Hôm nay,  

Nghỉ Hè Ở La Mã

19/06/200300:00:00(Xem: 4616)
Tôi đã viết về nghề làm báo nhân dịp Đại hội Truyền Thông hồi tháng Tư vừa qua, đề cao những giá trị của nghề này. Sự thật nghề nào cũng có những giá trị cao quý chớ không riêng gì nghề làm báo. Riêng ở Việt Nam, trước năm 1940 không ai nghĩ đến ký giả là một nghề. Trong thời chiến sau khi đất nước bị chia đôi năm 1954, báo chí miền Nam tự do mọc ra như nấm, nhưng ký giả lại thuộc loại "người cùng khổ" và đôi khi bị miệt thị. Thời đó có từ ngữ châm biếm do chính các anh em làng báo đặt ra: "ký giả cà phê-cà pháo", ý nói ký giả lãnh tiền bài chỉ đủ tiền uống cà phê, hoặc may mắn hơn được có đồng lương đủ để ăn cơm "Bà Cả Đọi". Vậy tại sao tôi mê nghề làm báo và tôi đã có cảm hứng đề cao nghề này từ bao giờ"
Đây là một chuyện tình cờ đã xẩy ra từ hơn 50 năm trước. Tôi vẫn nghĩ nếu có dịp nào tôi sẽ viết lại chuyện này. Giờ đây dịp đó đã đến nhưng thật không may, đó là một tin buồn. Tài tử điện ảnh Mỹ Gregory Peck đã từ trần, thọ 87 tuổi. Năm 1954, cuốn phim "Nghỉ Hè ở La Mã" do Gregory Peck đóng với nữ tài tử Audrey Hepburn đã từ Pháp đưa đến Saigon. Thời đó phim Mỹ đưa đến Việt Nam phần lớn đã được chuyển âm sang tiếng Pháp nên tựa đề là "Vacances Romaines" thay vì Roman Holiday như chúng ta đã biết. Năm 1954 tôi đang làm phóng viên cho Việt Tấn Xã và đồng thời cũng là phóng viên của Văn phòng Pháp Tấn Xã (AFP) ở Saigon. Tôi đi xem phim và nó đã làm tôi yêu nghề làm báo từ lúc đó.
Đây chỉ là một chuyện tình hư cấu đầy xúc cảm, điểm những màn hài hước thật vui, ngầm dựa vào bối cảnh của một nước sau Thế chiến II. Một nàng công chúa trẻ đẹp của một Vương quốc lớn của Âu châu đã ghé qua thăm Roma, thủ đô của nước Ý. Trớ trêu thay, "Nàng" đã gặp và yêu "Chàng", một ký giả nghèo của một Thông tấn xã Mỹ ở Roma. Nhiều người xem phim đã thích câu chuyện tình éo le này, riêng tôi vì một tâm sự riêng, tôi thích vai trò phóng viên do Gregory Peck đóng. Khi đến Roma, nàng công chúa trẻ còn thơ ngây (Audrey Hepburn) đã chán ngán với những cuộc tiếp đón, những bài diễn văn, nàng nói mệt rồi, không tham dự lễ lạt gì hết. Bà Công tước hầu cận Công chúa lo sợ, mời Thái y đến thăm bệnh nàng và chích cho nàng một liều thuốc ngủ. Sau khi kẻ hầu lui ra, Công chúa vén màn cửa sổ nơi cung điện nàng ngự, nhìn xuống đường phố thấy người qua lại nhộn nhịp, nàng bèn lén trèo qua cửa sổ, ra ngoài đi lẫn với đám đông, thấy vui thích vô cùng. Nhưng khi đến một công viên vắng, thuốc ngủ ngấm, nàng bèn nằm trên ghế đá bên đường và ngủ khì. Lúc đó chàng phóng viên Mỹ vừa thua cháy túi canh bạc xì-phé với bạn bè, lội bộ về ngang qua, thấy một cô gái ngủ trên ghế đá, chàng nghĩ đó là một cô gái ăn sương, tính để mặc cho Cảnh sát hốt đi, nhưng chợt nhìn đến vẻ mặt ngây thơ non trẻ của nàng, chàng lấy làm lạ bèn đến bên lay nàng cho tỉnh. Nhưng nàng vẫn ngủ mê mệt, chàng thấy thương hại bèn vực nàng lên, gọi tắc-xi chở nàng về nơi quán trọ của chàng vì không biết nàng ở đâu. Chàng thấy hơi bực mình, nên phải kê một ghế nằm dài cho nàng ngủ tạm, vì trong phòng chỉ có một cái giường.

Sáng hôm sau khi cô gái còn ngủ, chàng phóng viên phải đến Văn phòng Thông tấn xã làm việc, và ở đây nhờ báo chí Ý loan tin Công chúa đến thăm Roma kèm theo hình ảnh của nàng, anh chàng phóng viên choáng người, nhận biết cô gái chàng cứu về phòng đêm qua chính là Công chúa. Nhân lúc ông Chủ bút đòi chàng phải có một thiên phóng sự đặc biệt, một ý nghĩ thoáng qua đầu, chàng phóng viên hứa với Xếp sẽ có một bài báo làm chấn động dư luận thế giới. Chàng bèn hẹn với một anh bạn làm nghề chụp hình, về nhà chờ "nàng" thức giấc, và vẫn tảng lờ làm như không biết nàng là ai, đề nghị đưa nàng đi thăm những thắng cảnh của thành La Mã. Cô gái bằng lòng ngay. Từ đó những màn vui nhộn nhất bắt đầu. Bất cứ ở nơi nào mọi cử chỉ của "nàng" đều bị ông phó nhòm ngầm đi theo thu vào máy ảnh. Màn trữ tình nhất có lẽ là màn chàng cuỡi xe Vespa chở nàng đi thăm các nơi. Mối tình giữa "chàng" và "nàng" đã nẩy nở. Nhưng ngày vui đã kết thúc trong cuộc khiêu vũ bình dân buổi tối, khi Cảnh sát Vương quốc tìm thấy Công chúa và lặng lẽ đến bên mời nàng về Cung. Nhưng nàng không chịu về, chàng phóng viên và bạn nhiếp ảnh can thiệp, cuộc đánh lộn xẩy ra, cả nàng cũng "tham chiến", dể rồi cả hai nhẩy xuống nước tẩu thoát. Hai người ôm nhau hôn thắm thiết khi lên bờ. Cô gái vẫn tin là chàng không biết mình là Công chúa, nhưng phút chia tay đã đến. Nàng yêu chàng, đây là mối tình đầu chẳng thể nào quên, nhưng nàng còn bổn phận với Vua cha và bổn phận với quốc đân vì nàng sẽ lên nối ngôi. Còn chàng cũng ngầm gạt lệ hiểu rằng không thể có hy vọng chung sống với Công chúa.
Vậy tư cách và đạo đức của người ký giả ở chỗ nào" Chàng không viết thiên phóng sự để lấy tiền thưởng và thu lại những hình ảnh mà nếu bán ra sẽ đắt giá vô cùng, nhất là bức hình Công chúa cầm cả nột cây đàn ghi-ta bổ xuống đầu một anh Cảnh sát. Tiền và danh tiếng có thể là cần, những không thể cần đến độ phản bội lòng tin của một cô gái ngây thơ đã yêu mình. Gregory Peck đã đóng nhiều phim và vai trò nào của ông cũng đượm nét con người lý tưởng. Dân Mỹ có lẽ thích nhất cuốn phim "To Kill a Mockingbird", Peck đóng vai luật sư Atticus Finch, đã gồng mình lên bào chữa cho một người da đen phạm tội giết một người da trắng, trong một phim có bối cảnh kỳ thị mầu da dữ dội nhất ở Alabama thập niên 30. Tháng này Viện Phim Ảnh Mỹ đã chọn vai Atticus Finch là "người hùng hàng đầu" trong lịch sử điện ảnh Mỹ. Peck không phải chỉ giỏi đóng những vai trò "con người lý tưởng", trong cuộc sống bình thường ngoài đời, ông cũng là người nổi tiếng liêm khiết, chung thủy với bạn bè khi khốn khó và được cộng đồng Hollywood tin tưởng quý mến. Trên thực tế, có thể không có "con người lý tưởng", vì nhân vô thập toàn. Nhưng ít nhất cũng nên xây dựng "mẫu người lý tưởng" để soi chung và nếu mỗi người biết tự soi vào lòng mình, thiết tưởng cũng là điều hữu ích.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.