Hôm nay,  

Cuộc Chiến Mới Của Người Lính Cũ

14/02/200400:00:00(Xem: 5499)
Cuối tháng 3 năm nay 2004, tổng số 300 anh em phần lớn gốc Hà Nội vào trường Đà Lạt năm 1954 sẽ về "Họp khóa 50 năm ngậm ngùi" tại Orange County. Chúng tôi vào trường tháng 3 năm 1954 vào lúc trên dưới 20 tuổi. Bây giờ trên dưới 70 tuổi. Nhân dịp ghi dấu nửa thế kỷ tao ngộ cõi trần gian, chúng tôi sẽ phát hành một tuyển tập gọi là của thế kỷ 20 gửi thế kỷ 21.
Từ khi Geneve chia đôi đất nước, sau chúng tôi và một số ít Khóa 5 Phụ là không còn anh Bắc Kỳ Hà Nội nào vào nhập ngũ trong trường Võ Bị Đà Lạt. Có chăng là anh em Bắc Kỳ di cư ở miền Nam. Chúng tôi là những học sinh Hà Nội sau cùng. Những cậu học sinh ngày xưa, nay đã trở thành các cao thủ cao niên. Tiếc thay con số 300 chỉ còn lại lối bảy tám chục người. Để đóng góp cho tuyển tập lịch sử của cả khóa, tất cả anh chị em còn lại đều viết về cuộc đời.
Chúng tôi đã giới thiệu với quý vị Đại Tá Thủy Quân Lục Chiến Ngô Văn Định nhận bàn giao chiến trường của Tướng nhảy dù Trần Quốc Lịch vào đánh trận Cổ Thành Quảng Trị ra sao.
Trung tá Công Binh Kiến Tạo Vũ Thượng Đôn viết về kỷ niệm người Công Binh cuối cùng trên Đèo Hải Vân. Khi phá chiếc cầu trên Quốc Lộ 1, ông nghĩ rằng phải chăng đây là lần cuối ta hành nghề Công Binh.
Đại tá Vũ Thế Quang kể lại ngày 30 tháng 4-1975 tại Hà Nội lúc bị giam trong trại tù binh đã nghe tin miền Nam thất thủ ra sao. Chúng tôi giới thiệu với quý vị Nguyễn Kiếm Diệm ngồi trên miệng hầm ở Bình Long, đội pháo ăn cơm hay trường hợp Ngô Lê Tĩnh đem tiểu đoàn nhảy dù vào đất Hạ Lào theo lệnh ông Thiệu. Và chúng tôi cũng kể cho quý vị nghe chuyện người lính Công binh Nghiêm Kế bị bắt tù binh ở Tây Cảnh trên mặt trận Tây Nguyên.
Trong khi bộ đội miền Bắc ồ ạt chuyển quân vào Nam thì tù binh Nghiêm Kế bị trói tay với tù binh Mỹ giải ngược con đường mòn Hồ Chí Minh. Đầu đội B52 mà đi bộ ra đất Bắc.
Đến khi đình chiến, Nguyễn Thế Nhã đón Nghiêm Kế trở về bến sông Thạch Hãn để rồi mấy tháng sau Nhã lại tử trận và Nghiêm Kế vẫn còn sống ở San Jose cho đến ngày họp khóa.
Chúng tôi sẽ giới thiệu với quý vị Chuẩn tướng Trần Quốc Lịch viết về những ngày lửa đạn với Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù và bây giờ ngồi làm thơ Đường. Trung tá Nguyễn Hữu Thăng một đời lội ruộng miền Tây với rừng núi xình lầy để bây giờ ngồi thiền ăn chay suốt 12 năm trên đất Mỹ.
Chúng tôi sẽ giới thiệu với quý vị Đại tá TQLC Phạm Văn Chung với ngày 30 tháng 4-1975 của ông tại Sài Gòn. Đứng trên tòa lầu chính của Tổng Tham Mưu nhìn trực thăng chở tướng Kỳ và tướng Trưởng bay ra hạm đội. Ông bắt tay Tướng Biệt Động Quân Đỗ Kế Giai lần cuối để ông Giai vào tù cải tạo 17 năm.
Anh em Khóa Cương Quyết tháng 3-1954 có bài ca "Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu." Kịp đến tháng 4-1975 thì "Bao nhiêu mộng đẹp tan ra thành khói bay theo mây chiều..."
Từ đó đến nay, dù di tản, dù thuyền nhân, dù HO qua đến xứ này phần lớn tìm kế sinh nhai, trông nom con cháu, vui thú điền viên. Chúng tôi có họp khóa ở Sài Gòn, ở Hoa Kỳ, Pháp quốc, Úc Châu nhưng việc đấu tranh đội đá vá trời xem chừng đã đuối sức. Trong số anh em, duy có một người chưa bao giờ bỏ cuộc. Đó là anh bạn già của tôi, Đại úy Nguyễn Hữu Luyện. Tuần này anh Luyện đang có mặt ở San Jose nên nhắc đến anh là có lý do. Anh được Trung tá Phan Lạc Phúc bên Úc gọi là người tù kiệt xuất.
Ông Luyện năm nay 71 tuổi. Thuộc trung đội 21, đại đội 6. Ra trường đi nhảy dù, sau về làm huấn luyện viên Biệt Kích Nhảy Bắc ở Long Thành.
Từ nhiều năm qua, Biệt Kích Nhảy Bắc do các HSQ làm trưởng toán. Đi thì có, mà về thì không. Có khi biệt tăm, khi tin về là do địch đã bắt được và kiểm soát. Năm 1966, Đại úy Luyện tình nguyện dẫn toán nhảy xuống lòng địch. Vừa công tác, vừa tìm hiểu. Lấy kinh nghiệm hy vọng trở về để tổ chức và huấn luyện cho thành công. Chỉ nằm trong vùng hậu địch được hơn một tháng thì cả toán bị bắt.
Ngày 30 tháng 4-1975, ông Luyện nằm trong tù mà thấy cả trời đất xụp đổ. Đã gần 9 năm biệt giam, tuy cách biệt với miền Nam nhưng biết rằng miền Nam vẫn còn đó. Bây giờ thì thật mất tất cả rồi. Không những hy vọng được tự do không còn, mà lại gặp cả toàn quân lực vào họp đoàn trong trại cải tạo. Và tại núi rừng Việt Bắc, Trung Tá tù cải tạo Phan Lạc Phúc nghe chuyện Đại Úy Luyện anh hùng. Người tù Biệt Kích Nhảy Bắc cấp bậc cao nhất suốt bao nhiêu năm chấp nhận khổ hình nhưng từ chối lao động.
Ông Phúc ra tù hơn 20 năm sau viết bài về Người Tù Kiệt Xuất Nguyễn Hữu Luyện. Ông Luyện được tự do năm 1987. Về đến Sài Gòn đã thấy hình của mình trên bàn thờ và tên của ông trên bài vị.
Bằng cách hoàn toàn không hợp tác lao động, sau 21 năm dài, Đại Úy đẹp trai của Khóa Cương Quyết đã thắng Cộng Sản Hà Nội một trận để đời trong cuộc chiến tuyệt đối cô đơn.
Qua Hoa Kỳ, Nguyễn Hữu Luyện không hề chịu ngồi yên một chỗ. Ông mở mặt trận mới cũng rất cô đơn. Ông đi học lại từ đầu, dành tất cả thì giờ để quyết lấy bằng cao học trước khi 70 tuổi. Và ông đã hoàn tất BS năm 1998 để tiếp tục đi lên.
Trong khi đó trường đại học Boston tung ra dự án nghiên cứu về người tỵ nạn và thuê các tay cán bộ văn hóa của Hà Nội tham dự. Ông sinh viên già hiền lành bỗng có thái độ.
Máu Biệt Kích Nhảy Bắc lại trở về trong huyết quản. Nguyễn Hữu Luyện sinh viên cao học bèn bỏ bút nghiên để trở lại thành người tù Nguyễn Hữu Luyện mở cuộc tranh đấu. Ông Luyện dứt khoát muốn có một bản án cụ thể để chứng minh đại học Boston đã sai lầm kể cả phần tư duy lẫn kỹ thuật.
Ông đã được tất cả mọi cộng đồng Việt khắp nơi yểm trợ. Từ Âu Châu, Úc Châu, đến Mỹ Châu. Mặt trận pháp lý mở ra. Quyên góp $100,000 dành cho nhóm luật sư đầu tiên. Đánh trực diện bằng tư duy không được vì gặp phải tinh thần tự do ngôn luận. Bây giờ đánh ngang hông về kỹ thuật tuyển dụng.
Tuy chưa thắng được vì hệ thống đại học rất vững chãi kể cả tiền bạc lẫn thế lực, nhưng rõ ràng là họ đã có phần nao núng. Chưa bao giờ một đại học danh tiếng bị một sinh viên nghèo di dân đi kiện đã chịu đựng vất vả như thế.
Dù chưa có bản án, nhưng rõ ràng là toàn thể hệ thống đại học Hoa Kỳ đều ghi được bài học để từ năm 2000 đến nay công việc làm ăn của họ đã bắt đầu vô cùng thận trọng.
Không thể có cái trò thuê học giả Đức Quốc Xã đi nghiên cứu về đời sống của dân Do Thái sống xót sau khi ra khỏi các trại tập trung.
Cho dù các học giả Hà Nội có xuất sắc và vô tư cách nào đi chăng nữa. Cho dù họ có bị sa thải khỏi đảng để đi làm dân tỵ nạn đi chăng nữa, thì cái quá khứ một đời lầm lỡ cũng không thể bảo đảm để sản xuất cho được một bản báo cáo về căn cước dân tỵ nạn cộng sản cho ngon lành được.

Câu chuyện chỉ giản dị có thế mà thôi. Đó là một cuộc chiến mới của người lính rất cũ. Trận đánh hiệp đầu bất phân thắng bại. Tòa phán rằng đứng đơn thưa tập thể không được. Bây giờ qua hiệp hai thì cũng bằng đó nguyên đơn cùng người tù Nguyễn Hữu Luyện đứng thưa riêng rẽ. Rồi ra có lẽ cũng sẽ xử một lần. Và Đại Úy Biệt Kích Nhảy Bắc đã ngược suôi Nam Bắc Cali để gây quỹ cho hiệp nhì. Một ủy ban được trách nhiệm quản lý quỹ pháp lý hoàn toàn riêng biệt với lợi tức nghèo nàn của gia đình ông Luyện.
Hai vợ chồng già vẫn ở căn phòng chung cư Housing tại Boston. Khách đến chơi nhà không đủ ghế ngồi và không đủ chén ăn cơm. Rất may là chỉ có cơm với rau nên cũng không cần nhiều chén bát. Hơn 10 năm ở Mỹ mà tưởng như anh bạn mới đến hôm qua. Được cái lạ lùng là dù nghèo đói mà bạn tôi trông cũng vẫn thanh lịch. Tiếng nói vẫn mạnh mẽ như thủa nào. Ngày xưa anh đẹp trai thì bây giờ ông đẹp lão.
Anh em cùng khóa, dù rất Cương Quyết nhưng tất cả đều già lão nên yểm trợ rất chừng mực. Các hội đoàn có nơi tích cực có nơi giá cả nhẹ nhàng. Bởi vì sau cùng thì đây cũng vẫn là một trận chiến cô đơn. Nếu nói là đánh để lấy tiếng vang thì đối với chúng tôi tiếng vang đã vọng bốn phương trời. Nếu nói là đánh để thắng thì có thể coi nhưng đối với anh em chúng tôi, bạn cựu SVSQ trung đội 21 của trường Đà Lạt 54 đã thắng trận từ lâu rồi. Năm 1987 anh đã thắng cộng sản Bắc Việt để trở về. Qua đầu thế kỷ 21, ai có ngờ đâu anh lại thắng đại học Boston gàn dở phản chiến lỗi thời trong một trận khá ồn ào ngoạn mục.
Anh đã thắng được trong lòng anh em. Còn cái bản án rõ ràng đó, thì xin bạn cứ tấn công để lấy cho bằng được. Chẳng khác gì cái tờ giấy ra trại của Hà Nội đã phát cho anh trong đó bọn chết tiệt ghi tội của bạn là phạm tội Đại Úy Biệt Kích.
Trên đời này còn có chế độ lên án tội Đại Úy thì mấy tay khoa bảng Hoa Kỳ ở Đại học Boston đi thuê văn hào Hà Nội nghiên cứu về văn chương di tản thì cũng là cùng một bọn vớ vẩn với nhau mà thôi.
Để chấm dứt câu chuyện về Nguyễn Hữu Luyện tôi xin phép quý vị tặng người bạn cũ một bài thơ.
Tôi với anh cùng một trung đội. Từ 54 đến 66 ít khi gặp nhau. Sau đó Luyện đi luôn một thời gian 21 năm tù. Qua Mỹ có gặp lại đôi ba lần nhưng cái thời gian sinh hoạt của anh em trong quân ngũ, Nguyễn Hữu Luyện nằm biệt giam nên không hề có tin tức.
Bài thơ này xin kể lại từ đầu cho Nguyễn Hữu Luyện, cho các bạn và cho tất cả mọi người. Tôi gọi là Bài Ca 50 Năm Họp Khóa Ngậm Ngùi. Để quý vị thấy rằng bọn trẻ Hà Nội của năm 1954 ngày xưa, đã làm những trò gì suốt 21 năm chinh chiến.
Bài thơ đó xin đăng lại như sau:
Bài Ca Họp Khoá
Viết cho tháng 3-2004 Cương Quyết Võ Bị Đà Lạt 54
50 Năm Họp Khóa Ngậm Ngùi (1954 - 2004)
Thưa chư liệt vị,
Khóa chúng tôi đây.
Dở giăng, dở đèn.
Môn chẳng ra môn, khoai chẳng ra khoai.
Cầm giấy khai sinh Thủ Đức, nhưng chẳng phải đấng sinh thành.
Công ơn dưỡng dục mẹ nuôi, đàn con nhớ về Đà Lạt.
Năm hai mươi tuổi, anh đi quân đội.
Ngày vào trường, năm Năm mươi Bốn
tổ quốc còn đủ hai đầu Sài Gòn - Hà Nội.
Khi mãn khóa, ngày Một tháng Mười
Genève cưa đôi đất nước, chia ra hai mảnh Bắc Nam.
Đang thụ huấn, Điện Biên Phủ, Tây kéo cờ hàng.
Trong quân trường, điểm trung bình, đôn lên hai nấc.
Lúc quỳ xuống, vẫn còn là sinh viên sĩ quan.
Khi đứng lên, có anh chỉ còn cặp lon trung sĩ.
Chân dậm đất, tay đấm ngực, miệng kêu trời.
Rồi sau cùng,
dù lính dù quan, cũng chia nhau mà về đủ ba vùng chiến thuật. (1)
Anh đội mũ đỏ nhảy dù, tôi về mũ xanh lính thủy.
Đi tới đi lui cũng quanh quẩn Cà Mau - Bến Hải.
Sáu mười phần trăm lấy vợ Nam kỳ...
bỏ lại nửa mối tính đầu Hà Nội.
Hai mươi mốt năm, chinh chiến ngược suôi.
Anh đi tàu suốt, tôi ốm yếu xanh xao...
nhận sổ quân y ba mươi ngày tái khám.
Người lên lon lá huy hoàng, ngực đỏ huy chương cứu quốc.
Có cậu lả lướt dăm bảy mảnh tình.
Có anh hiền lành, giữ mãi tơ duyên một chỗ.
Vào cuộc chiến, tôi đánh Bình Xuyên...
xuống miền Tây, ông vây Hòa Hảo.
Dứt trận Mậu Thân, bị đánh phủ đầu,
quân ta đã huy hoàng đứng dậy.
Mùa Hè đỏ lửa, bị địch quân đập trúng ngang lưng,
mà sao lính Cộng Hòa vẫn còn gân mạnh mẽ phi thường.
Từ Bình Long anh dũng,
Nguyễn Kiếm Diệm gan lỳ ngồi trên nóc hầm, đội pháo, ăn cơm. (2)
Cho đến vào Hạ Lào gian khổ,
Ngô Lê Tĩnh đái một bãi trên đất Tchepone
theo đúng lệnh quân hành ông Thiệu. (3)
Hạ thành Quảng Trị.
Nhảy dù Quốc Lịch thay quân cho mũ xanh Ngô Định lên phiên.
Hào khí ngất trời.
Cho đến ngày trời sầu đất thảm tháng Tư Đen.
Đỗ Đình Vượng dẫn trung đoàn về đồn trại thân yêu.
Ngước nhìn trời Lai Khê thấy cay cay khóe mắt.
Người ngậm tăm, súng đeo vai buồn bã.
Ngồi ăn trưa với ông Tư Lệnh, cơm nuốt không vô.
Miếng vải trắng ai đã treo trên nóc ngọn cờ,
Lê Nguyên Vỹ đi một đường tự sát.
Đỗ Vượng bèn cho quân lính hồi hương
để sĩ quan Cương Quyết xếp hàng, vào tù cải tạo.
* * *
Khóa chúng tôi đây,
khóa di cư chạy loạn, từ Bắc vào Nam...
với nhân dân đã kiến tạo hai nền Cộng Hòa...
và hai mươi mốt năm xây nhà, dựng nước.
Paris ký Hiệp Ước Hòa Bình,
Nguyễn Thế Nhã đón tù binh Nghiêm Kế trở về bến sông Thạch Hãn (4)
Tưởng rằng phen này trong ấm ngoài êm.
Chẳng hiểu vì sao,
chỉ một tháng trời oan nghiệt, quân cán chánh chạy dài từ dọc đến ngang...
để anh em chúng tôi cũng phải chia phần, làm tan đàn xẩy gánh
Đám nhanh chân chạy thoát cũng nhiều, người ở lại chịu đọa đày cũng lắm.
Bước chân đi mặt còn ngoảnh lại, phía chân trời xiềng xích trông theo.
HO qua Mỹ, tổn thất quá phần ba.
Gặp lại anh em vừa yếu lại vừa già.
Hai mươi mốt năm chinh chiến đã trôi qua,
Thêm hai mươi chín năm cải tạo cộng với lưu đày
Là vừa đủ năm chục năm tròn đẹp đẽ.
Vì vậy nên mới có hôm nay, tháng Ba năm Lẻ Bốn.
Chúng tôi về đây dành lại một ngày
cho Năm Mươi Năm Họp Khóa Ngậm Ngùi.
Để đếm đầu người, xem anh em ai còn, ai mất.
Ba trăm chàng trai đất Bắc, giờ đây chỉ còn lại bảy chục vị cao niên.
Già thật là già. Lão ơi là lão.
Nước mắt đã khô rồi. Gặp nhau chỉ cười thôi.
Chẳng phải lần đầu, nhưng biết đâu đây sẽ là lần cuối.
Sợ thì ông đếch sợ, nhưng buồn thật là buồn.
* * *
Bầy Ong thợ về già sẽ bay đi bốn phương trời...
trong cuộc hành trình vĩnh biệt.
Nhưng con cá Hồi suốt đời vùng vẫy biển khơi...
vẫn phải trở về họp bạn ở nơi nguồn gốc.
Khóa chúng tôi không phải lũ ong chơi xong rồi bỏ cuộc.
Chúng tôi sẽ là những con cá Hồi lương thiện
năm mươi năm sau trở về
tìm lại anh em...
Giao Chỉ
Ghi chú: (1) 1954 Việt Nam tổ chức theo 3 Quân Khu (2) Trung tá Nguyễn Kiếm Diệm của mặt trận Bình Long đã qua đời tại Nam Cali. (3) Hành quân Lam Sơn 119, ông Thiệu lúc tửu hậu trà dư nói với Tướng Phú: "Toa vào Tchepone đái một bãi rồi rút ra". (4) Đại tá Nguyễn Thế Nhã đã hy sinh tại Thừa Thiên.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.