Hôm nay,  

Những điều trông thấy: CPC, Canh Bạc Chính Trị

04/12/200600:00:00(Xem: 2008)

Những điều trông thấy: CPC, Canh Bạc Chính Trị

Từ khi hay tin CSVN được thoát khỏi danh sách CPC, trong dư luận đã có rất nhiều bàn tán xôn xao từ nhiều khuynh hướng khác nhau. Có một số người cho rằng, dù sao chăng nữa đây cũng là một điều đáng mừng, bởi họ nghĩ rằng CSVN đã có một ít tiến bộ nào đó trong việc cải thiện về nhân quyền và tôn giáo, vì thế Mỹ mới rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC một cách nhẹ nhàng như vậy. Ngược lại, đa số lại cho rằng, sự kiện CSVN được ra khỏi danh sách CPC, không phải do thiện chí giác ngộ hay bất cứ cải thiện nào, từ chính sách thô bạo của CSVN, mà nó chỉ là kết quả của những thương lượng trong lãnh vực kinh tế, chính trị giữa Mỹ và CSVN. Nó không phải là một thực thể mang ý nghĩa cao đẹp của nhân bản như mọi người lầm tưởng.

Chữ chính trị vốn thiên hình vạn trạng Cần nhìn xa, để tự lượng sức mình Đường tranh đấu, còn muôn ngàn trắc trở Nên bình tâm, nhận rõ, đặt niềm tin

Trở lại thời gian trước đây, nhiều người đã hy vọng CPC là một yếu tố then chốt, hay nói đúng hơn là một tử huyệt của CSVN trên chính trường bang giao, và họ cũng coi đó như là một cứu cánh, để tạo sức ép chính trị, buộc CSVN phải nới rộng tự do tôn giáo, nới rộng nhân quyền, nếu CSVN muốn bước chân vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO)... Một số người đã ngây thơ coi CPC như một cái phao trên dòng sông đấu tranh, bởi họ tin tưởng chính phủ Mỹ luôn tôn trọng những lời hứa, sẽ cố gắng dùng mọi biện pháp áp lực với VN trong chính sách dân chủ hoá toàn cầu. Như vậy, chắc chắn CSVN sẽ bị đẩy lui vào đường cùng, để nhường chỗ cho tự do, dân chủ và nhân bản phát triển.
Tuy nhiên, cùng trong lúc ấy, cũng có nhiều nhà bình luận thời cuộc đã cảnh giác, CPC chỉ là một lá bài do Mỹ tạo ra trong thời gian gần đây để dùng nó làm phương tiện trao đổi hay thương lượng trong chính trị và kinh tế giữa Mỹ và CSVN, nó không phải là điều kiện thuần túy mang ý nghĩa nhân bản. Vì vậy, chúng ta không nên quá tin tưởng vào Mỹ và CPC. Ngược lại phải tin vào chính mình, đẩy mạnh công cuộc đấu tranh trong mọi lãnh vực, hầu có thể vực dậy được sức mạnh của dân tộc, chỉ có sức mạnh của dân tộc mới là thế lực mạnh nhất có thể giải toả tất cả những oan khiên do chế độ phi nhân CSVN tạo ra. Tuy đã có nhiều cảnh giác, nhưng rất tiếc không mấy ai tin. Ngược lại, sự cảnh giác này cũng đã bị một số dư luận phản đối kịch liệt, và cho rằng đó chỉ là những võ đoán đầy nghịch lý, thậm chí còn bị kết tội là đánh phá công cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền cho VN. Những người này đã quên mất bài học Chiến Tranh VN và sự phản bội của chính giới, tài phiệt Mỹ trong những năm tháng cuối cùng của VNCH.


Kết cục, như chúng ta đã thấy, sự thật vẫn là sự thật, CSVN đã bước ra khỏi danh sách CPC một cách nhẹ nhàng, chính là một câu trả lời chính xác nhất, không cần biện minh. Một câu trả lời cay đắng và phũ phàng, khi tất cả những tan hoang đổ nát của đất nước và những nỗi nhục nhằn oan khiên của dân tộc VN, chỉ được xem như những món hàng dùng trong việc trao đổi quyền lợi của Mỹ và CSVN.
Để chứng minh điều này. trong một đoạn phỏng vấn trên đài RFA, Hoà Thượng Quảng Độ cũng đã nhận định "CPC chỉ là một món hàng người Mỹ đặt ra đó để đòi hỏi, để trả giá với nhau, nhưng trước khi Hà Nội chưa trả giá đúng mức thì họ chưa đưa ra, nhưng bây giờ đã đúng mức họ đòi hỏi thì họ đưa ra, chứ đâu phải họ đặt cái CPC vào đó để mà thật tâm giúp các tổ chức tôn giáo đang bị CS đàn áp." Kết luận về vấn đề này, mới đây nhất, HT Thích Quảng Độ đã tuyên bố TT Bush đã phản bội dân tộc VN, TT Bush đã nói một đằng làm một nẻo.
Cũng theo nhận định của Hoà Thượng Quảng Độ, chính sách đàn áp tôn giáo tại VN, không phải chỉ được đánh dấu từ thời điểm 2004, khi CSVN được Mỹ đưa vào danh sách CPC, mà nó đã xẩy ra một cách rất tồi tệ từ hơn 60 năm qua với miền Bắc và hơn 30 năm với miền Nam VN, điều này không phải Mỹ không biết, mà họ còn biết rất tường tận hơn ai hết. Biết, nhưng Mỹ vẫn thản nhiên bỏ rơi Miền Nam vào tháng 4 năm 1975!
Đi ngược dòng thời gian, người ta đã thấy, biết bao nhiêu báo cáo, phúc trình của các cơ quan đấu tranh nhân quyền quốc tế, họ đã đưa ra với nhìều bằng chứng cụ thể, riêng Quốc Hội Liên Âu cũng đã đưa ra nghị quết 1481, giải nhân quyền Rafto tại Na Uy,v,v... Trong khi đó, thì chính giới Hoa Kỳ chỉ tung hứng với CS để tạo ra những "áp lực nhằm hậu thuẫn dân chủ" một cách hình thức và biểu kiến. Tất cả chẳng có ảnh hưởng gì được gọi là cụ thể, tạo áp lực trên con đường dân chủ hóa cho đất nước Việt Nam chúng ta.
Trở lại vấn đề CPC, dư luận cho rằng, chắc chắn CSVN đãpha"i trả một giá không rẻ, để Mỹ rút tên CSVN ra khỏi danh sách CPC. Như vậy, dù muốn dù không, chúng ta cũng rút ra thêm một bài học kinh nghiệm đáng buồn trong cục diện đấu tranh hôm nay. Nếu nhìn vào vấn đề một cách khách quan và trung thực, chúng ta cũng không thể trách Mỹ, vì chắc chắn họ bắt buộc phải vì quyền lợi của quốc gia và dân tộc họ, hành xử của Mỹ hôm nay với CPC, có lẽ cũng không làm chúng ta ngạc nhiên, vì nó đã từng xẩy ra như bài học lịch sử 30-4-1975.

Thêm bài học lại đi vào lịch sử Tìm tự tin tự chính bản thân mình Để sáng suốt trong khối tình dân tộc Niềm tự hào, trong sáng vững niềm tin

Tóm lại, trong công cuộc đấu tranh chung hiện nay, sự yểm trợ từ ngoại vận rất cần thiết, nhưng không thể đặt trọn niềm tin vào bất cứ thế lực nào, mà nên tạo sự tự tin nơi chính mình. Những vận động của chúng ta đối với các nước sở tại rất cần thiết nhưng bị rất nhiều hạn chế, nó không thể đòi hỏi đi xa hơn ngoài vị trí và khả năng của chúng ta. Vì vậy, chúng ta không thể đặt niềm tin trọn vẹn vào một thế lực nào.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.