Hôm nay,  

Chiều Làm Biếng Và Thơ Đường

15/11/200600:00:00(Xem: 3807)

Chiều Làm Biếng Và Thơ Đường

Thỉnh thoảng quý vị có cảm thấy làm biếng không"

Làm biếng, mà tôi đang nói tới là không muốn làm gì, cũng không muốn dự tính sẽ làm gì; không muốn nghĩ gì, cũng không muốn sẽ nghĩ tới gì. Nghĩa là, hoàn toàn buông xả thân tâm, như chiếc lá rơi xuống giòng, cứ lặng lẽ trôi, thong thả tới cuối sông cũng được, mà vướng nhánh khô, gỗ mục, giạt vào bờ cũng chẳng sao! Hoàn toàn thoải mái, hoàn toàn tự do, như chủ nhân ông quyền uy, không hề bị những phiền toái của quá khứ, vị lai, lôi kéo, hành xử, chỉ có hiện tại “không làm gì cả” mà thôi.  

Những lúc được làm biếng như thế thật là tuyệt diệu.

Tôi đang có buổi chiều tuyệt diệu.

Một bình trà thơm, một cuốn sách rút từ kệ sách bên vách tường, rất hờ hững, bâng quơ, không chọn lựa cũng chẳng quan tâm về nội dung, đề tài gì cả. Cầm sách ra vườn chỉ là thói quen, nhưng khi đang làm biếng thì nào cần biết là sách gì, vì chắc đâu đã đọc!

Chiều đã dịu nắng và gió nhẹ. Gió cũng thảnh thơi, nhàn nhã quá nên đang chơi đùa với những bông phượng tím. Mùa này, những cây phượng tím trồng bên đường nở rộ hoa, xen lẫn những nhánh lá ngọc bích xanh non, tạo thành những bức tranh rất hài hòa mầu sắc. Thỉnh thoảng, gió đùa hơi mạnh,  làm dăm nhánh hoa tím lác đác rơi. Ấy thế mà hoa không giận. Hoa vừa bay theo gió, vừa khúc khích cười. Ngờ đâu, hoa cũng hiểu về lý duyên sinh vô ngã, cái này ở trong cái kia, cái này có mặt bởi cái kia có mặt, cái này diệt cho cái kia sinh, hay trong sinh đã sẵn mầm diệt và trong diệt đang khai sinh"

Chắc chắn, hoa đã hiểu như thế, nên hoa rơi mà vẫn vui cười, còn rủ mấy lá phong rơi theo. Ồ, mấy lá phong này tinh quái quá, lao xao tới tận chỗ tôi ngồi. Tôi cầm lên, nhìn ngắm. Lá tuyệt đẹp, vàng óng pha lẫn mầu đất nâu, như nét đẹp của mầu áo sa-môn lung linh nắng chiều. Lá phong là tiêu biểu mùa thu. Rừng phong là nguồn cảm hứng bất tận của bao nghệ sỹ qua mầu sắc, âm nhạc, thơ văn v…v… Tôi chưa được đi vào mùa thu, giữa rừng lá phong rơi nhưng đã nhìn thấy nhiều lần, qua tranh vẽ, ảnh chụp. Mới đây nhất, là hình ảnh khóa tu ba ngày tại Toronto Canada.

Khóa tu này mang tên “Trại Phật Pháp Mùa Thu” do Hội thân hữu Già Lam tổ chức, quý Chư Tăng tu viện Pháp Vân trực tiếp đảm trách.

Trại được dựng lên giữa rừng phong thơ mộng. Trời rất xanh, rất cao, nắng lung linh tỏa xuống rừng phong mênh mông, thẳng tắp, ngọn như đụng trời mây, cành từ ái giang rộng như Thiên Thủ Quan Âm và lá thì lả tả rơi như hoa trời đang rải từ tay Thiên-nữ. Giữa tĩnh lặng mênh mang thơ mộng đó, đoàn thiền hành thanh thản, an nhiên, cùng bước những bước chân chánh niệm trên thảm lá thu phong. Mầu y vàng ca-sa di động nhẹ nhàng cùng lá, hướng dẫn đoàn Phật tử áo lam thong dong theo bước quý Thầy. Nắng sớm không ngừng đùa trên vai Thượng Tọa Nguyên Siêu, đến từ San Diego, lá nghịch ngợm vương trên áo Thượng Tọa Tâm Hòa, trụ trì chùa Pháp Vân, còn gió thì ngập ngừng, cất tiếng niệm Phật theo Thượng Tọa Trí Thành, Nguyên Lạc, Bổn Đạt, Đại Đức Tâm Minh và đoàn Phật tử.

Tất cả tạo thành tác phẩm “Hữu Xạ Tự Nhiên Hương”.

Thật là cơ hội tuyệt hảo cho cả thân và tâm về an trú trong chánh niệm giữa hương đạo vị bát ngát đất trời. Tiếc quá, tôi chưa hội đủ duyên, chỉ tham dự “hàm thụ” khi đọc bài tường trình trên các trang nhà Phật Giáo!

Cầm cuốn sách vừa mang theo ra vườn, tôi muốn đọc, bất cứ cái gì đó, để khỏa lấp niềm tiếc nuối.

Đây là cuốn “Đường Thi” !

Trời hỡi, đang mơ màng tiếc nuối mà đọc thơ Đường thì hiểu gì nổi! Nhưng có sao, đọc thì cứ đọc, không hiểu thì cứ … không hiểu, có thầy đồ nào cầm roi mây lăm lăm kế bên đâu mà ngại.

Yên tâm như thế, tôi thảnh thơi rót trà, nhấp một ngụm rồi lật sách, loáng thoáng từng trang xem có những gì.

Đại khái có nhiều tác giả, mỗi tác giả đan cử dăm bài. Tôi quyết định chọn đọc những bài được thiên hạ nhắc đến nhiều nhất, được trích dịch nhiều nhất (Điều này có theo tinh thần “tỷ lệ thuận” là những bài hay nhất, của những tác giả nổi tiếng nhất hay không").

Mới lật vài trang, tôi gặp ngay ông Trương Tịch. Thi nhân này tự là Văn Xương, người Ô Giang, có bài thơ được truyền đọc nhiều nhất là bài Tiết Phụ Ngâm.

A, nhân thể đọc thơ Đường, tôi thử ôn lại vốn liếng chữ Hán đã rơi rụng như lá mùa thu (lá rừng phong của Thầy Tâm Hòa) xem có còn sót được chữ nào không !

Tựa bài là Tiết Phụ Ngâm đã hay quá rồi.

Chữ Tiết, từ bộ Trúc, đồng nghĩa với cái mắt tre; mà nói về trúc là ý nói về lòng quân tử.

Chữ Phụ, ở bộ Nữ, ghép chữ Tảo là cái chổi, thì không còn gì tiêu biểu hơn cho người phụ nữ.

Chữ Ngâm, từ bộ Khẩu (hỷ vi ca ngâm, nghi vi trầm ngâm)

Tạm hiểu được tựa bài, tôi hăng hái đọc một mạch:

“Quân tri thiếp hữu phu

Tặng thiếp song minh châu

Cảm quân triền miên ý

Hệ tại hồng la nhu

Thiếp gia cao lâu liên uyển khởi

Lương nhân chấp kích Minh-Quang-Lý

Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt

Sự phu thệ nghĩ đồng sinh tử

Hoàn quân minh châu song lệ thùy

Hận bất tương phùng vị giá thì”

Đọc xong, cái đầu tôi tự động lắc lia lịa! Bài thơ rơi vào Manas thức-thứ-bẩy mà nhất định không chịu lọt xuống kho chứa là tàng thức Alaya thức-thứ-tám! (Tôi lại nhân thể ôn bài Duy Thức Học với bao tầng tâm thức rắc rối.)

Tại sao vậy cà " tại sao Manas-thức đã thâu mà Alaya-thức chưa chịu nhận" Thật ra Alaya-thức đã tự động nhận rồi, nhưng nó lặng thinh để nhìn Manas-thức làm việc vì Manas-thức này bản chất chấp trước nên đang so đo, phân tích.

Manas-thức trong tâm thức tôi đang phân vân với ý thơ. Người thiếu phụ có chồng đang cầm quân trấn giữ nơi xa, được một bậc nam nhi hào hoa phong nhã mon men tới, tặng món quà quý giá là đôi vòng ngọc. Nàng cầm lòng chẳng đặng, bèn nhận ngọc rồi đeo vào trong cánh áo. Không biết sau đó bao lâu nàng mới chợt tỉnh rằng, chồng đang ở nơi xa mà nhận quà của người khác phái thế này, thật chẳng xứng đáng chút nào. Nghĩ thế, nàng đành tìm chủ nhân đôi vòng để trả lại, nhưng vừa trả lại vừa khóc vì tiếc hùi hụi là đã không gặp được chàng sớm hơn !

Trời ơi, thế này thì đâu phải là tiết phụ ! Người chồng phương xa mà biết được (dù nàng đã trả lại vòng ngọc) chắc cũng chẳng hãnh diện gì đâu, vì nếu nàng thực tình một lòng một dạ chỉ nhớ nghĩ đến chồng thì khi anh chàng hào hoa kia mang ngọc tặng, không những từ chối ngay mà còn phải mắng cho vài mắng. Rõ ràng là anh chàng này có hậu ý. Chồng tôi không có nhà, anh mang quà quý sang tặng tôi là ý muốn gì"

Bất giác, tôi nhớ tới bà Đoàn Thị Điểm, vị nữ lưu trí tuệ ngất trời đã để lại áng văn bất hủ mà học giả Đặng Trần Côn đã chuyển dịch thành những giòng thơ mượt mà qua tác phẩm Chinh Phụ Ngâm.

Học trò hay trốn học như tôi mà đến nay vẫn còn nhớ lõm bõm dăm đoạn thơ khi người chinh phụ tiễn chồng ra quan ải:

“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một mầu

Lòng chàng ý thiếp, ai sầu hơn ai!”

Chỉ mấy câu thôi là người đọc có thể tin tưởng rằng tấm lòng người chinh phụ sẽ theo chồng từng bước. Mà đúng như thế thật. Người ra đi đã mấy năm biền biệt mà người ở lại vẫn một dạ trông chờ:

“Kể năm đã ba, tư cách diễn

Mối sầu thêm nghìn vạn ngổn ngang

Ước gì gần gũi tấc gang

Giải niềm cay đắng để chàng tỏ hay

Thoa cung Hán thuở ngày xuất giá

Gương lầu Tần dấu đã soi chung

Cậy ai mà gửi tới cùng

Để chàng thấu hết tấm lòng tương tư!”

Với tấm lòng trung trinh tiết liệt như vậy, anh chàng nào mang ngọc tới tặng là kể như… tới số !

Manas-thức này rắc rối quá! Đã đan cử như thế vẫn chưa chịu, cho rằng có thể nhận xét chưa chính xác, chưa công bằng, vì đọc Chinh Phụ Ngâm bằng chữ nôm, nghe êm ái hơn nên dễ chấp nhận hơn, còn Tiết Phụ Ngâm âm hưởng chữ Hán, nặng nề hơn chăng "

Được rồi, kiên nhẫn chờ chút để tôi kiểm điểm gia tài. Alaya- thức đâu, lục trong kho chứa xem còn sót chữ Hán nào, mang ra dùm để tôi làm gan dịch bài Tiết Phụ Ngâm ra lục bát. Tôi mà dịch xong thì Manas-thức đừng làm khó nữa nhé. Xem nào, tôi từ từ dịch thế này:

“Biết rằng thiếp đã có chồng

Chàng còn đem tặng đôi vòng ngọc xinh

Tạ lòng chàng, dạ chẳng yên

Thiếp đeo trong cánh áo sen lụa mềm

Vườn kề, nhà thiếp nằm bên

Cầm quân, chồng thiếp giữ đền Minh Quang

Biết lòng chàng tựa trăng trong

Nhưng lời thề nguyện cùng chồng chẳng sai

Lệ tuôn, trả ngọc cho ai !

Khi xưa không gặp, tiếc hoài chi nhau !”

May quá, Manas-thức đã gật gù đồng ý rồi, tôi có thể đọc bài khác. Đã có kinh nghiệm, tôi tìm bài gì nhẹ nhàng, phơi phới hơn cho đỡ tranh cãi nhức đầu.

Đây rồi, thi nhân Thôi Hiệu nổi tiếng như cồn và bài Hoàng Hạc Lâu đẹp như mơ. Địa danh này ở phía Tây Bắc, thành Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc. Xem ông Thôi Hiệu viết gì nào:

“Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ

Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản

Bạch vân thiên tải không du du

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu

Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu” 

À, thi nhân này vừa chơi chữ, vừa mượn cảnh gởi tình. Ông dùng hình ảnh người xưa cưỡi hạc đã đi xa, để lại nơi này, lầu Hoàng Hạc còn mong nhớ. Cái lầu này đã mang sẵn tên là Hoàng Hạc nên thi nhân mới để Tích Nhân (người xưa) cưỡi hạc mà đi, vừa thơ mộng, vừa súc tích chữ nghĩa, vừa khoác vào người xưa một phong thái tiên ông nhẹ nhàng (có nhẹ, hạc mới chở nổi, chứ gặp tôi là đã thành thật hạ bút: Tích nhân dĩ thừa … bạch mã khứ!)

Bài thơ hớp hồn người đọc ngay hai câu đầu rồi. Nhưng đọc tiếp thì thấy thi nhân tham lam quá, mượn cảnh chở tình hai câu đầu có vẻ “ăn khách” là “tới luôn bác tài”. Không tin, quý vị đọc tiếp mà xem. Nào là, ta trông ngóng chờ mong mà chỉ thấy mây trời trắng xóa, thấy cây cao bóng cả Hán Dương, thấy cỏ non tươi bên bờ Anh Vũ, chiều dần xuống che khuất trời quê, lại thêm sóng vỗ lao xao khiến ta buồn ơi là buồn!

Thi nhân mượn cảnh nhiều quá khiến người đọc “nhàn cư vi bất thiện” như tôi chợt thắc mắc rằng, nếu không có cảnh, liệu thi nhân có thực tình buồn không"

Không bỏ lỡ cơ hội, Manas-thức-thứ-bẩy bèn rủ rê thức-thứ-sáu cùng khởi niệm băn khoăn khiến tàng-thức Alaya thứ-tám phải lôi ngay trong kho chứa ra những câu chí tình của thi sỹ Tản Đà trong bài Thề Non Nước, để hai thức kia có “đồ nhắm” mà tha hồ chén chú chén anh:

“Nước non nặng một lời thề

Nước đi, đi mãi không về cùng non

Nhớ lời nguyện nước thề non

Nước đi chưa lại, non còn đứng không

Non cao những ngóng cùng trông

Suối tuôn giòng lệ chờ mong tháng ngày…”

Cũng mượn cảnh chở tình nhưng khác là người mượn cảnh NHẬP vào cảnh nên tình này rất chí tình. Tản Đà cũng chính là nước, là non, là sông, là suối nên sự thủy chung diễn tả ở đây là tự đáy lòng; chứ không như thi nhân Thôi Hiệu, đứng bên ngoài cảnh mà nhìn “đây là mây, là cỏ, là hạc, là sóng vỗ lăn tăn làm ta buồn nhớ” khiến cái buồn không thực buồn, nếu không có cảnh.

Để công bằng, có lẽ tôi lại phải vận dụng dăm chữ Hán còn vương vãi đâu đó để dịch bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu ra lục bát cho đồng điệu với Thề Non Nước của Tản Đà.

Bài Hoàng Hạc Lâu đã được nhiều học giả, danh nhân thi sỹ dịch rồi, tôi không biết thân, còn lò dò vào là mất mạng như chơi! Để tự vệ, xin vòng tay bái kính tất cả chư liệt vị đã từng dịch bài thơ danh tiếng này. Tôi không dám bước vào văn đàn, chỉ dịch vì phải đáp lại đòi hỏi của Manas-thức trong tôi, vốn cái gì cũng suy tư thắc mắc nên Thức này còn có biệt danh là Hằng Thẩm Tư Lương, một trung tâm tư duy trong thế giới thầm lặng mà chằng chịt hoạt động của Tâm, Ý, Thức. Tôi xin phép tạm dịch Hoàng Hạc Lâu thế này:

“Người xưa cưỡi hạc đi rồi

Nơi này Hoàng Hạc ngậm ngùi lầu không

Hạc vàng biền biệt vời trông

Ngàn năm mây trắng mênh mông một trời

Hán Dương cây ngả bóng dài

Cỏ thơm Anh Vũ tươi ngoài bờ xa

Chiều buông khuất bóng quê nhà

Khói lan sóng vỗ trong ta điệu buồn” 

Để Manas-thức không kịp thì giờ cằn nhằn thêm, tôi bèn giở thật nhanh tới một bài vô thưởng vô phạt của đại thi hào Lý Bạch. Thi nhân này bất tử vì đã dám thản nhiên … tử ! Tuy thi nhân tự mình tìm cái tử nhưng không phải theo nghĩa đời thường là chán đời mà tìm chết. Trên sông vắng, Lý Bạch rủ trăng uống rượu, cùng tìm thi tứ ngâm nga. Trong men rượu, trăng trở thành tri kỷ và tình thơ thắm thiết đến mức, nhìn bóng trăng lồng đáy nước, thi nhân đã trầm mình xuống giòng mà ôm bạn cho thỏa lòng ! Trăng là bóng hay bóng là trăng" Lý Bạch là trăng hay chính trăng là bóng Lý Bạch" Ôi, thật là một cái chết đầy thơ mộng !

Tôi không dám lạm bàn về vấn đề này hơn, e rằng Manas-thức-thứ-bẩy nổi hứng, lại tình nguyện làm Căn cho Thức-thứ-sáu, là thức có nhiệm vụ hoạt động thường xuyên giữa những trạng huống: tham, sân, si, mạn, nghi và kiến. Khi hai thức này hợp tác với nhau thì như lửa gặp gió, vạn pháp bên ngoài được mang ra phân tích, chia chẻ không nương tay nên gặp trường hợp này, Duy Thức Học đặt tên là Phân Biệt Ngã Chấp, cũng chẳng oan chút nào!

Biết thế, tôi chọn bài thật ngắn của Lý Bạch, chỉ có bốn câu tiễn bạn đơn sơ. Tựa bài cũng giản dị lắm: “Tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” đại ý là tiễn bạn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng. Chắc hai vị này phải thân nhau lắm nên tiễn nhau đi đâu là cũng đủ cảm xúc để làm thơ. Bài thơ ngắn của Lý Bạch thế này:

“Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu

Yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu

Cô phàm viễn ảnh bích không tận

Duy kiến trường giang thiên tế lưu”

Sao mấy thi nhân thời này ưa tới lầu Hoàng Hạc quá! Có lẽ quán này có nhiều món ẩm thực độc đáo chăng" (tinh thần ăn uống trong tôi nổi dậy rồi đó!). Mới đọc cái tựa, tôi cứ tưởng cô đọng có bốn câu thì bốn câu này phải diễn tả tình bạn thắm thiết lắm. Ấy thế mà tình chỉ thấp thoáng nương cảnh, cảnh lại bâng khuâng như chẳng vướng tình.

Trong chữ “Yên hoa”, tôi thấy chữ Yên từ bộ Hỏa, nếu dịch sát nghĩa phải là “khói hoa”. Nhưng khói hoa thì không thơ mộng nữa. Có lẽ thi nhân muốn nói hương của hoa bát ngát lan tỏa như khói chăng"

Tự biên tự diễn như thế nên tôi … tự chế mà dịch theo thể song thất lục bát như vầy:

“Từ phương tây người rời Hoàng Hạc

Xuống Dương Châu hoa ngát tháng ba

Cánh buồm lẻ bóng xa xa

Chỉ còn sóng nước nhạt nhòa trời không”

Dù căn dặn cách mấy cũng không ngăn được Manas-thức, với sự tiếp tay của Alaya-thức, lôi trong kho chứa ra những câu thơ của Thanh Tịnh mà tôi từng nắn nót từ thời trung học:

“Bên rừng em hãy lặng nhìn theo

Có phải chăng em, ngựa xuống đèo"

Chị ngỡ như chàng lên tiếng gọi

Trên mình ngựa hí, lạc vang reo

Tên chị, ai gieo giữa gió chiều

Phải chăng em hỡi, tiếng chàng kêu"

Trên giòng sông lặng, em nhìn thử

Có phải chăng người của chị yêu"”

Trời hỡi! lữ khách nào mà đi cho nổi khi có người đưa tiễn thiết tha đến thế! Tôi còn chưa tỉnh với ma lực tuyệt vời của thơ nhạc này thì tâm thức tôi lại ngân lên những câu trong bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm:

“Đưa người, ta không đưa qua sông

Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng"

Nắng chiều không thắm, không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong"”

Lạ quá, sao tôi cứ đọc một bài thơ Đường thì một bài thơ nôm, trong cùng ý tứ, lại nảy ra" Tôi đâu có định so sánh, nhưng đọc tới đây thì tôi đành nhận là tôi đang có tâm phân biệt. Tệ hơn nữa, lại là tâm phân biệt chủ quan “Thơ Mật của chúng ta cũng … ngọt quá, có thua gì thơ Đường của Trung Hoa đâu, sao ta không truyền thật nhiều cho nhau đọc rồi mời những người bạn Trung Hoa yêu thơ đọc để  họ dịch ra … chữ Tầu" Ta sợ cái gì chứ" Chẳng lẽ mặc cảm ngàn năm đô hộ theo ta vạn năm sao" Sao không hãnh diện nhớ những cái đáng nhớ về ông hàng xóm, thân khổng lồ mà tim nhỏ xíu này, là sau cả ngàn năm cai trị vẫn không đồng hóa nổi dân ta thắt bím tóc, đội nón tròn" Và điểm son sáng rực trong sử sách khi anh hùng Lý Thường Kiệt của chúng ta mang châu chấu sang đá xe mà xe ngã lăn quay tơi tả"”

Đây chỉ là những tản mạn, lạm bàn của riêng tôi, trong một buổi làm biếng, không có gì nghiêm trọng cả. Nếu có làm phật lòng chư liệt vị nào ưa chuộng thơ Đường thì đó là điều ngoài ý muốn. Xin lượng thứ cho.

Chưa kịp gấp sách thì gió vô tình lật qua trang thơ Vương Duy, có bài rất độc đáo, tựa là Tống Biệt:

“Hạ mã ẩm quân tữu …”

Mới đọc nhẩm câu đầu thì bạn từ đâu tới, phát ngôn ngay:

- Xuống ngựa, uống rựơu của lính.

Tôi sửng sốt nhìn bạn, tưởng như mình nghe lầm! Thấy bản mặt kinh hãi của tôi, bạn nhanh nhẩu giải thích:

- Hạ là xuống. Mã là ngựa. Ẩm là uống. Quân là lính. Tửu là rượu. Thế nguyên câu “Hạ mã ẩm quân tửu” không phải là “Xuống ngựa uống rượu của lính” hay sao"

Tôi vội vàng gấp cuốn Đường Thi cái rụp, e rằng bạn nổi hứng dịch tiếp thì rắc rối to với ông Vương Duy.

“Chiều làm biếng” của tôi đã quá bận rộn lúc nào mà tôi không hay!

Như-Thị-Am, tháng 11 năm 2006

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.