Hôm nay,  

Mùa Xuân Năm Ấy

31/01/200400:00:00(Xem: 4986)
Để tưởng nhớ cha mẹ và 2 anh tôi

Tôi sinh ra ở một tỉnh heo hút, cheo leo miền Thượng Du Bắc Việt - Lạng Sơn. Một địa danh có lẽ rất xa lạ đối với những người chưa hề đặt chân tới, nhưng lại là một địa danh thân quen trong lịch sử và địa dư Việt Nam. Lạng Sơn có sông Kỳ Cùng ngược về nguồn! Lạng Sơn có chùa Tam Thanh, Nhị Thanh, có nàng Tô Thị đã ăn sâu vào lòng dân gian qua ca dao, qua giọng hát ru con êm đềm trải qua nhiều năm tháng:
Đồng Đăng có phố Kỳ LừaCó nàng Tô Thị có chùa Tam ThanhAi lên xứ Lạng cùng anhBõ công bác mẹ sinh thành ra em...

Năm 1940, vó ngựa quân đội Thiên Hoàng tràn qua biên giới Việt - Trung dày xéo Lạng Sơn. Người dân Lạng Sơn đang sống êm đềm trong thanh bình với tiếng hò giọng hát bảng lảng, triền miên trên khắp nương sắn, nương khoai, nay phải bồng bế nhau chạy loạn tản mát khắp nơi. Cùng với dân chạy loạn, gia đình tôi cũng phải rời nơi chôn nhau cắt rốn để lánh qua tÿ nạn ở Bằng Tường, Long Châu bên Trung Quốc. Sau khi quân Nhật đầu hàng đồng minh ở Đông Dương, gia đình tôi trở về lại cố hương. Nhưng tuổi thơ của tôi không được dàn trải êm ấm ở nơi chôn nhau cắt rốn lâu dài. Cuối năm 1946, lúc đó tôi mới lên bốn, không hiểu vì lý do gì cha mẹ tôi dắt anh em chúng tôi quảy gánh bỏ quê xuôi nam. Tới một vùng đồi núi hoang vu tên là Bản Kéo, cha mẹ tôi dừng lại, trú tại nhà một người quen. Lúc đó đã gần Tết. Những năm đó, suốt vùng Việt Bắc đã thuộc về Việt Minh. Chính phủ Việt Minh tung ra đợt tuyên truyền xóa nạn mù chữ, tổ chức các lớp bình dân học vụ. Già trẻ, trai gái đều phải đi học “i tờ”. Thời đó bọn trẻ con chúng tôi đều phải học những bài hát tuyên truyền của Việt Minh, như bài Cô Tú:
Ai về chợ Huyện Thanh VânHỏi thăm cô Tú đánh vần được chưaĐánh vần năm ngoái năm xưaNăm nay quên hết nên chưa biết gìLưng trời tiếng sáo vô viVẳng nghe ai học chữ i chữ tờSách i tờ phát không cho họcLiệu cô mình đã đọc được chưa"...

Anh em chúng tôi vì còn hỉ mũi chưa sạch nên không phải đi học i tờ. Suốt ngày, anh em chúng tôi theo bạn bè hàng xóm đi chăn trâu, hoặc đi mót khoai sắn ở những cánh đồng người ta đã vỡ.
Cuối đông năm 1946, trời thật lạnh, gió bấc rít suốt đêm bên ngoài liếp. Nhà nghèo, mái tranh, vách bằng phên liếp, không giường chiếu, cả nhà đều ngủ trên nền đất trải rơm cho ấm. Thấm thoát đã tới ngày 29 tháng Chạp. Như mọi nhà ở trong bản, mẹ tôi cũng chuẩn bị một nồi bánh chưng thật to. Mẹ tôi lấy ba hòn đá kê làm ông táo ở ngoài sân để luộc bánh từ trưa ngày 29. Thường ngày, mẹ tôi phải đi học lớp “bình dân học vụ”, cha tôi đi đâu không rõ, ít khi ở nhà. Nhưng kể từ ngày 25 tháng Chạp, cha mẹ tôi đều ở nhà để sửa soạn Tết. Hôm đó, sau khi ăn cơm trưa xong chúng tôi cứ quanh quẩn bên bên bếp lửa, nhìn nồi bánh chưng sôi sùng sục một cách thích thú. Khoảng 3 giờ chiều, thằng Khèn bạn hàng xóm đến rủ đi mót khoai lang. Anh em chúng tôi liền đi theo. Mới 3 giờ chiều trời cuối đông u ám nên trông như sắp tối. Gió rét căm căm, tôi mặc ngoài chiếc áo bông trong áo cánh nâu dầy thô mà mặt mày vẫn xám ngắt. Tuy vậy anh em chúng tôi vẫn hăm hở ra đi vì khoái ăn khoai lùi. Mót được khoai, chúng tôi đào một cái hố lớn, đi lượm củi nhỏ đốt cho có than rồi cho khoai vào, xong lấp đất. Độ nửa sau thì khoai chín bới khoai ra. Chúng tôi cầm những củ khoai cháy xém bóc vỏ nóng dòn, vừa ngọt lịm vừa bùi và thơm phức, thật không có gì khoái bằng. Khoảng 5 giờ chiều, trời chạng vạng tối, cảnh vật chỉ còn mờ mờ chúng tôi mới về nhà.


Ngay từ đầu đường, chúng tôi đã thấy mẹ ngồi ở bếp ngoài sân. Chúng tôi tưởng mẹ đang ngồi canh nồi bánh chưng nên chạy ào tới. Nhưng không phải. Mẹ tôi đang ngồi gục trên hai gối khóc nức nở. Hoảng hốt, tôi vội chạy tới ôm lấy mẹ, hấp tấp hỏi:
- Sao mẹ khóc hả mẹ"
Mẹ tôi ngẩng lên, nước mắt đầm đìa hai má:
- Cha con bị người ta bắt đi rồi các con ơi!
- Sao vậy mẹ" Sao người ta lại bắt cha chúng con đi"
- Các con còn nhỏ quá chưa biết việc đời nên mẹ khó giải thích. Các con chỉ cần biết rằng người ta bảo cha các con chống đối nhà nước, nên người ta mời cha nên cơ quan làm việc. Nhưng các con ơi, cha các con bị bắt thật rồi!
Chúng tôi quỳ xuống bên cạnh mẹ, không biết nói gì thêm. Ba mẹ con cùng ôm nhau khóc. Một lát, cơn xúc động đã qua, tôi thấy bếp lửa của nồi bánh chưng đã tàn từ lâu, tôi vội đi lấy thêm củi, khơi lửa lên cho cháy đều.
Kể từ lúc đó, mẹ tôi không thiết tới việc sửa soạn Tết nhất nữa. Chiều 30 Tết, mẹ chỉ làm một bữa cơm đơn sơ cúng ông bà. Ba mẹ con ngồi ăn trong không khí ảm đạm, thanh vắng, không cảm thấy ngon miệng gì. Năm đó, lần đầu tiên tôi không được hưởng không khí tưng bừng, vui vẻ của 3 ngày tết. Tôi không được khoe áo mới cùng bạn bè. Mặc dù cũng được mẹ lì xì như mọi năm, nhưng trong bầu không khí ảm đạm của gia đình, nhìn khuôn mặt rầu rĩ của mẹ, tôi không còn thấy hứng thú đi chơi bầu cua cá cọp, hay họp mặt cùng bạn bè rong chơi, hay đi xem múa lân ăn nộm đu đủ bò khô như mọi năm.
Rồi 3 ngày Tết cũng qua đi. Ngày mồng 7 Tết mẹ tôi cho anh em chúng tôi cùng đi thăm cha ở Nam Nho. Mẹ tôi đem theo vài cái bánh chưng và nửa con gà luộc. Đến Nam Nhi thì đã quá Ngọ. Nơi giam giữ cha tôi là những cái nhà lợp tranh, bao quanh bởi hàng rào bằng tre. Trước cổng có hai anh bộ đội mang khẩu súng dài thoòng đứng gác. Sau thủ tục xét hỏi, chúng tôi được gặp cha ở nhà thăm nuôi. Thấy cha, mẹ tôi khóc nức lên. Mới có mấy ngày mà trông ông già hẳn đi, mặt gầy xọm, đen đúa. Có lẽ ông đã không ngủ nhiều đêm ngên trông ông hốc hác hẳn. Mẹ tôi hỏi có bị đánh đập gì không, cha tôi chỉ lắc đầu. Hai anh em chúng tôi không biết nói gì, chỉ quanh quẩn bên cha, hết nắm tay lại đứng nhìn ông. Một lát thì hết giờ thăm nuôi, ba mẹ con chúng tôi lủi thủi ra về. Ghềnh đá cheo leo, mấp mô lên xuống. Xa xa có tiếng thác đổ vọng lại như tiếng nhạc ru ai oán khiến tâm hồn chúng tôi thêm trĩu nặng.
Mãi hai năm sau, cha tôi mới được thả. Sau khi cha tôi về nhà, cha mẹ tôi tức tốc dắt chúng tôi rời bản Kéo, tiếp tục xuôi nam, dọc quốc lộ 1 (đường Lạng Sơn-Hà Nội) đến làng Mẹt... gần Kép. Chúng tôi dừng chân ở đây một năm, ăn thêm một cái Tết. Đúng ngày mồng 2 Tết năm đó (1948), gia đình chúng tôi vượt qua núi Bảo Đài, đến Lục Nam, thuộc vùng quân đội Liên Hiệp Pháp kiểm soát.
Từ đó, chúng tôi vĩnh viễn rời xa Việt Bắc, nơi chôn nhau cắt rốn của chúng tôi, vượt thoát khỏi những người Việt Minh đã để lại trong tâm hồn trẻ thơ của chúng tôi những hình ảnh kinh tởm, ghê sợ. Từ Lục Nam, theo bước chân của cuộc chiến chinh tàn khốc, chúng tôi lại đi, đi nữa. Hà Nội - Sàigòn và bây giờ thì Úc châu, một địa danh xa lạ mà chúng tôi chưa bao giờ nghe và tưởng tới trong suốt thời niên thiếu.
Hơn nửa thế kử đã qua, bao nhiêu vật đổi sao dời, mẹ tôi khuất núi đã lâu, anh tôi cũng vừa mới vĩnh viễn ra đi, chỉ còn lại mình tôi. Mùa xuân lại về trên xứ người - dù thời gian thăm thẳm, hun hút, nhưng hình ảnh bi thảm, ảm đạm của ba ngày Tết ở Bản Kéo năm xưa vẫn hiện rõ mồn một trong tôi...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.