Hôm nay,  

Phỏng Vấn Cựu Đại Úy Nguyễn Hữu Luyện

25/03/200200:00:00(Xem: 13480)
LTS: Nhận lời mời của Ủy Ban Yểm Trợ Người Tù Nguyễn Hữu Luyện, sáng Thứ Tư, 20 tháng 3 vừa qua, Ông Nguyễn Hữu Luyện - cựu đại úy biệt kích của QLVNCH, Người Tù Kiệt Xuất từng sống hiên ngang như tùng như bách suốt thời gian hơn 20 năm trong lao tù cộng sản, cựu sinh viên cao học khi tuổi đời ngót 70, và trong 2 năm qua, là người gióng lên tiếng trống xuất quân, mở mặt trận pháp lý và dư luận, tấn công một trường đại học danh tiếng tại Mỹ để bảo vệ chính nghĩa người Việt tỵ nạn cộng sản - đã đến phi trường Sydney trong chuyến viếng thăm Úc Châu với trách nhiệm, tìm sự hậu thuẫn về tinh thần, dư luận và tài chánh trong cộng đồng người Việt tự do Úc Châu, cho việc làm gian nan nhưng đầy ý nghĩa của ông. Là người có cả một quá khứ hào hùng, bất khuất đầy huyền thoại trong xiềng gông của kẻ thù suốt 20 năm, Ông Nguyễn Hữu Luyện còn có lòng kiên nhẫn và nghị lực theo đuổi con đường học vấn tới thành công, cho dù tuổi ông đã cao, sức ông đã yếu. Nhưng cao qúy hơn tất cả, dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là lao tù, hay trong khung trường đại học, dù ở Việt Nam hay ở Mỹ, dù bị đầy đọa trong xiềng gông của cộng sản hay sống thoải mái giữa nước Mỹ, ông Nguyễn Hữu Luyện vẫn bền gan vững chí và đủ tỉnh táo cùng tinh thần cảnh giác cao, nhận rõ chân diện chìm nổi của kẻ thù cộng sản và sẵn sàng, kịp thời, đối phó. Nhân dịp ông Nguyễn Hữu Luyện đến Úc, để qúy độc giả có cơ hội hiểu rõ hơn một huyền thoại, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn ông được phóng viên Đinh Quang Anh Thái, thuộc Little Saigon Radio, thực hiện cách đây ngót một năm.

Hỏi: Ông bị bắt vào tháng 7 năm 1966. Khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt ngày 30 tháng Tư năm 75, lúc đó ông vẫn còn là một người tù bị giam giữ ở một trại tù nào đó ngoài miền Bắc. Trong hoàn cảnh nào, giờ phút nào ông biết tin cuộc chiến ngã ngũ và đất nước bị mất vào tay chế độ cộng sản"

Đáp: Tôi ra ngoài Bắc vào ngày 22 tháng 6 năm 1966, sau một thời gian rất ngắn hoạt động tại vùng biên giới Lào-Việt, thuộc lãnh thổ tỉnh Quảng Bình, sau đó, tôi bị bắt ngày 27 tháng 7 năm 66. Suốt thời gian đó đến ngày mất nước, tôi bị cùm trong phòng tối và bị cách biệt, không được liên lạc với bất kỳ anh em nào, kể cả những người tù khác. Tháng Tư năm 75, tôi đang ở trại giam Phong Quang - Lào Cai. Trại tù này có 4 cái loa lớn, sau giờ tù đi lao động về thì quản giáo trại mở đài Hà Nội cho nghe, nên chỗ nào cũng nghe được. Thành ra, dù nằm trong xà lim tối, tôi cũng nghe được âm thanh lọt qua, vì xà lim làm bằng ván gỗ. Vì vậy, tôi theo dõi được mọi tin tức của đài Hà Nội. Vào khoảng 20 tháng Tư thì họ (công an coi trại) cho tôi một cái đèn dầu, đem báo vào cho tôi đọc và cho tôi mượn một cái radio nhỏ để tôi theo dõi tình hình. Họ nghĩ rằng, diễn biến của tình hình có thể làm tôi thay đổi thái độ. Về ngày 30 tháng Tư, tôi chỉ biết diễn tả cảm giác duy nhất của tôi ngày hôm đó là họ cho tôi xem một tờ báo có đăng một tấm ảnh rất lớn, chụp cầu Tràng Tiền, trên cầu có chiếc xe Jeep còn mang cờ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, và trên xe mấy anh Việt cộng đội mũ tai bèo, xe cắm cái cờ mà họ gọi là cờ giải phóng. Tôi cảm thấy đau nhói trong lòng và có cảm giác như nhìn thấy vợ mình đang nằm trong tay một người đàn ông khác. Sự đau đớn đã làm tôi khóc nhiều ngày, mắt tôi sưng lên. Trong tù rất đói, mà những ngày đó tôi không ăn được nữa.

Hỏi: Kể từ ngày được gởi ra Bắc năm 66 thi hành những điệp vụ bí mật rồi bị bắt, cho đến ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản, có bao giờ ông tưởng tượng rằng, cuộc chiến ngã ngũ một cách bi thảm đến như thế không"

Đáp: Cho đến phút cuối cùng, tôi vẫn nghĩ miền Nam sẽ chiến thắng. Trong suốt thời gian bị giam, khi những cán bộ của nhà tù gọi tôi lên để làm cái công tác mà họ gọi là giáo dục cải tạo, thì tôi lúc nào cũng nói với họ là nếu miền Nam thất bại, thì không bao giờ tôi ăn thêm một bữa cơm của họ nữa mà tôi sẽ tự giải quyết vẫn đề và không làm phiền họ cứ phải gọi tôi lên văn phòng như vậy. Tôi vẫn tin là mình sẽ thắng chứ không nghĩ kết quả đau đớn như vậy.

Hỏi: Ông được thả ra khỏi tù năm 87, nghĩa là cả quảng đời thanh niên của ông bị phí phạm trong nhà tù cộng sản. Trong cuốn sách Bạn Bè Gần Xa của ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc, tác giả đã mô tả ông là một người tù bất khuất, không một cường lực nào, một sự đe dọa nào, một nỗi đói khát nào có thể lay chuyển được ý chí sắt đá của ông. Làm cách nào trong một hoàn cảnh nghiệt ngã, tận cùng đáy địa vực như vậy, ông giữ được mình luôn luôn đứng thẳng như một cây tùng trước bão"

Đáp: Cái gì nó cũng có nguyên nhân của nó. Lý do tôi được anh em quý mến như vậy vì nó bắt nguồn từ một nguyên nhân hết sức hợp lý. Những anh em bị tập trung đưa ra ngoài Bắc sau ngày 30 tháng Tư, dù sao sự hiểu biết giữa Việt cộng và anh em đó cũng bình thường rồi. Phần tôi khi bị bắt năm 1966, thì chế độ miền Bắc vừa muốn giam giữ tôi, vừa thông qua bản thân tôi, họ muốn tìm hiểu, nhận xét miền Nam Việt Nam và quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Thành ra tự nhiên tôi có cảm tưởng là đang làm một sứ mạng gì cao cả, thiêng liêng lắm. Từ suy nghĩ đó, tôi cho rằng mình có bổn phận nâng cao phẩm giá của mình hơn cái thật của mình. Vì lúc nào họ cũng châm chú theo dõi tôi nên tôi phải ứng xử thế nào để đừng làm nhục các bạn mình đang chiến đấu, đừng làm nhục một chế độ đang phải đương đầu với cộng sản. Vì vậy, lúc nào tôi cũng tự lý tưởng hóa con người của tôi, lý tưởng hóa chính phủ miền Nam. Thành ra, cách ứng xử đó đã thành một thói quen, cho đến năm 1975 thì thói quen đó đã nhiễm vào trong tâm của tôi, lúc nào tôi cũng có cảm tưởng mình là đại sứ của một quốc gia thành ra mình có trách nhiệm là tự mình nâng mình lên. Hành động đó không ai sai khiến mình mà tự mình làm. Mặc dù đói khổ, rét mướt, bệnh hoạn, tôi vẫn tự hạn chế bộc lộ sự đau đớn của mình. Ngay cả việc cộng sản dùng biện pháp thăm nuôi hòng lung lạc tôi, tôi cũng cắn răng chịu đựng, dù nỗi nhớ vợ con lúc nào cũng ray rứt tôi. Tôi nghĩ rằng, không có gì ngu xuẩn cho bằng để cho kẻ thù của mình thấy mình đau khổ. Tôi đã sống bằng danh dự của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Giờ phút này, với những người cảm mến tôi, tôi xin chuyển sự cảm mến đó cho linh hồn của quân lực và các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh cho đại nghĩa Quốc Gia. Chúng ta đã không may vì hoàn cảnh quốc tế khiến xẩy ra kết cục đau đớn cho chúng ta.

Hỏi: Ông qua Mỹ định cư năm 1993, vào lứa tuổi ngoài 60. Vậy mà ông đã tốt nghiệp cao học từ một đại học danh tiếng của Hoa Kỳ. Động lực nào thúc đẩy ông ở tuổi đó, với một quá khứ hơn 20 năm tù đầy nhọc nhằn, mà ông vẫn đạt được thành tích đáng kính phục đó"

Đáp: Tôi nghĩ thế này. Thứ nhất, trong khi các bạn mình đang chiến đấu thì mình nằm tù. Nhà tù rất đau khổ, nhưng thực ra so với với những anh em đang chiến đấu, thì nhà tù là nơi rất an toàn. Thành ra tôi cảm thấy mình bất xứng với xã hội, nên tôi muốn làm một cái gì trước khi tôi chết. Thứ hai, tôi muốn xây dựng lại những đổ vỡ trong cuộc đời tôi.Suốt thời gian tù đầy không liên lạc được với gia đình, vợ tôi tưởng tôi chết rồi nên mới đặt hình tôi trên bàn thờ. Khi ra khỏi nhà tù, tôi nhìn thấy ảnh của mình trên bàn thờ, thằng con trai của tôi lên 9 tuổi khi tôi đi, thì khi tôi về, cháu nội tôi đã 10 tuổi, nghĩa là hơn bố nó 1 tuổi lúc tôi xa nhà. Con gái tôi đi lấy chồng, ngày cưới của cháu có được một con gà là một cố gắng rất lớn. Vì vậy, tôi nghĩ là mình phải làm điều gì cho 7 đứa con đã chịu nhiều khổ đau vì vắng bố. Các cháu không hề biết bố là người như thế nào. Tôi muốn chứng minh cho các con tôi thấy sức sống của con người như thế nào và phải phấn đấu như thế nào. Dù lúc nào tôi cũng nghĩ con đường ra nghĩa trang không còn xa nữa, nhưng ngày nào còn sống, tôi còn phải làm những điều xây dựng lại cuộc đời của mình, và làm gương cho các con và bầy cháu của mình. Khi tôi bị tù đầy ngoài Bắc, vợ tôi bương chải nuôi bầy con. Đứa lớn nhất 9 tuổi, đứa nhỏ nhất còn nằm trong bụng mẹ. Tôi phải làm điều gì để đền bù những bất hạnh của gia đình tôi. Ngoài ra, đối với tôi, qua Mỹ là dịp đặc biệt để tôi được đi du học mà không mất tiền nên tôi lợi dụng hoàn cảnh đó làm điều gì lợi cho tôi và cho con cái tôi noi theo. Hiện nay, con gái út của tôi còn ở VN, dù phải đi làm vất vả, cũng cố gắng tiếc tục việc học và tôi đang lo thủ tục bảo lãnh cho cháu qua Mỹ để học ngành điện toán tại Mỹ.

Hỏi: Cuộc đời của ông được nhà văn Phan Lạc Phúc một tả là một bài thơ bi tráng, vì sự khổ đau quyện vào những ý chí vươn lên. Nếu có cơ hội trải lòng với thế hệ con em đi sau, những bài học nào, kinh nghiệm nào ông sẽ chia sẻ với họ"

Đáp: Tôi chỉ có một điều duy nhất để mong mỏi, đó là mong sao thế hệ trẻ nhận chân được rằng, thế hệ cha ông họ đã phải chiến đấu, hy sinh để giải thoát cơn mê của dân tộc VN. Hoàn cảnh thế giới và hoàn cảnh VN mỗi ngày một đổi khác, nhưng mục đích cuối cùng vẫn là thế nào đừng bao giờ chúng ta trở lại cơn mê như dân tộc VN chúng ta từng trải qua. Cộng sản đã mê hoặc dân Việt Nam cho nên chúng nó mới làm được như vậy. Tôi hy vọng giới trẻ sẽ nhận thức sâu sắc hơn để đem dân tộc mình ra khỏi cơn mê này và các thế hệ cha anh làm thế nào đứng bên cạnh giới trẻ, khuyến khích họ để giới trẻ đưa dân tộc ra khỏi cơn mê hiện tại. Đó là ước mơ của tôi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.