Hôm nay,  

Chợ Truyền Thống Mất Dần

05/08/200200:00:00(Xem: 4696)
Bạn,
Theo báo SGGP, chỉ trong mấy năm, Sài Gòn đã có 42 siêu thị ra đời và dự báo con số này không dừng lại. Ưu thế của siêu thị là thỏa mãn được nhu cầu của người tiêu dùng. Và ngược lại, các chợ truyền thống tại Sài Gòn đang dần co cụm mà bằng chứng là lượng khách sút giảm, sức mua kém hẳn, một số chợ có nguy cơ bị xóa tên trên thị trường. Báo SGGP ghi nhận về hiện trạng này qua đoạn ký sự như sau.
Nhiều chợ bán lẻ như Tân Bình, Đa Kao, Tân Định, Bến Thành... lâu nay được coi là những chợ có đông khách hàng. Lý do đơn giản vì lượng hàng hóa ở đây khá dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của nhiều người. Thế nhưng, mấy năm gần đây, sức mua tại những chợ này đã sụt giảm rõ rệt. Nhiều tiểu thương ở ngành hàng chế biến, ngành giày dép, quần áo... đã phải đóng cửa, trả môn bài vì buôn bán ế ẩm. Không ít tiểu thương cho rằng do thuế cao, chợ không được nâng cấp... Điều này chỉ đúng một phần vì tiểu thương còn quên một nguyên nhân quan trọng khác là lề lối kinh doanh ở chợ đang tỏ ra lạc hậu trước mô hình kinh doanh mới: siêu thị.
Bà nội trợ Nguyễn Thị Sen ở quận 3 bộc bạch: Hồi trước quen đi chợ. Từ ngày nhiều siêu thị ra đời, tôi lại... khoái đi siêu thị hơn. Ra chợ mấy bả nói thách lắm. Trả giá mà không mua là bị dính câu cửa miệng “Sáng sớm, mở hàng, trả thêm tiếng nữa đi...” là mình “trúng độc” liền... Nhiều bà nội trợ chuyên nghiệp bây giờ cũng đâm... chờn kiểu kinh doanh nói thách của tiểu thương các chợ... Chị NBH, nhà ở Bình Thạnh, than: “Mua cho con nhỏ cái áo sơ-mi, bả nói sáu chục, tôi trả hai chục là bán liền. Hổng trả giá là... chết”.

Một đoàn khách từ Hà Nội vào cứ đứng tần ngần trước một gian hàng bán vải ở chợ An Đông. Họ không dám bước đi vì đã lỡ trả giá rồi nhưng lại được một khách hàng khác mách cho biết đã hớ nên bây giờ tiến thoái lưỡng nan. Bà Đinh Thị Hương, một khách trong đoàn - cho biết: “Lần đầu tiên vào TP SG nên chẳng biết giá cả thế nào. Với kiểu “bắt” khách thế này chúng tôi thật ... hoảng”. Cuối cùng, tuy biết mỗi một xấp vải đắt hơn 10 ngàn đồng nhưng cả đoàn cũng phải bấm bụng trả tiền, vì nếu bỏ đi, bị... mắng xối xả liền. Ngoài nạn nói thách, tại nhiều chợ còn có nạn buôn gian...nên không ít người tỏ ra bất bình. Chị Đinh Thị Ngọc, quận Bình Thạnh - kể: “Lúc trước nạn cân gian ở chợ Bà Chiểu, An Đông, Hòa Hưng...là chuyện thường ngày, vì thế tôi ít đi chợ. Sau nhiều năm, tôi nghĩ rằng tiểu thương ở các chợ này phải biết thay đổi cung cách buôn bán hợp thời để có khách. Thế nhưng, vừa rồi tạt ngang chợ Bà Chiểu mua trái cây, đem về cân 2 kg chỉ còn lại 1kg4. Buôn bán kiểu này làm sao khách của chợ không...ngán”.
Không riêng chị Ngọc, nhiều bà nội trợ còn than vãn, đi chợ mua đụng cá ương, rau không sạch, chất lượng vệ sinh thực phẩm không an toàn...là chuyện cơm bữa Siêu thị: không khí... văn minh!
Bạn,
Báo SGGP viết tiếp: Trong xu thế bùng nổ siêu thị, người ta cảm giác các chợ truyền thống ở trung tâm thành phố đang rơi vào cảnh chợ chiều. Một chuyên viên về đô thị ở quận 3, cho rằng “chợ vỉa hè, lấn chiếm lòng lề đường làm bộ mặt thành phố nhếch nhác là điều không nên nhưng những chợ truyền thống như Bến Thành, An Đông... nhộn nhịp kẻ mua người bán cũng là một hình ảnh đẹp cần củng cố. Đó là nét riêng của thành phố Sài Gòn.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.