Hôm nay,  

Làm Sao Nở Nụ Cười

22/10/200600:00:00(Xem: 5210)
Làm Sao Nở Nụ Cười

Thầy Mãn Giác đã viên tịch. Khi những dòng chữ này được in ra, tang lễ Thầy đã hòan tất. Nhưng các kỷ niệm về Thiền Sư Thi Sĩ Huyền Không vẫn còn lưu lại trong lòng những người từng có cơ duyên phùng ngộ với Thầy, và dấu ấn của các công trình văn hóa do Nhà Sư Học Giả Thích Mãn Giác để lại sẽ còn in sâu vào nền học thuật Phật Giáo nhiều thế hệ sau.

Tôi may mắn có một số kỷ niệm với thầy Mãn Giác. Bên này, khi ở California, từ thời 1990 trở đi, tôi mới có cơ duyên tiếp cận với Thầy. Còn như thời ở quê nhà trứơc 1975 thì cách nhau vời vợi, lúc đó Thầy đã là một cây cổ thụ trong chốn tùng lâm Phật Học, còn tôi chỉ là một sinh viên Đại Học Văn Khoa ngơ ngác, khù khờ, cứ nhìn Thầy nào cũng hệt như các nhân vật huyền thoại bước ra từ trang sách. Cầm sách Thầy học, ngẩng lên nghe Thầy giảng… là vui rồi, dù thực sự không hiểu bao nhiêu. Và thực sự, nhiều thập niên sau, tôi mới biết rằng lúc đó mình không hiểu gì hết về Phật Học dù là phải học thuộc lòng biết là bao nhiêu trang giấy.

Lúc đó, Thầy Mãn Giác dạy ở Văn Khoa và đã là Phó Viện Trưởng Đại Học Vạn Hạnh. Một đôi khi, tôi và mấy tên bạn rủ nhau sang Vạn Hạnh chơi. Thường thì mấy tên đi vòng vòng các tầng lầu Vạn Hạnh, rồi lại kéo nhau vào Thư Viện, rồi lại rủ nhau vào quán cà phê kế sát bên hông trường, nơi chúng tôi phì phèo thúôc lá…

Và rồi kháo nhau, rằng kia là nhà thơ Bùi Giáng, hay rằng kia là Thầy Tuệ Sỹ, hay nhắc rằng hỗi nãy, trên Thư Viện nơi một góc là Sư Cô Thích Nữ Trí Hải. Rồi lại thắc mắc, sao đi mấy vòng, suốt cả buổi trưa mà không thấy Thầy Minh Châu đâu cả, hay là không rõ nhà thơ Phạm Công Thiện còn trụ nơi đây không hay là đang ở bên trời Au… Rồi chúng tôi lại chúi đầu vào các trang dầy đặc chữ của Tập San Tư Tưởng hầu hết là thứ ngôn ngữ bí hiểm, thỉnh thỏang lại ngó ra con đường Trương Minh Giảng trứơc mặt với khu chợ ồn ào bên kia đường, phía đối diện Vạn Hạnh. Rồi lại nhíu mày, thắc mắc với nhau rằng tại sao đại học Phật Giáo này phải xây đối diện với ngôi chợ ồn ào kia, mà lại nằm ngay bên một dòng sông nứơc đen. Có vẻ như chẳng phong thủy tí nào cả. Giữa những khói mù thơ mộng của chữ nghĩa đó, hình ảnh Thầy Mãn Giác chỉ đơn giản là bình dị, hiền lành, uyên bác, và tất nhiên là cao vời vợi đối với bọn sinh viên mới lớn.

Chỉ ra tới hải ngọai, tôi mới có dịp gần Thầy Mãn Giác. Lần đầu lên Chùa Việt Nam Los Angeles thăm Thầy là năm 1990. Điều nhận xét lớn nhất: Thầy Mãn Giác lúc nào cũng quan tâm về quê nhà. Những quan tâm đó lúc nào cũng hiển hiện qua các câu hỏi của Thầy về tình hình, về Phật Giáo, và qua cả các trang tạp chí Phật Giáo Việt Nam mà anh Châu Thọ giúp Thầy gánh vác.

Đêm Thứ Ba 17-10-2006 vừa qua, lên Chùa Việt Nam Los Angeles để viếng tang Thầy, tôi lại được một cơ duyên lớn, khi nghe Thầy Thích Nguyên Hạnh kể lại một số kỷ niệm về Thầy Mãn Giác.

Giữa tiếng tụng kinh và chuông mõ của một số Thầy và hàng chục Phật Tử vọng lên từ sân chùa, Thầy Nguyên Hạnh kể cho tôi và chị An Nguyễn Kiều Mỹ Duyên trong căn phòng khách của chùa ở lầu hai với giọng trầm ấm và từ tốn rằng Thầy Mãn Giác trứơc khi viên tịch đã dặn dò Thầy Nguyên Hạnh rằng "hãy tùy duyên hành Phật sự."


Thầy Nguyên Hạnh có cơ duyên thân cận với Thầy Mãn Giác từ hơn 50 năm, khoảng đâu từ năm 1955. Những năm sau này, Thầy Nguyên Hạnh sang Texas và thành lập Trung Tâm Phật Giáo - Chùa Việt Nam ở thành phố Sugar Land. Tuy xa thật xa, nhưng chuyện gì quan trọng thì Thầy Mãn Giác cũng kể, và hội ý với vị sư thế hệ sau này. Thầy Nguyên Hạnh gọi Thầy Mãn Giác bằng danh xưng “Ngài,” nhưng nơi đây ghi lại bằng chữ “Thầy” cho thân mật, như trong những ngày tôi lên thăm Thầy.

Giữa hương trầm thơm xông ngát khắp chùa, Thầy Nguyên Hạnh kể Thầy nhìn thấy Thầy Mãn Giác có hai điều nổi bật:

Thứ nhất, Thầy Mãn Giác nặng lòng với quê hương; cứ hễ nói về quê hương là Thầy Mãn Giác lại xúc động.

Thầy Nguyên Hạnh hỏi tôi rằng có biết Thầy thích nhất hai câu thơ nào của Thầy Mãn Giác không. Tôi nghĩ ngay tới hai câu,

"Mái chùa che chở hồn dân tộc,

nếp sống muôn đời của tổ tông…"

Tôi vừa nói lên chữ "Mái chùa…" thì Thầy Nguyên Hạnh cười từ bi, lắc đầu, "Không phải."

Hóa ra, Thầy Nguyên Hạnh thích nhất là hai câu:

"…Thương xuân tuyết trắng trên đầu núi,

Nhớ nứơc làm sao nở nụ cười…"

Thứ nhì, Thầy Nguyên Hạnh nói tiếp, rằng Thầy Mãn Giác lúc nào cũng ôm ấp hòai bão làm đẹp cho đạo, và chuyện nào làm đẹp cho đạo là Thầy Mãn Giác không bao giờ từ chối…

Thầy Nguyên Hạnh kể rằng, vào ngày 20-4-1975, Thầy Nguyên Hạnh đã theo dòng người từ Huế chạy vào Sài Gòn. Lúc đó, cả nứơc hỗn lọan, xáo trộn, hoang mang. Lúc đó, đã nghe là có nhiều người đã bỏ chạy khỏi Sài Gòn. Lúc đó, Bắc Quân đã tràn ngập nhiều tỉnh Miền Trung và miền Đông Nam Bộ.

Sài Gòn khi đó, đầy những nỗi lo, với tin đồn dồn dập hàng ngày đi kèm với dòng ngừơi từ các tỉnh ven biển Miền Trung chạy tới, đổ vào. Thầy Mãn Giác nói với Thầy Nguyên Hạnh rằng vị Phó Đại Sứ Nhật Bản tại Việt Nam, nguyên là bạn thân thời Thầy Mãn Giác du học Nhật Bản, tới nói rằng Tòa Đại Sứ Nhật sẵn sàng lo giấy tờ đưa Thầy sang

Nhật, và xa gần nói rằng Miền Nam VN sắp mất.

Thầy Mãn Giác hỏi ý Thầy Nguyên Hạnh, và được Thầy Nguyên Hạnh phân tích ra các diễn biến có thể là xấu nhất và tốt nhất. Thầy Nguyên Hạnh nói rằng Thầy nghĩ rằng Thầy Mãn Giác nên đi Nhật, để sau này mới giúp nhiều cho Phật Giáo và đồng bào.

Thầy Mãn Giác lúc đó trầm ngâm, chỉ nói là để nghĩ lại. Hôm sau, khi Thầy Nguyên Hạnh tới thăm, Thầy Mãn Giác mới nói, "Thôi, ta nghĩ rồi. Bây giờ ra xứ người chỉ là dân vong quốc thôi. Bây giờ, vui hay buồn, vinh hay nhục thì cùng chia sẻ với quý Thầy, với dân mình thôi…" Và như thế, Thầy Mãn Giác đã ở lại.

Cho tới năm 1977, Thầy Mãn Giác mới vượt biên.

Tiếng tụng kinh nơi sân chùa đã ngưng. Đêm đã khuya. Giọng Thầy Nguyên Hạnh vẫn từ bi, trầm ấm, vang giữa đêm thanh vắng, "Với tôi, chuyện gì cũng qua đi, nhưng tôi muốn giữ tấm lòng của Ngài với quê hương, với Phật Giáo. Ngài Mãn Giác lúc nào cũng nói với tôi về ước mơ về thăm Việt Nam, thăm các chùa xưa, thăm Đại Học Vạn Hạnh cũ…"

Khi bước tới cổng chùa, tôi quay về hứơng căn phòng nơi để kim quan của Thầy Mãn Giác, chắp tay, cúi đầu chào, và trên đường lái xe về Quận Cam, vẫn nghe âm vang hai câu thơ Thầy Nguyên Hạnh vừa đọc:

Thương xuân tuyết trắng trên đầu núi,
Nhớ nứơc làm sao nở nụ cười…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.