Hôm nay,  

Ủy Ban Nhân Quyền Lhq Áp Lực Hà Nội

16/02/200400:00:00(Xem: 4027)
Dưới đây là Bản Tin của Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Linh mục Nguyễn Văn Lý vừa thắng Kiện. Chính phủ Việt cộng còn giam nhốt Người đến bao lâu nữa"
Thật vậy, sau khi thất bại trong toan tính vô-hiệu-hóa Đơn Kiện của Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam, chính phủ Việt cộng phải chuẩn bị cho sự phóng thích tù nhân Nguyễn Văn Lý, trước thời hạn của bản án tù bất công và phi pháp. Chưa bao giờ được công khai nói đến, vụ Kiện kéo dài gần hai năm trời tại trụ sở Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ. vừa kết thúc. Nay đã tới lúc Liên Hội cho phổ biến tài liệu "Quan Điểm của Ban Hành Động Chống Giam Cầm Độc Đoán do Ủy Hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm đối với trường hợp linh mục Nguyễn Văn Lý như trình bày trong Đơn Kiện của Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ". Đây mới là bản dịch Việt ngữ. Vì lý do trở ngại kỹ thuật, toàn văn bản Anh ngữ sẽ được đăng trong Bản Tin tới.

Công cuộc Vận động để Bênh vực linh mục Nguyễn Văn Lý
Ngay sau khi Việt cộng bắt giam vị linh mục quản xứ An Truyền, Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ đã báo động công luận. Trong hai ngày 19 và 20 tháng 5 năm 2001, từ Genève, một bản tin với tựa đề: "Nguyễn Văn Lý, cha Popieluszco Việt Nam đã bị bắt", kèm theo hồ sơ, tiểu sử và hình ảnh của cha Nguyễn Văn Lý đã được phổ biến đến các giới truyền thông, hãng thông tấn Thụy Sĩ và quốc tế. Đồng thời, bằng đường viễn liên, Liên Hội thỉnh cầu sự can thiệp của bà Mary Robinson, Cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc; bà Nicole Fontaine, Chủ tịch Quốc Hội Âu Châu; ông Joseph Deiss, Tổng trưởng Ngoại giao, ông Walter Frey và ông Bruno Frick, Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại của Hạ viện và Thượng viện Liên bang Thụy Sĩ. Qua ngày 12 tháng 6 năm 2001, Liên Hội lại viết thư đến những vị trên đây để đưa tin thêm về vụ Việt cộng ban hành lệnh quản chế hòa thượng Thích Quảng Độ, khủng bố tinh thần đồng bào và tăng ni Phật tử, cô lập một số chùa và nhà thờ để ngăn chận hòa thượng Thích Quảng Độ đi Quảng Ngãi rước Hòa thượng Thích Huyền Quang về thành phố để trị bệnh. Liên Hội nêu rõ chính sách hà khắc của Việt cộng đối với tôn giáo, chà đạp quyền tự do phát biểu, tư tưởng và tín ngưỡng. Tất cả các Giáo hội đều bị ngược đãi và trấn áp, không phân biệt Phật giáo hay Thiên chúa giáo. Trong những trại tù khổ sai tập trung, còn rất đông tù nhân chính trị, ngôn luận và lương tâm. Liên Hội không quên nhắc lại vụ Việt cộng bắt giữ trái phép và trục xuất các ông Lars Rise, dân biểu Na Uy, ông Olivier Dupuis, dân biểu Bỉ (Quốc Hội Âu Châu) cùng người phụ tá, ông Martin Schulthes, công dân Đức.
Tin linh mục Nguyễn Văn Lý bị Việt cộng bạo hành và bắt giữ lúc sửa soạn làm lễ buổi sáng ngày 17 tháng 5 năm 2001 được phản ảnh nổi bật trên báo Thụy Sĩ. Công cuộc vận động của Liên Hội cũng được những những nhân vật Thụy Sĩ và quốc tế quan tâm đặc biệt. Đáp lời thỉnh cầu của Liên Hội, đầu tháng 7 năm 2001, bà Chủ tịch Nicole Fontaine gởi công hàm đến nhà cầm quyền Hà nội. Đồng thời, các dân biểu Quốc Hội Âu Châu thông qua một Quyết Nghị lên án Việt cộng bất bao dung tôn giáo, giam giữ trái phép linh mục Nguyễn Văn Lý, đàn áp tu sĩ và tín đồ của các giáo hội Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt, Tin Lành, Công Giáo, bức hiếp thô bạo và cấm đoán tự do tín ngưỡng đồng bào sắc tộc thiểu số cùng chiếm đoạt đất đai của họ. Trở lại Thụy Sĩ, điều trần trước phiên họp của Ủy ban Chính sách Đối ngoại Quốc Hội, ông Tổng trưởng Ngoại giao cho biết chi tiết về những sự can thiệp của chính phủ Thụy Sĩ, trong đó có những chỉ thị gởi cho Đại sứ Thụy Sĩ ở Hà Nội.

Đơn của Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam kiện chính phủ Việt Nam cộng sản

Bà Mary Robinson nổi tiếng với biệt danh "tiếng nói của nạn nhân vi phạm nhân quyền trên thế giới". Và bà xứng đáng làm người phát ngôn tinh thần của họ, qua vụ Kiện Việt cộng giam cầm độc đoán linh mục Nguyễn Văn Lý. Mặc dù rất bận việc, bà Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã đáp ứng tích cực lời thỉnh cầu của Liên Hội sau khi Liên Hội chuyển đến bà, để bổ túc hồ sơ, bản Quyết Nghị về Việt Nam do Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại đề xướng và được Hội Nghị Đại Biểu Văn Bút Quốc Tế (P.E.N. International) họp ở Luân Đôn cuối tháng 11 năm 2001 thông qua. Nhắc lại, lần đầu tiên Hiệp Hội Nhà Văn Thế Giới công nhận nhà viết tiểu luận Nguyễn Văn Lý là hội viên danh dự và yêu sách trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho văn hữu linh mục, cùng với nhiều tù nhân ngôn luận và lương tâm Việt Nam khác.
Ngày 20 tháng 12 năm 2001, Ban Hành Động Chống Giam Cầm Độc Đoán do Ủy Hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm đã liên lạc với Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam để tham khảo ý kiến. Ngày 25 tháng giêng năm 2002, Liên Hội chính thức nộp Đơn Kiện chính phủ Việt cộng. Trong vòng hơn một năm trời, Hồ Sơ của Tù nhân Nguyễn Văn Lý được bổ sung nhiều lần, kèm theo tin tức mới nhứt liên quan đến tình trạng Việt cộng gia tăng đàn áp những người tranh đấu cho Tự do Dân chủ ở Việt Nam. Ngày 1 tháng 9 năm 2003, Ngô Quang Xuân, đại sứ Việt cộng bên cạnh trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève, gởi một văn thư giải đáp đến ông Louis Joinet, Báo Cáo Viên đặc nhiệm kiêm Chủ tịch Ban Hành Động Chống Giam Cầm Độc Đoán. Đại diện chế độ Hà Nội tiếp tục dùng thứ ngôn ngữ thời đại Staline để phản bác những điều cáo buộc ghi trong Đơn Kiện của Liên Hội, như Việt cộng đã "bắt giữ trái phép", "xử án thiếu công minh", "trái với tinh thần điều 19 của Tuyên Ngôn Toàn Thế Giới về Nhân Quyền và điều 19 của Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị", v.v. Ngày 7 tháng 10 năm 2003, Ban Hành Động Chống Giam Cầm Độc Đoán mời Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam nhận xét và phê phán về nội dung văn thư giải đáp của Việt cộng. Điều ấy đã được làm bằng văn thư của Liên Hội đề ngày 26 tháng 10 năm 2003.
Ngày 27 tháng 11 năm 2003, trong khóa họp thứ 38 (từ 19 đến 28 tháng 11 năm 2003), Ban Hành Động Chống Giam Cầm Độc Đoán đã thông qua Bản Quan Điểm diễn đạt Nhận Định của Ban này về vụ linh mục Nguyễn Văn Lý bị Việt cộng bắt giữ trái phép và phạt tù trong một phiên tòa thiếu công minh, không phù hợp với những điều ghi trong Hiến Ước Thế Giới và Quốc Tế mà Việt cộng có bổn phận tuân thủ. Ngày 15 tháng giêng năm 2004, Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam được thông báo chính thức về Quan Điểm của Ban Hành Động Chống Giam Cầm Độc Đoán, mà bản dịch Việt ngữ được đăng dưới đây.
Đôi lời tri ân: Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam đặc biệt cảm tạ bà Ngô Thị Hiền, chủ tịch Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam (CRFV) và nhà thơ Nghiêu Minh, hội viên Trung tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại đã cung cấp tài liệu, nguồn tin xác thực và đóng góp ý kiến hữu ích trong vụ Kiện để bênh vực linh mục Nguyễn Văn Lý trước diễn đàn của tổ chức Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Genève ngày 14 tháng 2 năm 2004
Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Ligue Viêtnamienne des Droits de l'Homme en Suisse
Vietnamese League for Human Rights in Switzerland

Quan Điểm của Ban Hành Động Chống Giam Cầm Độc Đoán
do Ủy Hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm
đối với trường hợp linh mục Nguyễn Văn Lý như trình bày
trong Đơn Kiện của Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ

Theo tin tức nhận được, ngày 17 tháng 5 năm 2001, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, một công dân Việt Nam, linh mục công giáo, giáo sư Chủng viện Huế và nguyên thư ký tòa Tổng Giám mục Huế, Thadeus Nguyễn Văn Lý đã bị công an bắt giữ. Ủy ban nhân dân tỉnh ra lệnh câu lưu tu sĩ viện cớ rằng ông "đã không chấp hành quyết định quản chế hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền". Công an được võ trang bằng roi điện, súng trường và súng lục. Trong lúc bắt giữ Thadeus Nguyễn Văn Lý, họ sử dụng bạo lực quá đáng, họ đánh đập giáo dân. Thadeus Nguyễn Văn Lý vừa công bố trên mạng lưới Internet Lời Chứng của ông về tình trạng nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Bản tài liệu đó được phổ biến rộng rãi trên thế giới nhưng không chắc đã được đa số dân chúng ở nội địa Việt Nam biết đến.
Tháng 12 năm 1983, Thadeus Nguyễn Văn Lý bị kết án 10 năm tù vì "chống đối cách mạng và phá hoại sự đoàn kết toàn dân". Trước đó, từ 1977 đến 1978, linh mục đã sống một năm trong khám đường, không hề bị truy tố tội danh hoặc đưa ra "tòa" xét xử. Từ tháng 5 năm 1983 đến tháng 7 năm 1992, ông còn bị nhốt trong nhiều nhà tù, lưu đày trong những trại cưỡng bách lao công. Được thả, ông vẫn bị đặt dưới sự canh chừng nghiêm nhặt của công an.


Nhà cầm quyền (Việt cộng) bắt giam Cha Nguyễn Văn Lý lần đầu tiên năm 1977, sau khi ông phổ biến những bản sao bức thư của giám mục chỉ trích những vụ bắt giữ các nhà tu Phật giáo và chính sách bất bao dung tôn giáo ở trong nước. Tháng 11 năm 1994, linh mục Nguyễn Văn Lý cho phổ biến bản "Tuyên Ngôn 10 điểm về thực trạng Công giáo tại giáo phận Huế", chỉ trích Nhà nước chiếm hữu tài sản giáo hội, can thiệp vào sự giảng huấn và hạn chế số chủng sinh được đào tạo thành tu sĩ. Năm 1999, Việt Nam bị trận lụt kinh hoàng tàn phá. Linh mục Nguyễn Văn Lý tổ chức phân phối phẩm vật trợ giúp những người dân bị mất hết cả những thứ cần thiết cho đời sống. Vị tu sĩ cũng thiết kế nhiều dự án cứu tế ngay sau trận lụt. Theo nguồn tin, nhà cầm quyền (Việt cộng) nhìn với cặp mắt nghi ngờ những hoạt động nhân đạo này của linh mục Nguyễn Văn Lý có phần tài trợ từ ngoại quốc.
Tháng 12 năm 2000, Cha Nguyễn Văn Lý đứng ra bênh vực dân làng đòi được quyền canh tác trên đất của giáo xứ mà nhà cầm quyền (Việt cộng) muốn tịch thu. Ông lên tiếng kêu gọi tôn trọng tự do tôn giáo, hoàn trả tài sản giáo hội, chấm dứt sự can thiệp của nhà nước vào những vấn đề thuộc lãnh vực tôn giáo và phóng thích tất cả tù nhân ngôn luận và lương tâm.
Báo chí và đài phát thanh chính thức của chế độ đã nhiều lần mở chiến dịch công khai lăng mạ và hăm dọa Thadeus Nguyễn Văn Lý. Ngày 26 tháng 3 năm 2001, Quân Đội Nhân Dân, tờ báo của quân đội (Việt cộng), đăng một bài cáo buộc vị tu sĩ là "một kẻ bị những thế lực phản động và thù nghịch ở ngoại quốc giật dây". Bài báo còn đặt câu hỏi tại sao, mặc dù bị quản chế, ông vẫn tiếp tục biểu lộ thái độ khiêu khích và truyền bá những ngôn từ chống đảng và nhà nước, với ý định kích động và gây ra mối bất hòa giữa những tín đồ công giáo.
Ngày 19 tháng 10 năm 2001, áp dụng các điều 87 và 269 của Bộ Luật Hình Sự, tòa án nhân dân Huế đã kết án Cha Nguyễn Văn Lý 15 năm tù và 5 năm quản chế. Vị tu sĩ bị buộc tội "làm suy yếu khối thống nhất dân tộc, phá hoại chính sách đoàn kết toàn dân và không chấp hành quyết định quản chế hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền". Cha Nguyễn Văn Lý liền bị đưa tới nhà lao Thừa Phủ ở Huế. Tháng 11 năm 2001, ông bị chuyển ra trại Ba Sao, Nam Hà, huyện Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, Bắc Việt. Đây là một trại cưỡng bách lao công đặt dưới quyền bộ nội vụ.

Vụ án của Cha Nguyễn Văn Lý chỉ diễn ra có 4 tiếng đồng hồ. Phiên tòa họp kín. Vị tu sĩ không được luật sư bào chữa và cũng không được phép mời những người làm chứng cho ông. Cũng theo nguồn tin, việc xét xử này không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu phải áp dụng trong một vụ án công minh. Cha Thadeus Nguyễn Văn Lý đã cố gắng dùng hầu như cả 27 năm qua để hành sử một cách ôn hòa những quyền tự do phát biểu, tự do tín ngưỡng và thờ phụng. Ông không bao giờ dùng đến hoặc chủ trương bạo động. Ông đã bị bắt giam và kết án tù chỉ vì những quan điểm bất bạo động về tôn giáo và chính trị.

Trong văn thư giải đáp, chính phủ (Việt cộng) cho rằng không đúng khi tố cáo sự bắt giam và sự kết án tù linh mục Nguyễn Văn Lý là hình phạt về tội đã sử dụng một cách ôn hòa các quyền và những tự do của ông. Chính phủ (Việt cộng) nói thêm rằng tại Việt Nam không có ai bị bắt giữ hay bị trừng phạt vì sử dụng một cách ôn hòa các quyền và những tự do hợp pháp. Và chỉ bị đưa ra xét xử theo luật định những người nào bị cáo buộc đã vi phạm luật lệ. Theo chính phủ (Việt cộng), linh mục Nguyễn Văn Lý là kẻ tái phạm. Năm 1983, ông đã bị tòa án nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên kết án 10 năm tù vì vi luật khi ông phạm tội làm suy yếu khối thống nhất dân tộc và gây xáo trộn trật tự công cộng. Ngày 17 tháng 5 năm 2001, linh mục Nguyễn Văn Lý bị bắt giam vì đã vi luật với những hành động tái phạm tội như vậy. Sau khi điều tra tỉ mỉ, trường hợp của ông đã được đưa ra xét xử công khai ngày 19 tháng 10 năm 2001 tại tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế. Vụ án được tổ chức và tiến hành theo đúng luật định. Hai người được tòa ủy nhiệm biện hộ cho linh mục Nguyễn Văn Lý có tên là Hoàng Minh Đức và Trần Đình Châu. Tòa tuyên bố linh mục Nguyễn Văn Lý phạm tội làm suy yếu chính sách đoàn kết toàn dân (điều 87, 1 của Bộ Luật Hình Sự CHXHCNVN) và từ chối tuân hành những quyết định quản chế hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (điều 269 BLHS).

Theo đúng những phương pháp làm việc sở quan, Ban Hành Động Chống Giam Cầm Độc Đoán đã chuyển giao tài liệu do chính phủ (Việt cộng) cung cấp đến nguồn tin để tổ chức này có thể đưa ra những sự bình luận bổ sung. Và nguồn tin đã làm việc ấy. Nguồn tin phát biểu rằng văn thư giải đáp cho thấy chính phủ (Việt cộng) thất bại trong việc cung cấp những sự kiện hoặc những tin tức bổ túc để trợ lực các luận điệu của họ liên quan đến sự thi hành đúng theo những luật lệ và thủ tục Việt Nam. Chính phủ ((Việt cộng) cũng thất bại trong việc cung cấp mọi tài liệu và tin tức khả dĩ trợ lực các điều quyết đoán của họ. Nguồn tin kết luận rằng chính phủ (Việt cộng) giam nhốt linh mục Nguyễn Văn Lý có liên hệ với sự phát biểu một cách ôn hòa niềm tín ngưỡng của ông. Hơn nữa, chính phủ (Việt cộng) không cho vị tu sĩ bị cáo có điều kiện sử dụng quyền được bào chữa theo thủ tục vốn được bảo đảm bởi những luật lệ nội hóa và hiệp ước quốc tế.
Kết quả là: Chính phủ (Việt cộng) tuyên bố rằng Thadeus Nguyễn Văn Lý bị phạt tù vì làm nguy hại sự thống nhứt toàn dân và nhiễu loạn trật tự công cộng; vì vậy mà luật lệ hiện hành đã được áp dụng. Tuy nhiên chính phủ (Việt cộng) chẳng đưa ra được một chi tiết cụ thể rõ ràng nào về tính chất của những điều cáo buộc để kết tội linh mục Nguyễn Văn Lý. Chính phủ (Việt cộng) cũng chẳng vô hiệu hóa được mọi biện luận do nguồn tin đệ trình Ban Hành Động Chống Giam Cầm Độc Đoán, theo đó, sự giam nhốt linh mục Nguyễn Văn Lý và bản án tù áp đặt đối với ông đã xảy ra theo sau sự thật của vấn đề là vị tu sĩ đã hành sử một cách ôn hòa quyền của ông được hoạt động trong các lãnh vực tôn giáo, nghiệp đoàn và chính trị.
Nguồn tin khẳng định rằng linh mục Nguyễn Văn Lý bị kết án 13 năm tù vì đã phổ biến những bài viết chỉ trích chính phủ và đảng cộng sản, và tu sĩ không được xét xử công minh theo tiêu chuẩn quốc tế. Để phản bác lời tố cáo trên, chính phủ (Việt cộng) không đưa ra nổi một lý lẽ nào có thể thuyết phục Ban Hành Động Chống Giam Cầm Độc Đoán. Do đó, Ban Hành Động Chống Giam Cầm Độc Đoán đạt đến kết luận rằng Cha Nguyễn Văn Lý bị bắt giữ và phạt tù vì đã hành sử một cách ôn hoà quyền tự do ngôn luận và phát biểu của ông vốn được bảo đảm bởi điều 19 của Tuyên Ngôn Toàn Thế Giới về Nhân Quyền và điều 19 của Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị.
Ban Hành Động Chống Giam Cầm Độc Đoán cho biết họ đã trình bày Quan Điểm liên quan đến Việt Nam trong nhiều văn kiện và trong bản tường trình sau chuyến đi tham quan tại nước này. Họ nhắc lại sự chỉ trích của họ đối với cái gọi là "Bộ Luật Hình Sự". Rất nhiều tội danh mơ hồ và không chính xác, chẳng hạn như các điều 87 và 269 của bộ luật đó không cho phân biệt được những hành vi võ trang và bạo động làm nguy hại an ninh nhà nước với sự hành sử một cách ôn hòa các quyền tự do ngôn luận và phát biểu. Điều ấy khiến cho Ban Hành Động Chống Giam Cầm Độc Đoán tin chắc rằng linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý đã bị bắt giữ và phạt tù chỉ vì những quan điểm mà ông bày tỏ công khai. Như vậy, giam cầm linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý rõ ràng là hành động vi phạm điều 19 của Tuyên Ngôn Toàn Thế Giới về Nhân Quyền và điều 19 của Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam (cộng sản) đã ký kết và phê chuẩn.

Dưới ánh sáng của những sự việc được đề cập trên đây, Ban Hành Động Chống Giam Cầm Độc Đoán đưa ra Nhận Định như sau:

Sự tước đoạt quyền tự do của Cha Nguyễn Văn Lý là độc đoán, vì hành động đó vi phạm điều 19 của Tuyên Ngôn Toàn Thế Giới về Nhân Quyền và điều 19 của Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị.

Do ở Quan Điểm vừa được trình bày, Ban Hành Động Chống Giam Cầm Độc Đoán yêu cầu chính phủ (Việt cộng) cho ban hành những biện pháp cần thiết để sửa chữa tệ trạng và cải tiến cho phù hợp với những tiêu chuẩn và nguyên tắc nêu ra trong Tuyên Ngôn Toàn Thế Giới về Nhân Quyền và Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị.

(Bản Quan Điểm này sẽ được phản ảnh trong Biên Bản mà Ban Hành Động Chống Giam Cầm Độc Đoán sẽ trình bày trước Khoá Họp mùa Xuân của Uỷ Hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève).
Thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2003
Khóa Họp thứ 38
Ban Hành Động Chống Giam Cầm Độc Đoán
do Ủy Hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.