Hôm nay,  

Không Có Em Anh Đi Tu

10/10/200600:00:00(Xem: 5014)

Hôm ấy vừa ra khỏi cổng trường Gia Long, tôi đã thấy bà chị lớn của tôi từ bên kia đường “ba chân bốn cẳng” phóng qua, vừa nói vừa thở:
-Mầy về mà đọc thư. Nhiều lắm. Mầy không đọc, tao đưa cho ông già đọc.
Tôi ngạc nhiên:
-Thư của ai dzậy "
-Bộ ai gởi cho mầy, mầy không biết sao"
Tôi nói tĩnh bơ:
-Sao biết ai gởi. Thì đưa cho ba đọc đi.
-Dào! Bộ mầy muốn nhổ râu hùm hả"
Ba tôi nỗi tiếng khắt khe với con cái, nhất là con gái. Ba rất thích có con trai, mặc dù đã có một lô thằng cu nghịch như quỷ sứ vậy mà vẫn muốn “kiếm thêm” quỷ sứ. Ngày mẹ tôi sinh tôi ra, ba nghe nói sinh gái, chỉ đến nhìn một cái rồi bỏ đi. Hồi ấy hình như chưa có siêu âm, đến phút chót mới biết sinh trai hay gái. Vậy mà sau này ba tôi thương tôi phải biết, hơn tất cả. Càng thương lại càng giữ gìn, nhất là khi tôi vừa 13 tuổi.
Muốn nhổ râu hùm" Sợ chi mà không nhổ. Tôi vẫn thường nhổ râu cho ba tôi. Mà tại sao bỗng nhiên chị lại nói vậy"
-Toàn là thư tình - Chị tôi nói, mặt hầm hầm.
Tôi bật cười:
-Chị nói chơi hay nói…giỡn với em vậy"
Phải, làm gì có thư tình. Tôi mới 15 tuổi, có biết chi là tình với thư đâu. Tôi chưa hề có một bạn học con trai vào lúc đó. Nên nhớ là “bạn học con trai”cũng không có, đừng nói chi đến bạn trai. Vậy tôi sợ gì chứ" Tôi nhìn chị tôi. Hay bà nầy trở chứng chi đây" Không, chị tôi vốn thật thà. Chắc có chuyện thật. Bỗng nhiên tim tôi đập thình thịch, “ba chân bốn cẳng” đạp xe về nhà. Chị tôi đạp xe theo tôi. Chị rất đẹp gái nhưng hơi vụng về, trông chị đạp xe ì ạch, thấy thương ghê.
Đến nhà, chị nói:
-Mới nứt mắt ra mà đã…
Tôi đưa ngón tay trỏ lên miệng ngắt lời:
-Suỵt!
Tôi chạy ngay vào phòng, nhìn quanh:
-Thư đâu"
-Trong đống quần áo dơ.
Chị tôi khôn lắm. Ba tôi chẳng bao giờ lục soạn đồ vật trong phòng tôi, nhất là đống quần áo dơ.
Mẹ tôi thì rất hay làm chuyện này. Nhưng tôi không sợ mẹ. Mẹ hiền lắm. Lầm lỗi bao nhiêu, năng nỉ là xong tất.
Tôi bới đống quần áo dơ lên. Chừng 20 bì thư xanh, trắng, vàng…lòi ra. “Thương gởi …”, “Mến gởi …”, “Yêu …”. Ôi dào, âu yếm dễ sợ! Còn người gởi, ôi thôi, toàn những tên con trai nghe rất kêu: Trung Dũng, Kỳ Nam, Anh Hùng. . . (Những tên này tôi xin phép được đổi vài chút, cho khỏi trùng với ai đó, nghĩa là không phải tên như đã ghi trên bì thư).
Tôi ngồi thần người ngạc nhiên. Bỗng tôi ôm mớ thư, vùng ngồi dậy, chạy ra.
-Mầy đi đâu đó"
-Ra mét ba.
-Bộ mầy muốn chết sao"
Chị tôi kéo tôi lại. Hai bên đang dằng co nhau thì tôi nghe có tiếng ai như tiếng chị Nhung ở ngoài cửa (Tôi cũng xin đổi tên cho khỏi trùng vì chị Nhung cũng là nữ sinh Gia Long). Tiếp theo là tiếng ba tôi:
-Nó ở trong phòng.
Chị Nhung bước vào phòng, nói nhỏ:
-Thư của chị mô"
-Thư của chị"
Tôi và chị tôi cùng lên tiếng một lượt.
-Mẹ chị khó lắm. Chị mượn địa chỉ và tên em để tìm bạn bốn phương. À, có thư mô mà người gởi là Kỳ Nam không" Chỉ cần một thư. Mấy thư kia….cho ai lấy thì lấy.
-Tại sao chị lại lấy tên nó. Ba tụi này biết được thì chết -Chị tôi nói.


-À, chị quên. Nhưng nó là con nít mà.
-Nói gì lạ dzậy"
- À, chị quên.
Chúng tôi vẫn gọi chị Nhung là Nhung Tồ. Chị đã 25 tuổi, chưa “già”, không xấu, nhưng rất sợ ế chồng. Chị nói với tôi như vậy. Hồi ấy tôi ngây ngô, nghe chị nói, ngạc nhiên không hiểu sao người ta cần phải có chồng. Chị Nhung là người rất bộp chộp, muốn gì nói nấy, muốn gì làm nấy. May mà chị ấy rất ghét chính trị; nếu không, chị đã ra ứng cử tổng thống.
-Tụi tôi lấy mớ giấy này làm gì. Sao chị không nói trước với tụi tôi"- Chị tôi nhăn mặt nói.
Chị Nhung cũng nhăn mặt:
- À, chị quên. Thôi, chiều nay đi xi -nê với chị.
Chiều hôm đó chúng tôi xin phép ba má tôi rồi cùng chị Nhung đi xi -nê. Nhưng ba tôi chỉ cho tôi đi. Trong rạp xi -nê gì tôi quên tên, hình như là Lê Lợi, ở gần trường Đại Học Văn Khoa, tối như mực tàu, tôi ngồi bên chị Nhung và đang chăm chú xem hai con cọp cắn nhau trên màn ảnh. Một lát sau có một anh cao cao bước vào ngồi xuống cái ghế trống bên chị Nhung. Chị Nhung ngồi giữa tôi và anh ta. Chị giới thiệu:
-A Tiên, em của Nhung; Kỳ Nam…
Lúc đầu tôi không để ý đến anh Kỳ Nam lắm nhưng sau thấy chị Nhung cứ nghiêng đầu về phía anh ta mãi nên tôi liếc mắt qua. Bây giờ kể lại mà tôi còn đỏ mặt, anh ta và chị Nhung chẳng khác gì hai con cọp trên màn ảnh. Thừa lúc anh Kỳ Nam đi đâu đó, có lẽ mua kẹo, tôi vùng vằng nói:
-Lần sau em không đi với chị nữa.
-Chết. Em không đi làm sao chị đi. Con gái nhà tử tế ai lại đi xi -nê một mình.
-Có anh kia.
-Chết. Khi ra về anh Kỳ Nam và chị phải tách riêng chứ.
Sau khi anh Kỳ Nam trở vào chừng 20 phút thì có chữ “Fin” trên màn ảnh. Tôi nhìn qua phía chị Nhung, không thấy anh Kỳ Nam đâu cả. Đèn bật sáng. Chúng tôi đứng dậy ra về.
Vừa ra khỏi cửa, bỗng tôi chùn bước lại. Bác Huế gái, mẹ chị Nhung đang đứng ngoài kia nhìn chăm chăm vào chỗ chúng tôi. Thấy chúng tôi bà nói:
-Còn một đứa nữa mô"
-Mạ thiệt là... Có ai mô"
-Cháu phải nói thiệt, không bác về mét ba cháu đánh chết -Bà vừa nói vừa cầm tay tôi, mấy ngón tay bà như cái kèm năm cánh.
Tôi sợ quá, vừa nói vừa thở:
-Có anh Kỳ Nam đi ra trước rồi.
Tôi không phải người ác, nhưng xưa nay không hề biết nói dối, vả lại tôi cũng sợ ba tôi. Chị Nhung Tồ chọn tôi làm đồng minh là chọn lầm địa chỉ. Dù sao, cũng giống như Tái ông Thất Mã, trong cái rủi có cái may. Kỳ Nam không phải là Kỳ Nam. Anh ta có vô số tên và đã gởi hàng mấy chục lá thư như vậy đến mấy địa chỉ khác nhau nữa. Số là sau khi chị Nhung bị bác Huế gái cho 5 roi vào mông và cấm cửa, anh Kỳ Nam biệt tích luôn. Chị tức quá, mượn thêm nhiều địa chỉ nữa để tìm bạn bốn phương và đã truy ra anh Kỳ Nam do nét chữ quen thuộc cũng như do nội dung thư y hệt nhau. “Anh mà không có được em, anh thề không quen ai nữa, anh sẽ đi tu .v.v…”
Chị Nhung ứa nước mắt kể cho tôi và chị tôi nghe. Kể ra chị Nhung cũng tồ thật. Đàn ông như vậy thiếu gì. Cũng may thời ấy chưa có email và chat.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.