Hôm nay,  

Tưởng Nhớ Đào Mộng Nam

02/09/200600:00:00(Xem: 6646)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



Hình ảnh Đào Mộng Nam sinh hoạt với phong trào thanh niên văn hóa Gió Khơi tại Saigon (1965-1970). Hình lớn: Thầy đồ Đào Mộng Nam, chỉ mới 24 tuổi, giảng  chữ Nho trong khuôn viên Viện Paster Saigon; Hình nhỏ từ trái:  Tại phòng triển lãm tranh thiếu nhi Gió Khơi, từ trái: Ông bà Minh Đăng Khánh,  bà Bùi Duy Tâm, Đào Mộng Nam, Bs Le Hồng Chí,  và BS. Bùi Duy Tâm (góc phải). Tiếp theo là BS. Bùi Duy Tâm và Đào Mộng Nam ngồi ăn trong trại hè Gió Khơi trên đảo Phú Quí (Hòn Thu), 1969.
LTS. Học giả Đào Mộng Nam đã ra người thiên cổ. Có thể gọi ông bằng nhiều tước danh khác: dịch giả, nhà giáo, nhà thơ. Có thể nhớ hình ảnh  ông như một nhà nho, một chàng lãng tử, và trên hết, như một người bạn chí tình với sinh hoạt học thuật, văn hoá dân tộc. Tang lễ ông sẽ được cử hành vào lúc 12 giờ trưa ngày Thứ Bẩy, 2 tháng 9 năm 2006 nhằm ngày 10 tháng Bẩy năm Bính Tuất. Việt Báo trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư Bùi Duy Tâm, nguyên khoa trưởng Đại Học Y Khoa Huế và Y Khoa Minh Đức, tưởng nhớ Đào Mộng Nam.
Ngày 30 tháng 8, năm 2006, Nhã Ca gửi cho tôi một điện thư báo tin:
"Đào Mộng Nam đã qua đời ngày 26 tháng 8 năm 2006 tại thành phố Tustin, nam Californiạ, hưởng thọ 66 tuổi...Rất mong anh có một bài viết về anh Đào Mộng Nam. Đó là một an ủi lớn cho vong linh người bạn đã ra đi lặng lẽ nhưng để lại cho đời nhiều công trình..."
Mắt tôi mờ lệ, tưởng nhớ đến người bạn của thuở xa xưa...
Hồi đó là cuối năm 1964, mới du học ở Mỹ về, tôi tìm đến nhà Đào Mộng Nam ở trong hẻm bên hông bệnh viện Bình Dân, đường Phan Thanh Giản Sài Gòn, để học chữ Nho. Dáng người nho nhã, trong bộ bà ba trắng, anh tiếp tôi rất kiểu cách, gọi tôi bằng VỊ: "Mời Vị ngồi chơi, mời Vị xơi nước…"
Tôi rất thích lối dạy chữ Nho của Đào Mộng Nam, từ dễ đến khó không làm nản lòng người học. Trong 3 cuốn Chữ Nho Tự Học gồm 1,882 chữ . Chữ nào cũng được giải tự rõ ràng có nghĩa lý. Bài đọc gồm cả 2 loại: văn ngôn và bạch thoại. Học viên phải tuân theo kỷ luật là phải thuộc bài trước mới được học bài sau. Tuy nhiên nếu quên thì tác giả đã đánh số bộ hay số chữ để học viên tìm lại bài cũ. Lối học chữ Nho của Đào Mộng Nam là luôn luôn dùng từ điển như từ điển Thiều Chửu. Có nhiều người chỉ trích cái vốn liếng chữ Nho của Đào Mộng Nam. Vâng, Đào Mộng Nam không phải là bậc thâm Nho đọc kinh sử thi phú làu làu. Đào Mộng Nam chỉ là người biết học chữ Nho một cách dễ dàng có phương pháp và biết cách chỉ cho người khác học chữ Nho và tự đọc chữ Nho bằng từ điển.
Bộ “Chữ Nho Tự Học” của Đào Mộng Nam được phong trào thanh niên văn hóa Gió Khơi quay roneo để phổ biến vào những năm 1965 - 1969. Đến năm 1970, bộ chữ Nho tự học gồm 3 cuốn đầu mới được xuất bản gọn gàng đẹp đẽ và đã thành công rực rỡ (15,000 cuốn được tái bản trong năm đầu). Một số đại học Mỹ, Pháp, Đức, ngay cả Trung Hoa đã điều đình phiên dịch làm sách giáo khoa. Tôi đưa Đào Mộng Nam vào dạy chữ Nho trong các sinh hoạt ngày chủ nhật cho đoàn Gió Khơi và trong chương trình văn hóa của Gió Khơi trên đài truyền hình Sài Gòn, Đào Mộng Nam phụ trách phần dạy chữ Nho. Sau này tôi đưa anh ra dạy chữ Nho cho viện đại học Huế.
Tôi còn nhớ một hôm (khoảng năm 72 - 73) anh lái xe hơi chở đầy sách đến nhà tôi trong viện Pasteur, khoe với tôi rằng anh mới mua xe hơi, bây giờ anh có nhiều tiền lắm nhờ xuất bản sách. Trong những sách mà anh xuất bản dưới danh hiệu Việt Nam Văn Hiến, có một cuốn sách rất có giá trị là Nho Văn Toàn Thư của Nguyễn Văn Ba. Ông Nguyễn Văn Ba là một bác sĩ Tây y cùng khóa với giáo sư Phạm Biểu Tâm, sau chuyên nghiên cứu về triết Đông và hành nghề Đông y châm cứu (tôi được biết ông Nguyễn Văn Ba là do ông Nguyễn Đức Quỳnh giới thiệu). Sự hiểu biết về triết học đông phương của ông Nguyễn Văn Ba rất uyên thâm, vượt mức lý trí, lên tới Duệ Trí. Tôi thường đưa anh Nam đến học hỏi ông Ba. Anh Nam nhận ra ngay được Kỳ Nhân và hàng ngày ngồi với ông Ba để giúp ông viết xong phần Duệ Trí cho cuốn Nho Văn. Hiểu được Lão Tử, Khổng Tử, Trang Tử, Mạnh Tử, Liệt Tử tới trình độ Duệ Trí, hiếm người được như Nguyễn Văn Ba. Ghi lại và in thành sách để mọi người chung hưởng là công của Đào Mộng Nam. Ba thầy trò hay ba anh em chúng tôi thường bàn với nhau về cái thế chân vạc giữa ngôn ngữ và văn tự của dân tộc Việt Nam. Thế chân vạc đó là tiếng Việt, chữ Nho và chữ ABC (thường gọi là chữ quốc ngữ.)
Sự tổng hợp kỳ diệu đó sẽ là dụng cụ tuyệt vời để người Việt sinh động với thực tại bằng tiếng Việt, kết nối với quá khứ và các nước đông phương (Trung Quốc, Nhật Bản) bằng chữ Nho và phổ biến trong quần chúng đương đại bằng chữ ABC.
Thời gian khoảng 72 -73, thủ tướng Trần Văn Hương có ý trao cho tôi phụ trách văn hóa, giáo dục và thanh niên, nên ba anh em chúng tôi rắp tâm ước vọng đem Nho Văn vào dạy các lớp bậc trung học như một môn học cơ bản bắt buộc.


Đào Mộng Nam viết: "Thực vậy nếu ném một cái nhìn bao quát toàn thế giới chúng ta sẽ không thấy một quốc gia nào lại có được cái thế chân vạc giữa ngôn ngữ và văn tự, vừa bác học vừa giản đơn tới mức tuyệt đối, thỏa mãn cho cả bình dân lẫn trí thức như ở Việt Nam. Với chữ ABC, dù một người Việt Nam ngu tối tới đâu chỉ cần vài tháng là đã có thể đọc thông viết thạo. Thứ chữ này để dành riêng cho giới bình dân và các trẻ thơ cấp tiểu học. Từ cấp trung học trở lên, ta bắt đầu dạy chữ Nho bằng phương pháp khoa học vì nếu siêng năng vài năm là học sinh có thể đọc được chữ Nho làu làu. Như vậy, sau 7 năm trung học, học sinh nào cũng đọc và hiểu được chữ Nhọ. Thiết tưởng bộ mặt văn hóa của ta chắc chắn sẽ đổi thay nhiều chứ không còn vong bản như hiện giờ. Chúng ta sẽ nối tiếp lại với truyền thống bốn ngàn năm lịch sử của mình, cùng nền văn minh đông phương sâu thẳm, vốn được coi là gốc rễ của cả nhân loại."
Đào Mộng Nam còn có nhiều tác phẩm dịch thơ:
- Dịch và giới thiệu ngàn bài thơ Đường
- Dịch và giới thiệu kho tàng thơ Nho của các nhà cách mạng kháng Pháp (Thơ Huyết Lệ)
- Dịch và giới thiệu toàn tập thơ Cao Bá Quát từ nguyên bản chữ Nho. Đào Mộng Nam viết:
"Thơ Cao Chu Thần là tác phẩm thi ca vĩ đại trong lịch sử văn chương nhân loại vì đã được tác giả đem sinh mạng mình cùng ba họ ra bảo chứng.
Về tác phẩm, mặc dầu phần lớn bị nhà Nguyễn thiêu hủy, nhưng phần nhỏ còn lại vẫn trên ngàn bài, nên số lượng cũng sánh ngang Lý Bạch. Nếu thơ họ Lý nồng đượm hơi men cùng rực rỡ sắc hoa thì thơ Cao Bá Quát lại mặn mà nước mắt và tươi thắm máu đào."
- Dịch và giới thiệu trường ca Rama.
- Dịch và giới thiệu "Khúc Hát Dâng Tình," (thánh thi của vua Salomon có ghi trong cựu ước) từ tiếng Anh và tiếng Pháp "The Song of Love". Đào Mộng Nam viết: "Khúc Hát Dâng Tình" (The Song of Love) khi chuyển qua lời Việt để cho tương xứng với nguyên bản vốn là một khúc ca, chúng tôi đã sử dụng thể song thất lục bát truyền thống, vừa dễ nhớ lại vừa dễ hát dễ ngâm. Ngôn ngữ VN với 5 dấu sắc, huyền, ngã, hỏi, năng, đúng là thứ ngôn ngữ âm nhạc tinh ròng nên khi ta làm thơ theo thể điệu diễn ca, diễn ngâm truyền thống thì kể như ta đã soạn luôn cả nhạc rồị. Thơ của ta gọi là thi ca nghĩa là thơ để "hát", chưa kể còn là "thơ" để "hò"; khi hát thì nhẹ nhàng như gió thoảng mây bay lúc chuyển qua điệu hò thì lập tức trời rung đất chuyển.
Về hội họa, Chagall, bậc thầy của thế kỷ, đại sư của họa phái ấn tượng, nhờ nhiều năm, ăn nằm với khúc hát này, nên đã sáng tác được những họa phẩm lừng danh mà chúng tôi đã trích một số làm phụ bản, in nền các trang trong sách."
Đây là một cuốn sách ấn loát tuyệt đẹp với phụ bản là các bức tranh của Chagall. Tôi được hân hạnh viết lời giới thiệu:
"Nếu ta đóng chặt cửa lòng để sống với cái bé nhỏ của mình thì chẳng khác chi chiếc lá khô sẽ mau rụng khỏi cành. Nếu ta mở tung cánh cửa tâm hồn để đi vào cõi lớn, niết bàn hay thiên đàng, thì Phật hay Chúa sẽ ngự trị tại lòng ta, TRỜI ĐẤT và TA là một và cùng nhau BIẾN HÓA vô cùng tận.
“Thánh kinh đã nhiều lần so sánh mối quan hệ thiêng liêng giữa thượng đế và con người như tình yêu thắm thiết giữa đôi lứa. Chúa Cứu Thế khuyên các môn đồ: "Các ngươi hãy tỉnh thức chờ ta đến như nàng dâu chờ chàng rể."
Thi sĩ Đào Mộng Nam đã cảm hứng dịch thánh thi ra thơ trữ tình Việt Nam:
Hồn mơ mòng tim rung cánh mộng
Tiếng người yêu vang vọng ngoài phòng
Mở cửa mau hỡi bạn lòng
Hỡi bồ câu trắng anh mong gặp mình.
.....
Em rót dâng tình anh nồng thắm
Chảy tràn tim hồn đắm cơn say
Son tình thắm mộng lứa đôi
Cho dầu đá nát vàng phai chẳng mờ
Với tác dụng nhiệm màu là thăng hoa tình yêu trần tục thành tình yêu thánh thiện, với thể điệu diễn ngâm truyền thống, với nghệ thuật thi ca trữ tình trác tuyệt, Đào Mộng Nam đã đưa kinh Chúa vào lòng dân tộc, đưa đạo Chúa vào hồn Việt Nam..."
Vào cuối thu 1988, tôi đưa Đào Mộng Nam và Tường Vũ Anh Thi đến thăm ngôi mộ đợi chờ của tôi trên một ngọn đồi trông ra Half Moon Bay, Thái Bình Dương. Ba người bạn tri âm ngồi lặng yên ngắm cảnh chiều tàn rất đẹp "chỉ tiếc cận hoàng hôn". Tường Vũ Anh Thi tức cảnh sinh tình làm bài điếu văn cho tôi. Bây giờ trong ba anh em, Đào Mộng Nam lại ra đi trước. Thôi, tôi chia sẻ vài đoạn trong bài điếu văn đợi chờ này để khóc Đào Mộng Nam:
Hai cánh tay anh chưa hề mỏi mệt
Nhưng sẽ bằng lòng bạn với cỏ cây
Anh duỗi đôi chân vào thăm thẳm
Khắp không gian văng vẳng bóng quê nhà
Cả Thái Bình Dương là hạt lệ
Là Minh-Đường vời vợi lòng anh
Xác sẽ ngủ miên man như đất
Nhưng hồn còn chan chứa nước lên
Thoáng nghe những bước chân người
Tiếng khua bì bõm tiếng cười như thơ
Trên ngực anh mạ xanh man mát
Ngực bây giờ yên lặng mênh mang
Anh nằm giấc thênh thang.
Nửa đêm về sáng ngày 1 tháng 9, năm 2006
Bùi Duy Tâm

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.