Hôm nay,  

Dự Thi Người Việt Trên Đất Úc: Cây Phát Tài Trổ Hoa

05/04/200400:00:00(Xem: 5410)
LGT: Cuộc sống của hầu hết người Việt khi mới đến Úc đều trải qua những ngày tháng sống ở chung cư. Trong cuộc sống sô bồ, chật hẹp, thiếu thốn và có vẻ tạm bợ đó, rất khó cho chúng ta có được những giờ phút thanh tịnh hoặc những cảm hứng để nhìn thấy trong cuộc sống ở chung cư vẫn có được những góc cạnh nên thơ, những vẻ đẹp tiềm ẩn, những kỷ niệm đáng nhớ... Bài viết sau đây của bạn Trang Vũ, với văn phong giản dị, óc quan sát tỉ mỉ, sẽ cho quý độc giả thấy được những góc cạnh thân thương của con người, cảnh vật, trong cuộc sống của những người Á Châu trong đó có người Việt tại một chung cư ở Úc. Hy vọng, qua bài viết dễ thương của Trang Vũ, quý độc giả sẽ có dịp tìm lại được phần nào những kỷ niệm nhạt nhoà của những năm tháng ngày xưa, khi ta còn trẻ, sống ở một chung cư nào đó lúc mới tới Úc...

* * *

Theo lời mẹ tôi kể lại thì ba mẹ tôi đã mua căn nhà nầy từ khi mới chân ướt chân ráo đến nước Úc. Nói là nhà thì không đúng vì đây là một khu chung cư mà người Úc gọi là flat. Khu flat tôi ở chỉ có tám hộ gia đình, dưới đất là tám garage để xe, một cầu thang chung cho cả tám gia đình.
Flat tuy nhỏ mà gọn, một phòng khách liền với nhà bếp, phòng ăn như phần nhiều nhà tại đất Úc nầy và hai phòng ngủ.
Ba mẹ tôi ngụ trong căn phòng lớn, còn tôi chiếm căn kế bên nhỏ hơn. Tôi nghĩ nếu bây giờ có thêm em nữa thì không biết nhét vào đâu, mà cũng có thể vì không có em bé, nên cha mẹ tôi vẫn ở đây chứ nếu có thêm con chắc chắn là phải đổi nhà thôi.
Căn flat nầy mẹ tôi mua lại của dì Hạnh, ba mẹ tôi lúc bấy giờ còn trẻ, chưa có con cái nên khi nhìn thấy căn flat là đồng ý ngay, cái thuận lợi nhất là khỏi phải cắt cỏ hàng tháng, trong khi hai người phải làm việc tất bật sáu ngày trong tuần, flat lại gần shop và ga xe lửa, trạm xe bus chỉ cách nhà năm mươi mét.
Theo ngày tháng tôi lớn lên bên cạnh những người hàng xóm thân cận, những người thật thân thương và gần gũi, cái câu: "Bà con xa, không bằng láng giềng gần" thật đúng với hoàn cảnh chúng tôi, tôi xin nói sơ qua về những gia đình cùng ngụ chung flat với gia đình tôi.
Như tôi đã nói, dưới đất là tám cái garage, nói là garage chứ tôi chẳng thấy nhà nào dùng để chứa xe hết, tất cả xe đều để bên ngoài, nên tôi thuộc nằm lòng ai có nhà hoặc đi vắng mỗi khi nhìn những chiếc xe đủ màu, đủ kiểu đậu trong cái sân rộng mênh mông. Có lẽ vì ai cũng làm biếng mở cửa garage mỗi khi ra vào mà có nhà còn biến garage thành storeroom để chứa đồ đạc, như nhà tôi chẳng hạn. Ba tôi cho tất cả những gì chưa cần xài hoặc tích trữ như cái tủ lạnh cũ, mấy cây quạt máy chỉ dùng khi mùa nóng, cái máy sấy quần áo, máy nầy chỉ dùng khi mùa mưa hoặc lạnh, những đồ nặng nề dùng để sửa nhà như búa, kềm..., những thùng các tông trống rỗng, những bao nylon to tướng (mà ba thường nói, để dành lỡ khi dọn nhà có cái mà dùng), cho đến những cuộn giấy vệ sinh hoặc tissue chưa dùng đến... Lâu lâu mẹ tôi phải xuống dọn dẹp mới có lối đi.
Kế garage nhà tôi là garage của căn số Bảy, căn nầy chính ra thuộc quyền sử dụng của người cư ngụ căn flat số Bảy nhưng mà éo le là hai vợ chồng đã không để xe mà cũng không được sử dụng vì khi thuê nhà, chưa có xe nên giao hẹn với chủ nhà là không thuê gara, chủ lại cho một người khác mướn làm kho chứa hàng. Khi tôi viết bài nầy thì ông chồng căn số Bảy đã tậu một chiếc xe láng cóng và có lẽ thú vui duy nhất của ông là chăm sóc chiếc xe, mỗi cuối tuần tôi đều thấy ông ta lau chùi và dùng một chiếc bao vải dầu thật to bọc chiếc xe lại một cách cẩn thận. Và điều gây khó khăn nhất là vì không có garage để xe nên chiếc xe lúc đi như lúc về đều nằm trên lối qua garage nhà tôi, mẹ tôi lắm lúc phải càu nhàu vì chỉ sợ chạm phải khi cho xe ra vào.
Có một lần, ba tôi đi làm về hơi trễ, lối vào garage thì chật vì xe của ông số Bảy chình ình một đống, nên ba phải để xe ngoài lề đường. Sáng hôm sau thì chiếc xe biến mấ. Có lẽ một thanh niên nào đó mượn tạm để đi chơi xuyên tiểu bang" Ba tôi bèn gọi cho hãng bão hiểm thế là nhà tôi có chiếc xe mới do hãng bảo hiểm đền. Mấy tháng sau hãng gọi cho ba tôi và cho biết là đã tìm thấy xe ở Melbourne. Họ hỏi nếu ba tôi muốn họ sẽ sửa lại hoàn toàn cho ba tôi sử dụng, hay là thích chiếc xe mà họ đã đền. Dĩ nhiên là ba tôi chọn chiếc xe mới.
Lên hết thang lầu một, trước mặt là căn số Một và số Hai. Căn số Một có lẽ là do một người nào đó mua và cho thuê nên thay đổi chủ luôn, lúc nào cửa cũng đóng im ỉm, hoạ hoằn lắm tôi mới gặp một cặp nam nữ ra vào, và tôi chỉ biết nhà thay chủ khi chiếc xe hơi để đằng trước gara đổi hiệu đổi màu. Căn số hai cũng không có gì đặc biệt vì hai vợ chồng người Hoa đều đi làm chỉ có cô con gái nhỏ, thỉnh thoảng gặp nhau ở cầu thang, chúng tôi say hello với nhau, cô bé quá nhỏ nên không thể kết bạn với tôi.
Đối diện căn số Một là căn số Ba, căn nầy do một cặp người Hồng Kông ở, chưa có con cái gì và cũng đi làm suốt. Căn số Bốn đối diện với căn số Hai của hai vợ chồng người Ấn Độ làm chủ. Ông chồng và bà vợ đều to béo, ba đứa con, hai trai một gái sàn sàn tuổi nhau, cả nhà đều đen thui.Căn nhà nầy gây cho tôi nhiều nỗi khó khăn, nhất là mỗi khi đi học về mà bụng lép xẹp, mẹ chưa kịp dọn cơm, mùi càri gà thơm phức từ trong nhà ấy bốc ra là ruột tôi cồn cào dễ sợ. Gia đình nầy ở đây có lẻ lạc lõng nhất vì có tám căn mà hết bảy căn là người Hoa rồi. Tôi quên giới thiệu gia đình bên nội tôi cũng dính dáng mấy đời với người Hoa, nên tôi cũng có thể nói được tiếng Hoa, chỉ có mẹï tôi là người Việt thuần túy tại đây mà thôi.
Tiếp tục lên một tầng nữa, tầng nầy gồm nhà số Năm, số Sáu, số Bảy và nhà tôi. Nhà số Năm có hai bà cụ người Hoa gốc Chợ Lớn ở cùng với con cái, hai bà đều nói tiếng Việt rất sõi, điều đặc biệt hai bà là sui gia với nhau. Bà mẹ vợ thì giữ phận sự đưa rước thằng cháu học tiểu học gần nhà. Bà mẹ chồng có lẽ ở không cũng buồn nên mỗi ngày bà gói bánh chưng, những chiếc bánh nho nhỏ vừa một người ăn, gởi các shop người Hoa gần nhà bán.
Mẹ tôi vì muốn vui lòng hàng xóm nên một hôm mua mười chiếc bánh chưng, đem vào sở làm chia cho bạn bè. Khi gặp bà, bà hỏi bánh có ngon không, mẹ tôi vì lịch sự vội vàng khen lấy khen để. Thế là từ đó tủ lạnh nhà tôi lúc nào cũng có bánh chưng do bà biếu. Có lẽ những chiếc bánh bà gói đặc biệt để tặng hoặc cũng có thể là những chiếc bánh bán không hết trong ngày mà bà ưu ái gởi tặng mẹ tôi, thế là hết hấp rồi lại đến chiên, ngán đến tận cổ. Nhiều khi tủ lạnh chật cứng, mẹ tôi không dám bỏ thùng rác vì sợ bà buồn và sợ mang tội phí phạm.
Cuối tuần mẹ bảo tôi đến công viên cách nhà khoảng mười phút đi bộ, mang theo cuốn vở học bài và vài chiếc bánh, đến nơi tôi mở bánh ra cho chim ăn, chờ chúng ăn hết, thu dọn lá chuối bỏ vào thùng rác xong lững thững quay về. Lúc đầu còn hứng thú, lâu dần tôi cũng chán và lũ chim cũng ngán, có lẽ nếp dẻo làm dính mỏ chúng nên chúng chỉ ăn nhưn thịt, đậu bên trong. Đến nỗi bây giờ nói đến hai chữ “bánh chưng” là tôi còn mọc gai ốc khắp người. Khi tôi viết những dòng chữ nầy thì bà đã không qua khỏi chứng bệnh viêm thận cấp tính năm vừa qua. Nay thì nhà tôi đã thoát nạn bánh chưng và mỗi lần tết đến, nhìn thấy bánh chưng là tôi lại nhớ đến bà.


Đối diện nhà tôi là căn số Sáu, căn nầy không có gì đặc biệt, hai vợ chồng người Hoa còn trẻ, cả hai đều đi làm, có đứa con trai khoảng sáu tuổi, biết bập bẹ vài tiếng Việt, khi gặp tôi hay chào bằng câu tiếng Việt không bỏ dấu.
Bên cạnh nhà tôi là căn số Bảy, người chồng gốc Hoa Chợ Lớn, thuê nhà ở từ lâu cùng với mẹ già, một thời gian sau về Việt Nam cưới vợ, mới đưa qua được khoảng sáu năm, cô vợ thỉnh thoảng gặp tôi và nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Đứa con trai duy nhất của hai người khoảng năm tuổi, thằng bé thật to lớn, nặng hơn bốn mươi ký lô.
Người chồng là một đầu bếp giỏi, ông nấu ăn cho một nhà hàng, thỉnh thoảng tôi cũng được thưởng thức những món Trung Hoa đặc biệt do ông ta nấu và bảo vợ mang qua tặng chúng tôi, bù lại khi mẹ tôi nấu món Việt Nam nào ngon là đều bảo tôi mang sang biếu. Có thể nói đây là gia đình gần gũi nhất, mỗi khi đi đâu, ba mẹ tôi đều gởi chìa khoá cửa cho bà cụ vì bà chẳng bao giờ ra khỏi nhà, nhiều lúc tôi về nhà sớm thì sang bà lấy. Ba mẹ không cho tôi giữ chìa khóa vì có một lần, tôi dành giữ chìa khoá cửa, khi ra khỏi nhà sập cửa xong, tôi mới nhớ là bỏ quên trong nhà, mà cửa thì dùng ổ khoá tự động. Lần đó phải kêu thợ khóa đến mở, tốn hết gần 50 đôla.
Vì là một chung cư nên chả ai trồng hoa lá gì, mà có muốn trồng cũng chẳng thể nào săn sóc được vì không lẽ mang nước tận trên lầu xuống tưới mỗi khi trời nắng. Đàng sau chung cư là một sân cỏ rộng để cho cả flat xài chung, có ba cây phơi quần áo, sân có thể dùng tổ chức những buổi barbecue. Nhưng thú thật từ khi tôi biết đến giờ, chưa thấy buổi barbecue nào được tổ chức tại đây cả. Chỉ thấy tấm trải giường, mền, khăn phấp phới mà thôi.
Nhưng vẫn có một cây xanh duy nhất sống được không biết do ai trồng và có từ bao giờ, ngay cả mẹ tôi cũng không biết vì nó có trước khi ba mẹ tôi dọn đến. Đó là cây Phát Tài, có thể nói tuổi thọ nó rất cao, nằm chễm chệ trên lối đi vào cầu thang, một khoảng trống rất nhỏ giữa hai căn flat, chỉ có loại cây nầy mới sống được mà thôi và quanh năm dầu nắng nôi hay lạnh lẽo gì nó cũng vẫn xanh tươi, không cần chăm sóc.
Theo lời truyền miệng, cây nầy hiếm khi trổ hoa lắm, chỉ khi nào trong nhà có người sắp lấy vợ lấy chồng, nó mới ra hoa.
Căn hộ số Bốn, hai vợ chồng người Ấn ở đang rục rịch dọn đi. Mấy ngày liền sau đó căn nhà đóng cửa im ỉm, thế là hết nghe mùi càry quen thuộc, thấy cũng nhớ nhớ. Không biết chủ nhân mới của nó là ai, tôi vái thầm trong bụng chủ mới là người Việt Nam và có một cô gái cỡ tuổi tôi để có bạn có bè.
Rồi hai tuần lễ kế tiếp nhà số Bốn mở toang cửa, nhà đang sơn phết, thay thảm, thay màn. Công nhân ra vào tấp nập. Tiếng đóng đinh, máy hàn, máy khoan chạy ồn ào, mùi sơn mới cùng hoá chất bốc lên nồng nặc. Và cuối cùng thì chủ nhân mới cũng xuất hiện, không biết tôi ăn hiền ở lành thế nào mà chủ nhà mới là người Việt Nam, đúng theo sự mong ước của tôi.
Cô Thúy, chủ nhà mới, chồng đã chết trong một tai nạn khi làm việc, cùng hai con, một trai một gái dọn đến. Nhỏ Thùy bằng y tuổi tôi, và Thạch lớn hơn tôi ba tuổi. Thật không gì dễ thương bằng "xa quê hương ngộ cố tri". Thế là mẹ tôi và cô Thúy trở thành hai người bạn thật nhanh chóng và tôi cùng nhỏ Thùy rất tâm đầu ý hợp. Mỗi tối chúng tôi hay đến nhà nhau chơi, Thùy không lên tôi, thì tôi chạy xuống lầu tìm Thùy. Thạch rất ít nói, có vẻ người lớn lắm, chả gì cũng sắp trở thành bác sĩ rồi mà.
Theo lời Thùy cho biết, Thạch có cô bạn gái rất thân tên Diễm, cùng học một trường, Nhưng từ ngày gia đình Thùy dọn đến tôi chưa bao giờ thấy mặt. Có một lần đi học về, tình cờ gặp anh Thạch và cô ta đang nói chuyện ở sân, cô ta vẫn ngồi trong xe, nhìn thoáng qua mái tóc dài và khuôn mặt nghiêng nghiêng tuyệt đẹp.
Tôi kể lại cho Thùy nghe và khen cô ta đẹp, Thùy bỉu môi :
- Đẹp thì có đẹp mà hách dịch lắm, không biết nhà cô ta giàu mấy mà lúc nào mặt cũng vênh vênh, có bao giờ chịu lên nhà mình đâu. Chắc chê nhà mình nghèo. Cứ đến là bóp kèn inh ỏi, anh Thạch chạy xuống nói chuyện hoặc đưa nhau đi.
Mùa giáng sinh năm nay hai gia đình chúng tôi cùng tổ chức với nhau một buổi tiệc đêm. Bên cạnh cây thông, mọi người quây quần ăn uống, người nào cũng cười toe toét, anh Thạch cũng cười nói và đùa chọc tôi cùng Thùy, chúng tôi được ba chụp cho thật nhiều ảnh.
Đến khoảng 11 giờ, nghe tiếng còi xe, thế là anh Thạch chạy vội vàng xuống cầu thang sau khi từ giã và chúc giáng sinh mọi người.
Thùy chép miệng, bực dọc:
- Lại bà Diễm nữa rồi. Người gì mà thấy ghét dể sợ... Ngày giáng sinh cũng không thèm chào hỏi gia đình mình nữa. Vậy mà không biết anh Thạch yêu cái nổi gì...
Cô Thúy vội suỵt Thùy một cái...
Một hôm hai đứa sau khi học bài, đang đùa giỡn nhau, anh Thạch điện thoại về:
- Thùy ơi, khi nào chị Diễm đến, đem xuống cho chị mượn mấy quyển sách trên bàn học của anh. Những quyển sách anh để sẵn một góc đó.
Thùy nhỏ nhẹ đáp:
- Vâng! Em sẽ đem xuống cho chị ấy, anh cứ yên tâm.
Một chốc, nghe tiếng còi xe, Thùy nhặt sách và vội vàng chạy xuống. Sau đó quay lên, Thùy hí hửng nói với tôi:
- Rồi bồ sẽ thấy, có chuyện nầy vui lắm.
Mấy ngày sau xuống nhà Thùy chơi, thấy mặt anh Thạch hầm hầm, chả thèm chuyện trò gì cả. Ngạc nhiên tôi hỏi, Thùy hóm hỉnh trả lời:
- Từ nay bà Diễm sẽ không bao giờ tới nhà mình nữa. Bà ấy chia tay với anh Thạch rồi.
Sau đó Thùy kể với tôi, hôm đem mấy quyển sách cho chị Diễm, Thùy làm bộ như vô tình để vào quyển sách tấm ảnh tôi chụp cùng với anh Thạch trong ngày giáng sinh, cả hai đang cười toe toét. Cô bé còn chua đàng sau tấm ảnh một câu xanh dờn: "Những ngày tháng đẹp nhất không bao giờ quên của đôi ta". Tôi đánh nhẹ vào lưng Thùy:
- Bạn làm mình quê quá, anh Thạch sẽ nghĩ xấu về mình cho coi.
- Anh ấy biết là mình phá, vì chữ của Thùy anh ấy quá biết, nhưng phân trần mấy bà Diễm cũng không chịu nghe, nhất định chia tay, bà ấy hách lắm mà, cho đáng đời...
Rồi những gì xảy ra sau đó tôi cũng không nhớ nữa, tôi chỉ nhớ anh Thạch dạy tôi và Thùy học để thi cuối khóa. Anh ít đi chơi hơn, thỉnh thoảng đưa tôi và Thùy đi ăn kem hoặc xem ciné.
Tôi cũng không nhớ bắt đầu lúc nào hai đứa chỉ đi với nhau mà không có Thùy bên cạnh. Và rồi anh ra trường, trở thành nội trú trong một bệnh viện...
Bây giờ là mùa xuân, cảnh vật xinh đẹp, không khí dịu mát thật thích hợp cho những đôi vợ chồng mới cưới, cả hai gia đình chúng tôi đang sửa soạn nhà cửa để chuẩn bị lễ tân hôn, nếu bạn thích xin mời đến tham dự chung vui với chúng tôi.
Khi đến flat dự đám cưới bạn đừng quên nhìn cây Phát Tài trên lối lên nhà tôi, cây Phát Tài đang trổ hoa vàng rực rỡ...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.