Hôm nay,  

Tranh Cử 2004: Canh Hẹ Cali

27/07/200300:00:00(Xem: 4478)
Không biết vì sao chúng ta có thành ngữ “rối như nồi canh hẹ”" Thử nhìn vào tình hình tranh cử tại California xem, may ra mình sẽ hiểu... Tuần qua, California lại thêm một lần đi vào danh mục những kỷ lục bất ngờ.
Chưa đầy một năm sau cuộc bầu cử cho Gray Davis thêm một nhiệm kỳ thống đốc, dân California đã đổi ý. Hoặc ít ra đã có cả triệu người đổi ý. Hôm Thứ Tư, 23, Phó Thống đốc Cruz Bustamante, đảng Dân chủ, gốc Latino, đã xác nhận giá trị pháp lý của cuộc vận động đòi bãi nhiệm Thống đốc (recall) và định ra ngày bỏ phiếu quyết định là mùng bảy tháng 10. Hai ngày sau, hôm Thứ Sáu, Tối cao Pháp viện California bác bỏ lời yêu cầu can thiệp của một tổ chức vận động chống recall, và như vậy, chỉ còn một vấn đề pháp lý sẽ giải quyết trong vài ngày tới: nên hay không tổ chức đầu phiếu vào cùng ngày đó hai quyết định 1) bãi nhiệm thống đốc và 2) bầu thống đốc mới. Phó thống đốc Bustamante thì đề nghị gộp chung cả hai quyết định này vào cùng một ngày.
Từ quyết định hàm ý chống di dân nhập lậu của Thống đốc Pete Wilson - một quyết định dù chính đáng trong thực tế của California nhưng cực kỳ tai hại về chính trị - đảng Cộng hòa coi như mất điểm tại California và trong cuộc bầu cử năm ngoái, đã không được một ghế nào trong chính quyền tiểu bang. Gray Davis là một thống đốc vô trách nhiệm nhưng có biệt tài là chọn đúng đối thủ để tấn công, kể cả bằng thủ thuật mấp mé gian trá, nên làm dân chúng thất vọng và tuần qua chỉ còn được chừng 20% dân chúng ủng hộ với một kỷ lục thâm thủng ngân sách là hơn 38 tỷ đô la. Ông ta là người bất xứng nhưng đã được bầu lên năm ngoái; lần này, ông có 11 tuần để mở cuộc vận động cử tri bác bỏ đề luật truất bãi mình vào tháng 10 tới. Dù có nhiều thủ thuật, lần này ông chưa chắc thành công.
Sau đó mới là chuyện nồi canh hẹ.
Tiểu bang California bị ảnh hưởng trầm trọng của vụ bể bóng đầu tư đầu năm 2000 khiến kinh tế suy trầm và nguồn thu thuế khóa sút giảm. California còn bị một tai họa nữa là thói quen chi tiêu hào phóng của đảng Dân chủ và lề lối quản lý bê bối của thống đốc nên mới bị bội chi ngân sách nhiều như vậy, hơn tổng số bội chi của tất cả các tiểu bang khác của Mỹ. Tai họa sau cùng là tình trạng ách tắc chính trị của chính quyền tiểu bang khiến ngân sách của tài khóa tới, đã khởi sự từ tháng trước, vẫn chưa được biểu quyết. Tiểu bang đang vay tiền công chúng bằng cách phát hành trái phiếu để trang trải chi tiêu. Khi đề nghị truất bãi được chính thức công nhận thì công ty thẩm định giá trị của các loại trái phiếu là Standard & Poor’s đã đánh sụt giá trị trái phiếu Cali xuống hạng BBB, thấp nhất toàn quốc và chỉ trên giấy lộn có hai hạng. Nghĩa là có vay tiền thì sẽ phải trả lãi suất cao hơn nhiều. Việc chấn chỉnh chi thu và cải tổ ngân sách vì vậy là một ưu tiên mà chưa có giải pháp. Tuần qua, các lãnh tụ Dân chủ và Cộng hòa của tiểu bang đang bù đầu tìm thỏa hiệp để giải quyết công vụ và đối phó với lỗ hổng hơn 38 tỷ đô la trong sổ sách. Quanh đi quẩn lại vẫn là giảm chi, tăng thuế và đi vay thêm tiền. Tăng thuế trong một năm tranh cử là điều không ai muốn nên người ta chưa thể có ngay giải pháp thỏa đáng.
Trong điều kiện đó, ta mới nói đến chuyện truất bãi thống đốc cũ và bầu thống đốc mới.

Gray Davis là chính khách có tài trong ý nghĩa tiêu cực của chính trị, nên sẽ còn có nhiều đòn phép để cử tri bác bỏ đề nghị truất bãi ông vào tháng 10 này. Nhưng, căn cứ trên các cuộc khảo sát dân ý, ông ít hy vọng thành công. Và có hay không thì chính trường Cali đã nổi sóng vì nhiều người đang chuẩn bị nộp đơn ứng cử thay ông Davis. Theo luật lệ Cali trong trường hợp tranh cử bất thường này thì chỉ cần nộp 3.500 đô la và có 65 chữ ký ủng hộ là có thể thành ứng cử viên nên ta dễ có nạn lạm phát ứng cử viên.
Bên phía Dân chủ, Gray Davis không được phép ra tái ứng cử nên dư luận nói đến Phó thống đốc Cruz Bustamante, nếu ông khéo xoay trở để có thể xử lý trong buổi giao thời mà khỏi mang tiếng là gây hại cho người đồng đảng là thống đốc Davis. Theo chiều hướng hiện nay, đảng Dân chủ khôn ngoan không đưa nhiều ứng viên để khỏi phân tán số phiếu và nhất là không ai muốn ngồi vào cái ghế rách với ngân sách thủng do Gray Davis để lại. Những nhân vật sáng giá như Nghị sĩ Dianne Feinstein thì có thể đợi năm 2006, sau khi chờ đảng Cộng hòa quét dọn cho sạch đống rác của thời kỳ Gray Davis.
Bên phía Cộng hòa người ta không thấy sự khôn ngoan đó.
Danh sách “chuẩn ứng viên” ứng viên có thể còn dài hơn số cầu thủ của một đội banh. Đứng đầu vì ồn ào nhất là Dân biểu Darrel Issa của miền Nam, một doanh gia có quá khứ ly kỳ và là người bỏ ra gần hai triệu cho cuộc vận động truất bãi. Những tên tuổi kế tiếp là tài tử điện ảnh Arnold Schwarenegger, nguyên Thị trưởng Richard Riordan của Los Angeles, nguyên ứng cử viên thống đốc (bị Gray Davis đánh bại năm ngoái với số phiếu khít khao) Bill Simon. Ngoài ra còn có nữ bỉnh bút Arianna Huffington gốc Trung Đông, gốc bảo thủ nay nhảy qua bên tả, có nghị sĩ tiểu bang Tom McClintock và một khuôn mặt sáng giá toàn quốc là Jack Kemp. Ông Kemp là nguyên cầu thủ thể thao, Dân biểu, Bộ trưởng thời Reagan, ứng cử viên Phó thống đốc trong liên danh Dole-Kemp chống Clinton Gore năm 1996. Ông cũng là một lý thuyết gia có uy tín của trường phái kinh tế tự do và là một tay hùng biện.
Cuộc tranh cử bất thường này sẽ tiến hành rất ác liệt và ác liệt nhất là trong nội bộ phe Cộng hòa. Các nhân vật ôn hòa như Riordan hoặc cả Schwarzenegger sẽ bị thành phần bảo thủ về xã hội xét hỏi kỹ về lập trường đối với việc phá thai hoặc quá tương nhượng với phe Dân chủ. Một điều không may khác là trong ngày bỏ phiếu, vị tổng quản trị của hệ thống University of California, ông Ward Connerly theo xu hướng bảo thủ lại đề nghị một đề luật chống việc thu thập thống kê về sắc tộc. Ông có lý do chính đáng cho đề nghị này để tránh việc dùng màu da (đúng hơn, dùng lá phiếu của dân da đen và gốc Latino) làm lợi thế chính trị. Nhưng, dù Ward Connerly là người da đen, đề luật này sẽ bị phe Dân chủ xuyên tạc thành một quyết định kỳ thị màu da để tấn công ứng viên Cộng hòa.
Lồng hai đề luật đó làm một, người ta thấy cuộc tranh cử tháng 10 này sẽ là một vụ tàn sát trong nội bộ đảng Cộng hòa, với một thống đốc đắc cử trong thế yếu, được một đa số rất thấp vì phân tán. Vị thống đốc này sẽ khó chấn chỉnh tình hình ngân sách tiểu bang mà không áp dụng những biện pháp thất nhân tâm, kể cả tăng thuế hoặc cắt giảm trợ cấp về giáo dục hay xã hội.
Nhờ Gray Davis, đảng Cộng hòa có một hy vọng thắng cử đáng kể vào năm tới tại tiểu bang California. Vì quyết định bãi nhiệm Gray Davis, đảng Cộng hòa đang làm tiêu tan hy vọng này và đẩy lui triển vọng cải tổ hệ thống chính trị của tiểu bang. Rối như nồi canh hẹ là vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.