Suốt tuần qua, vấn đề nóng bỏng gây tranh cãi nhiều nhất tại Úc là việc khẳng định “những giá trị quốc hồn quốc tuý Úc” (Australian values) đối với người di dân muốn nhập quốc tịch. Bắt đầu bằng việc lãnh tụ đối lập Beazley mạnh miệng hô hào rằng phe đối lập, một khi nắm chính quyền, sẽ buộc tất cả mọi người muốn xin giấy chiếu khán vào Úc - bất kể là du khách hay di dân - phải ký một tờ giấy tuyên thệ tôn trọng những giá trị đạo đức của Úc. Điều này đã khiến ông bị tất cả mọi người chê cười, chế giễu, vì sự phi lý của việc buộc du khách phải tuyên thệ như thế.
Người ta có thể thấy rõ ràng đấy là nỗ lực “tớ cũng thế” của Kim Beazley để kiếm phiếu với giới cử tri, để có thể chứng minh cho cử tri - đặc biệt là những người gốc da trắng có máu bài ngoại - thấy rằng ông ta cũng không thua gì John Howard! Và quả thật, Beazley đã vượt qua Howard - cho dù chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi - trong cuộc đua cơ hội chủ nghĩa trên chính trường Úc. Nhiều bình luận gia cho rằng đề nghị nói trên của Beazley chẳng qua chỉ là một thứ sáo ngữ, một thứ khẩu hiệu rỗng tuếch và chứng thực rằng ông không xứng đáng làm lãnh tụ của một chính đảng vốn đã có một kỷ lục đáng nể trọng trong việc xiển dương chính sách đa văn hóa, khuyến khích người di dân từ bốn phương bảo tồn văn hóa mẹ trong lúc hội nhập vào với xã hội Úc và qua đó, làm giầu thêm cho văn hóa, xã hội Úc, và bồi bổ thêm cho những giá trị đạo đức, tinh thần của Úc.
Chuyện Kim Beazley, như một con ếch cố phùng mang trợn mắt để bằng con bò Howard trong vấn đề gởi thông điệp ngầm đến một tầng lớp cử tri nào đó trong lúc đưa ra những tuyên bố có vẻ như hợp lý hợp tình, không ảnh hưởng đến cấu trúc của xã hội, chẳng những không làm tăng uy tín của ông đối với cử tri nói chung mà lại còn cho thấy rõ sự thiếu suy xét chiến lược cần có của một lãnh tụ đối lập. Ông đã thả mồi bắt bóng. Trong lúc vấn đề quan trọng nhất vốn có thể được xách động liên tục để trở thành vấn đề then chốt của cuộc tổng tuyển cử liên bang tới đây, vấn đề vốn có nhiều ảnh hưởng sâu đậm nhất đến những giá trị luân lý đạo đức căn bản của Úc, đến tinh thần chuộng công bằng (fair go) của nhân dân Úc từ khi lập quốc đến nay, vấn đề vốn dĩ đang làm thay đổi hẳn phong cách và nề nếp sinh sống của đại đa số dân Úc là vấn đề quan hệ lao tư dưới chính sách WorkChoices của chính phủ Howard và phe đối lập cần đưa ra một chính sách hợp lý, công bằng cho tất cả mọi giới, từ tiểu thương, chủ nhân cỡ nhỏ cho đến thợ thuyền công nhân thì ông Beazley lại chạy đi tranh tài trong một lĩnh vực được coi là thiếu công bằng!
Binh pháp Đông Phương cũng như Tây Phương từ cổ chí kim vẫn dạy rằng phải lấy sở trường của ta để đánh vào sở đoản của đối phương, phải nhắm vào nhược điểm của đối phương mà thọc vào. Thế nhưng ông lại nhắm mắt đâm đầu cố giành thế đứng ở một diễn đàn mà ông Howard đã có hơn 20 năm kinh nghiệm thao túng - từ thập niên 80 khi lên tiếng về mức di dân Á Châu, cho đến bây giờ khi lên tiếng chỉ trích “một thiểu số Hồi Giáo không chịu nói tiếng Anh". Như thế đủ thấy ông Beazley dại dột cỡ nào. Hơn thế nữa, ông cũng bị tổ trác vì không soạn bài kỹ lưỡng và gộp luôn du khách vào hàng ngũ những đối tượng phải tuyên thệ tôn trọng giá trị luân lý đạo đức Úc. Chỉ nội việc không soạn bài kỹ lưỡng như thế cũng đủ khiến người ta mất tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của ông rồi.
Ký giả Glen Milne của tuần báo Sunday Telegraph, đã cố lên tiếng biện minh cho Kim Beazley theo kiểu “gặp thời thế, thế thời phải thế”. Ông cho rằng sở dĩ Kim Beazley phải hấp tấp tung ra lời tuyên bố bất hủ - vốn tạo nhiều bất mãn ngay trong hàng ngũ dân biểu Lao động liên bang - là vì phe đối lập biết được rằng ông Andrew Robb, bí thư quốc hội phụ tá tổng trưởng di trú, sẽ công bố chính sách của chính phủ Howard về vấn đề “giá trị đạo đức tinh thần Úc” trong tuần. Và chính sách này sẽ nghiêng nặng về vấn đề an ninh quốc gia, đặt trọng tâm vào việc giáo dục, hướng dẫn các cộng đồng sắc tộc về quyền lợi và bổn phận của công dân trong một xã hội dân chủ hầu giảm thiểu cảm nghĩ bị cô lập hóa khỏi xã hội của một số thành viên trong các cộng đồng này và qua đó, giảm thiểu nguy cơ những người này trở nên quá khích, bị khủng bố quyến rũ. Kim Beazley chỉ có hai sự lựa chọn: phản ứng sau khi chính sách được công bố hoặc đánh úp, tập kích John Howard để chiếm thế thượng phong.