Hôm nay,  

Trước Giờ Lâm Chiến

22/07/200600:00:00(Xem: 2844)

Israel đang bị thách đố nguy ngập nhất- và trong địa hạt mạnh nhất của xứ này - quân sự.

Nếu dân Do Thái và chính quyền Israel có một giải thưởng cao quý nhất của quốc gia, có lẽ họ sẽ trao tặng cho Ngoại trưởng Condoleezza Rice của Hoa Kỳ. Không lập tức, nhưng sau này. Ngay trước mắt thì một số dân Mỹ gốc Do Thái sẽ có thiện cảm hơn với chính quyền của Tổng thống George W. Bush, thiện cảm ấy sẽ được thể hiện trong cuộc bầu cử tới. 

Sau khi thông báo nhiều lần là mình sẽ qua Trung Đông để mưu tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột đang xảy ra trong khu vực, hôm 21, Ngoại trưởng Rice mới họp báo tại bộ Ngoại giao để nêu ra đường hướng cho "một giải pháp lâu dài và bền vững hầu chấm dứt bạo động". Chưa ai rõ là bà sẽ mở hồ sơ đến mức nào - có kết hợp yếu tố Iran vào trong bài toán Trung Đông hay không - nhưng những điều bà mới đề nghị có thể làm chính quyền Jerusalem vui lòng vì phù hợp với quan điểm của Israel.

Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà đề nghị của Hoa Kỳ khó được các nước chấp nhận ngay.

Do đó, chuyến công du Trung Đông sắp tới của bà Rice sẽ chỉ mở đầu cho một cuộc chạy đua việt dã, nhưng ít ra cũng chứng tỏ là Hoa Kỳ sốt sắng tham gia giải quyết một hồ sơ nóng bỏng của thế giới. Và nhất là cho Israel một khoảng thời gian cần thiết để giải quyết vấn đề này theo chiều hướng khác, bằng quân sự.

Chính giải pháp ấy mới thực sự là cơn ác mộng cho Israel.

Bài toán của Israel là phải diệt cho sạch các cơ sở khủng bố của Hezbollah nằm tại Lebanon. Tình báo của họ có bén nhạy tinh tường đến mấy thì cũng chẳng thể xác định vị trí cho chính xác để tiêu hủy cho sạch. Việc Hezbollah bắn hàng trăm hỏa tiễn từ các lô cốt kiên cố tại Lebanon qua lãnh thổ Israel trong suốt tuần qua cho thấy mức độ tổ chức và phòng thủ rất cao của lượng lượng này, cao hơn dự đoán hay lượng định của Jerusalem.

Quân lực Israel đã liên tục oanh kích và không tập lãnh thổ Lebanon chính là để chuẩn bị cho giải pháp triệt để hơn, đó là vào tận hang cọp. Phải đổ quân vào Lebanon.

Họ đã huy động hai sư đoàn trừ bị cho việc này và còn tiếp tục gọi thêm. Trong đêm 20 rạng ngày 21, chiến dịch đổ quân ấy kín đáo bắt đầu, với ít nhất năm lữ đoàn - nhảy dù, lực lượng đặc biệt và thiết giáp - đã tiến vào miền Nam Lebanon.

Họ gặp sự chống trả quyết liệt của quân Hezbollah.

Ai cũng có thể đoán là Israel sẽ phải đổ quân chứ không thể pháo kích hay oanh tạc từ xa. Hezbollah cũng vậy nên tất nhiên đã có kế sách đối phó.

Lực lượng này có thể cố thủ trong các hậu cứ của họ và gây tối đa tổn thất cho các đơn vị Israel trong khi Tehran huy động quần chúng Hồi giáo ở khắp nơi biểu tình phản đối Israel, nhân đó phản đối luôn các chế độ Hồi giáo ôn hoà của hệ phái Sunni, như Egypt, Saudi Arabia hay Jordan là phản bội đạo Hồi vì không đứng dậy chống Israel. Việc xua dân biểu tình đã bắt đầu và chưa rõ là phản ứng rất cực đoan của quần chúng Hồi giáo sẽ dẫn tới đâu.

Hezbollah cũng có thể tản vào thiên nhiên và các khu đông dân để tiến hành du kích chiến chống lại các đơn vị Israel bị cầm chân tại Lebanon. Khi mệt mỏi và bị áp lực quốc tế, hoặc bị đe dọa từ phía Tây Nam - dải Gaza của lực lượng Hamas - hay từ phía Syria, Israel phải rút quân khỏi Lebanon thì đấy là lúc Hezbollah mở cuộc tổng phản công. Và đạt chiến thắng lớn: lần đầu tiên một lực lượng khủng bố đã khuất phục một quốc gia thiện chiến và cứ tưởng như vô địch trong khu vực.

Cho đến những ngày gần đây, Hezbollah không có vẻ gì là nao núng nên có thể là đã chọn giải pháp thứ hai, là cương quyết kháng cự. Bị tổn thất nặng mà không tiến sâu hơn và phá hủy nổi các hậu cứ của Hezbollah, Israel sẽ lãnh búa rìu của dư luận mà sự khôn khéo tối đa của Ngoại trưởng Rice và Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc là ông John Bolton cũng sẽ không đỡ nổi. Chưa kể là vào lúc đó, Hezbollah mới dùng tới loại hoả tiễn có tầm bắn xa nhất, tới tận Tel Aviz hay cả Jerusalem.

Trước những kịch bản không mấy sáng sủa này, quân lực Israel có thể làm gì"

Những người theo dõi tình hình có thể phải tham khảo bản đồ địa dư hình thể của Lebanon để hiểu ra bài toán quân sự của Israel. Và có lẽ phải nhìn từ xa hơn, từ cao hơn, mới có thể thấy ra bài toán ngoại giao và chiến lược của xứ này.

Quân lực Do Thái cần ưu tiên tiêu diệt mối họa hỏa tiễn bắn từ miền Nam sông Litâni vào các thành phố của Israel. Cho đến nay, các cuộc pháo kích và không tập từ lãnh thổ Israel chưa đạt kết quả ấy, mà lại gây hệ quả bất lợi được truyền thông loan tải rộng rãi: thường dân Lebanon bị sát hại.

Bước kế tiếp là các đơn vị Do Thái phải tiến sâu vào thung lũng Bekaa nằm dọc biên giới Lebanon với Syria, nơi có mật khu của Hezbollah, và có khi phải trải quân tới tận phía Nam Thủ đô Beirut, và phải đạt kết quả gọn sạch hầu có thể "bàn giao" cho "chính quyền" Beirut để triệt thoái về Israel. Nếu không, quân lực Israel sẽ bị cầm chân trong hình thái trận địa chiến, bị du kích Hezbollah đánh tỉa và  thế giới lên án.

Nhìn trên đại thể như vậy, Israel phải kiểm soát được Nam ngạn sông Litâni mà không bị pháo kích trong khi vẫn mở nhiều cuộc truy quét trong thung lũng Bekaa và thực tế phong tỏa được miền Nam Beirut. Các nhà quân sự của Jerusalem hiển nhiên đã hiểu vậy và tự chuẩn bị cho những tình huống bất lợi nhất.

Từ khi thành lập, quốc gia Israel của người dân Do Thái chưa hề gạp bài toán quân sự nan giải như lần này và các sở trường cố hữu về tình báo hay kỹ thuật tác chiến lần này đã bị thách đố nặng. Chính quyền Jerusalem đã để cho đối phương cơ hội gây chiến trong những điều kiện bất lợi nhất cho mình.

Trong trường hợp Israel thành công - với rất nhiều tổn thất về nhân mạng và ngoại giao chính trị - Hezbollah vẫn còn một giải pháp khác: mở màn khủng bố khắp nơi để quy tội cho Israel và chứng tỏ rằng mình vẫn tồn tại. Trong chiến dịch khủng bố này, Hezbollah còn có sự tiếp tay đắc lực của đặc công Iran trong bộ An ninh và Tình báo (MOIS), xưa nay vẫn khắng khít hợp tác với Hezbollah.

Thắng lớn trong trận này vì vậy vẫn là các Giáo chủ tại Tehran.

Bây giờ, nếu nhìn từ một cao độ khác, trên một quy mô lớn hơn, người ta mới thấy ra những suy tính tinh ma của Tehran.

Thứ nhất là sự cấu kết nhịp nhàng - rất hợp thời cơ - với chế độ Cộng sản Bắc Hàn. Thời điểm xảy ra vụ Hezbollah bắt cóc lính Do Thái là ngày 11 tháng Bảy, khi thế giới ồn ào kết án vụ Bình Nhưỡng phóng hỏa tiễn. Đại diện Tehran có mặt trong vụ bắn hoả tiễn này hay không chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là quốc tế đang lo ngại một vụ khủng hoảng hạch tâm từ Đông Bắc Á thì Tehran nhóm lửa tại Trung Đông.

Vụ khủng hoảng Trung Đông bùng nổ khi Do Thái trả đòn vào ngày 13, đúng vào thời điểm Tehran phải trả lời Liên hiệp quốc về kế hoạch võ khí hạch tâm của mình. Ngày nay, không ai nói đến đòi hỏi ấy của Liên hiệp quốc nữa! Trong khi đó, tại Iraq, sau khi phe Sunni "hy sinh" Abu Musab al-Zarqawi để tham chánh trong nội các tân lập ở Baghdad thì các nhóm võ trang Shia - rất nhiều trong số này là do Tehran yểm trợ - lại tấn công cộng đồng Sunni khiến Hoa Kỳ phải đẩy xa hơn viễn ảnh rút quân tại Iraq.

Chính quyền Israel vốn dĩ vừa bị lực lượng khủng bố Hamas tấn công ngày 25 tháng Sáu tại dải Gaza ở vùng Tây Nam nay lại bị đe dọa nặng nề ở phía Bắc, từ miền Nam Lebanon, cho nên không thể không phản ứng. Phản ứng ấy rất ăn khớp với những tính toán của Iran.

Tuy nhiên, nếu lại nhìn cục diện từ một giác độ khác, người ta có thể thấy ra nhược điểm trong đòn khiêu khích của Tehran.

Các Giáo chủ Shia tại Iran đã phơi bày sự khác biệt rất lớn với xu hướng Sunni, tại Iraq và nhất là tại các nước Hồi giáo khác, như Saudi Arabia, Egypt và Syria. Quần chúng Hồi giáo nói chung thường không có thiện cảm với Hoa Kỳ và có ác cảm nặng với Israel. Nhưng lần này họ nghi ngờ Iran không kém gì hai nước kia.

Nếu lãnh đạo các nước "ôn hoà" này khéo khai thác nội vụ, họ có thể giành lại thế chủ động cho phe Sunni. Ngoại trưởng Rice tất nhiên không bỏ lỡ dịp này trong chuyến vận động ngoại giao của bà.

Đã thế, nếu xét cho cùng thì trên cả bình diện kinh tế và thời gian, chế độ Tehran sẽ không mãi mãi chiếm thế thượng phong.

Iran là quốc gia xuất cảng dầu đứng hàng thứ tư trên thế giới nên có thể nghĩ rằng mình có một kho vô tận của Thượng đế. Nhưng, vì chánh sách độc tài và gây hấn của chế độ, năng lượng dầu hỏa của họ thiếu đầu tư - tiền bạc và kỹ thuật - của nước ngoài, thiêu nhà máy lọc dầu và vẫn phải nhập cảng xăng dầu, đến một phần ba của số tiêu thụ. Đã thế, để duy trì chánh sách mị dân, họ phải trợ cấp giá xăng: Iran nhập cảng xăng với giá hai đồng một ga lông nhưng dân chúng được mua với giá cực rẻ là 40 xu một ga lông, nên chẳng cần nghĩ đến chuyện tiết kiệm. Ngân sách quốc gia tài trợ phần sai biệt!

Chánh sách nội trị và kinh tế này còn dẫn tới nhiều hậu quả khác: mức lương tối thiểu được nâng quá cao khiến dân chúng thất nghiệp hoặc chạy ra ngoài kiếm sống. Iran có tỷ lệ thất nghiệp tới hơn 10% dân số lao động và cao nhất là trong giới trẻ. Từ khi Giáo chủ Khomeiny lên cầm quyền cuối năm 1979, ông khuyến khích dân chúng sinh đẻ để làm giàu cho nước, mạnh cho đạo. Thế hệ trẻ nay đang thiếu việc làm và nỗi bất mãn của họ có thể được hệ thống giáo dục ngu dân của chế độ dồn qua hướng khác, qua những lý luận cực đoan và gay gắt với bên ngoài.

Nhưng giải pháp này không tồn tại mãi mãi và lại gây phí tổn lớn, và lâu dài, cho kinh tế và sinh khí quốc gia.

Nói cách khác, Iran cũng có những nhược điểm xương tủy và thật ra rất e ngại những quyết định trừng phạt của thế giới: thiếu tư bản, kỹ thuật và ngoại tệ và thừa bất mãn trong giới trẻ, chế độ không mạnh như người ta nghĩ.

Với điều kiện là thế giới nghĩ ra - chuyện dễ - và dám làm - chuyện khó hơn.

Là người am hiểu về an ninh, ngoại giao và cả dầu khí vì từng ngồi trong Hội đồng Quản trị của tổ hợp Chevron, đương nhiên là Ngoại trưởng Rice hiểu rõ chuyện này hơn chúng ta. Bà sẽ tiến hành việc ấy như thế nào, người ta có thể sớm thấy, trong khi chờ đợi Israel bước vào cuộc thử lửa nhốc liệt nhất trong lịch sử của xứ này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.