Hôm nay,  

Góc Nhạc Cổ Điển

04/11/200600:00:00(Xem: 13361)

Chúng tôi mong nhận được mọi ý kiến đóng góp và bài vở của bạn đọc về mọi vấn đề liên quan đến nhạc cổ điển như ca kịch opéra, ballet, kỹ thuật (recording), album mới, concert bạn mới đi nghe...Thư từ bài vở xin gởi về

classical@vietbao.com.

Nhạc sĩ Đỗ Đình Phương (ảnh) là một trong những người khởi đầu và dẫn dắt thế hệ trẻ Việt Nam Cộng Hòa làm quen và đến với Tây Ban Cầm cổ điển.

Đỗ Đình Phương và Nghệ Thuật Độc Tấu Tây Ban Cầm Tại Miền Nam Trước 1975

- Cung Nhật Thành

(Viết tặng vợ tôi, Cung Trần Thủy Tiên, người luôn  khuyến khích tinh thần âm nhạc trong gia đình.)

Nhìn tờ bích chương dán trên khung cửa kính nói về đêm trình diễn Tây Ban Cầm cổ điển của nhạc sĩ Đỗ Đình Phương vào ngày 28 tháng 10 sắp tới tại Vũ Trường Tự Do, Arlington, Texas, tự nhiên trong lòng tôi dậy lên nỗi xúc cảm thật nhẹ nhàng. Hình ảnh thời mới lớn bỗng chốc thoáng hiện lại như những chân mây chồng chất cuối trời. Phiá dưới chân đồi, những toà nhà bằng kính và bằng đá như được bao bọc và uốn quanh bởi những dòng người và những dòng xe cộ ngược xuôi trong nắng vàng của một buổi chiều mêng mang.

Cũng một buổi chiều tháng mười như thế này  ba mươi hai năm trước, năm 1974,  tôi đã lặng  nhìn những dòng người và dòng xe cộ xuôi ngược như thế từ khuôn cửa lầu ba, và đắm mình trong tiếng đàn của anh Phương. Đóng quân ở miền Trung về phép, tình cờ gập và tha thiết yêu cầu, anh Phương đã cho tôi thưởng thức  bài '' Recuerdos de Alhambra'' của F. Tarrega và tuyệt tác Chaconne Partita của J.S.Bach do Segovia chuyển soạn cho guitar. Đó là lần sau cùng tôi được nghe anh đàn cho đến hôm nay.

Nhạc sĩ Đỗ Đình Phương là một trong những người khởi đầu và dẫn dắt thế hệ trẻ Việt Nam Cộng Hòa làm quen và đến với Tây Ban Cầm cổ điển. Anh đã khởi công xây dựng Khoa Độc Tấu Tây Ban Cầm Cổ Điển và giảng dậy Khoa này tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn trong thập niên 60. Thật sự dân chúng và giới văn nghệ ở miền Nam bấy giờ, phần thì phương tiện truyền thông giới hạn,  phần thì nghệ thuật độc tấu đòi hỏi  nhiều công phu thực tập nên chỉ có sinh viên học sinh tại trường Nhạc mới biết đến Tây Ban Cầm Cổ Điển và Nhạc Sĩ Đỗ Đình Phương.

Phải chờ đến năm 1966 khi nhạc sĩ Hoàng Bửu độc tấu bài Los Sitios  trên đài Truyền Hình Việt Nam thì giới trẻ mới chú ý đến Tây Ban Cầm Cổ Điển. Dù rằng Los Sitios thiên về kỹ thuật Flamenco, nhưng đã làm giới trẻ xôn xao ngạc nhiên vì chỉ  một cây đàn  guitar thùng với hai bàn tay trơn mà tạo được những âm thanh trống kèn diễn hành rộn ràng như thật. Từ đấy nghệ thuật độc tấu Tây Ban Cầm được chú ý và trở nên phổ cập hơn trước.

Nhà sách Khai Trí, Xuân Thu phải gia tăng nhập cảng từ Pháp sách dậy kỹ thuật độc tấu Tây Ban Cầm Cổ Điển của F. Carulli. Đây là cuốn sách căn bản gối đầu giường của bất cứ ai muốn học độc tấu Tây Ban Cầm. Sách viết rõ ràng minh bạch, kỹ thuật xử dụng các ngón tay bấm trên phím và mắc trên dây đàn được lồng trong các bài tập ngắn gọn nhưng rất hay, truyền cảm và quyến rũ đã làm say mê không biết bao nhiêu người. Nhạc sĩ Đỗ Đình Phương đã mở cánh cửa cho cả một thế hệ, trong đó có tôi biết thế nào là nghệ thuật độc tấu Tây Ban Cầm cổ điển. Nhà nghèo, không có phương tiện để tìm hiểu và thưởng thức âm nhạc cổ điển Tây Phương nhưng qua sự chỉ dẫn của bạn bè, tôi đã tìm ra một nơi, có thể gọi là kho tàng nhạc cổ điển để nghe miễn phí! Đó là thư viện Trung Tâm Văn Hoá Pháp, Thư viện của Hội Việt Mỹ và Thư viện của Trung Tâm Văn Hoá Đức. Ngày nào tôi cũng đạp xe đạp lang thang đến các chỗ này để tìm hiểu và nghe nhạc, đến nỗi các nhân viên quản thủ thư viện quen mặt. Nhờ anh Phương, tôi đã biết các tác phẩm của Roberto de Vise, Gaspar Sanz, Villa Lobos, Joaquin Rodrigo và các Đại danh cầm lừng lẫy trên thế giới như Andre Segovia, John Williams, Juilian Bream, Narcisco Yepes.. ..

Cũng trong khoảng thời này, có Võ Tá Hân nổi danh là một cầm thủ trẻ và xuất sắc. Nhạc sĩ Đỗ Đình Phương lúc này không còn cô đơn trong việc truyền bá nghệ thuật độc tấu Tây Ban Cầm nữa...Nhạc sĩ Hoàng Bửu phát hành sách tiếng Việt về kỹ thuật tập độc tấu Tây Ban cầm,  Anh Trần Văn Phú, tốt nghiệp Trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế, người có tiếng đàn mượt mà đã cho xuất bản cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật tremolo bán rất chạy. Tuy ít trình diễn trước công chúng, nhưng Nhạc sĩ Đỗ Đình Phương đã góp phần hướng dẫn đào tạo số rất lớn giới trẻ biết thực tập và thưởng thức Tây Ban Cầm Cổ Điển.

Hồ cầm (Harp) và Tây Ban Cầm cổ điển là hai nhạc cụ duy nhất mà xúc giác của người nghệ sĩ trình diễn, qua mười ngón tay, tiếp xúc trực tiếp với cây đàn để dựng nên âm thanh. Những ngón tay của bàn tay phải bấm trên phím nếu nhẹ rung thì tiếng đàn sẽ ngọt ngào và quấn quýt hơn. Chỉ với đàn Guitar, nghệ sĩ độc tấu mới có thể tạo âm sắc khác biệt của nốt nhạc bằng các ngón tay mắc trên dây đàn, âm sắc trong thì mắc cuối dây, âm sắc ấm thì mắc  ngay trên miệng đàn. Âm sắc này còn  ảnh hưởng do từng nghệ sĩ trình tấu với góc cạnh và độ sắc của móng tay mắc trên giây đàn. Ngay cả piano và violon cũng không  có thể  cho người nghệ sĩ phương cách để bầy tỏ và diễn đạt cảm xúc nhiều và riêng biệt đến như thế!

Cuối năm 1967, danh cầm người Đức S. Behrent sang Việt Nam trình diễn tại Trường Nhạc và Trung Tâm Văn Hoá Đức, tôi được may mắn thưởng thức cả hai buổi trình diễn này. Cám ơn Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn và Trung Tâm Văn Hóa Đức, các buổi trình diễn đều miễn phí, vào cửa tự do. Có điều hình như là nhạc cổ điển Tây Phương là nhạc của ..nhà giầu, xe hơi đậu chật con đường Nguyễn Du, bãi đậu xe toàn xe gắn máy có một mình tôi đạp xe đạp tới nghe trình diễn. Và cũng vào cuối năm 1974,  đóng quân tại cửa biển Sa Huỳnh nên tôi đã lỡ không được nghe danh cầm Idia Pretti sang trình diễn.

Ngày Cộng Sản tạm chiếm Việt Nam, anh Đỗ Đình Phương và anh Lê Xuân Cảnh, một tài danh khác, rời trường nhạc, một số học sinh tan tác theo các anh. Là con lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng, Tư Lệnh Đệ Tam Chiến Khu  Đỗ Đình Đạo, là em lãnh tụ sinh viên học sinh phong trào Majestic 1956 Đỗ Đình Tuân (sau là Giáo Sư Đại Học Văn Khoa Sài Gòn) làm sao anh Phương có thể ở lại trường nhạc được. Về sau Cộng Sản nhờ Nhạc Sĩ Dương Thiệu Tước dậy khoa Guitar cổ điển, và phải đồng ý để  Nhạc sĩ Tước không đến trường mà chỉ dậy tại nhà riêng của ông.

Trong số các học sinh tan tác của anh, sau này có Châu Đăng Khoa thành danh với cung cách và tiếng đàn gần gũi với thầy Phương. Nghiêm Phú Phụng, Nghiêm Phú Phán vượt biên, còn lại anh em Phùng Tuấn Khanh và Phùng Tuấn Vũ vẫn tiếp tục học và thực tập lấy. Còn phải nhắc đến những cầm thủ tự học như Nguyễn Thái Cường (hiện đang ở California), Vũ Ngọc Giao (anh của Châu Đăng Khoa) và nhất là Bùi Thế Dũng (cháu của Tướng TQLC Bùi Thế Lân), người mà học trò đoạt giải nhất Tây Ban Cầm Cổ Điển tại Á Châu và Âu Châu... Đây là những tài danh nối gót anh làm rạng rỡ cho ngành Tây Ban Cầm cổ điển ở miền Nam về sau.

Tiếng đàn của anh Phương, phải nói là rất đẹp, đẹp lặng lẽ như con người anh. Bên trong vẻ đẹp đó lại còn lắng đọng những xúc cảm sâu thẳm và thiết tha, giống như đọc xong một quyển sách hay, đã gấp lại nhưng âm hưởng vẫn còn vang vọng làm tê dại cả tâm hồn.

Anh không được may mắn nhưng tôi tin rằng nếu có cơ hội trình diễn với dàn nhạc hoà tấu các tác phẩm lớn như Concierto de Aranjuez hay Fantasia Para un Gentilhombre của J. Rogrigo, tiếng đàn và kỹ thuật của nhạc sĩ Đỗ Đình Phương sẽ không thua bất kỳ danh cầm nào trên thế giới.

Ngoài kia nắng vẫn còn mênh mang, trời hình như cao hơn khiến những dòng người và xe cộ xuôi ngược trở thành bé nhỏ hẳn lại. Ba mươi hai năm như thoáng chốc của một buổi chiều nói lên sự mong manh của kiếp người. Sẽ chẳng còn gì nữa đâu, ngoài những cảm xúc thành thật và giản dị mà Nhạc sĩ Đỗ Đình Phương sẽ mang đến với chúng ta qua tiếng đàn của anh trong đêm thứ bẩy 28 tháng mười tới đây.

Ý kiến bạn đọc
22/01/201713:23:51
Khách
Anh Thành ơi! Đàn Harp ở Sài Gòn ngày xưa dịch là Hạc Cầm (tôi không biết tại sao. Có thể đàn nảy xoải ra giống con chim hạc chăng? ). Còn Hồ cầm được dịch ra tiếng Việt có Trung Hồ Cầm (cello) và Đại Hồ Cầm ( contrebass). Nhưng tiếng Hán có đàn Ẻhu (nhị Hồ) , chính là đàn Nhị của Việt Nam. Phạm Văn Kỳ Thanh
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.