trong vũ trụ này"

- Hoa. Khuôn khổ và màu sắc tự do hơn nhiều.

- Chị cũng đồng thời vẽ hí họa"

- Việc này phù hợp với tính khôi hài của tôi.

Các câu chuyện kể, nụ cười và ánh mắt long lanh của chị làm tôi cảm thấy vui lây tính lạc quan của chị. Chị tâm sự rằng chị vẽ hay viết là để tạo niềm vui cho đời, cho người, cho mình, và ao ước đem lại cái nhìn lạc quan cho người đọc. Vì vậy mà chị thích viết những câu chuyện khôi hài, và thích vẽ hí họa. Đối với chị, cái gì cũng có thể giải quyết được hết. Tiếp xúc với những cảnh ngộ đau buồn, chị đã nhận ra rằng khổ nhất là sự bi quan trước cuộc sống. Qua bài viết, qua các bức họa, chị gửi gắm những thông điệp vui đến với mọi người. Chúng tôi cũng vui vì được viết về một ‘sứ giả hòa bình.’

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.