Hôm nay,  

Sẽ Làm Hầm Chui Sông Hương: Huế Cơ Nguy Tàn Phá Di Sản

14/08/200600:00:00(Xem: 1545)

Lần sau, khi có dịp về thăm xứ Huế, có thể bạn sẽ thấy rất nhiều biến đỗi, nổi bật nhất sẽ là chuyện xây hầm xuyên Sông Hương.

Bản tin phóng viên Linh Liên trên báo Người Lao Động nhan đề “Huế sắp có hầm chui sông Hương"” hôm 12-8-2006 đã ghi nhận tình hình lợi và hại của một công trình chắc chắn là sẽ giải phẫu thẩm mỹ cho xứ Huế. Bản tin trích sau.

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, kèm dự án xin phép đầu tư xây dựng hầm ngầm đường bộ qua sông Hương. Điều gì xảy ra với sông Hương, nếu hầm chui này được xây dựng"

Trên thực tế, dự án này đã rục rịch khởi động từ hơn 2 năm nay. Tuy nhiên, sau hàng loạt "sự cố" đồi Vọng Cảnh, khách sạn 5 sao cồn Dã Viên, Trung tâm Thương mại Bắc Tràng Tiền... đầy tai tiếng, dư luận không khỏi e ngại việc xây hầm ngầm sẽ tiếp tục "ăn mòn" di sản thế giới tại đây.

Xây hầm chỉ để tránh... ùn tắc giao thông"

- Với tổng vốn đầu tư ngót 1.000 tỉ đồng, được xây bằng bê tông cốt thép, hầm ngầm qua sông Hương có chiều dài khoảng 1.030 m, trong đó phần chui qua sông dài 576 m. Hầm nối tiếp đường Nguyễn Hoàng, chui dưới đường Kim Long (bờ Bắc), qua lòng sông Hương, rồi chui tiếp qua đường Bùi Thị Xuân (bờ Nam), nối với đường vành đai III.

Sự thực, tháng 7-2004, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng Phan Văn Khải khi ấy đã đồng ý cho lập dự án xây hầm đường bộ qua sông Hương. Đến tháng 10-2004, Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã chính thức ký hợp đồng kinh tế với Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (Bộ GTVT) về việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Một trong những lý do chủ yếu được UBND tỉnh, Sở GTVT đưa ra để lý giải cho việc xây hầm đường bộ sông Hương là giải quyết "bài toán" ách tắc giao thông của tỉnh. Bởi, theo lập luận của Sở GTVT, Quốc lộ 1A đi qua TP Huế hiện nay là tuyến đường trọng yếu trong việc vận chuyển hàng hóa và hành khách từ Bắc vào Nam. Thế nhưng, theo dự báo của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, cùng các số liệu điều tra của UNDP, JICA..., thì trong những năm tới, lượng hành khách và hàng hóa cần vận chuyển trên Quốc lộ 1A sẽ tăng đáng kể. Trong khi đó, giao thông đường bộ của TP Huế vẫn chủ yếu qua hai cầu đường bộ Phú Xuân và Tràng Tiền. Song, cầu Tràng Tiền chỉ cho xe thô sơ và các loại ô tô tải trọng nhẹ đi qua. Còn cầu Phú Xuân được xây từ trước năm 1975, giờ đã xuống cấp... Vì vậy, xây hầm đường bộ qua sông Hương sẽ thu hút được phần lớn lượng xe trên Quốc lộ 1A qua Huế, mà không cần phải đi theo đường Lê Duẩn trước cửa Ngọ Môn rồi đi lên cầu Phú Xuân...

Mặt khác, cũng theo ông Ngô Văn Tuân (Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế), dự án hầm đường bộ sông Hương trở thành hiện thực sẽ là một trong những công trình quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, du lịch và vận tải trong nội thị, ngoại thị TP Huế, đồng thời tiếp nối được với mạng lưới giao thông đã được quy hoạch đến năm 2010 của TP.

Coi chừng lợi bất cập hại.

- Thật ra, nhận thức được tính chất "nhạy cảm" và giá trị lịch sử - văn hóa, cảnh quan, môi trường của sông Hương, từ năm 2004, Ủy ban Khoa học - Văn hóa - Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế lập hồ sơ, báo cáo khoa học để đề cử sông Hương và cảnh quan đôi bờ vào danh mục di sản thiên nhiên thế giới. Theo quy trình, nếu UBND tỉnh chấp thuận thì tháng 6-2005, UNESCO đã có thể ra thông báo đồng ý, kèm theo một số kinh phí hỗ trợ để tỉnh chính thức lập hồ sơ. Và nếu mọi việc xuôi chèo mát mái, sông Hương sẽ đăng quang di sản văn hóa nhân loại tại kỳ họp lần thứ 30 của Hội đồng Di sản thế giới vào tháng 7-2006. Thế nhưng mọi việc lại không suôn sẻ như người ta tưởng... Hồ sơ đề cử cho sông Hương vẫn đang "giậm chân tại chỗ". Bởi, tỉnh Thừa Thiên - Huế dường như cũng không mặn mà cho lắm... Hỏi KTS Phùng Phu (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế), một trong những người tham gia lập hồ sơ, thì ông lắc đầu "không biết", cũng không bình luận gì. Song, hỏi về dự án xây hầm đường bộ sông Hương, ông lại tỏ ra chẳng mấy ngạc nhiên, song cũng dè dặt không bình luận gì!

Thế nhưng, điều mà KTS Phùng Phu chẳng mấy ngạc nhiên lại là chuyện đáng... ngạc nhiên. Bởi lẽ, một dự án to đùng "động chạm" đến sông Hương như vậy mà các chuyên gia di sản lại chẳng mảy may biết! PGS-TSKH Lưu Trần Tiêu (Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia) bảo ông cũng chỉ "nghe phong thanh" thế, chứ không hề được mời tư vấn, góp ý gì. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo "địa phương cần cân nhắc thận trọng". "Các địa phương có di sản chỉ muốn hưởng cái lợi trước mắt, thiển cận lắm, không tính đến lâu dài, không tính đến ảnh hưởng, tác động đối với môi trường, cảnh quan di tích" - ông Tiêu nói.

Làm kinh tế với sông Hương" Theo báo cáo nghiên cứu, việc xây hầm ngầm sẽ hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến sông Hương. Tất nhiên, có thể hầm không làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp sông Hương. Song, không thể không lo ngại về cửa hầm ở đôi bờ. Bởi, cửa hầm bờ Bắc phải nâng cao để tránh lũ. Liệu miệng hầm có trở thành "hàm cá mập" ngoạm vào khu nhà vườn Kim Long và sông Kẻ Vạn với mật độ nhà vườn, đình chùa miếu mạo, di tích lịch sử dày đặc hay không" Tương tự, cửa hầm bờ Nam liệu có ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực Thành Lồi và những ngôi chùa, miếu cổ, nhà vườn ở vùng Xuân Hòa, Lịch Đợi, Phường Đúc" Bên cạnh đó, cũng không khỏi băn khoăn rằng sông Hương là một thắng cảnh thiên nhiên. Trên hành trình xuyên Việt, nếu không có cơ hội dừng chân, thì từ trên cầu đường bộ, cầu đường sắt du khách cũng được chiêm ngưỡng một Huế đẹp, Huế thơ với sông Hương mơ mộng soi bóng kinh thành rêu phong cổ kính... Thế mà rồi mai này đến Huế, hoặc đi qua Huế, người ta sẽ phải ngậm ngùi... chui xuống lòng đất để mà... ngắm Huế! Đã và đang có một khối mâu thuẫn lớn giữa sông Hương - di sản và sông Hương - "mỏ vàng" nếu đưa vào "làm kinh tế". Sông Hương chỉ được "cứu" chừng nào khối mâu thuẫn này được giải quyết trọn vẹn...

Trong bản tin trên có một chi tiết làm ngậm ngùi giữa lựa chọn bảo tồn Sông Hương di sản và khai thác Sông Hương kinh tế: “...người ta sẽ phải ngậm ngùi... chui xuống lòng đất để mà... ngắm Huế!” Xin suy tính cho kỹ, và việc này nên trưng cầu ý kiến toàn dân Huế lựa chọn mới thực sự là dân chủ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.