Hôm nay,  

Sáng Nay Mẹ Tôi Mất

17/08/200200:00:00(Xem: 4110)
Tôi sinh ở Bạc Liêu năm 1958 trong một gia đình có tập quán đối nghịch, là mẹ Nam, lấy việc làm thay lời nói, và bố Bắc, gần như ngược lại, lấy lời nói thay việc làm. Tôi không khớp với người Nam bởi một ít máu Bắc, và cũng không trùng với người Bắc bởi một phần tính Nam. Tôi là sản phẩm méo mó của cái quan hệ nhùng nhằng đó. Nó ảnh hưởng nhiều đến cách nghĩ và thái độ của tôi. Tôi hiện sống ở Sài Gòn, và đã in hai tập thơ: Đêm Mặt Trời Mọc (1990) và Khí Hậu Đồ Vật (1997).

Tôi bị gọi nhập ngũ năm 1979, và có hai năm đứng trong hàng ngũ đi dép râu, đội nón cối và ban vài loạt AK, nhưng cũng may chưa ra trận. Tôi nghĩ, nếu đánh nhau, tôi dễ trở thành một tù binh, hoặc một hàng binh, hoặc là người bị bắn đầu tiên. Không lâm trận nhưng cũng bị hai vết thẹo: một vết loét trong dạ dày vì đói và ăn bậy, một vết thẹo trong tâm lý, do bị dồn nén từ áp lực của một tập thể luôn bị bơm căng. Trong hai năm đó, tôi nhận ra tính hiếu chiến gần như bản năng tiềm ẩn trong con người Việt Nam, và điều đó làm tôi hoảng sợ hơn những cuộc đọ súng tưởng tượng với Pôn Pốt. Nhưng cũng may, nhờ loét dạ dày tôi được giải ngũ sớm.

Kẻ Xa Lạ, Thời Của Kẻ Giết Người, Zarathrustra Đã Nói Như Thế, là những cuốn sách không chỉ in những dấu ấn, nó còn là cây búa đập vỡ tôi ra. Kẻ Xa Lạ, Lê Thanh Hoàng Dân dịch của Camus, đọc lần đầu năm 1974, nó đã tác dụng đến tôi như một trận hỏa, thiêu rụi mọi cái ảo trong trí tưởng về sự hiện hữu của con người, và thay vào đó, là cái trơ trọi cứ lớn dần trong cảm thức. Khi còn là sinh viên, tôi vẫn đọc nó, bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn đọc lại, và cả về sau, tôi tin, tư tưởng của Camus trong Kẻ Xa Lạ là nền tảng đạo đức không xa lạ nữa với mỗi người. Thời Của Kẻ Giết Người, Phạm Công Thiện dịch của Henry Miller viết về Rimbaud, đối với tôi lúc đó, hơn bất luận một giáo trình tâm lý và mỹ học nào, nó là tấm gương soi cho những kẻ đồng căn nhận ra tính nguyên sơ của cái đẹp thấu thị, và tính chất đó chỉ đạt đến trong ý thức nổi loạn. Zarathrustra Đã Nói Như Thế, Trần Xuân Kiêm dịch của Nietzsche, giáng vào tôi một khoái cảm điếng người của sự đứt đoạn, sự lìa bỏ, và sự vượt lên. Nó lắp đặt cho ý thức một cỗ máy tinh xảo để lọc mọi thứ cặn trong truyền thống cảm xúc ẩm thải ra từ đời sống và từ văn chương. Những cuốn sách đó đã thiết kề ý thức cá nhân của tôi đề kháng lại cái môi trường bán khai của qyyền lực tập thể, luôn thấy trong cá tính mối nguy hiểm cho sự an toàn tạm bợ của nó. Ngoài ra, sự không tưởng về kinh tế, chuyên chế về chính trị ở Việt nam sau chiến tranh đã gây ra những tai biến, những xung đột, những xáo trộng khắc nghiệt trong tâm lý, nên những hình ảnh kỳ dị, những ý tưởng đột ngột trong những câu thơ, kiểu: súng lục có tóc trắng, ruột gan của đá, không khí là một rễ cây, đá là cây của những đám mây... tức thì nhập vào tôi như một cơn gió độc; và thi pháp thơ siêu thực, mặc nhiên biến thành hơi thở, máu thịt, và làm nên phn chính yếu trong ý thức nghệ thuật của tôi. Vào thời đó, sách dịch từ Liên Xô độc chiếm trong các tiệm sách, và hấy hết những cuốn sách đều mặc đồng phục: những đám mây mặc quần của Mayakovsky cứu vớt.


Nguyễn Quốc Chánh
(Trích phỏng vấn, do Đinh Linh thực hiện, đăng lại trên diễn đàn Talawas)

Tôi đọc Camus khi rớt kỳ đầu, khóa thi Tú Tài 2, ban Toán, hình như là giữa năm 1958 thì phải, và cơn chấn động của nó đánh bật tôi ra khỏi giảng đường Đại Học Khoa Học. 1974, Nguyễn Quốc Chánh đọc nó, cũng tại thành phố Sài Gòn của tôi, và như ông cho biết, nó đã tác dụng tới ông như một trận hỏa...
Hai người đọc cùng một cuốn sách, trước và sau một cuộc chiến, và gần như cùng bị chấn động như nhau. Có vẻ như cuốn sách chẳng cần một thời gian, một biến cố lịch sử nào để mà biện minh. Có vẻ như nó mãi mãi thuộc về một thời mới lớn, như tác giả của nó, khi viết nó: "Camus ư" Đây là một tấm hình của ông. Một khuôn mặt đẹp, trầm trọng, một cái nhìn buồn bã, và dịu dàng của người thức đêm, trông chừng những cơn mộng của thời mới lớn...".
Và đây là câu văn mở đầu của một cuốn tiểu thuyết vẫn mãi mãi làm ngỡ ngàng những người trẻ tuổi:
"Hôm nay mẹ tôi mất" (Aujourd'hui maman est morte).

Camus rất mê câu thơ của Rilke:
Ở đâu có nguy hiểm, ở đó có cứu rỗi. (Là où croit le danger, croit aussi ce qui sauve).
Như thể ông đã nhìn ra, sau Lò Thiêu, vẫn còn có cứu rỗi"
Và đó là giá mà Âu Châu phải trả để có được giải phóng, và sau đó, tự do"
Nhưng như một nhà phê bình Pháp, Bernard Henry- Lévy, trên tạp chí Le Point (số đặc biệt về Camus, tháng Tám 1993) đã nhìn ra ở ông: Càng ngày Camus càng muốn đảo ngược câu thơ của Rilke:
Ở đâu có hòa bình, ở đó có hiểm nguy. (Là où vient la paix, croit aussi le temps des dangers).

Liệu có thể áp dụng hai câu thơ trên, cho hai độc giả của Kẻ Xa lạ, một trước, và một sau, cuộc chiến Việt Nam"

NQT

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.