Hôm nay,  

Luật Pháp Phổ Thông

02/06/200300:00:00(Xem: 4327)
Hỏi (cô Trần T.H.C.): Ba mẹ tôi cùng tôi vượt biên và đã đến định cư tại Mỹ vào năm 1990. Vào năm 1998, sau khi tốt nghiệp, tôi đã đi Úc và đã gặp lại người bạn học cũ hồi còn ở Việt Nam, sau đó tôi đã kết hôn và ở luôn tại Úc.
Tôi vẫn thường xuyên trở về Mỹ để thăm ba mẹ, cùng gia đình của chú tôi. Đầu năm nay, khi ba tôi qua đời, chú tôi mới cho tôi biết rằng ba mẹ của tôi đã thực sự ly dị nhau vào cuối năm ngoái. Chú tôi còn cho biết rằng ba tôi qua đời mà không để lại di chúc.
Theo lời kể của chú tôi thì thực ra ba tôi đã có để lại di chúc cho chú tôi cất giữ, nhưng vào cuối năm ngoái khi quyết định ly dị với mẹ tôi, ba tôi đã gọi điện thoại và yêu cầu chú tôi xé bỏ tờ di chúc mà chú tôi đang cất giữ cho ba tôi, để ba tôi làm lại tờ di chúc khác, nhưng rất tiếc là ba tôi đã từ trần quá đột ngột nên đã không thể làm lại di chúc khác như ông mong muốn.
Theo lời kể của chú tôi, tôi đã đến văn phòng luật sư mà trước đây ba tôi đã đến lập di chúc để hỏi xem họ có lưu giữ bản di chúc nào của ba tôi hay không. Sau khi xem xét kỹ, họ cho biết rằng ba tôi chỉ đến để yêu cầu lập di chúc và trả tiền mà không muốn văn phòng họ lưu giữ di chúc. Tuy nhiên, họ vẫn còn lưu giữ nội dung của bản di chúc trong máy computer của họ. Văn phòng luật sư này đã cho in lại tôi một bản di chúc mà ba tôi trước đây đã thiết lập.
Theo tờ di chúc không có ấn ký này, thì ba tôi để lại cho tôi $100,000 đồng; và ba tôi đã đồng ý để lại toàn bộ tài sản còn lại cho mẹ của tôi khi ba tôi viết trong di chúc rằng:
“I give the residue of my estate to my wife, Nguyễn T.B.M.”
Cũng trong tờ di chúc đó của ba tôi, thì ông ta đã để lại bảo hiểm nhân thọ $50,000 cho chú út, để chú út lo lắng cho bà nội khi về già. Tuy nhiên, công ty bảo hiểm đã cho biết rằng ba tôi đã để tên của người thừa hưởng là tên của mẹ tôi, vì thế số tiền đó, theo sự quy định của hợp đồng bảo hiểm, ngoại trừ mẹ của tôi ra, không một ai có quyền được hưởng số tiền đó.
Xin LS cho biết là với bản sao di chúc không có ấn ký đó, chúng tôi có thể thiết lập được thủ tục để xác minh sự hợp lệ của di chúc hay không" Nếu tòa án xác minh di chúc thì ai là người có quyền thừa hưởng $50,000 tiền bảo hiểm nhân thọ" Chú tôi hay mẹ của tôi" Và tài sản còn lại của ba tôi sẽ được phân chia như thế nào"
Trả lời: Theo luật pháp tại Hoa Kỳ, cũng như hầu hết các hệ thống tư pháp khác trên thế giới, khi “người để lại di chúc” (testator [đàn ông]; testatrix [đàn bà]) tuyên bố rằng “ông ta” [hoặc bà ta] sẽ làm lại một bản di chúc mới, điều này không có nghĩa là bản di chúc hiện tại đã bị thu hồi. Tờ di chúc chỉ có thể bị hủy bỏ bởi người để lại di chúc hoặc bất cứ một người nào khác với điều kiện là “sự hủy bỏ đó phải được thực hiện với sự hiện diện của người lập chúc và theo chỉ thị của đương sự.” (the destruction in the presence of the testator and at his direction).
Vì thế, khi người để lại di chúc ký thác di chúc của họ tại một văn phòng luật sư nào đó. Sau đó, theo lời yêu cầu bằng văn bản của người để lại di chúc, văn phòng luật sư đã hủy bỏ bản di chúc đó, thì hành động hủy bỏ di chúc này không được xem như là sự hủy bỏ di chúc “với sự hiện diện của người lập chúc” (in the presence of the testator). Trong trường hợp này, bản di chúc không thể được xem là đã bị thu hồi theo nghĩa được quy định trong pháp điển, và vì thế bản sao không ấn ký của di chúc có thể được xử dụng để lập “chứng thư xác nhận tính cách hợp lệ của di chúc” (probate) khi không tìm thấy bất cứ một bản di chúc nào khác.

[“Chứng thư xác nhận tính cách hợp lệ của di chúc có thể được định nghĩa là giấy chứng nhận được đưa ra bởi tòa nhằm mục đích xác nhận rằng di chúc của một người nào đó đã được chứng minh là có hiệu lực, và cho phép người thi hành được nêu tên trong di chúc quản lý tài sản của người quá cố.” (Probate may be defined as a certificate issued by a court for the purpose of certifying that the will of a certain person has been proved as valid, and authorising the executor named in the will to administer the estate of the deceased person).]
Trong vụ Estate of Mitchell, 27 N.E. 2d 606 (1940), Tòa Kháng Án Illinois [Appellate Court of Illinois]. Trong vụ đó, đơn thỉnh cầu đã được đệ nộp tại “Tòa Chứng Thực Di Chúc thuộc Thị Trấn Cook” (the Probate Court of Cook County) để xin tòa xác quyết về tài sản của người quá cố Harriet A. Mitchell.
Đơn thỉnh cầu đã căn cứ vào “bản sao bằng giấy than” (a carbon copy) của tờ di chúc, vì cho rằng bản chúc thư cuối cùng của người quá cố đã bị hủy bỏ trong thời gian người lập chúc thư còn sống, nhưng sự hủy bỏ đó đã không được thực hiện đúng theo sự quy định của luật pháp.
“Tòa Chứng Thực Di Chúc” đã chấp nhận “bản sao bằng giấy than” của tờ di chúc và đưa ra phán quyết xác nhận chúc thư cho đương đơn. Thân nhân của Mitchell, bèn kháng án lên “Tòa Án Lưu Động” (the Circuit Court), “Tòa Án Lưu Động” đã tái xác nhận phán quyết của “Tòa Chứng Thực Di Chúc.” Cuối cùng vấn đề được đưa lên “Tòa Kháng Án Illinois.”
Theo bằng chứng được trưng dẫn thì bà góa phụ Mitchell đã đến văn phòng luật sư vào khoảng tháng 1 năm 1909, và yêu cầu LS thiết lập cho bà một bản di chúc. Luật sư bèn thiết lập di chúc, và bà Mitchell đã ký vào với sự chứng kiến theo luật định. Bản di chúc sau đó được ký gởi tại văn phòng luật sư.
Vào tháng 6 năm 1914, văn phòng LS này đã nhận được thư của bà Mitchell gởi cho họ từ thành phố Nữu Ước đề ngày 2/6/1914, trong thư bà ta đã yêu cầu LS hủy bỏ bản di chúc, vì bà ta muốn làm một bản mới.
Theo lời khai của LS thì lúc nhận được thư của bà Mitchell, ông ta bèn mang bản di chúc ra xé bỏ và ném vào thùng rác. Sau đó, vào ngày 15/6/1914 ông ta đã viết một lá thư cho bà Mitchell và gửi về địa chỉ của bà ta tại Chicago, báo cho bà ta biết là ông ta đã hủy bỏ di chúc theo lời yêu cầu của bà. Vài ngày sau, lá thư này đã bị gởi trả lại vì không có người nhận. LS bèn lưu giữ lá thư vào hồ sơ.
Vào ngày 1/8/1929, bà Mitchell đến văn phòng LS, và LS đã trao cho bà bức thư mà họ đã lưu giữ và báo cho bà ta biết về việc ông ta đã hủy bỏ di chúc của bà vào năm 1914. Sau đó vào ngày 11/5/1936 bà Mitchell đã qua đời mà không để lại di chúc.
Cuối cùng, Tòa Kháng Án đã đưa ra phán quyết rằng di chúc đã không bị thu hồi vì không được hủy bỏ theo luật định, nghĩa là không được hủy bỏ với sự chứng kiến của người lập chúc. Vì thế, tòa đã tái xác quyết rằng “bản sao bằng giấy than” là di chúc của bà Mitchell.
Riêng vấn đề tiền bảo hiểm nhân thọ, mặc dầu ba của cô đã ly dị với mẹ của cô, và trong bản chúc thư, ông ta đã để tên người thụ hưởng số tiền này là Chú út của cô. Tuy nhiên, vì ba của cô đã không báo cho công ty bảo hiểm về việc thay đổi này, vì thế mẹ của cô vẫn là người có quyền nhận số tiền bảo hiểm nhân thọ của ba cô.
Theo luật pháp cũng như phán quyết vừa trưng dẫn cô có thể thấy được rằng bản sao di chúc sẽ được chứng thực bởi “Tòa Chứng Thực Di Chúc.” Mẹ của cô là người được quyền thừa hưởng số tiền tại công ty bảo hiểm nhân thọ, và cô là người có quyền thừa hưởng toàn bộ tài sản do ba cô để lại theo “sự quan hệ về huyết thống” (consanguinity) NẾU trong chúc thư quy định rằng tài sản để lại theo các điều khoản trong di chúc cho mẹ của cô sẽ bị thu hồi nếu mẹ của cô ly dị.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.