Hôm nay,  

Ayaan Hirsi Ali

24/12/200600:00:00(Xem: 2720)

Ayaan Hirsi Ali

Chị đã làm một việc can đảm hiếm có: rời bỏ và lên án thế giới Hồi Giáo để trở thành một nhà hoạt động nữ quyền.
Nhà văn Ayaan Hirsi Ali đã nói lên, đã viết lên và đã làm những việc mà chị biết ngay rằng chị sẽ nhận lãnh án tử hình từ chính những người một thời chị chia sẻ đức tin Hồi Giáo. Và bây giờ, chị đang phải đào thóat và cần được bảo vệ, sau khi chị kêu gọi bảo vệ cho toàn thể phụ nữ Hồi Giáo đang bị áp bức.
Trong bài viết "Vùi Giấu Sự Thực" mấy hôm trước, nơi cột báo này, nhà nữ quyền Ayaan Hirsi Ali đã bị nhận lầm là nam giới. Nhưng may mắn, tác giả bài viết này được một nhà báo từ Thông Luận cho biết rằng Hirsi Ali là nữ giới. Nơi đây tác giả bài viết xin gửi lời cảm ơn tới tòa soạn Thông Luận, và trân trọng cáo lỗi cùng tất cả độc giả về nhầm lẫn trên.
Người ta không hình dung hết tất cả những nguy hiểm mà Ayaan Hirsi Ali trực diện trên thế giới đời thường, cho tới khi đạo diễn Theo van Gogh, người đã làm một phim về phụ nữ Hồi Giáo mà chị là người viết kịch bản, bị giết chết ngoài phố và tên sát nhân để lại lá thư kèm theo mũi dao ghim vào ngực đạo diễn van Gogh: thư này viết rằng chính Ayaan Hirsi Ali sẽ là nạn nhân kế tiếp. Kể từ đó, chị được an ninh Hòa Lan bảo vệ. Nhưng rồi nhiều áp lực tình cờ đưa tới, để chị phải sang Mỹ tị nạn.
Ayaan Hirsi Ali nguyên khởi đã di trú từ Somalia sang Hòa Lan, rồi trở thành một dân biểu Hòa Lan - một chức vụ mà chị có thể lấy cớ vì ngọai giao và quyền lợi chính trị xã hội để thành nghị gật - nhưng từ đây chị đã viết bản thảo cho cuốn phim "Submission,"  một phim chỉ trích cách đối xử tàn khốc với phụ nữ Hồi Giáo từ chính những người cha, người anh Hồi Giáo, và với sự đồng tình, thỏa hiệp của các bà mẹ, bà chị Hồi Giáo. Đó là một thế giới y hệt như thế giới của những người cộng sản: bất kỳ ai nói khác đi, đều bị mang bản án tử hình trong một hình thức nào đó.
Ayaan Hirsi Ali có tên theo tiếng Somali là Ayaan Xirsi Cali, tên được ba mẹ đặt khi mới sinh là Ayaan Hirsi Magan, sinh ngày 13-11-1969 tại Mogadishu, Somalia. Chị là con của lãnh chúa Hirsi Magan Isse, thuộc bộ tộc Darod. Cha của chị là một thành viên thế lực trong Mặt Trận Dân Chủ Cứu Thế Somali và là một lãnh tụ trong cuộc nội chiến Somalia.
Mặc dù cha của chị từng đi du học hải ngọai về nứơc, chống lại phong tục Somalia về cắt âm vật phụ nữ, nhưng bà nội của chị đã đè đứa cháu gái 5 tuổi Ayaan Hirsi Ali để cắt đi phần nhạy cảm đó, trong khi cha của chị không có nhà.
Thế rồi khi chị lên 6 tuổi, gia đình dọn sang Saudi Arabia ở một năm, rồi dọn tới Ethiopia ở một năm rưỡi, và rồi tới Kenya ở 11 năm, nơi gia đình được tị nạn chính trị. Tại Kenya, chị học Trường Nữ Trung Học Hồi Giáo ở Nairobi, nơi dạy tòan bằng Anh Ngữ dứơi bảo trợ của Cao Uy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc.
Sau này chị kể rằng chị rời bỏ Kenya vì cha của chị ép duyên, đòi gả chị cho một người anh họ xa ở Canada. Trên đường dẫn chị sang Canada năm 1992, thì chuyến bay ngừng ở Đức. Thế là chị trốn ra khỏi phi trường Đức và nhảy lên xe lửa, rồi một thời gian sau, chị tìm sang Hòa Lan.
Gia đình chị nói là không có chuyện ép duyên, nhưng xác nhận có đưa chị lên chuyến bay đi Canada năm 1992 rồi chị đào thóat.


Tại Hòa Lan, chị được tị nạn chính trị. Nhưng chính các hồ sơ giấy tờ này đã gây rắc rối cho chị sau này. Bởi vì lúc đó, chị đang hưởng quy chế tị nạn chính trị tại Kenya, và bậc trung học của chị học tại trừơng bảo trợ bởi LHQ. Tên và ngày sinh của chị trong hồ sơ di trú Hòa Lan lại không đúng với giấy tờ thật.
Được tị nạn, chị làm đủ thứ việc, từ dọn dẹp cho tới xếp thư, trong khi học tiếng Hòa Lan và hoàn tất khóa học một năm về Công Tác Xã Hội, và rồi theo học Khoa học Chánh Trị tại Đại Học Leiden cho tới năm 2000.
Từ năm 1995 tới 2001, chị làm nghề thông dịch cho các phụ nữ Somali tại các trung tâm tị nạn, tại các nhà trú ẩn cho phụ nữ bị bạo hành (một kinh nghiệm bản thân mà chị đã là nạn nhân trực tiếp và là nhân chứng từ khi còn thơ ấu) và tại Sở Di Trú Hòa Lan. Lấy xong văn bằng Cao Học về Khoa học Chánh Trị, chị trở thành nghiên cứu sinh cho viện nghiên cứu Wiardi Beckman Foundation.
Chị nói được 6 ngôn ngữ: Anh ngữ, Somali, Ả Rập, Swahili, Amharic và Hòa Lan.
Rồi chị tuyên bố từ bỏ Hồi Giáo, tự xưng là người vô thần. Chị mô tả Hồi Giáo là tôn giáo lạc hậu, không thích hợp với dân chủ. Điều làm chị cô đơn nữa, là khi chị nói chị không thích Thiên Chúa Giáo và các giáo hội đó.
Thời kỳ này, chị viết cuốn "The Son Factory" để chỉ trích văn hóa Hồi Giáo. Lập tức, chị rơi vào sổ đen của người Hồi Giáo.
Từ tháng 1-2003 tới tháng 6-2006, chị làm đại biểu quốc hội Hòa Lan. Chị bị ép phải rời chức dân biểu sau khi chị thú nhận rằng hồ sơ tị nạn chính trị ở Hòa Lan của chị là phải dùng tên giả và ngày sinh giả.
Thế rồi chị viết phim bản "Submission," đạo diễn bởi Theo van Gogh, chỉ trích cách đối xử với phụ nữ Hồi Giáo. Không chỉ viết phim bản, chị còn đọc bản thuyết minh cho phim.
Thế là Van Gogh bị Hồi Giáo cực đoan bắn chết trên một đường phố Amsterdam ngày 2-11-2004. Một lá thứ kèm theo lưỡi dao ghim vào ngực Van Gogh ghi lời đe dọa rằng chị sẽ là nạn nhân kế tiếp. Mật vụ Hòa Lan lập tức bảo vệ cho chị.
Trước đó cùng năm, nhóm "The Hague Connection" làm ca khúc Hirsi Ali Dis phổ biến trên Internet, mang lời đe dọa bạo lực với chị Ayaan Hirsi Ali. Những tên soạn và hát ca khúc này bị tòa án Hòa Lan truy tố và cho án treo, chỉ thọ án làm việc cộng đồng.
Thế là Ayaan Hirsi Ali ẩn trốn tại Hòa Lan, đôi khi chị tới New York.
Ngày 16-11-2005, Ayaan Hirsi Ali báo cáo bị hăm dọa bởi Imam Sachemic FAA, một giáo sĩ trong một ngôi đền ở The Hague loan báo trên Internet rằng chị sẽ bị "nổ tung bởi ngọn gió thời gian chuyển hướng" và rằng chị có thể sớm gặp "lời nguyền của Allah."
Tháng 1-2006, Ayaan Hirsi Ali đọc bài diễn văn nhận giải "Nhân Vật Au Châu Trong Năm" của tạp chí Reader's Digest.
Những giải thửơng trao cho chị nhiều tới không kể chi tiết nổi, kể từ tháng 1-2004. Có ít nhất 10 giải thửơng lớn đã trao cho chị. Chị cũng được đề cử Giải Nobel Hòa Bình 2006.
Nhà văn Ayaan Hirsi Ali đã trở thành một nguồn cảm hứng lớn cho phụ nữ, không chỉ của thế giới Hồi Giáo mà còn cho mọi người nữ đang bị xã hội áp bức. Và tận cùng, Ayaan Hirsi Ali đã trở thành một điển hình đấu tranh cho quyền làm người trên thế giới, không phân biệt giới tính và màu da.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.