Hôm nay,  

Tip And Tax / Hoa Hồng Và Thuế: Phán Quyết Mới Về Đánh Thuế Tiền Tip

23/06/200200:00:00(Xem: 4242)
Ngày 15-6-2002, Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ vừa ra phán quyết mới, cho phép Sở Thuế dùng “số liệu dự đoán” để đánh thuế các chủ nhà hàng nếu họ nghi nhân viên phục vụ không trung thực khi khai báo tiền hoa hồng, tiền Tip.

Mọi khoản tiền này từ nay phải đóng thuế 7,65 % vào quỹ an sinh xã hội.

Không biết từ bao giờ nhưng có lẽ thói quen tặng thêm ít tiền lẻ cho người phục vụ các công việc vặt đã có lâu đời trong tập quán của người Việt nam. Đến thời Pháp thuộc, thông lệ này được nhân lên rộng hơn, phổ biến trong giới giàu có. Tiếng Pháp gọi sự hào phóng này là tiền bourboire.

Người Mỹ, thực tế hơn, chia loại tiền cho thêm kèm theo các dịch vụ thành nhiều loại, tùy theo lớn nhỏ, để ước lượng giá trị dịch vụ cung cấp. Nếu nhỏ và thuộc dạng dịch vụ lẻ như bồi bàn nhà hàng, bồi phòng, tài xế taxi v.v. món tiền cho được gọi là 'tip.' Nếu lớn hơn và thuộc dạng thoả thuận như làm thầu hay đại lý, số tiền phải cho sẽ căn cứ trên giá trị dịch vụ cung cấp được thỏa đáng được gọi là 'commission.' Tiếng Việt, mỹ miều hơn, gọi món này là tiền 'hoa hồng,' hay nôm na tiền 'bo.'

Chuyện rất gần đây thôi, hoa hồng được đưa ra trước vành móng ngựa để bà con khắp nước, nhất là những ai sống nhờ vào hoa hồng, suy nghĩ và nghiền ngẫm.

Hoa hồng ở Mỹ thường được tặng cho những người làm việc trong các tiệm làm móng, làm tóc, trên sân gôn, trong sòng bạc, ở khách sạn, nhà hàng hay lái taxi đưa đón khách. Đây là khoản tiền vui vẻ với cả người tặng lẫn người nhận. Nhưng rối rắm là ở chỗ hoa hồng ở Mỹ phải đóng thuế.

Một đóa hồng, một ít tiền tip, nếu dưới 20 đô la mỗi tháng người nhận có quyền lờ đi, xem như quà tặng làm đẹp cho đời. Nhưng hai đóa hồng, hay vẫn chỉ một nụ hồng, mà trị giá cao hơn 20 đô, mùi hương chắc chắn thơm hơn, nên người nhận phải có nghĩa vụ chia sẻ - phải đóng thuế để những người khác cùng thưởng thức. Đây là một khái niệm công bằng rất phổ biến, nhưng khốn nỗi lại rất khó thực thi, vì hoa hồng ... có gai.
Nước Mỹ sau đại chiến thế giới lần thứ hai chuyển mình thành một cường quốc dẫn đầu các đại lục. Nhiều ngành công nghiệp mới và cũ phát triển thành những trụ cột củng cố sự cường thịnh này. Hai trong những ngành công nghiệp mạnh ấy là ngành công nghiệp nhà hàng và khách sạn. Cũng chẳng có gì đáng khó hiểu về sự thịnh vượng này nếu người ta chịu khó nhớ lại rằng 'cái ăn, cái ở' là gốc con người. Hai thứ này tuy cùng rất quan trọng, nhưng lại khác nhau ở chỗ cái ở thì bàng bạc, nhưng cái ăn thì ngay trước mũi - ai cũng phải ăn mỗi ngày - hoặc ở nhà hay ở restaurant.


Đến cuối thế kỷ 20, trên xứ cờ hoa này, theo số liệu của Hiệp Hội Restaurant Quốc Gia, công nghiệp restaurant chia thành 858.000 khu vực nhà hàng (nguyên văn: 858,000 restaurant locations), góp khoảng 408 tỉ đô la cho nền kinh tế (năm 2000). Cung cấp khoảng 11,6 triệu công việc cho cá nhân, cũng theo số liệu năm 2000, đã đưa ngành công nghiệp này nên thành ông chủ bự nhất trong hệ thống xí nghiệp tư nhân. Theo thống kê, có ít nhất một phần ba tất cả người lớn ở Hoa Kỳ đã từng phục vụ trong ngành này ít nhất một lần trong đời sống ở Mỹ.

Vào một tiệm ăn, ngoại trừ các tiệm fast food, như Mac Donald hay Arby, khách ăn thường để lại ít tiền lẻ khi xong bữa, trung bình từ 7% đến 10%. Nhưng khách ăn cũng có thể trả chung trên hóa đơn tính tiền - bằng credit card, tiền mặt, hay chi phiếu - có lẽ để tiện việc chia phần cho những người làm việc không trực tiếp tại bàn ăn và nhiều lý do khác nữa, chẳng hạn, để gần như bắt buộc khách ăn phải nhớ đến việc cho hoa hồng những người phục vụ vất vả cho sự ngon miệng của khách! Ái chà, cú chích này mới nhẹ và ngọt, cho ít thì kỳ, cho đủ và đúng thì hơi gượng ép, nhưng thôi, mấy khi mới đi ăn một lần, cũng được tiếng chơi điệu.

Hoa hồng đi đêm hay công khai thì không biết chứ ai cũng biết làm nhà hàng, nói chung, nhận tiền tip bù lại duy trì công việc bé mọn cũng thấy đỡ tủi, hay nói cách khác, ít thấy ai than vì làm nghề nhận tiền công từ tip là chính. Ấy thế mà thứ hai đầu tuần này, tháng 6 ngày 15 năm 2002, cả nước chấn động vì phán quyết mới của Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ cho phép Sở Thuế Vụ dùng số liệu dự đoán (tất nhiên là phải có cơ sở hợp lý) để đánh thuế các chủ nhà hàng nếu họ nghi ngờ nhân viên phục vụ không trung thực trong vấn đề khai báo thu nhập từ tiền hoa hồng. Công nghiệp Restaurant chưng hửng vì thua kiện. Nhiều ngành dịch vụ khác rung động vì phán quyết mới này.

Cụ thể, phán quyết này bắt nguồn từ vụ xử đơn kiện của nhà hàng Fior d'Italia ở San Francisco khi họ nhận giấy báo thuế với số nợ 23,000 đô la cho hai năm 1991 và 1992. Theo đó Sở Thuế Vụ cho là nhà hàng đã khai thấp hơn số tiền tip nhân viên nhận được trong hai năm kể trên. Quyết định này được công bố với tỉ lệ 6-3 của bồi thẩm đoàn, làm ảnh hưởng luôn cả hơn 200,000 nhà hàng khac trên toàn quốc và luôn cả nhiều ngành công nghiệp khác như sòng bạc, tiệm cắt tóc, tiệm thẩm mỹ v.v.

Tất cả các ngành nghề này từ nay bị yêu cầu phải đóng 7,65 % của số tiền kiếm được từ hoa hồng vào quỹ an sinh xã hội. Số tiền do công nhân hay cá nhân người phục vụ đóng góp, được tính như thu nhập của họ, sẽ chan hoà cho những người khác theo hệ thống lao động và an sinh của Chú Sam.

Điều đáng suy nghĩ là từ đây sẽ có bao nhiêu người suy nghĩ thêm về cách cho và nhận hoa hồng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.