Hôm nay,  

Thanh Âm Vượt Quá Sự Chết...asia Dvd 50 Nhật Trường Trần Thiện Thanh

17/04/200600:00:00(Xem: 3440)
wk_04172006_1

Với hoài niệm trang trọng quý mến Nhật Trường-Trần Thiện Thanh, Trung Tâm ASIA điều động, phối hợp đông đảo nghệ sĩ của nhiều thế hệ trong một chương trình ca nhạc quy mô để dựng lại chân dung Người Bạn - Người Nghệ Sĩ luôn hiện diện với chúng ta qua thành quả nghệ thuật, cùng toàn thể phẩm chất, phong cách thắm thiết, sinh động của riêng Anh. Bởi cũng từ đấy, chúng ta đã nhận ra: Nhật Trường-Trần Thiện Thanh không chỉ là kẻ tài hoa tinh xảo trong nghệ thuật trình diễn, sáng tác âm nhạc mà còn thủ đắc, hiện thực nên thành một giá trị chính trị - nhân văn cao hơn hẳn: Anh là Nghệ sĩ Ca Ngợi Tình Yêu Con Người - Người Lính & Quê Hương Miền Nam nhiệt thành cảm động và cũng chính xác nhất.

Nhật Trường Trần Thiện Thanh là người nghệ sĩ sống nổi trôi theo cùng với vận nước và cuộc chiến đấu bi tráng của Người Lính Việt Nam Cộng Hòa trong suốt cuộc chiến 1960-1975 nơi Miền Nam.. Thế nên, dẫu thuộc về thế hệ trẻ tuổi lớn lên sau 1975, không kinh nghiệm, liên hệ với cuộc chiến vừa qua, Nhạc Sĩ Trúc Hồ, người tổ chức, điều hành Chương Trình Asia sau thời gian phân giải, soạn hòa âm những ca khúc của Trần Thiện Thanh đã nhận ra với cảm xúc nồng nàn mến phục: Theo diễn tiến thứ tự thời gian, qua các nhạc phẩm thì chúng ta gần như có đủ một bức tranh tổng thể cho cả miền Nam, lịch sử chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ 1954 đến ngày tàn cuộc 30 tháng 4 năm 1975.

Nhật Trường-Trần Thiện Thanh đã xây dựng những ca khúc, hát nên tiếng lời ca ngợi Người Lính với một tấm lòng - Tấm Lòng của Bằng Hữu. Bởi Tình Chiến Hữu. Điều đáng nói trước tiên là Anh đã thực hiện công việc cao quý kia không phải do yêu cầu từ những cơ quan tâm lý chiến trong hay ngoài quân đội, do một nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền, nhưng bởi thôi thúc của Bổn Phận - Chúng ta có thể kết luận mà không sợ sai lầm, nếu không có con đê vững chắc bảo vệ dậy nên từ giòng nhạc, tiếng hát của những Chiến Sĩ Văn Hóa-Văn Nghệ nhiệt tâm như Nhật Trường-Trần Thiện Thanh thì ắt hẳn ngày nay chúng ta (cùng những thế hệ Người Việt trẻ tuổi ở hải ngoại cũng như trong nước) đã là những đối tượng bị tác động một cách dễ dàng thuần thục do chính sách vận động, tuyên truyền phát xuất từ nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội.

Nhật Trường Trần Thiện Thanh đã sống đủ cơn cào xé đau thương chung của Miền Nam ngay từ ngày 30 tháng 4, 1975, và cùng cả nước sau ngày uất hận kia với tâm chất trung hậu mẫn cảm của người Người Nghệ Sĩ - Lần lăng nhục dài lâu chỉ chấm dứt vào năm 1993 - Khi Anh ra khỏi nước trở lại cùng chúng ta và thế giới âm nhạc đã bị người cộng sản thô bạo đóng chặt từ 1975 ở Việt Nam.

* Nhật Trường - Trần Thiện Thanh Giữa Chúng Ta

Qua Chương Trình Asia 50, chúng ta nghe lại Tiếng Hát Chiến Đấu - Lời Nhạc Hằng Sống Nhật Trường-Trần Thiện Thanh với tấm lòng cảm khích hàm ân. Mở đầu, Trung Tâm Asia thực hiện lòng trân quý hoài niệm đối với Nhật Trường Trần Thiện Thanh qua màn trình diễn vô cùng sinh động, thắm thiết với nhạc phẩm "Anh Không Chết Đâu Anh" do Thanh Lan trình bày cùng với đồng diễn của ban vũ Lạc Hồng. Với kỹ thuật dàn cảnh hiện đại cao nhất của nghệ thuật sân khấu Hoa Kỳ, tập thể Asia đã dựng lại hoạt cảnh bi tráng trên Đồi 31 ở mặt trận Hạ Lào, tháng Hai, 1975. Đồi 31 bị tràn ngập, Đại Tá Nguyễn Văn Thọ và toàn ban tham mưu lữ đoàn đồng bị bắt, căn cứ chỉ còn khẩu pháo cuối cùng, Đại Úy Đương hạ ngang nòng bắn thẳng vào toán quân cộng sản theo xe tăng T54 ào lên đồi chiếm mục tiêu, và ông gục ngã với khẩu pháo cuối cùng bị phá hủy. Trần Thiện Thanh dựng nên chân dung bi tráng hùng vĩ của Người Lính. Ngôn ngữ, cấu nhạc bi hùng của khúc hát đã thăng hoa về lần quyết tử lẫm liệt của Đại Úy Nguyễn Văn Đương, và những chiến binh, pháo thủ của Tiểu Đoàn 3 Dù. Không có tinh thần hiệp sĩ hiến thân của Người Lính không thể viết nên tiếng lời cực độ cảm khích nầy. Không có tấm lòng từ nhân xót đau của Người Nghệ Sĩ không thể cấu tạo nên dòng nhạc bi tráng thắm thiết như trên..

Và nếu không có rung động cảm thông với nỗi đau của Người Lính (trong mối đau chung uất hận của Miền Nam), Thanh Lan không thể hát hay hơn, hàm xúc thắm thiết hơn.. Để cuối cùng, Trung Tâm Asia đã phối hợp hiện thực tất cả nên thành màn trình diễn đặc sắc đậm nét bi tráng thể hiện cuộc chiến đấu bi hùng của toàn Quân-Dân Miền Nam.

MC Nam Lộc tiếp điều khiển chương trình bằng cách trở lại giai đoạn khởi đầu sự nghiệp âm nhạc Trần Thiện Thanh với bài hát đầu tay mà Anh đã viết ra khoảng giữa năm 1958 - Nhạc phẩm Hàn Mặc Tử. Bài hát đã được khán thính giả Miền Nam đón nhận nồng nhiệt, mau chóng trở thành một trong những ca khúc được yêu cầu, và phát thanh nhiều nhất trong khoảng đầu thập niên 1960 qua giọng hát truyền cảm của nữ ca sĩ Trúc Mai. Hôm nay, ca khúc được tái lập và tiếp nối bởi Thanh Thúy và người hát trẻ Y Phụng. Tập thể Asia không chỉ dựng nên cách kết hợp trình diễn độc đáo với giọng hát của nhiều thế hệ riêng biệt, nhưng đồng thời cũng tinh tế khai thác, và phát triển thế mạnh của tuổi trẻ hôm nay với sự cảm nhận mới mẻ của họ về người và sự việc trong sinh hoạt âm nhạc nghệ thuật ngày trước cũng như của hiện tại. Các MC Việt Dzũng, Trịnh Hội, Diệu Quyên, Thiên Kim... dần dẫn dắt khán giả vào câu chuyện với những người bạn nghệ sĩ của Trần Thiện Thanh, với những tên tuổi như: Thanh Thuý, Thanh Tuyền, Ngọc Minh, Trung Chỉnh, Chế Linh, Anh Khoa....

MC Nam Lộc cùng Mai Lệ Huyền tiếp gây sôi động hội trường qua đối thoại lý thú về huyền thoại dựng lên quanh những danh tính: Nhật Trường, Duy Khánh, Chế Linh và Hùng Cường...

Khoảng giữa thập niên 1960, Nhật Trường-Trần Thiện Thanh từ giã học đường để trở thành người lính, rồi cũng từ đó Nhạc Lính của ông ra đời. Với những bài ca gần gũi, phản ảnh tâm trạng của người trẻ tuổi vừa xa cuộc sống bình yên, nhưng vẫn còn nguyên tính thơ mộng nhân bản của tuổi mới lớn.. Nhưng những người lính trẻ đầy tính thơ mộng trong Tình Thư Của Lính dần tiếp cận chiến tranh... và họ chạm dần đến biên giới cuối cùng của Sự Chết vào một thời điểm không thể nào quên.. Chiến trận Mậu Thân, Tết 1968 đỗ xuống toàn Miền Nam với những cái chết được xem như tai ương không bề tránh thoát.. Từ lần chết bi thảm oan khốc của ngàn người dân vô tội bị chôn sống nơi Trường Gia Hội, Bãi Dâu, Khe Đá Mài, Núi Ngũ Tây ở Huế.. đến cái chết bất ngờ giữa đêm Giao Thừa khi đang thắp hương, cúi lạy trước bàn thờ nơi Hàng Xanh, trong Chợ Lớn, ở Xóm Mới, Gò Vấp.. Thế nên, đến khi bài hát Rừng Lá Thấp của Trần Thiện Thanh vang lên, người dân thấm hiểu nên điều cao quý: Hóa ra họ đã sống sót được từ máu xương Người Lính. Miền Nam đã tồn tại, vượt qua trận lửa là do lần hy sinh không hề được xưng tụng từ ngàn vạn người lính vô danh - Những Người Lính chết khắp nơi suốt Miền Nam, mà nay, vừa nằm xuống không đâu xa, nơi chân Cầu Bình Lợi, trong đám lá lục bình sùi sụt bùn hôi, ở cửa ngỏ Sài Gòn đường đi Thủ Đức, Lái Thiêu.. Sao không hát cho người đánh giặc trên cầu... Hay hát cho những người vừa gục xuống chiều qua...!

Trần Thiện Thanh không chỉ viết lời ai điếu bi tráng riêng cho Đại Úy Vũ Mạnh Hùng của Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến - Đơn vị đã chận địch tại Hàng Xanh, Cây Thị, Cầu Sơn, Cầu Bình Lợi qua Rừng Lá Thấp, mà sau đó đã dựng lại phút giây khốc liệt của Phước Thịnh, Đại Úy Trần Duy Phước, Tiểu Đoàn 9 Nhẩy Dù nơi chiến địa Tây Ninh trong Giấc Ngủ Trên Đồi Xanh. Anh cũng đã cùng Đại Úy Phi Công Trần Thế Vinh bay lên cao vào nơi bất tận trong Bay Lên Cao Đi Anh.. qua cái chết bão lửa khi con tàu lao xuống bắn cháy chiếc xe tăng cộng sản thứ 21 nơi chiến trường Trị-Thiên tháng Tư, 1972. Trần Thiện Thanh cũng sống đủ với người chết xác liệm ba lần, Đại Úy Thiết Giáp Nguyễn Ngọc Bích nơi chiến trường La Vang, Quảng Trị trong nhưng ngày Hè đỏ lửa quê hương.. Những người tuổi trẻ không trở lại với cuộc đời sau lần đi khuất lẫm liệt.

Nam Lộc kể tiếp câu chuyện bi thảm có thật (như muôn vàn câu chuyện tan vỡ, chia ly, tử biệt trong chiến tranh, nơi Miền Nam). Nhạc phẩm Tình Thiên Thu, Nguyễn Thị Mộng Thường được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết nên để tiếc thương hình bóng Mộng Thường cùng mối tình đã chết theo cuộc ly biệt đau thương trong thời chiến. Và nay nhạc phẩm này được trình bầy lại qua giọng hát Thanh Tuyền cùng người con trai lớn của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, nam ca sĩ Trần Thiện Anh Chương.

Mùa hè 1966, rừng núi Tây Nguyên, thủ phủ Pleiku bày tràn cảnh tượng chiến tranh.. Đại pháo ngày đêm ầm vang xé núi, dội rung thành phố, và khoảng không gian luôn bị chia cắt bởi những đoàn phi cơ với đôi cánh sắt màu xám bạc vùn vụt xé ngang bầu trời, để lại những âm động rì rầm đe dọa... Thị xã Pleiku trở nên là một "Thành Phố Lính" điển hình với những người lính đội nón sắt, lưng đeo giây đạn mệt nhọc di chuyển khắùp nơi; xe nhà binh, chiến xa chạy ngang dọc bốc bụi mù đỏ chạch, hay kéo lầy bùn ố bẩn vào con đường phố chính.. Trong khung cảnh chiến tranh đè nặng xuống vùng thủ phủ Tây Nguyên, Trần Thiệân Thanh đã mô tả, sống cùng chiến tranh - người lính qua nhản giới rộn rã của tình yêu bất diệt luôn hiện diện với con người.. Điển hình thời điểm sáng tác nầy, 1965-1966 chúng ta có thể kể ra ca khúc Tuyết Trắng, được trình bày qua hai giọng hát - Một người đã một thời biểu trưng cho Không Quân Việt Nam nay không còn với chúng ta, Thiếu Tá Không quân Sĩ Phú, và thế hệ thứ hai với Phillip Huy.

Vào thời điểm Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù đã đánh một trận khốc liệt, cũng lẫy lừng nhất trong quân sử VNCH, tuy nhiên đơn vị thiện chiến mệnh danh là Song Kiếm Trấn Ải này đã bị thương vong hơn bốn trăm chiến binh, cùng để lại nơi đồi Charlie xác thân người anh cả của tiểu đoàn: Cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo. Và ca khúc đã thành hình với tiếng lời vang dội núi sông, thăm thẳm trong lòng người hơn ba-mươi năm qua, hiện vẫn còn tác động mạnh mẽ người nghe (trong cũng như ngoài nước). Người Ở Lại Charlie đã là bài hát dẫn nhập CD Số 11, băng nhạc có chủ đề Chiến Tranh và Hòa Bình do Nhật Trường Trần Thiện Thanh thực hiện với lời dẫn nhập của Phan Nhật Nam; ảnh tài liệu của Nhiếp Ảnh Viên Chiến Trường Nguyễn Cầu (hiện ở San José, Cali) cung cấp.

Nhạc cảnh Người Ở Lại Charlie trên sâu khấu Hý Viện Mirada chiều ngày 18 tháng Hai, 2006 có thể nói là tiết mục trình diễn thành công nhất về phương diện kỹ thuật và nghệ thuật của ba-mươi năm sinh hoạt sân khấu của cộng đồng Người Việt nơi hải ngoại.. Tập thể nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu lẫn đông đảo khối khán thính giả đồng hòa nhập vào tận sâu đáy thẳm của bi kịch - Bi kịch không riêng đối với những người lính Tiểu Đoàn 11 Dù, qua lần đi khuất của Cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo - Nhưng cũng là bi kịch của mỗi thân phận Người Miền Nam hiện thực qua hy sinh xả kỷ của Người Lính, sự chịu đựng âm thầm của Người Vợ-Đứa Con Người Lính. Và hôm nay ba-mươi mốt năm sau ngày mất quê hương, Nỗi Đau kia hằng mới vì Nỗi Đau Luôn Là Nỗi Đau Chung. Nhạc cảnh càng thêm cường độ xúc động với sự có mặt của Mỹ Lan, Trần Thiện Anh Chí - Những dấu tích miên viễn của Tình Yêu trong đời sống trần thế giới hạn của nhân sinh.

Là một người lính thần thành (dẫu ba mươi hơn không mặt áo lính), tham dự qua buổi trình diễn theo lời mời của Ban Tổ Chức Chương Trình Asia, nên chúng tôi có cơ hội không phải chỉ để nhớ lại những tháng năm hiểm nghèo của chiến trận, cảnh tượng chiến tranh mà một đời tuổi trẻ đã kinh qua.. Nhưng quả thật, bản thân đã sống lại tận cùng cảm xúc những giờ phút không thể nào quên, khắc sâu trí nhớ hoàn cảnh bi thảm khắc nghiệt của mỗi phận người lính - Phận con người nơi Miền Nam kéo dài trong suốt hai thập niên 60, 70 mà dấu ấn hôm nay không hề mai một.

Chúng tôi cũng có thể kết luận mà không sợ mang tiếng đã nhận định quá độ về Người và Việc đối với một buổi sinh hoạt ca nhạc: "..Nếu không có Nhật Trường-Trần Thiện Thanh thì ai trong chúng ta biết đến một người lính gục chết nơi Rừng Lá Thấp ở chân Cầu Bình Lợi vào ngày đầu xuân năm 1968 tên gọi Đại Úy Vũ Mạnh Hùng thuộc Tiểu Đoàn 3 Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến"! Nhưng dẫu sao người chết trẻ ấy còn cho rõ một tính danh, một cấp bậc, về một đơn vị, nơi một địa điểm không xa đường phố trung tâm Sài Gòn.. Vì cùng lúc suốt cuộc chiến dằng dặt mười-lăm năm, hằng này, hằng giờ tại mỗi hẻm núi, sâu rừng thẳm, trên mỗi thước bùn lầy, kinh rạch nơi Miền Nam, hằng trăm, hằng ngàn con người - Những người còn rất trẻ ngã xuống không tiếng lời trăn trối, không hồi kèn truy điệu, tiễn biệt với lượng máu tự thân thấm xuống mạch đất quê hương nhỏ giọt, im lìm.. Không có Nhật Trường. Không có Trần Thiện Thanh nào ai biết Charlie, Delta.. là ở những nơi nào" Vì thật sự đấy chỉ là những cứ điểm quân sự nhỏ nhoi, vô danh tính bên sông Pô Kơ, cạnh Đường 14, lối lên Dakto, Daksut xa xôi. Nhật Trường - Trần Thiện Thanh đã đưa những nơi chốn heo hút, nguy biến kia vào trí nhớ người Miền Nam luôn nhớ nước, cũng đồng thời nhắc nhở cho mỗi chúng ta biết rằng, khi đang sống yên lành ở Sài Gòn, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ.. là lúc được bảo vệ bởi muôn vạn người lính vô danh - Những Người Quyết Tử cho Tổ Quốc Quyết Sinh - Hành vi hiến tế cao cả không hề tuyên công mãi sau 30 tháng Tư, 1975, người Miền Nam (của tất cả Việt Nam) khi bước chân xuống thuyền vượt biên mới nhận ra: Họ đã không còn Người Lính Bảo Vệ - Bởi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã bị bức tử cùng lần sụp vỡ Miền Nam.

Và cuối cùng, những người Việt ra đi nơi Vũng Tàu, Bà Rịa; Đại Lãnh, Nha Trang.. ở Miền Nam; hoặc Quảng Ninh, Hòn Gai nơi phía Bắc khi lao mình vào sóng lớn biển khơi trên những con tàu mỏng manh nhỏ bé, hay xuyên rừng rậm ba nước Đông Dương, vượt biên trong suốt một thập niên 70-80.. Chắc hẳn không vì những nguồn lợi vật chất nơi nước Mỹ, Canada, Australia thúc dục. Khối người cao thượng nầy - Chính là mỗi chúng ta đã hiện thực một chọn lựa linh thiêng không hề nói ra lời - Hoặc Chết hoặc được sống Tự Do. Tương tự như thế, sự có mặt của mỗi khán giả hôm nay trong buổi sinh hoạt mang chủ đề Anh Không Chết Đâu Anh bao gồm một giá trị thầm kín khác với cách tham dự bình thường một buổi trình diễn ca nhạc - Mỗi Người Việt chứng tỏ hằng ấp ủ, nuôi dưỡng một cách lặng lẽ, tự nhiên sức chiến đấu cho một đời sống Tự Do - Cuộc chiến chưa hề kết thúc. Không bao giờ chấm dứt. Cao hơn cái chết. Vượt quá cái chết.

Trung Tâm Asia với chủ đề Nhật Trường-Trần Thiện Thanh có giá trị cao hơn hẳn một buổi sinh hoạt ca nhạc giải trí - Giá trị Nghệ Thuật với Tính Thiện Tận Mỹ được trình diễn bởi một tổ chức, kỹ thuật tinh vi do những người tuổi trẻ thực hiện với tấm lòng tận tụy, nghiêm nhặt như Người Lính ngày trước đã hằng chiến đấu nơi chiến địa Miền Nam.

Phan Nhật Nam

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.