Hôm nay,  

Anh Chưa Có Quyền Chết

08/04/200600:00:00(Xem: 5801)
- Sau 25 năm phấn đấu, từ vụ vượt ngục Nam Hà năm 1980, đến vụ giam giữ tại Thái Lan từ năm 2000, tuần qua Lý Tống ngỏ ý muốn tự sát ngày 19-6 tới đây, nhân dịp Lễ 60 Năm Đăng Quang của Quốc Vương Thái Lan. Anh viết: "Tôi chọn được chết hơn là được sống cuộc đời của một người [mang danh là] chiến sĩ tự do, mà [bất lực] không thể đấu tranh cho quyền tự do của chính mình. Tôi cũng [mang danh] là người đấu tranh bảo vệ công lý mà [trên thực tế] không thể đòi công lý cho chính bản thân mình".

Hôm nay tôi muốn nhắn Lý Tống một điều: "Anh chưa có quyền được chết".

Ngày cuối năm 2005, tôi viết:

"Vụ dẫn độ Lý Tống không đơn thuần là một vụ án pháp lý. Bay trên không phận Saigon để rải truyền đơn chống chính phủ là một hành vi chính trị. Nên đây là một vụ án chính trị. Hơn nữa vụ án này còn có tính lịch sử. Vì ngày nay Lý Tống đã đi vào lịch sử. Do 3 phi vụ trác tuyệt:

1) Phi Vụ Saigon I, tháng 9-1992, khi Lý Tống cưỡng chế chiếc máy bay dân sự Hàng Không Việt Nam, bay lượn 5 vòng trên không phận Saigon để rải 50 ngàn truyền đơn kêu gọi đồng bào trong nước đứng lên lật đổ chế độ Cộng Sản. Anh đã bị bắt giữ và bị kết án 20 năm tù.

2) Phi Vụ Havana ngày 1-1-2000, khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba, khi Lý Tống tự lái chiếc phi cơ Cessna bay lượn trên không phận Havana để rải 50 ngàn truyền đơn bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, hô hào người dân Cuba đứng lên lật đổ chế độ bạo tàn Fidel Castro. Anh đã bay về Hoa Kỳ bình an vô sự. Anh không bị chính phủ Hoa Kỳ truy tố về tội hình sự, chỉ bị phạt hành chánh bằng cách rút bằng lái phi cơ. Đơn yêu cầu dẫn độ của Chính Phủ Cuba đã bị Chính Phủ Hoa Kỳ bác bỏ.

3) Phi Vụ Saigon II, tháng 11-2000, khi Lý Tống tự lái chiếc máy bay một động cơ từ Thái Lan, bay lượn 25 phút trên không phận Saigon để một lần nữa rải 45 ngàn truyền đơn hô hào người Việt trong nước hưởng ứng phong trào đấu tranh giải thể Cộng Sản, đòi dân tộc tự quyết, chấm dứt chế độ độc tài độc đảng để thiết lập chế độ Tự Do Dân Chủ. Anh đã trở về Thái Lan bình an vô sự.

Năm 1980 Lý Tống vượt ngục từ trại cải tạo Nam Hà, nổi danh là trại không thể vượt thoát. Đây là nơi giam giữ những phần tử đối kháng tối nguy hiểm, như Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ từng bị kết án tử hình về tội phản nghịch. (Mới đây Thượng Tọa được đồng bào hải ngoại trao tặng Giải Nhân Quyền 2005).

Trong hành trình vượt ngục, vượt tuyến, Lý Tống đi bộ suốt giải đất Việt từ Bắc vào Nam. Rồi từ Đông sang Tây Căm Bốt (lúc này Việt Cộng đã đem quân xâm chiếm Căm Bốt để bành trướng chủ nghĩa bá quyền). Sau đó Anh đi từ Thái Lan qua Mã Lai bằng xe đạp, xe đò, hay quá giang xe vận tải. Năm 1982, khi Anh bơi tới quốc đảo Singapore và đặt chân lên tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ để xin tị nạn chính trị, quần áo Anh còn ướt sũng nước biển.

Cuộc vượt ngục vượt tuyến gian nan này, qua 5 quốc gia trong 20 tháng, được tạp chí Reader's Digest, với trên 10 triệu độc giả, tường thuật đầy đủ chi tiết với những lời thán phục.

Cuộc trường chinh trác tuyệt này cộng với 3 phi vụ trác tuyệt đã tạo thành "Huyền Thoại Tứ Tuyệt" hay "Huyền Thoại Lý Tống".

Cách đây hơn 2200 năm, khi Kinh Kha đến Hàm Dương hành thích Tần Thủy Hoàng, anh ý thức rằng đây là chuyến đi không trở lại. Mục đích để cứu dân phạt kẻ có tội (điếu dân phạt tội), diệt trừ quốc nạn, lật đổ chế độ bạo tàn sát hại dân lành, đốt sách thánh hiền và chôn sống nho sĩ. Dầu có hạ sát được Tần Thủy Hoàng, thân xác anh rồi cũng bị băm vằm bởi hàng trăm giáp sĩ. Tuy nhiên cái chết của anh không vô ích! Chỉ hơn 10 năm sau, Trần Thiệp, Hạng Vũ và Lưu Bang đã kế tiếp sứ mạng của anh và hoàn thành ý nguyện của anh.

Ngày nay Lý Tống cũng có tâm trạng và ý nguyện như Kinh Kha. Trong các Phi Vụ Saigon II và Havana, Anh đơn thương độc mã, tự lái phi cơ tiến sâu vào vùng cộng sản chiếm đóng để làm bia cho phi đạn từ các giàn hỏa tiễn và các chiến đấu cơ Mig. Vậy mà Anh đã thoát hiểm, nhờ gan dạ và mưu lược. Và cũng vì Trời không muốn phụ kẻ hảo tâm.

Trong Phi Vụ Saigon I, khi cưỡng chế chiếc máy bay Hàng Không Việt Nam, Lý Tống biết rằng, sau khi hoàn thành sứ mạng, Anh không thể bay về Thái Lan vì phi cơ không đủ nhiên liệu. Và Anh sẽ phải nhảy dù xuống địa phận Saigon cho đội ngũ công an, quân cảnh bao vây tứ phía. Quả nhiên Anh đã sa lưới, bị truy tố và kết án 20 năm tù về tội thường phạm "cưỡng đoạt máy bay", thay vì tội chính trị "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Để tước đoạt tư cách tù nhân chính trị của Anh, tòa án đã cải tội danh từ tội chính trị thành tội thường phạm.

Thế là sau 10 năm thoát vòng lao lý, Lý Tống lại tự nguyện bước vào chốn tù đầy chết chóc. Khi từ Thái nhập Việt, Anh cũng nhớ câu "tráng sĩ một đi không trở lại" (Tráng sĩ nhất khứ bất phục hoàn). Vì căm giận bạo quyền nên nộ khí xung thiên, tim trào máu sôi, tóc hờn dựng ngược (Tráng sĩ phát xung quan).

Chúng tôi có duyên với Lý Tống. Năm 1992, sau Phi Vụ Saigon I, chúng tôi thành lập Ủy Ban Bảo Vệ Lý Tống để phối hợp với các hội đoàn Nam Bắc Cali vận động đòi trả tự do cho Anh. Nhờ áp lực quốc tế và sự vận động của đồng bào hải ngoại, tam kiệt Lý Tống-Đoàn Viết Hoạt- Nguyễn Đan Quế được phóng thích đầu tháng 9-1998.

Như hổ nhớ rừng, 16 tháng sau, đúng ngày 1-1-2000 khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba, Lý Tống lại tái xuất giang hồ để hoàn thành tuyệt vời Phi Vụ Havana. Anh đã bay về Hoa Kỳ bình an vô sự và được nửa triệu người Cuba lưu vong tiếp đón như một anh hùng trong ngày Lễ Ba Vua.

10 tháng sau, tháng 11-2000, nhân chuyến du hành Việt Nam của Tổng Thống Clinton, Lý Tống lại một lần nữa hoàn thành mỹ mãn Phi Vụ Saigon II. Anh đã bay về Thái Lan bình an vô sự.

Nhưng rồi kình ngư mắc cạn! Vì quá tin vào lòng thiện của con người, và cũng vì bệnh "bất tiểu tâm" của nhiều anh hùng liệt sĩ (chỉ chú trọng đến đại cuộc mà không quan tâm đến chi tiết). Ở đây chi tiết quyết định là người dân Thái Lan không phải là người dân Cuba lưu vong, và nước Thái Lan (hiếu hòa trung lập) cũng không phải là Hoa Kỳ. Do đó, trong khi Hoa Thịnh Đốn bác đơn xin dẫn độ của Havana, thì Bộ Tư Pháp Thái Lan đã chấp thuận cứu xét đề nghị dẫn độ của Chính Phủ Hà Nội về tội "vi phạm không phận quốc gia".

Nội vụ sẽ được đưa ra Tòa Sơ Thẩm Thái Lan phán xử xem quyết định dẫn độ của Bộ Tư Pháp có hợp hiến, hợp pháp không"

*

Ngày nay một số người (không nhiều lắm đâu) không đồng ý với thái độ của Anh mà họ cho là quá khích. Anh chỉ làm những việc phi thường mà người thường không sao hiểu nổi. Dầu sao họ chỉ phê phán về mặt tác phong. Và tuyệt nhiên không ai phủ nhận tính cao thượng trong hành động của Anh được thúc đẩy bởi lòng yêu nước thương nòi của kẻ sĩ sẵn sàng hiến thân vì đại nghĩa.

Cuối tuần qua, để bào chữa cho Anh, chúng tôi đã gởi văn thư đến Bộ Tư Pháp Thái Lan, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Bangkok, bản sao thông tri cho Luật Sư Woraset biện hộ cho Anh. Về mặt pháp lý, các giới luật sư và thẩm phán Mỹ-Thái công nhận rằng những lý lẽ trong văn thư này là xác đáng và thuyết phục. Trong một chế độ tư pháp độc lập, triển vọng thắng thế là trên 80%. Những quan điểm này được xây dựng trên Luật Dẫn Độ Thái Lan (1929), Hiệp Ước Dẫn Độ Mỹ-Thái (1983) và Luật Tục Lệ Quốc Tế về Dẫn Độ.

Về mặt pháp lý, Anh không thể bị dẫn độ về Việt Nam vì:

1. Rải truyền đơn chống chính phủ là một hành vi chính trị, và tội trạng, nếu có, chỉ có thể là một tội chính trị không được dẫn độ (political offense).

2. Theo Luật Quốc Tế Nhân Quyền, rải truyền đơn hay viết tuyên

ngôn chống chế độ (kể cả bản Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản của Các Mác) chỉ là hành sử hợp pháp quyền tự do phát biểu, không cấu thành tội hình sự.

3. Vì Anh đã bị phạt 20 năm tù do Phi Vụ Saigon 1, mà lần này lại rải truyền đơn nữa, nên nhà cầm quyền Hà Nội đòi dẫn độ Anh để trả thù. Đây là một mục tiêu chính trị (political purpose) mà Luật Tục Lệ Quốc Tế về Dẫn Độ không cho phép. (Extradition Customary International Law)

4. Mặc dầu không có hiệp ước dẫn độ, Thái Lan vẫn có thể dẫn độ các ngoại kiều qua quốc gia yêu cầu trên căn bản hỗ tương (reciprocity). Hiện nay Thái Lan chỉ dành qui chế hỗ tương cho 5 quốc gia là Pháp, Đức, Ý, Áo và Na Uy (không có Việt Nam).

5. Luật Dẫn Độ Thái Lan (1929) không cho phép dẫn độ các công dân Thái Lan qua các quốc gia khác nếu không có hiệp ước dẫn độ (như Việt Nam). Do Hiệp Ước Dẫn Độ Mỹ-Thái (1983), trên bình diện quốc gia, giữa Hoa Kỳ và Thái Lan có sự hợp tác (cooperation) và hổ tương (reciprocity). Đặc biệt trên bình diện người dân, về vấn đề dẫn độ, các công dân Thái Lan và Hoa Kỳ được quyền bình đẳng trước luật pháp (equal protection of law). Ngày nay giữa Thái Lan và Việt Nam không có hiệp ước dẫn độ, nên chiếu Đạo Luật Dẫn Độ Thái Lan (1929) và Hiệp Ước Dẫn Độ Mỹ-Thái (1983), theo đúng nguyên tắc, Chính Phủ Thái Lan sẽ không dẫn độ các công dân Thái Lan và Hoa Kỳ về Việt Nam. Các giới chức ngoại giao Hoa Kỳ đồng ý với quan điểm này.

6. Chiếu nguyên tắc "Nhất Sự Bất Tái Cứu", Anh không thể bị dẫn độ về Việt Nam để trả lời về tội "vi phạm không phận quốc gia". Vì anh đã bị xét xử và kết án về tội này tại Tòa Án Rayong ngày 25-12-2003 (Điều 5 Hiệp Ước Dẫn Độ Mỹ-Thái).

7. Chiếu Luật Hàng Không Thái Lan (Aviation Act of Thailand), máy bay của Anh chỉ cất cánh từ Thái Lan và đáp xuống phi trường Thái Lan nên anh chỉ vi phạm không phận Thái Lan (chứ không vi phạm không phận Việt Nam). Vì Luật Hàng Không Thái Lan coi phi cơ Thái Lan là lãnh thổ nối dài của Thái Lan.

8. Chiếu Công Ước Chicago về vi phạm không phận quốc gia, tội

này xẩy ra thường hằng nên không bị dẫn độ. Chỉ có 4 biện pháp được quy định là:

a.Thông báo phi cơ vi phạm phải bay ra khỏi không phận quốc gia.

b. Buộc phi cơ vi phạm phải đáp xuống một phi trường chỉ định.

c. Gởi kháng thư hay công hàm ngoại giao cho quốc gia có phi cơ vi phạm.

d. Bắn hạ nếu phi cơ vi phạm khiêu khích (võ trang).

9. Chiếu Quyết Nghị Dẫn Độ về An Ninh Hàng Không Thái Lan (Extradition Order on Aviation Security), các phi công chỉ có thể bị dẫn độ nếu sử dụng bạo hành võ trang để phá hủy phi cơ hay phá hoại các cơ sở hàng không của quốc gia yêu cầu dẫn độ. Đây không phải là trường hợp của Anh.

10. Chiếu Công Ước Chống Tra Tấn Hành Hạ Liên Hiệp Quốc (1984), các quốc gia hội viên không được dẫn độ các công dân hay trú dân sang một quốc gia khác, nếu quốc gia này có những thành tích "vi phạm nhân quyền thường xuyên, tập thể và thô bạo".

Đó chính là trường hợp của Việt Nam. Từ 2004 quốc gia này bị liệt vào danh sách "các quốc gia cần đặc biệt quan tâm", hay nói rõ hơn, có những thành tích thường xuyên, tập thể và thô bạo vi phạm những quyền tự do tôn giáo và tự do chính trị.

11. Từ 1983, Anh có tư cách tị nạn chính trị. Năm 1992, Anh bị truy tố về tội âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân nên có tư cách tù nhân chính trị. Năm 1993 Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc kết án nhà cầm quyền Hà Nội đã bắt giữ độc đoán (arbitrary arrest and detention) hai tù nhân lương tâm Việt Nam là Bác sĩ Nguyễn Đan Quế và Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt. Do đó để tước đoạt tư cách tù nhân chính trị của Anh, Tòa Án Saigon đã cải tội danh từ tội chính trị (phản nghịch) thành tội thường phạm (cưỡng đoạt phi cơ) và đã phạt Anh 20 năm tù. Mặc dầu vậy, tháng 9, 1998, Lý Tống, Đoàn Viết Hoạt và Nguyễn Đan Quế cùng được trả tự do một ngày. Chúng tôi coi các anh là tù nhân lương tâm hay tù nhân chính trị.

Với tư cách tị nạn chính trị và tù nhân chính trị, Anh được Tổng Thống Reagan tuyên dương là "Chiến Sĩ Tự Do" (chống Cộng). Do đó, Anh không thể bị dẫn độ về Viêt Nam Cộng Sản chiếu nguyên tắc Bất Khả Giao Hoàn (Non-Refoulement of political refugees and/or political prisoners).

12. Theo tập quán và án lệ, Hoa Kỳ không bao giờ chấp nhận cho dẫn độ các công dân đã mãn thụ hình qua một quốc gia đệ tam (như Việt Nam). Nhất là khi quốc gia này không ký hiệp ước dẫn độ với Thái Lan. Hơn nữa, Việt Nam không có tư pháp độc lập, tòa án chỉ là công cụ của Đảng Cộng Sản để đàn áp đối lập. Không thể biến quy chế dẫn độ thành một kỹ thuật pháp lý để đàn áp chính trị.

Đó cũng là quan điểm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Sở Di Trú thuộc Bộ Tư Pháp sẵn sàng đón nhận Anh trở lại Hoa Kỳ.

Trong điều kiện đó, Anh không nên ngã lòng. Và Anh cũng chưa có quyền được chết. Nhất là chết ở Thái Lan để cúng dường nhân dịp Lễ Đăng Quang 60 Năm của Đức Vua. Anh chỉ có quyền hy sinh thân sống để giúp đồng bào được tự do no ấm. Do đó, thay vì chết tại Thái Lan, Anh có thể chọn cái chết tại Việt Nam.

Dầu sao tôi vẫn muốn Anh sống để chứng kiến ngày suy tàn của chế độ Cộng Sản.

Đôi lời tâm sự của người bạn ngưỡng mộ Anh và có cơ duyên với Anh.

Quý mến,

NHUỆ-HỒNG NGUYỄN HỮU THỐNG (Ngày 05-04-2006)

T.B.: Sau khi Anh trở về, chúng ta có thể lập hồ sơ tái thẩm vụ "cưỡng đoạt phi cơ". Chỉ cần có yếu tố mới (lời khai nhân chứng là một bằng cơ) để đưa nội vụ trở lại Tòa Án Tái Thẩm. Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy tập trung nỗ lực vào mục tiêu trước mắt: Chống Dẫn Độ! Để, như Anh nói, không cho Cộng Sản dùng vụ án này làm tiền lệ nhằm đe dọa khủng bố người Việt hải ngoại đi du lịch hay công tác tại Á Châu.

Mong Anh bảo trọng sức khoẻ. Rồi đầy Anh sẽ qua cơn bĩ cực. Vì chúng ta tin có Trời và cũng tin rằng "Hoàng Thiên Bất Phụ Hảo Tâm Nhân".

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.