Hôm nay,  

Phỏng Vấn Lê Phụng: Những Bí Mật Quanh Chuyến Viếng Thăm Úc Châu Của Ngoại Trưởng Cs Nguyễn Dy Niên!

23/02/200400:00:00(Xem: 4727)
LGT: Thứ Hai, 9 tháng 2 vừa qua, ngoại trưởng CSVN Nguyễn Dy Niên chính thức viếng thăm Tân Tây Lan 2 ngày, và , kể từ ngày Thứ Tư, Nguyễn Dy Niên viếng thăm Úc Châu 4 ngày. Tại Canberra, Nguyễn Dy Niên đã gặp ngoại trưởng Úc Alexander Downer, thủ tướng John Howard. Ngày Thứ Năm, 12 tháng 2, Nguyễn Dy Niên đến Sydney để viếng thăm giáo sư Marie Bashir, thống đốc tiểu bang NSW. Mặc dù toàn bộ cuộc viếng thăm tại NSW được bảo mật tối đa, nhưng quý vị lãnh đạo BCHCĐ Người Việt Tự Do cấp liên bang cũng như tiểu bang có quá nhiều bằng hữu trong chính giới cũng như trong hàng ngũ công chức cao cấp của chính phủ. Vì vậy, BCH Cộng Đồng NVTD tại NSW đã chớp nhoáng tổ chức một cuộc biểu tình ngay tại cổng chính của toà nhà Government House, nơi “được coi là” tư dinh và là nơi chiêu đãi quan khách của thống đốc Bashir. Biết rõ toà nhà có một cổng hậu (hay còn gọi là cổng hông) chuyên dùng để chở rác hoặc gia súc, hoặc dọn vệ sinh, nên Ban Tổ Chức cuộc biểu tình đã khôn khéo quyết định dùng kế Hoa Dung Lộ, tập trung lực lượng biểu tình ngay tại cổng chính, đồng thời bố trí một lực lượng vừa đủ “dàn chào” Nguyễn Dy Niên tại cổng hậu. Kết quả, Nguyễn Dy Niên vì hoảng sợ trước khí thế của đoàn biểu tình, nên đã mắc mưu ban tổ chức, khi chọn cổng hậu để chui vô. Ngay khi thấy đoàn xe của Nguyễn Dy Niên, một vị đồng hương đã nhanh trí kịp thời hạ lá quốc kỳ xuống trước đoàn xe, khiến đoàn xe phải chạy chậm lại. Lập tức, ngay khi đó, một số đồng hương nhanh chóng lao tới hô lớn các khẩu hiệu đả đảo CS, đả đảo Nguyễn Dy Niên, đồng thời dùng cán cờ đập mạnh vào mui xe, trần xe và hai bên kính xe. Chứng kiến khí thế của những người biểu tình, cảnh sát Úc tuy hiện diện nhưng hoàn toàn bất động, vì qua những cuộc biểu tình chống VTV 4 vừa qua, cảnh sát và chính giới Úc đã hoàn toàn thông cảm và ngưỡng mộ lập trường chống cộng sản của cộng đồng người Việt tại Úc. Hành động chui vô cổng hậu của Nguyễn Dy Niên quả thực vừa nhục nhã cho chế độ CSVN lẫn bản thân y. Tuy nhiên, bên cạnh sự nhục nhã của chế độ và của ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên, chuyến viếng thăm Úc của Nguyễn Dy Niên còn hàm chứa nhiều bí mật, nhiều toan tính, trong đó có những mưu mô của CSVN đối với việc bành trướng VTV4 trên hệ thống SBS. Sau đây, trân trọng kính mời quý độc giả theo dõi bài phỏng vấn Ông Lê Phụng, để thấy được phần nào những âm mưu của CSVN đối với người Việt hải ngoại, cũng như đối với chính phủ Úc.

*

Hỏi: Kính thưa ông Lê Phụng, trước hết, xin chân thành cảm ơn lòng ưu ái đặc biệt của ông dành cho Sàigòn Times khi ông đã bớt chút thì giờ đóng góp những ý kiến quý báu cho chúng tôi, và đặc biệt, đã chấp thuận trả lời những câu hỏi của chúng tôi qua email. Câu hỏi đầu tiên, xin ông cho biết, chuyến viếng thăm Úc châu của Nguyễn Dy Niên, bộ trưởng ngoại giao CSVN, là trách nhiệm của chính phủ liên bang Úc, như vậy thì tại sao Nguyễn Dy Niên lại viếng thăm thống đốc tiểu bang NSW"
Đáp: Thưa trên danh nghĩa, khi viếng thăm Úc, bộ trưởng Nguyễn Dy Niên là quốc khách của chính phủ liên bang, nhưng trên thực tế, thì tuỳ theo mối quan hệ giữa CSVN với chính phủ các tiểu bang, hoặc giữa cá nhân Nguyễn Dy Niên với các chính khách của Úc, Nguyễn Dy Niên có thể có những cuộc viếng thăm hoặc chính thức, hoặc không chính thức. Bên cạnh đó, để tuyên truyền bịp bợm, toà đại sứ hoặc toà lãnh sự CS cũng tìm cách tạo những uy tín giả tạo cho Nguyễn Dy Niên bằng cách âm thầm móc nối với những nhân vật có uy tín tại Úc để xin cho NDNiên được viếng thăm. Riêng về cuộc viếng thăm thống đốc NSW là bà giáo sư Marie Bashir thì theo tôi biết, do sự dàn xếp của ngoại giao đoàn CSVN tại Úc cũng có, mà do mối quan hệ giữa bà Bashir với Nguyễn Dy Niên cũng có. Nếu tôi nhớ không lầm thì cách đây khoảng một năm, khoảng trung tuần tháng 2 năm 2003, giáo sư Bashir trong tư cách thống đốc NSW đã chính thức viếng thăm VN và được Nguyễn Dy Niên đón tiếp rất long trọng. Và đây là mánh khoé của CS vì chúng biết GS Bashir là vị nữ thống đốc đầu tiên của tiểu bang NSW, đồng thời lại là một bác sĩ, giáo sư y khoa, nên thời gian GS Bashir ở lại VN một tuần lễ, CS đã khôn ngoan cho bà đi thăm nhiều cơ sở y khoa, gặp gỡ nhiều nữ yếu nhân trong hàng ngũ lãnh đạo CS, trong đó có cả nữ chủ tịch Công Đoàn Phụ Nữ VN là Hà Thị Khiết, bộ trưởng y tế CS Trần Thị Trung Chiến... Thưa, với quá khứ như vậy, tôi nghĩ khi Nguyễn Dy Niên sang thăm Úc, việc đại sứ, lãnh sự CS tìm cách cho y viếng thăm bà thống đốc là chuyện không có gì khó. Nhưng không may cho Nguyễn Dy Niên là cộng đồng người Việt tự do tại NSW đã kịp thời tổ chức cuộc biểu tình chống đối y, khiến y phải chui cửa hông. Đây là điều vô cùng nhục nhã cho Nguyễn Dy Niên cũng như cho chính phủ CSVN vì theo tôi biết, kể từ năm 1845 khi toà nhà này được hoàn tất, và vị thống đốc đầu tiên cư ngụ là ngài George Gipps, cho đến nay, suốt thời gian gần 160 năm, chưa có một vị khách nào, tôi xin nhấn mạnh là chưa có một ai, kể cả những người khách du lịch bình thường vô danh, vô toà nhà này qua lối cửa hông. Cửa hông của toà nhà này xưa nay là cửa cho gia nhân ra vô và là nơi tiếp nhận các xe chở rác, chở củi, chở than, chở gia súc... chứ chưa hề bao giờ để tiếp đón xe chở quốc khách. Vâng, Nguyễn Dy Niên là vị khách đầu tiên phải chui qua cửa hông. Có lẽ cũng vì sự nhục nhã như vậy nên đến nay, trên Internet, các cơ quan truyền thông của CSVN chỉ nói đến chuyến viếng thăm Tân Tây Lan của Nguyễn Dy Niên, mà không hề đả động gì đến chuyến viếng thăm Úc Châu của y.

Hỏi: Thưa, báo chí CSVN không hề đề cập gì đến chuyến viếng thăm Úc của Nguyễn Dy Niên"
Đáp: Về báo chí in (printing media) thì tôi không rõ. Còn trên Internet thì tôi và một số anh em chúng tôi có theo dõi rất kỹ thì thấy cho đến hôm nay (16/2/04) hầu hết các website lớn của CSVN như website của báo Nhân Dân, của tạp chí Quê Hương, và kể cả website của Bộ ngoại giao do chính Nguyễn Dy Niên làm bộ trưởng, thì cả phần tiếng Anh lẫn tiếng Việt đều không hề đề cập gì đến chuyến viếng thăm Úc Châu của Nguyễn Dy Niên. Trái lại, những chuyến viếng thăm Lào, Thái, Singapore, Tân Tây Lan... của Nguyễn Dy Niên thì xưa nay đều được phổ biến rùm beng và đầy đủ trên website của Bộ ngoại giao CSVN.
Hỏi: Thưa ông, việc để bộ trưởng ngoại giao CS Nguyễn Dy Niên phải chui cửa hông là quyết định của chính Nguyễn Dy Niên hay của chính phủ Úc"
Đáp: Theo luật liên bang, trách nhiệm bảo vệ các yếu nhân quốc tế khi đến Úc vì họ là khách của chính phủ Úc, nên đều thuộc thẩm quyền của ban nghi lễ và chiêu đãi (CERHOS - Ceremonial and Hospitality Unit) trực thuộc phủ thủ tướng. Bên cạnh những vấn đề nghi lễ xã giao, luật của Úc cũng như luật quốc tế có những điều lệ rất nghiêm ngặt buộc CERHOS có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ các vị quốc khách chống lại mọi nguy hiểm đến tính mạng, tài sản, và ngay cả những phiền toái hay sự xúc phạm đến nhân phẩm (to protect from harassment or impairment of dignity). Vì vậy, quyết định cho ND/Niên đi cửa hông tôi nghĩ là của CERHOS. Tuy nhiên, thái độ sợ hãi của Nguyễn Dy Niên cũng là yếu tố quan trọng để CERHOS đi đến quyết định cho y đi cửa hông.

Hỏi: Nhưng xưa nay, mọi cuộc biểu tình của người Việt tự do tại Úc đều có tiếng là ôn hoà, trật tự, đâu có bao giờ gây nguy hiểm cho ai, thưa ông"
Đáp: Thưa cụm từ “harassment or impairment of dignity” bao hàm một nghĩa rất rộng cho phép người chịu trách nhiệm bảo vệ yếu nhân ngoại quốc có quyền quyết định những biện pháp cần thiết để bảo vệ yếu nhân đó khỏi bị phiền toái hoặc khỏi bị xúc phạm đến nhân phẩm. Trong những trường hợp đặc biệt, tôi lấy thí dụ như khi Lý Bằng, tên đao phủ vụ Thiên An Môn (Butcher of Beijing), viếng thăm Úc vào tháng 9 năm 2002 chẳng hạn, chính phủ Úc còn viện dẫn luật đặc quyền về ngoại giao (Diplomatic Privileges Law) để đi đến quyết định cấm không cho dân chúng, trong đó có Pháp Luân Công và người Tây Tạng, được phép biểu tình. Riêng trường hợp Nguyễn Dy Niên, tôi đồng ý, xưa nay các cuộc biểu tình phản đối của người Việt tự do hoàn toàn trật tự và ôn hoà, và chính giới hữu trách CERHOS cũng biết điều đó, nhưng chỉ nguyên sự hiện diện của cả ngàn người Việt biểu tình chống đối Nguyễn Dy Niên, cũng đủ để y thấy nhân phẩm bị xúc phạm (cho dù y chẳng còn chút nhân phẩm nào để mà mất), và thấy xấu hổ với chính người Úc. Vì từ xưa đến nay, trong lịch sử ngoại giao mấy ngàn năm của thế giới, chưa có đại diện của chính phủ quốc gia nào khi ra ngoại quốc, lại bị chính đồng bào của mình phản đối dữ dội bằng đại diện của CSVN. Hiểu rõ điều đó nên nhân viên CERHOS đã khôn ngoan có quyết định cho xe đi cửa hông để vớt vát phần nào sĩ diện cho Nguyễn Dy Niên cũng như tránh cho y khỏi nỗi sợ hãi...

Hỏi: Nhưng để một vị bộ trưởng ngoại giao phải đi cửa hông thì cũng mất sĩ diện vô cùng, thưa ông"
Đáp: Đúng, đi cửa hông cũng làm mất sĩ diện cho Nguyễn Dy Niên cũng như chính phủ CSVN lắm. Nhưng dù sao cũng còn đỡ mất sĩ diện hơn hơn nếu y phải đối diện với đoàn biểu tình khi đi vô lối cổng chính.
Hỏi: Qua chuyến viếng thăm bà thống đốc Bashir, mối quan hệ giữa bà thống đốc và ngoại trưởng CSVN Nguyễn Dy Niên nên được mô tả như thế nào"
Đáp: Thống đốc Bashir là một người đàn bà rất đáng kính. Bà từng là giáo sư khoa tâm thần tại đại học Sydney, cố vấn về y tế cho người Thổ dân, và là thành viên tích cực của Hội Ân Xá Quốc Tế. Bà cũng là người thường xuyên đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ cũng như người tỵ nạn. Trong những cương vị như vậy, dĩ nhiên, bà hiểu rõ tội ác cũng như những chính sách vi phạm nhân quyền, chà đạp tôn giáo của CSVN. Chồng của bà là ông Nicolas Shehadie cũng là người rất đáng kính. Ông từng là thị trưởng thành phố Sydney năm 1973-75, và cũng từng giữ chức chủ tịch SBS gần 20 năm. Vì vậy, theo tôi nghĩ, trong mối bang giao giữa những nhân vật đáng kính tại quốc gia tự do dân chủ như Úc, với các yếu nhân của CSVN, chúng ta phải thấy được sự tạm bợ và nhất thời của chế độ CS tại VN. Đối với các thể chế tự do dân chủ như Úc, Mỹ, Anh, Pháp, một yếu nhân trong chính phủ luôn luôn đại diện thực sự cho đất nước, cho dân tộc. Trái lại, với chế độ độc tài như CSVN, những yếu nhân trong chính phủ đều là những đại diện bất chính, nghĩa là chúng không hề đại diện được dân bầu qua một cuộc bầu cử dân chủ, và chức vụ chúng càng to, tại quyền càng lâu, thì tội lỗi của chúng càng lớn. Nhưng vì quyền lợi của nước Úc, vì muốn bang giao với dân tộc VN, chính phủ Úc phải tạm thời công nhận những tên đại diện bất chính đó. Dĩ nhiên, sự công nhận này chỉ có tính giai đoạn, và một khi thể chế tại VN thay đổi, dân tộc VN có được thể chế tự do dân chủ, thì những người như Phan Văn Khải, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Dy Niên... sẽ dễ dàng trở thành tội phạm quốc tế và chúng sẽ bị truy lùng ở khắp bề mặt địa cầu, trong đó có cả Úc. Điều này cũng giống như Úc và các quốc gia tự do dân chủ Tây phương trước đây tuy có thời bang giao với Đức Quốc Xã, Phát xít Nhật hay các quốc gia CS Đông Âu, nhưng khi tự do dân chủ tại đó được thiết lập, Úc và các quốc gia tự do dân chủ trên thế giới đều có trách nhiệm truy lùng và truy tố những tội phạm Đức quốc xã thời Đệ Nhị Thế Chiến, những tội phạm nguyên là lãnh tụ tại các nước CS Đông Âu, hay những lãnh tụ độc tài như Marcos, Saddam Hussein...

Hỏi: Theo ông, chuyến viếng thăm Úc Châu của Nguyễn Dy Niên nhằm những mục đích gì"


Đáp: Công khai mà nói, chuyến viếng thăm Úc của Nguyễn Dy Niên nhằm mục đích xin Úc giữ lời cam kết viện trợ cho VN 72 triệu Úc kim. Lời cam kết này đã được ngoại trưởng Úc Alexander Downer công bố trong chuyến viếng thăm VN lần thứ 6 vào cuối tháng 7 năm ngoái. Thứ hai là xin Úc hậu thuẫn cho VN được vô WTO. Điểm nữa là Nguyễn Dy Niên cũng muốn Úc giúp đỡ VN để VN tổ chức cuộc họp của khối APEC (Asia-Pacific Economic Coop) vào năm 2006 sắp tới thành công. Ngoài ra, NDN cũng muốn Úc giúp VN trở thành hội viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ (UNSC) vào năm 2008-09. Đây là những điều mà Nguyễn Dy Niên đã bàn bạc với ngoại trưởng Úc.

Hỏi: Ông vừa dùng chữ “công khai mà nói”. Vậy bên cạnh những mục tiêu công khai đó, dĩ nhiên cũng có những mục tiêu không công khai"
Đáp: Điều đó chắc chắn phải có. Nhưng vì đã không công khai nên chúng ta khó biết một cách chính thức, mà chỉ có thể suy diễn. Có lẽ một trong những vấn đề khiến cả Nguyễn Dy Niên lẫn Alexander Downer đều đau đầu và cùng cố gắng né tránh, hoặc nếu có đề cập, cũng rất gượng nhẹ, không dám đối diện với sự thật, đó là vấn đề truyền hình SBS huỷ bỏ việc phát hình VTV-4 của CSVN.

Hỏi: Ông nghĩ vấn đề này nghiêm trọng lắm sao"
Đáp: Tôi nghĩ rất nghiêm trọng, vì kể từ khi SBS công bố quyết định huỷ bỏ việc phát hình VTV-4, CSVN rất căm tức, nhưng bề ngoài, họ đã cố gằng tìm mọi cách giảm thiểu tầm quan trọng của vấn đề này. Bằng chứng là cho đến nay, cả một loạt các cơ quan ngôn luận chính thức của CSVN như báo Nhân Dân, tạp chí Quê Hương, báo Người Lao Động... đều không hề dám chính thức lên tiếng trình bầy quan điểm trước việc SBS huỷ bỏ VTV-4. Trái lại, họ chỉ dám đăng có hai, ba bài viết phản đối của những người họ gọi là “độc giả” như Phương Hà, Mạnh Cường... Nhưng chúng ta ai cũng biết, suốt thời gian ngót chục năm qua, CSVN đã tìm đủ cách để SBS phát hình VTV 4. Đến khi SBS đồng ý sẽ phát hình VTV 4 trong 3 năm, CSVN coi đó là một chiến thắng lịch sử trên phương diện ngoại giao cũng như tuyên truyền. Vì vậy, việc SBS quyết định huỷ bỏ VTV-4 trong thời gian vỏn vẹn có 2 tháng sau đó, rõ ràng là một việc vô cùng trọng đại, khiến CSVN mất mặt vô cùng. Mất mặt như vậy, nhưng CSVN không dám lên tiếng phản đối một cách chính thức, mà chỉ dám núp dưới danh nghĩa “độc giả” để phản đối. Như vậy ông cũng đủ thấy, thứ nhất là CSVN không có đủ bản lãnh để giải quyết vấn đề SBS huỷ bỏ VTV4 một cách công khai; thứ hai là CSVN không dám làm lớn chuyện vì sợ mất mặt và sợ rút giây động rừng, đổ bể tùm lum mạng lưới nằm vùng của CSVN tại Úc.

Hỏi: Như ông vừa nói, thì Bộ ngoại giao CSVN và bản thân Nguyễn Dy Niên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến VTV 4 trên mạng lưới truyền hình SBS"
Đáp: Vâng, vô cùng quan trọng, vì như chúng ta đã biết, chế độ CSVN là chế độ độc tài, chuyên chế cực đoan. Nhất cử nhất động của các cơ quan truyền thông như truyền hình, truyền thanh, báo chí... đều có sự chỉ đạo của CS. Nhất là khi hệ thống truyền hình VTV4 được phát hình tại một quốc gia tư bản ngoại quốc như Úc thì lại càng cần sự chỉ đạo của CS. Vì vậy, tuy bề ngoài, chỉ có đài truyền hình VN thoả thuận cho đài truyền hình SBS tiếp vận VTV4 trong thời gian 3 năm, nhưng bên trong, chắc chắn phải có sự giật dây và sự thao túng của CSVN, mà trong đó, bộ ngoại giao và Nguyễn Dy Niên đóng vai trò then chốt. Bằng chứng là hầu hết trong các chuyến viếng thăm ngoại giao của các cán bộ CS cao cấp (trong đó có Nguyễn Dy Niên), hoặc khi các yếu nhân ngoại quốc viếng thăm VN, các lãnh tụ CSVN và nhất là Nguyễn Dy Niên trong tư cách bộ trưởng ngoại giao, đều tìm cách vận động chính phủ các quốc gia, hoặc các công ty truyền hình tư nhân tiếp vận chương trình VTV4 qua 3 vệ tinh Thaicom3, Hotbird3, Telstar5. Riêng đối với những quốc gia có người Việt định cư nhưng vì lý do này hoặc lý do khác, không chịu tiếp vận VTV4 qua mạng lưới truyền hình địa phương, thì CSVN tìm cách cho tiếp vận qua mạng lưới Internet. Cụ thể như trong chuyến viếng thăm Canada từ ngày 17 đến 20 tháng 9 năm ngoái, Nguyễn Dy Niên đã gặp bộ trưởng ngoại giao Canada là ông William Graham, và chính thức tham dự lễ ký thoả thuận hợp tác giữa đài truyền hình CSVN với hãng truyền hình Jump TV của Canada để đưa VTV4 lên mạng Internet. Sau đó, tạp chí Quê Hương của cái gọi là “Uỷ Ban về người Việt Nam ở nước ngoài”, một cơ quan trực thuộc Bộ ngoại giao CSVN, đã ra thông báo về vấn đề này trên website. Ngoài ra, khi trả lời phỏng vấn của VTV4 vào dịp đầu xuân Giáp Thân vừa qua, Nguyễn Dy Niên cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của VTV4 và đưa ra ý hướng sẽ tiếp tục bành trướng VTV4 qua Internet, qua hệ thống truyền hình vô tuyến cũng như hữu tuyến (Cable TV) tại địa phương. Nói tóm lại, với âm mưu biến VTV4 thành một con bạch tuộc khổng lồ, thò vòi hút máu và đô la của người Việt hải ngoại, chắc chắn Nguyễn Dy Niên phải coi Úc là quốc gia đầu tiên để VTV4 chinh phục. Nhất là khi cách đây đúng 30 năm, Nguyễn Dy Niên là người đầu tiên chính thức đại diện cho CSVN bang giao với chính phủ đảng Lao Động Úc đứng đầu là thủ tướng Whitlam. Với quá khứ quen biết và giao thiệp với một số chính khách thiên cộng của Úc, với hậu thuẫn của cả một guồng máy tham nhũng của CS tại VN, và một số nhân vật được mệnh danh là “trí thức VN thân cộng” tại Úc, Nguyễn Dy Niên ấp ủ ảo vọng, y sẽ chính thức dự lễ ký thoả thuận hợp tác giữa đài truyền hình SBS và đài truyền hình CSVN.

Hỏi: Ông nói vậy, có nghĩa nếu cộng đồng người Việt tự do tại Úc không thành công trong việc chống SBS tiếp vận VTV4, thì Nguyễn Dy Niên sẽ tiến tới ký thoả thuận cho phép VTV4 được chính thức phổ biến tại Úc"
Đáp: Trên danh nghĩa, việc chiếu VTV4 chỉ là thoả thuận giữa SBS và đài truyền hình VN. Nhưng thực tế, ai ai trong chúng ta cũng biết, về phía CSVN, thoả thuận đó đã được trung ương giật dây. Và đúng như vậy, nếu như cộng đồng người Việt tự do ở Úc không thành công trong việc loại VTV4 ra khỏi SBS, thì chắc chắn Nguyễn Dy Niên sẽ hợp thức hoá cái vòi bạch tuộc VTV4 qua một hiệp ước truyền thông song phương được cả Úc lẫn CSVN cùng ký kết.

Hỏi: Và biết đâu, hiệp ước đó chẳng được ký kết trong dịp Nguyễn Dy Niên viếng thăm Úc châu vừa qua"
Đáp: Chuyện đó tôi nghĩ là rất có thể, vì âm mưu muốn bành trướng VTV4 của CSVN thì như tôi đã nói, đó là chuyện quá hiển nhiên. Điều kiện kỹ thuật thì họ đã có, bằng cớ là SBS đã phát hình VTV4 một cách ngon lành. Đài SBS thì cũng đã có “thiện chí” tiếp vận VTV4. Còn chính phủ Úc thì cũng muốn coi cộng đồng người Việt tỵ nạn CS ở Úc là một cộng đồng di dân, để mối bang giao Úc và CSVN không bị sứt mẻ. Trong bối cảnh đó, quả thực Nguyễn Dy Niên thực hiện tham vọng của y đâu có gì là khó khăn. Nhưng Nguyễn Dy Niên và CSVN đã tính sai hai nước cờ quan trọng. Thứ nhất, là họ không nghĩ tới người Việt tại Úc lại sáng suốt và có tinh thần đoàn kết, kiên quyết chống cộng tới mức lay non, dốc biển đến như vậy. Thứ hai, họ không hiểu được nước Úc là một quốc gia tự do dân chủ thực sự, chứ không phải thứ tự do dân chủ giả hiểu của CS. Vì vậy, chính phủ luôn luôn lắng nghe và làm theo những nguyện vọng chính đáng của dân.

Hỏi: Khi đề cập đến cuộc đấu tranh loại bỏ VTV4 khỏi SBS, của người Việt tại Úc, Nguyễn Dy Niên đã uất ức cho rằng, “Có một số lực lượng nhỏ trong kiều bào chống lại việc đưa truyền hình của Việt Nam đến với cộng đồng. Họ là những người thiển cận. Nhu cầu về thông tin là một nhu cầu rất quan trọng của con người và đặc biệt là những người sống xa Tổ quốc rất cần những thông tin về đất nước.” Ông nghĩ sao về lời tuyên bố này"
Đáp: Tôi thấy lời tuyên bố đó đã chứng tỏ Nguyễn Dy Niên tuy là một bộ trưởng nhưng rất ấu trĩ và mù quáng. Thứ nhất, ông ta phải hiểu số người Việt tham dự cuộc biểu tình chống VTV4 ở riêng Sydney cũng đã tới trên 12,000 người. Đây là con số mà cả cảnh sát lẫn truyền thông Úc đều thừa nhận. Và nên nhớ, 12,000 người trong ngày Thứ Ba là ngày làm việc, thì họ phải đại diện cho trên dưới 10 ngàn gia đình. 10 ngàn gia đình có nghĩa là khoảng 40 ngàn người Việt tại NSW. Như vậy làm sao ông Nguyễn Dy Niên lại có thể nói đó là “số lượng nhỏ” được" Thứ hai, nhu cầu thông tin là nhu cầu rất quan trọng của con người, nhưng thông tin đó phải khách quan, trung thực và chất lượng. Chứ còn thứ thông tin tuyên truyền một chiều như VTV4 thì ngay cả đa số người CS trong nước cũng tẩy chay thì làm sao chúng ta có thể tiêu hoá được. Cũng giống như ăn uống là nhu cầu quan trọng của con người, nhưng đâu có phải bạ cái gì cũng ăn. Có thứ ăn vô thì bổ, và cũng có thứ ăn vô thì chết người. Chẳng lẽ bộ trưởng Nguyễn Dy Niên cứ nhắm mắt bịt tai để không nhận thấy những điều hiển nhiên đó hay sao" Tiện đây tôi cũng xin nói thêm để ông Nguyễn Dy Niên và những người CSVN hiểu, trong cuộc đấu tranh chống lại VTV4 vừa qua, trong cộng đồng người Việt tại Úc, không hề có một vị lãnh đạo tôn giáo nào, không một đài phát thanh hay báo chí nào, không một hội đoàn, đoàn thể nào... lên tiếng ủng hộ VTV4. Đây là sự thực quá hiển nhiên, những người CSVN nên sớm nhận thức.

Hỏi: Chúng tôi có nhận được nguồn tin không chính thức nhưng đáng tin cậy cho biết, bộ trưởng Nguyễn Dy Niên muốn chính phủ Úc nên có những dàn xếp để khi y và các lãnh tụ CSVN viếng thăm Úc sẽ được hưởng sự tiếp đón giống như Úc tiếp đón Hồ Cẩm Đào. Ông có hay biết gì về tin này không"
Đáp: Sự thực theo tôi biết, thì từ lâu, các lãnh tụ CSVN khi viếng thăm ngoại quốc, đều rất muốn có vài ngàn người Việt ở quốc gia sở tại mang cờ CS và hoa ra đón tiếp họ ở phi trường. Được như vậy, họ vừa thoả mãn tự ái, lại vừa có tin tức và hình ảnh để tuyên truyền, bịp bợm người Việt trong nước, cũng như dư luận quốc tế. Trước đây, ở những nước CS Đông Âu và Nga, người Việt bị bắt buộc phải tham dự những cuộc tiếp rước giả tạo đó. Nhưng kể từ khi các nước CS Đông Âu và CS Nga sụp đổ, hầu hết những cuộc tiếp rước giả tạo đó bị huỷ bỏ. Riêng ở những nước tự do dân chủ như Úc, Mỹ, Anh, Pháp, không những không có các cuộc tiếp rước các lãnh tụ CS, mà còn có các cuộc biểu tình chống đối quyết liệt, khiến các lãnh tụ CS đi đến bất cứ đâu, ở bất cứ quốc gia nào, cũng phải chui cổng hậu. Riết trở thành thói quen, mỗi khi chính phủ Úc có ý định mời lãnh tụ CS đến bất cứ đâu, bao giờ lãnh tụ CS cũng hỏi, “Ở đó có cửa hông hay cửa hậu không"”. Đến năm 2003 vừa qua, khi tiếp đón Hồ Cẩm Đào, chủ tịch nước Trung Cộng, chính phủ Úc có sáng kiến làm đẹp lòng Hồ Cẩm Đào bằng cách cho khoảng 60 người Hoa cầm cờ cầm hoa vô tận trong phi trường đón rước. Còn những người Tây Tạng hay Pháp Luân Công biểu tình thì bị gom gọn vô một chỗ khuất mắt Hồ Cẩm Đào. Sáng kiến này đã làm đẹp lòng Hồ Cẩm Đào, và khiến Nguyễn Dy Niên cũng như các lãnh tụ CSVN muốn được hưởng sáng kiến tương tự. Nhưng khó khăn ở chỗ, chính phủ Úc không dễ gì kiếm được 60 người Việt chịu chấp nhận ôm hoa, cầm cờ CS ra phi trường đón lãnh tụ CS. Khó khăn thứ hai là nếu kiếm được 60 người Việt chịu ôm hoa ôm cờ CS ra phi trường đón tiếp lãnh tụ CS, thì chắc chắn sẽ có 6000 người Việt sẵn sàng ôm cà chua, trứng thối “dàn chào” lãnh tụ CS ở bất cứ nơi đâu họ đặt chân tới. Vì vậy, tôi nghĩ, dù Nguyễn Dy Niên và các lãnh tụ CSVN rất muốn được người Việt tại Úc tiếp rước, chắc chắn chuyện này sẽ vĩnh viễn không khi nào xảy ra.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.