Hôm nay,  

Phỏng Vấn GS Nguyễn Xuân Vinh Về Giải Cơ Học Phi Hành Không Gian Dirk Brouwer

30/10/200600:00:00(Xem: 4433)

Phỏng Vấn GS Nguyễn Xuân Vinh Về Giải Cơ Học Phi Hành Không Gian Dirk Brouwer

LGT: Ngày 4 tháng 10 năm 2006, Hội Khoa Học Vũ Trụ Hoa Kỳ (American Astronautical Society) chính thức loan tin Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh, nguyên Tư Lệnh Không Quân VNCH và là giáo sư mãn nhiệm Khoa Hàng Không và Không Gian tại Đại Học Michigan, là người sẽ được nhận giải Cơ Học Phi Hành Không Gian cho năm 2006. Ngay khi nhận được tin này, từ Úc châu, phóng viên Phiến Đan của tạp chí điện tử Hướng Dương (huongduong.com.au), đã liên lạc với giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, hiện cư ngụ ở California, và thực hiện một cuộc phỏng vấn trong đó giáo sư Vinh đã cho biết thêm nhiều chi tiết về giải Dirk Brouwer, giải quan trọng nhất cho ngành Cơ Học Phi Hành Không Gian. Sàigòn Times chân thành cảm ơn nhã ý của phóng viên Phiến Đan đã gửi bài phỏng vấn cho tòa soạn, và sau đây xin trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn cùng quý độc giả.

*

Phiến Đan: Tin giáo sư đuợc giải Dirk Brouwer của American Astronautical Society đã được nhiều báo loan tải và giáo sư cũng trả lời nhiều cuộc phỏng vấn của các đài phát thanh trong đó có những đài quốc tế như SBS ở Melbourne, Úc châu, đài Á Châu Tự Do, ở Hoa Kỳ và mới đây là đài BBC ở Anh Quốc, nhưng Phiến Đan chưa thấy Tập Thể Chiến Sĩ VNCH chính thức loan tin vui này. Có phải chăng, trên cương vị là Chủ tịch Hội Đồng Đại Diện, giáo sư nghĩ đây là một thành công cá nhân không liên hệ gì đến hoạt động của giáo sư cho Tập Thể"
GS Vinh: Tôi nhớ có lần đã phát biểu là một ngày mặc áo lính, suốt đời là một chiến binh. Cũng như tôi đã mắc vào nghiệp giáo và nghiệp văn, suốt đời tôi mang nặng những nghiệp này vào thân. Cho từng giai đoạn trong cuộc đời, tôi đã có những ưu tiên khác nhau, nhưng đã không thể nào tách rời ra khỏi con người của tôi bất kỳ một phạm vi hoạt động chính danh nào của mình. Những khoa học gia đã bỏ phiếu bầu để chọn người được trao giải Dirk Brouwer năm nay, họ biết tôi là người gốc Việt và đã có nhiều năm trong quân ngũ. Vì vậy đầu năm tới tôi sẽ dự một hội nghị chuyên đề về Cơ Học Phi Hành Không Gian và sẽ nhận giải này như một giáo sư đại học, một khoa học gia nhưng cũng là một cựu chiến sĩ của Quân Lực VNCH. Vì Hướng Dương đã có lần tiếp xúc, phỏng vấn về sự nghiệp của tôi nên vào dịp này tôi dành cho HD chính thức đưa tin tôi được giải Dirk Brouwer của Hội Khoa Học Vũ Trụ Hoa Kỳ.

Phiến Đan: Xin cám ơn GS, và để mở đầu xin GS cho biết ý nghĩa của giải thưởng Dirk Brouwer, và thể thức chọn lựa ra sao"
GS Vinh: Về ý nghĩa của giải thưởng thì tôi xin trích nguyên văn câu sau đây lấy trên Trang Nhà của American Astronautical Society: "The Dirk Brouwer Award was established to honor significant technical contributions to space flight mechanics and astrodynamics and to recognize Dirk Brouwer's outstanding role in celestial mechanics and his widespread influence on workers in space flight and astrodynamics”. Giải này được tặng hàng năm, cho một khoa học gia đã có những đóng góp đáng kể cho môn cơ học phi hành không gian và cơ học vũ trụ. Hội cũng dùng giải này để ghi nhớ công trình đóng góp vào môn Cơ Học Thiên Thể của cố giáo sư Dirk Brouwer và ảnh hưởng xâu rộng của ông cho những chuyên gia hoạt động trong ngành phi hành trong không gian và cơ học vũ trụ. Tiến sĩ Dirk Brouwer sinh năm 1902 tại Hoà Lan là quê hương của ông nhưng năm 1927, sau khi có học vị Tiến sĩ ông đã tới Hoa Kỳ để tu nghiệp và sau khi được đại học Yale tuyển mộ như là một giảng sư ông đã ở lại đó và trở thành giáo sư Chủ nhiệm Phân Khoa Thiên Văn Học và những năm cuối đời ông cũng là Giám đốc Đài Thiên Văn của Đại Học Yale. Giáo sư Brouwer đã được lưu danh lại cho hậu thế khi người ta dùng tên ông để đặt cho một tiểu hành tinh, và đặt tên cho một miệng hố trên mặt trăng (cùng với một nhà toán học có trùng tên), nhưng điều làm cho tên ông được luôn luôn nhắc nhở là khi Hội Khoa Học Vũ Trụ Hoa Kỳ (American Astronautical Society) đặt ra Dirk Brouwer Award cho môn Cơ Học Phi Hành Không Gian (Space Flight Mechanics). Vì giáo sư Brouwer là một nhà thiên văn học nên Hội Thiên Văn Học Hoa Kỳ (American Astronomical Society) cũng đã dùng tên ông để đặt cho một giải của Hội. Giải này lại có tính cách tổng quát và người được chọn để nhận giải có thể là người xuất sắc trong bất kỳ mọi hoạt động nào, tất nhiên là dưới nhãn quan của những nhà thiên văn học.
Trở lại giải Brouwer mà tôi được cho năm 2006, thì như đã quy định ở trên, người được chọn phải có những đóng góp đáng kể cho môn Cơ Học Phi Hành Không Gian nên Hội đã giao sự tuyển chọn cho Space Flight Mechanics Committee. Ủy ban này thường thì có vào khoảng 20 người và nhiệm vụ chính hàng năm của họ là tổ chức những Hội nghị về cơ học vũ trụ. Ủy ban cũng nhận những đề nghị về giải Brouwer và hồ sơ thường thì có một bản tiểu sử ngắn gọn không được quá 2 trang, một bức thư đề nghị của một khoa học gia có uy tín kèm theo 3 thư hỗ trợ. Những hồ sơ nhận được trước hạn kỳ sẽ được in ra vàgửi cho các thành viên để bỏ phiếu kín. Sự kiểm phiếu cũng được làm cẩn thận và có một hội đồng chứng nhận. Nếu không có ai được đa số để được trao giải thì hai người được nhiều phiếu nhất sẽ được chọn lựa lại một lần thứ hai. Người được giải đầu tiên là giáo sư Theodore Edelbaulm của đại học MIT vào năm 1972. Cho đến nay đã có 33 lần phát giải, và tôi là người thứ 34. Có 2 năm không ai được chọn lựa. Và có một năm ủy ban quyết định chọn cả hai người được đồng phiếu, và một năm giải được truy tặng cho một khoa học gia đã quá cố.

Phiến Đan: Theo sự giải thích của GS thì như vậy giải này quả thực đặc biệt vì mỗi năm chỉ chọn ra một người và thành tích đóng góp về môn Cơ Học Phi Hành Không Gian phải thật xuất sắc để được đa số phiếu của các thành viên trong ủy ban tuyển lựa mà những người này đều là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong ngành. Thưa giáo sư, những vị này có phải là những người đã được giải Dirk Brouwer trước kia hay không" Và tại sao đến bây giờ khi đã về hưu GS mới được mời nhận giải này"
GS Vinh: Tôi không là thành viên của Hội AAS chỉ riêng biệt về Khoa Học Không Gian mà thôi nên tôi không biết làtrong Ủy ban chọn lựa có những ai đã được giải Dirk Brouwer. Ở Hoa Kỳ còn một hội thứ hai nữa, bao quát hơn vì các hội viên là những kỹ sư và khoa học gia làm việc trong cả hai ngành Hàng Không và Không Gian là American Institute of Aeronautics and Astronautics (AIAA) , mà tôi là hội viên trong nhiều năm qua, thì ở trong Space Flight Mechanics Committee của hội này, những thành viên, tuy là những người có khả năng, nhưng lại thuộc vào thành phần tương đối còn trẻ rất hăng say trong những công việc như tổ chức những buổi hội thảo về những vấn đề kỹ thuật có tính cách thời sự, và những Hội nghị thường niên về phạm vi Cơ Học Phi Hành. Cách đây nhiều năm, tôi được giải Mechanics and Control of Flight của AIAA, thì năm ấy tôi có nhận xét là những người trong Ủy Ban Cơ Học Phi Hành, là những người cũng là thành viên trong ủy ban chọn lựa, thì chưa ai có được giải này. Nói một cách khác, khả năng về tổ chức và sự thông thái chuyên ngành là hai vấn đề khác nhau, và nếu trong những hội khoa học và kỹ thuật này mà đưa những vị niên trưởng, thành tích và huy chương đầy người mà ra làm những công việc tổ chức hay vận động tinh thần dấn thân làm việc chung công ích của các thành viên thì chưa chắc họ đã thành công.
Còn câu hỏi của Phiến Đan là sao đến bây giờ tôi mới được trao tặng giải này thì mình phải nhận chân rằng những người được chọn lựa trước đây đều là những người rất xứng đáng, nếu không phải là đại giáo sư tại những trường đại học có uy tín thì cũng là những người có thành tích khảo cứu lẫy lừng, hay đã từng quản lý những chương trình thám hiểm vũ trụ rất thành công, đưa thêm nhiều hiểu biết cho nhân loại. Hàng năm số những ứng viên được đề bạt cho giải Dirk Brouwer thì đông và toàn là những người sáng giá, mà chỉ có một người được chọn lựa, thì phải đợi lâu mới đến lượt mình. Dù sao tôi cũng thấy vui là đã có người Việt Nam được giải thì trong tương lai các bạn trẻ hoạt động trong ngành khoa học không gian sẽ có đường tiến bước được thênh thang hơn.
Phiến Đan: Phiến Đan cũng chia sẻ tâm tư này của giáo sư. Cổ nhân ta đã có câu: “Vạn sự khởi đầu nan” nghĩa là muôn việc quan trọng nhất là lúc đầu. Giáo sư vừa nói đến giải Cơ Học và Điều Khiển Phi Hành mà hồi GS sang Úc châu, Phiến Đan nghe nói là GS nhận được năm 1994, tức là cách đây 12 năm. Giáo sư có thể nói thêm về giải này và so sánh hai giải khác nhau ra sao không"                

GS Vinh: Tuy hai giải này đều được đặt ra để vinh danh những người có đóng góp quan trọng cho ngành cơ học phi hành, nhưng tiêu chuẩn để chọn lựa và số ứng viên cho mỗi giải đều có khác nhau. Riêng cho giải của AIAA, thì Hội này có thể coi như là hội chính của những chuyên gia hoạt động trong ngành Hàng Không và Không Gian không những ở Hoa Kỳ mà còn có một số hội viên chọn lựa ở nhiều nước khác nữa, thì điều kiện tiên quyết là Mechanics and Control of Flight Award được lập nên để trao tặng cho những ai có công trình xuất chúng vừa tạo được về phương diện Cơ Khí Hướng Dẫn hay Kiểm Soát phi hành trong không gian hoặc trong bầu khí quyển (Presented for an outstanding RECENT Technical or Scientific contribution by an individual in the mechanics, guidance, or control of flight in space OR the atmosphere). Khoa học gia được đề nghị và muốn có hy vọng được chọn lựa cho năm ấy phải có những đóng góp quan trọng đương thời, nghĩa là trong vòng vài năm trở lại, và lý thuyết đề ra có thể được áp dụng cho vật thể di chuyển ở ngoài không gian, hay là trong bầu khí quyển. Vì vậy một chuyên gia nghiên cứu về môn khí động lực học cho những phi cơ quán thanh, công trình của ông có thể được mang ra so sánh với phương pháp tối ưu để thay đổi qũy đạo không gian của một nhà toán học. Như thế, hàng năm số ứng viên có thể là nhiều. Ngược lại người được đề nghị có thể là một người trẻ, một ngôi sao sáng đang lên vừa có một công trình nghiên cứu xuất chúng đương thời và không cần phải đưa ra so sánh với công trình nghiên cứu tích lũy từ nhiều năm qua bởi một vị trưởng thượng đã thành danh từ lâu. Vì thế nên hàng năm khó lòng có thể tiên đoán ai sẽ là người được nhận giải năm ấy. Năm tôi được giải Cơ Học và Điều Khiển Phi Hành của AIAA vào đầu tháng 8 năm 1994 ở Scottsdale, AR, trong một buổi tiệc có vào khoảng gần một ngàn người tham dự, tôi được ông Chủ Tịch AIAA trao tặng một bằng tuyên dương và một huy chương vàng choàng vào cổ. Một mặt huy chương có chạm hình chiếc phi cơ của hai anh em ông Wright và vết chân để trên mặt trăng của phi hành gia Neil Armstrong, tất cả tượng trưng cho sự tiến bộ về Hàng Không và Không Gian trong Thế Kỷ 20 của Hoa Kỳ. Mặt bên kia của tấm huy chương có khắc tên tôi với dòng chữ tuyên dương là “For outstanding contributions to the mathematical theory of optimal control, applied to the flight mechanics of aerospace vehicles in the atmosphere AND in space”. Hàng chữ này đã ghi nhận rằng sự đóng góp vào lý thuyết toán học điều khiển tối ưu của tôi có thể áp dụng cho phi thuyền trong khi bay ở ngoài không gian hay khi đã vào trong bầu khí quyển. 

Phiến Đan: Theo như lời giải thích của GS thì hai giải cơ học phi hành này đều có giá trị tương đương. Như vậy, thì có ai được cả hai giải thưởng này chưa" Trong đời sống thường có những duyên may để tạo nên thành công. Như giáo sư, sự việc ông là một người Việt Nam, tới một nước thật tân tiến như Hoa Kỳ, trong một môi truờng đầy cạnh tranh, cả hai cường quốc Nga và Mỹ đua nhau để chiếm ưu thế kiểm soát không gian, những nhân tài của hai nước đều không kém tích cực hoạt động, vậy mà giáo sư đã lần lượt được cả hai giải thưởng lớn về khoa học không gian, thật là một kỳ tích hiếm hoi. Vậy theo ông duyên may nào đã tạo nên thành tựu cho khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh"
GS Vinh:  Tôi xin nói luôn là có một số khoa học gia, có thể không quá 10 người đã được cả hai giải Cơ Học Phi Hành của hai Hội. Những người này thường thì sau khi có học vị tiến sĩ đã đi vào nghiên cứu trong kỹ nghệ hay làm cho chính phủ ở cơ quan NASA hay Không quân USAF và trong giai đoạn này đã được giải của AIAA. Về sau, khi đã có một thành tích được chú ý họ thường được những trường đại học lớn mời làm giáo sư và những công nghiệp để lại hậu thế thường được thực hiện trong khoảng đời này và nếu những điều phát minh quả thực là xuất sắc và có giá trị lâu dài thì sớm hay muộn qúy vị cũng sẽ đươc giải Dirk Brouwer.
Cái duyên may của tôi là được học hỏi, làm việc và phát triển trong một chế độ dân chủ mà bất kỳ ai, có một chút khả năng hay có một ý kiến hay lạ, cũng có cơ hội đưa ra thực nghiệm và triển khai. Một số ấn trình tôi viết đã được sự trợ giúp của USAF hay NASA và do những cơ quan này in ra và phổ biến rộng rãi. Cũng vì vậy mà những gì tôi tìm ra đã được nhiều khoa học gia có tầm vóc trên thế giới chú ý đến và đưa vào những sách chuyên đề hay tài liệu khảo cứu của họ. Tôi nghĩ thật không có gì làm mình vui thích hơn khi thấy một bài viết từ Brazil nhắc nhở đến kết quả của mình, hay những công thức đã tìm thấy được in lại trong những sách giáo khoa viết bằng Nga ngữ.

Phiến Đan: Theo thư của tiến sĩ Craig thì GS sẽ được trao giải vào cuối tháng Giêng Năm 2007 tại một Hội Nghị ở Arizona. Giáo sư có thể cho biết thêm về buổi lễ này không" Và đối tượng được tham dự trong buổi lễ này như thế nào"
GS Vinh: Những chuyên gia về môn Cơ Học Phi Hành Không Gian của hai hội AAS và AIAA sẽ họp chung nhau trong tuần lễ từ 28/1 cho đến 1/2/2007 ở Khách sạn Hilton Sedona Resort ở Sedona, Arizona. Thường thì Dirk Brouwer Award sẽ được trao tặng tại một bữa tiệc. Nhưng tôi vừa nhận được thư của Ban Tổ Chức là họ muốn tổ chức thật trịnh trọng để cho tôi làm một Brouwer Lecture . Họ dự định để tối thứ Hai 29/1/2007 từ 6 đến 8 giờ tối sẽ có một buổi tiếp tân để tất cả mọi người tham dự và sẽ giới thiệu tôi thuyết trình. Một số các chiến hữu ở vùng Phoenix, AR và phụ cận có ý muốn tham dự và tôi nghĩ là có thể thu xếp được với ban tổ chức. Tôi cũng vừa nhận đuợc thư chúc mừng của ông cựu Chủ nhiệm Phân khoa Hàng Không và Không Gian của Đại Học Michigan và cũng được tin là tuy tôi đã về hưu nhưng đây là vinh dự chung cho đại học nên Trường sẽ chịu mọi phí tổn cho tôi tham dư hội nghị và nhận giải Dirk Brouwer.

Phiến Đan: Câu hỏi này của PD khá tế nhị, nhưng chắc nhiều người muốn biết và mong giáo sư chia sẻ. Giải thưởng thường thì có hiện vật hay hiện kim. Vậy giải thưởng này có được định giá trên hiện vật hay hiện kim ra sao ạ"
GS Vinh: Chắc Phiến Đan nghĩ đến giải Nobel trị giá thời nay mỗi giải trên 1 triệu Mỹ kim. Ông Alfred Nobel vì đã bỏ ra một số tiền lớn nên giờ mới có tên lưu lại hậu thế. Nhưng ông Dirk Brouwer được các bạn đồng nghiệp vinh danh vì công nghiệp đóng góp vào ngành khoa học không gian. Chúng tôi là những người nhận được giải mang tên ông, tuy chỉ là một mảnh bằng có lời khen tặng ghi nhận công nghiệp của mình nhưng thật rất vui mừng và hãnh diện. Sự thực như những người phục vụ cho ngành điện ảnh khi nhận được giải Oscar, hay những nhà văn nhà báo khi được giải Pullitzer, nguồn hiện kim thế nào cũng tới sau khi nhận giải vì trường đại học hay những cơ quan nghiên cứu mình phục vụ, thế nào họ cũng điều chỉnh lại lương bổmg cho tương xứng.

Phiến Đan: Giáo sư đã từng giảng dậy cho nhiều thế hệ chuyên gia về hàng không và không gian ở Hoa Kỳ và nhiều nước khác. Vậy có sinh viên người Việt nào được trực tiếp học với GS hay không, và nếu có thì trong tương lai họ có thể trở thành một khoa học gia hàng đầu như GS hay không"
GS Vinh: Tuy ở đại học Michigan mà tôi đã giảng dậy cũng có đông sinh viên VN theo học đủ mọi ngành, nhưng theo học về môn Hàng Không và Không Gian thì tương đối ít. Sau khi họ tốt nghiệp tôi vẫn giữ liên lạc và theo dõi những bước tiến của các anh chị và tôi tiên đoán rằng trong tương lai những tài năng này sẽ nổi danh trong ngành và làm hãnh diện chung cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Phiến Đan: Khi xưa các cụ thường nói: “Không Thày đố mày làm nên”. Vậy với giáo sư, nếu được nghĩ đến ân sư của mình, thì người ấy là ai" Giáo sư đã tiếp thu được điều gì từ ân sư của ông để làm cẩm nang cho con đường tầm học của mình"
GS Vinh: Vì tình trạng chiến tranh ở Việt Nam nên sự học của tôi luôn luôn bị gián đoạn. Tôi không được học với một ông thầy nào quá một năm trời. Nhưng để nhắc tới hai người đã có ảnh hưởng nhiều đến việc học của tôi thì tôi phải biết ơn GS Phó Đức Tố, hiệu trưởng trường Nguyễn Khuyến ở Nam Định là người đã làm tôi yêu thích môn Toán học; và Mẹ tôi là người đã dạy tôi tập đánh vần.

Phiến Đan: Giáo sư là người đã thành công về mọi mặt, mang lại niềm tự hào cho Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại. Vậy ông có muốn để lại lời khuyên nào cho thế hệ trẻ Việt Nam về tinh thần yêu nước và tinh thần cầu học"
GS Vinh: Tôi có viết một bài tùy bút đề là “Tiếng Sáo Thanh Bình” trong đó có mấy dòng hướng về các bạn trẻ. Tôi xin nhắc lại dưới đây. “Tập tùy bút tâm tư này tôi viết tặng các bạn trẻ, lòng những mong rằng thế hệ của tôi chỉ là lớp người đi trước đặt những viên đá sơ sài lót đường, sau này các bạn sẽ đạt được những thành công rực rỡ xây thành một đại lộ thênh thang cho toàn thể những người quốc gia cùng tiến bước, cho non sông được nở mặt với đời. Tôi chỉ mong mỏi ở các bạn được giải thưởng Nobel về khoa học, hay một giải văn chương quốc tế, hay giải Oscar về điện ảnh. Khi nhận giải, bạn nên nói cho thế giới biết rằng mình là con cháu dòng dõi Lạc Hồng, cho mọi người Việt Nam đều cùng đuợc chia sẻ niềm hãnh diện. Khi nhận tấm bảng danh dự hay nắm trong tay bức tuợng vàng, giờ phút đó là giờ phút vẻ vang đáng ghi nhớ trong đời bạn. Lời nói của bạn sẽ đi vào lịch sử. Mới đây, trong một buổi họp báo kỷ niệm hai mươi năm loài người đặt chân lên mặt trăng có người hỏi phi hành gia Neil Armstrong tại sao câu nói đầu tiên của ông trên Cung Quảng lại là:"Một bước chân nhỏ bé cho người, là một bước nhẩy vọt của nhân loại". Ông nói, chuyến bay lên cung trăng của ông, là một sứ giả của địa cầu nên ông đã nói như vậy. Các bạn trẻ Việt Nam thân yêu của tôi, rồi đây các bạn sẽ đi vào đủ mọi ngành, có những người trong các bạn sẽ đạt được những thành công đặc sắc, người Việt mình chưa ai đạt được. Như Neil Armstrong đã là sứ giả của nhân loại, các bạn là sứ giả của dân Việt. Nay các bạn đã làm được một điều lợi ích cho đời nhưng phải có một truyền thống lịch sử, văn hóa tươi đẹp của đất nước mới tạo được một thế hệ người Việt như lớp tuổi các bạn. Tôi mong được nghe một lời của bạn cám ơn quê hương.”

Phiến Đan: Trước kia thì Phiến Đan cũng như bao nhiêu người Việt Nam khác chỉ được nghe rằng GS là người đã vẽ qũy đạo lên mặt trăng của loại phi thuyền Apollo. Nhưng mới đây Phiến Đan nhận được tài liệu đề nghị giáo sư nhận giải Dirk Brouwer có câu tuyên dương: “For sustained and outstanding contributions to the theory of optimal control of space vehicles at the interface of orbital and atmospheric flight” và trong thư gửi giáo sư của tiến sĩ Mark K. Craig , Chủ Tịch của AAS, ông đã kết luận bằng câu: “As stated by your nominator, your research is rigorous, elegant and visionary, and you have positively influenced everyone working in your field”.  Điều này cho thấy chiều sâu về sự đóng góp của GS vào chương trình không gian Hoa Kỳ vì GS đã đào tạo cả một thế hệ những khoa học gia Hoa Kỳ đã và đang đóng góp phần quan trọng vào chương trình Không Gian của xứ này. Phiến Đan cũng mong rằng bài phỏng vấn này sẽ cho người đọc biết rõ thêm về giá trị những đóng góp của GS vào chương trình không gian của Hoa Kỳ trong cương vị của một giáo sư thâm niên tại một đại học vào hàng đầu trên thế giới.
GS Vinh: Cám ơn Phiến Đan. Có thể nói là nhờ những câu hỏi khéo léo gợi ý của Phiến Đan mà tôi đã có dịp trình bầy những gì mà chỉ những chuyên gia ở trong cuộc mới hiểu nổi.

Phiến Đan: Xin thay mặt đôc giả, chân thành cám ơn Giáo Sư NXV, kính chúc ông nhiều sức khoẻ và tiếp tục thành công.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.