Hôm nay,  

Truyện Ngắn: Tác Phẩm

05/04/200400:00:00(Xem: 5365)
LGT: Nhà văn Phùng Nguyễn, tên thật Nguyễn Đức Phùng, sinh năm 1950 tại Quảng Nam, hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ, là tác giả của các tập truyện: Tháp Ký Ức, Đêm Oakland, và Những Truyện Khác. Truyện ngắn sau đây của ông sẽ cho quý độc giả thấy được những giằng co quyết liệt trong nội tâm của một người cầm viết, khi họ phải đứng giữa, một bên là nhu cầu thoả hiệp để mang lại hạnh phúc cho những người thân quen chung quanh, và một bên là trách nhiệm đối với sự thật cùng vong linh của những người đã khuất.

* * *

Ông Thân thở dài, cẩn thận xếp trang giấy chứa những hàng chữ viết tay ngay ngắn vào chỗ cũ. Tuần trước ông nhận được cú điện thoại từ người bạn, chủ nhiệm một tờ báo văn học uy tín ở vùng Nam Cali, về số phận của tập bản thảo mà ông vừa nhận lại qua bưu điện ngày hôm nay. "Tôi rất tiếc, những truyện loại này bây giờ không còn ăn khách nữa. Tôi đã cố gắng nhưng không có nhà xuất bản nào chịu nhận in. Họ bảo nếu anh bỏ tiền ra in họ sẽ giúp phát hành, nhưng cũng phải cả năm sau mới hy vọng lấy vốn lại được." Người bạn gác điện thoại sau mấy câu an ủi và dặn dò, "Nhớ viết cho một truyện ngắn nhé, có khi đổi qua thể loại này lại dễ thành công hơn."
Truyện ngắn thì ngày xưa ông Thân cũng có viết, nhưng từ lúc qua Mỹ ông chỉ mơ ước được kể lại những sự kiện đã xảy ra cho ông và cho những người khác trong hai thập niên qua. Ông cũng biết là đã có nhiều tác phẩm thuộc loại này được xuất bản tại hải ngoại, nhưng ông tự tin ở khả năng diễn đạt và sự 'công chính' của mình khi trình bày sự kiện dưới dạng một tác phẩm văn học. Tiểu thuyết gia và người lính can trường Dương Thân chẳng phải đã được người ta bình phẩm như vậy hai mươi năm về trước hay sao" Vậy mà cuốn truyện dài ông bỏ ra hơn một năm để hoàn tất lại không thể xuất bản! Phải chi mà ông có tiền, ông sẽ tự đi in và phát hành lấy. Ông chỉ muốn chia sẻ với mọi người những nỗi xót xa, những niềm tuyệt vọng, hay những tia hy vọng nhỏ nhoi bắt gặp ở chính ông hay ở một ai đó mà ông đã có lần gặp gỡ trong chuỗi tháng ngày đày ải bên này hay bên kia bờ đại dương. Vậy mà...
Ông Thân đứng lên, cẩn thận rút một cây nhang ốm yếu từ bao nhang màu đỏ có những hàng chữ thếp vàng đặt trên chiếc trang làm bằng miếng ván ép phủ giấy báo xanh đỏ sặc sỡ. Ông bật diêm thắp nhang rồi cắm vào bình, mắt ông hướng vào khuôn mặt của người đàn bà trong khung ảnh thờ. Đó là người vợ quá cố của ông. Bà mất đã hơn ba năm, lúc Triều Ngân mới mười hai tuổi. Căn bệnh ung thư ác tính bộc phát dữ dội, chỉ trong vòng mấy tháng thôi mà người đàn bà xinh đẹp ngày nào chỉ còn da bọc xương, tóc rụng sạch. "Anh ráng lo cho con nó trưởng thành rồi hãy bước đi bước nữa. Nhà văn nổi tiếng như anh thì thiếu gì người muốn kết bạn. Anh hứa với em nghe." Bà đã dặn dò ông ở phút lâm chung như vậy. Nhà văn nổi tiếng, ông chua chát nghĩ thầm.
Bây giờ thì Triều Ngân đã mười lăm. Con bé xinh đẹp và thông minh. Mấy năm trước, cứ mỗi tháng nó lại mang về khoe với ông những tờ giấy khen xanh đỏ ở trường cấp hai về môn Anh văn. Hồi đầu năm học đầu tiên của lớp chín, con bé được thầy cô cho vào học lớp đặc biệt dành cho học sinh có năng khiếu. Cuối tuần, ông Thân đưa Triều Ngân đến ngôi chùa ở thành phố kế cận để học thêm tiếng Việt. Ông hy vọng một ngày nào đó Triều Ngân sẽ có đủ khả năng để đọc và hiểu những tác phẩm viết bằng tiếng mẹ đẻ, của ông và của các tác giả khác. Ông tự biết, ngoài những tác phẩm đã viết cách đây hơn hai mươi năm và những cuốn sách mà ông hy vọng sẽ xuất bản trong tương lai, ông chẳng còn gì để con bé tự hào.
Vợ chồng ông Thân đến Mỹ cách đây năm năm, theo diện HO. Hai vợ chồng lao đầu vào những công việc tạp nhạp để sinh nhai. Bà lãnh đồ may gia công từ một người quen, còn ông thì phụ bán hàng cho một siêu thị của người Tàu. Số vốn Anh ngữ nghèo nàn mà ông góp nhặt được từ những lớp Anh văn dành cho người lớn thực không có chỗ dùng. Đến khi vợ ông ngã bệnh, số tiền hai người dành dụm không cánh mà bay. Ngày làm đám tang cho bà, một tay ông Quang, tiểu đoàn trưởng cũ của ông, đứng ra lo liệu. Ông Quang đến Mỹ khá lâu, nhờ có con cái bảo lãnh, nên đời sống ổn định, nếu không muốn nói là khá thành công. "Hay là mình nhờ ông ấy giúp mình xuất bản cuốn tiểu thuyết," ông Thân nghĩ thầm một cách ngượng ngùng.

* * *

Hai người đàn ông ngồi đối diện nhau ở chiếc bàn ăn hình vuông đặt trong góc quán. Trước mặt họ là hai tô phở còn thừa chút nước lèo màu nâu và mớ gia vị lỉnh kỉnh. Ông Quang với tay lấy miếng khăn giấy trong chiếc hộp hình khối vuông chùi quanh mép, nói:
"Phở ở đây ăn cũng được hả chú""
Ông Thân dạ nhỏ, nâng ly trà nóng lên hớp một ngụm rồi hỏi nhỏ:
"Anh đọc Trước Giờ Buông Súng rồi chứ""
"Rồi," ông Quang trả lời, "Chú vẫn còn phong độ."
Ông ngưng một chút rồi tiếp:
"Truyện làm tôi nhớ lại những kỷ niệm ở đơn vị. Chú viết thực sống động. Có điều..."
Ông Thân áy náy hỏi:
"Có điều làm sao anh""
"Có điều tên tiểu đoàn trưởng ở cuối truyện có vẻ hèn quá..."
Ông Quang thở dài, vẻ bối rối. Ông Thân cũng bối rối không kém. Ở phần cuối của “Trước Giờ Buông Súng”, tiểu đoàn trưởng Sáng, cấp chỉ huy trực tiếp của Thiết - nhân vật xưng "tôi" trong truyện - đã để mặc cho đơn vị của anh bị tràn ngập. Thiết đã quyết định buông súng để cứu lấy mạng sống của những người lính sống sót thuộc đại đội của mình.
"Chỉ là truyện thôi mà anh," ông Thân phân trần.
"Chú Thân, tôi không buồn chú đâu. Bao nhiêu năm nay tôi cứ nghĩ mãi về ngày hôm ấy. Tôi hiểu tâm tư của chú. Nhưng mà lúc đó tiểu đoàn có cố thủ thì chỉ làm chết thêm nhiều người thôi. Chính sự gan dạ của chú và đám lính dưới quyền đã cứu mạng tôi và hàng trăm người khác."
"Anh khéo nói quá. Kéo cờ trắng đầu hàng mà gan dạ cái nỗi gì!" Ông Thân trả lời, vẻ cay đắng.
Ông Quang cười rầu rĩ, nói nhỏ:
"Tôi còn lạ gì Thân Điên! Nếu không vì sinh mạng của đám thuộc hạ, chú sẽ nướng không còn một con đỏ để cầm chân tụi nó. Tiểu đoàn chỉ cần hai giờ đồng hồ để tháo lui. Anh em ai cũng mong gặp lại chú, cho dù trong cảnh ngộ bẽ bàng đi chăng nữa..."
Ông Thân ngồi lặng thinh, lòng dạ băn khoăn. Trước đây, khi hai người tái ngộ trên xứ người, ông Thân chưa hề đề cập đến câu chuyện này. Ông Quang lúc nào cũng ân cần tử tế với ông, và trong sự săn sóc hình như có pha lẫn chút e dè. Điều này làm ông Thân càng ngại ngần hơn vì có cảm tưởng là ông Quang đang sống với cái mặc cảm có lỗi với người thuộc cấp cũ. Khi dựng truyện, ông Thân đã nghĩ đến việc cuốn tiểu thuyết của ông có thể làm buồn lòng một số người, trong đó có ông Quang. Nhưng cái danh tiếng "nhà văn công chính" không cho phép ông sửa đổi một số chi tiết, mà ông cho rằng rất quan trọng cho toàn bộ cuốn truyện, chỉ để không làm phật ý ai đó. Bây giờ thì số phận của tập bản thảo kể như đã được định đoạt. Chắc chắn ông Quang sẽ không chịu giúp. Mà ông cũng chẳng trách chi ông Quang. Trước Giờ Buông Súng, nếu được xuất bản, nhất định sẽ chẳng mang đến cho ông Quang một niềm vui nhỏ bé nào, trái lại là đằng khác! Ông Thân thở dài, nghĩ mình nên cáo từ ra về cho xong.
"Chú Thân này, về chuyện xuất bản cuốn truyện của chú, anh em có thể giúp được."
Ông Thân ngẩng đầu lên nhìn vị cựu tiểu đoàn trưởng, ngạc nhiên. Ông Quang tiếp:
"Tôi đã copy truyện của chú gởi cho đám bạn bè trong đơn vị mình ngày xưa, yêu cầu mỗi người góp một chút để trả tiền in và phát hành. Anh em ai cũng vui lòng giúp. Tính ra được gần năm ngàn đồng. Tôi có quen với một nhà in, để tôi lo vụ in ấn. Số còn thừa chú giữ đó, mai mốt bán được sách gởi lại cho anh em sau."
Năm ngàn đồng là một số tiền lớn, và chắc chắn sẽ đủ để trang trải mọi chi phí ấn loát cũng như phân phối. Ông Thân hỏi, vẻ nghi ngại:
"Anh đồng ý giúp tôi xuất bản cuốn truyện thực sao" Còn mấy người kia có nói gì không""
"Thì cũng có người đề nghị chú sửa đổi chút đỉnh, nhất là ở hồi kết cục, nhưng tôi gạt đi. Viết lách là việc của chú, chú đã sắp đặt như vậy thì hãy cứ để như vậy."
Ông Quang trả lời với vẻ chịu đựng. Rồi ông chợt cao giọng, mỉm cười:
"Nếu không thì Thân Điên đâu còn là Thân Điên!"
Khi ông Thân về đến nhà thì đã hơn bảy giờ tối. Con bé Triều Ngân ngồi học bài ở chiếc bàn nhỏ đặt ở một góc phòng khách ngẩng lên nhìn ông nhoẻn miệng cười.
"Ba đi chơi với bác Quang vui không ba"" Nó hỏi.
Ông Thân mang chiếc bịch nhựa đựng phở và mấy cọng rau đặt lên chiếc bàn ăn, bảo con:


"Ba đi công chuyện mà. Bác Quang mua phở chín cho con đó, ăn đi để nguội hết."
Triều Ngân hớn hở đi lấy chiếc tô sứ, đổ phở từ chiếc ly làm bằng nhựa xốp màu trắng vào tô, rồi lấy cơm từ nồi cơm điện trộn vào ăn ngon lành. Ông Thân ngồi ở chiếc ghế đối diện, nhìn con ăn "phở độn" vừa buồn cười vừa xót xa. Ngày còn ở quê nhà, thỉnh thoảng mua được bát phở, vợ ông trộn cơm nguội cho Triều Ngân ăn cho "chắc bụng". Năm sáu năm rồi mà con bé vẫn chưa bỏ được thói quen tội nghiệp này. Chợt ông lên tiếng:
"Bác Quang sẽ giúp ba xuất bản cuốn sách."
"Vậy hả ba"" Triều Ngân hớn hở hỏi lại. "Vậy là mai mốt ba phải ký tặng con một cuốn để con khoe với bạn nghe ba."
"Ờ, ba sẽ đề tặng cô bé lọ lem Triều Ngân nhé""
"Không phải cô bé lọ lem, Triều Ngân yêu quí của ba mà!" Con bé ranh mãnh trả lời.

* * *

Ngọn đèn ở phòng khách được vặn thấp xuống, chỉ vừa đủ soi sáng nơi ông Thân đang ngồi. Triều Ngân đã vào phòng của nó từ lúc nãy. Ông Thân cựa quậy trên chiếc sofa một cách bứt rứt. Sự giúp đỡ của ông Quang và những đồng đội ngày xưa để Trước Giờ Buông Súng có cơ hội ra mắt độc giả, điều mà ông không ngờ, đã chẳng mang đến cho ông chút thích thú nào! Tự dưng ông cảm thấy khó xử. Chẳng thà họ từ chối giúp ông, như vậy có lẽ ông sẽ càng quyết tâm hơn trong việc tìm cách cho tác phẩm mình được xuất bản. Đằng này...
Ông Thân vẫn thường tự hào về văn phong bộc trực, không nể nang của mình. Để giữ được phong thái đó, có khi ông đã phải hy sinh một vài mối quan hệ mà lẽ ra đã có thể tiếp tục một cách rất tốt đẹp. Nhưng để được gọi là ngòi bút 'công chính' đâu phải là chuyện dễ dàng, và độc giả của ông chắc sẽ thất vọng lắm nếu ông thay đổi cách viết. Đó là ngày xưa, khi tóc ông còn xanh và dòng máu cao ngạo còn sôi sục trong huyết quản, túa xuống những ngón tay cứng cáp, và tràn ra ngòi bút. Cầm bút trở lại sau hai mươi năm, khi tóc đã ngả màu, bàn tay đã chai sần vì sinh kế, và dòng máu trong châu thân đã lạnh đi rất nhiều qua những trầm luân, chính là niềm tự hào của quá khứ đã giúp ông làm quen trở lại với phong thái cũ. Cho nên tiểu đoàn trưởng Sáng đã bỏ rơi thuộc hạ chạy lấy thân. Cho nên đại đội trưởng Thiết phải buông súng để cứu lấy mạng đồng đội. Nhà văn 'công chính' Dương Thân không thể viết khác đi. Bởi vì như vậy thì Thân Điên đâu còn là Thân Điên! Vậy thì điều gì làm ông không yên lòng" Sự ân cần tử tế của ông Quang và những người bạn cũ thuộc tiểu đoàn, những người được mô tả như là hèn nhát, bỏ rơi đồng đội trong phút hiểm nghèo" Có lẽ vậy, nhưng đó chưa phải là tất cả lý do của nỗi băn khoăn.
Ông Thân vặn lớn ngọn đèn ở phòng khách, mở tập bản thảo Trước Giờ Buông Súng ra đọc lại. Cũng như những truyện dài trước đây của ông, sự 'công chính' bàng bạc trong tác phẩm đến từ ông và ở về phía của ông. Anh chàng đại đội trưởng trẻ tuổi, ngổ ngáo, và can trường không chấp nhận sự khiếm khuyết của... kẻ khác. Anh quyết định buông súng ở giây phút cuối cùng của cuộc chiến chỉ vì muốn cứu lấy sinh mạng của thuộc hạ. Anh không hề nghĩ đến sự an nguy của bản thân khi bước ra từ chiến hào với chiếc áo lót trắng bê bết máu và mồ hôi trong trận đánh cuối cùng. Và những kẻ hèn nhát đã bỏ rơi anh phải chịu trách nhiệm về những thống khổ trầm luân của anh trong hai mươi năm sau đó. Có cần thiết phải như vậy không" Ông Thân tự hỏi. Ông chưa hề hỏi mình câu hỏi này, cũng như ông chưa hề có một nỗ lực nào để tìm hiểu tâm sự của cựu tiểu đoàn trưởng Quang và những người khác trong tiểu đoàn bộ. Ông quên mất họ cũng có hai mươi năm để trải qua sau lần rút quân cuối cùng.
Có tiếng cửa phòng mở ra và đóng lại, rồi tiếng chân nhẹ nhàng của Triều Ngân hướng về phía phòng khách. Con bé đến ngồi cạnh ông, quàng tay ôm vai cha, hỏi:
"Sao ba thức khuya vậy""
"Ba đang đọc lại bản thảo. Sao con thức dậy giờ này""
"Con cũng không biết nữa! Mà ba đọc lại bản thảo chi vậy""
"Ba đang suy nghĩ có nên in hay không."
"Sao vậy ba" Bác Quang giúp ba in mà, không phải khi hôm ba nói vậy sao""
"Tại truyện của ba viết sẽ làm người khác đau lòng."
"Tại sao ba lại viết những điều làm người khác đau lòng""
"Bởi vì nếu không viết ra thì lại có những người khác nữa đau lòng. Những người còn sống hay đã chết..."
Triều Ngân im lặng, mặt thoáng vẻ tư lự. Một chốc, con bé thỏ thẻ lên tiếng:
"Vậy thì khó quá hả ba! Mà ba viết về cái gì mà có thể làm người ta đau lòng vậy ba""
Ông Thân ngẫm nghĩ một chút rồi trả lời:
"Về chiến tranh, cái chết, sự phản bội hèn nhát, và khổ nhục."
"Eo ôi, truyện của ba toàn gì đâu không hà! Sao ba không viết cái gì vui vui đi""
Ông Thân thở dài, xoa đầu con gái:
"Đâu có gì vui để ba viết đâu con."
"Thì ba nghĩ ra mà viết. Con thích chuyện nào có happy ending!"
Ông Thân cúi xuống dịu dàng hôn lên trán con:
"Thôi khuya rồi, con vào ngủ lại đi."
Khi cánh cửa phòng ngủ của Triều Ngân đã đóng lại, ông Thân lúi húi thu xếp tập bản thảo bừa bộn trên chiếc bàn nhỏ cho vào chiếc phong bì lớn màu vàng. Bỗng dưng ông cảm thấy mệt mỏi. Ông biết mình không thể đi ngủ ngay được. Có điều gì như nỗi bất an cứ dấy lên trong lòng ông. Ông đến ngồi vào chiếc ghế bành nhỏ, đưa mắt nhìn lên chiếc trang thờ đơn sơ có hai ngọn đèn màu đỏ tù mù, nơi có bức ảnh của người vợ quá cố. Bà đang nhìn ông với đôi mắt buồn thảm. "Anh ráng lo cho con nên người. Triều Ngân là tác phẩm lớn nhất của chúng ta. Anh phải thay em hoàn thành cái tác phẩm xinh đẹp của chúng ta..."
Ông Thân vẫn nghĩ là mình đã cố gắng rất nhiều trong việc thực hiện lời hứa với người vợ đã qua đời. Về mặt vật chất, ông lo lắng, chăm sóc đứa con gái duy nhất trong khả năng hạn hẹp của mình. Càng nghèo túng, khổ cực, ông càng cố gắng chứng tỏ sự lương thiện và chính trực của mình. Ông không xin xỏ bạn bè, không nhận quà một cách cẩu thả. Ông nghĩ chỉ có những giá trị đạo đức còn sót lại ở trong ông mới có thể bù đắp cho Triều Ngân những thiếu thốn vật chất. Bởi vì ông chỉ còn có những điều như vậy để tự hào, và hy vọng Triều Ngân cũng nghĩ như ông. Ông lặng lẽ đứng dậy, đốt cho vợ mình nén nhang cuối cùng của ngày. Cùng với những bước chân nặng nề trên đường vào phòng mình, ông nghĩ đến số tiền năm ngàn đô la ông Quang hứa giúp. Chắc chắn số tiền này không những đủ để trang trải mọi chi phí ấn loát và phát hành cho thiên truyện của ông mà còn có thể thỏa mãn mơ ước chính đáng của Triều Ngân - một chiếc máy vi tính để làm bài vở và để "đánh máy giùm truyện của ba!" Bước chân ông bỗng ngập ngừng trước cánh cửa phòng ngủ. Ông tặc lưỡi, quay trở ra phòng khách, ngồi vào chiếc bàn viết nhỏ xíu ở góc phòng và vặn sáng ngọn đèn ở cạnh đó. Đêm rất sâu và tĩnh mịch. Chỉ có tiếng sột soạt của ngòi bút bi liên tục chạy trên mặt giấy...

* * *

Ông Thân thường dậy muộn vào buổi sáng cuối tuần. Triều Ngân sẽ đánh thức ông khi ly cà phê đen nóng tỏa mùi thơm ngạt ngào đã được con bé mang ra đặt trên chiếc bàn ăn nhỏ xíu. Như mẹ của con bé đã từng săn sóc ông, khi bà chưa ngã bệnh. Hôm nay thì khác. Ông Thân tự làm cà phê cho mình và đánh thức con bé trong khi ông lúi húi làm hột gà ốp la cho con ăn sáng. Khi Triều Ngân rời mắt khỏi chiếc đĩa màu trắng đựng hai trứng ốp la thơm tho nóng hổi để hỏi, "Sao hôm nay ba siêng vậy"" ông Thân trả lời với nụ cười:
"Tại ba có việc muốn làm cho xong."
"Việc gì vậy ba""
"Ba đã sửa lại bản thảo một chút cho truyện có happy ending!"
"Thiệt hở ba! Mà ba làm sao hay vậy""
"Thì ba thêm vào đó những điều còn thiếu sót, một chút cảm thông, một chút tha thứ chẳng hạn..."
Con bé cười tít mắt, vòi vĩnh:
"Nhiều nhiều tha thứ đi ba! Cô giáo con nói với cả lớp forgiveness is the greatest virtue of all!"
Thực vậy sao" Trước nay ông Thân vẫn cho rằng 'công chính' mới là đức tính cao quý nhất của một người.
"Như vậy thì... mệt ba lắm." Ông Thân làm bộ thở dài đánh sượt rồi tiếp: "Mai mốt ba viết truyện mới thì con phải giúp ba mới được."
"Giúp gì ba""
"Giúp ba đánh máy lại bản thảo vào trong computer."
"Nhà mình đâu có computer ba""
"Sẽ có, ba sẽ mua cho con để con làm bài ở nhà, khỏi nhờ máy của bạn nữa."
Triều Ngân buông đũa, đứng dậy ôm ông Thân nói ríu rít:
"Thiệt hở ba. Cám ơn ba nghen ba..."
Ông Thân cảm thấy trong lòng nhẹ đi cùng với nỗi vui mừng của đứa con thân yêu. Đời sống đầy dẫy những thỏa hiệp cần phải ký kết, ngay cả cho Thân Điên.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.