Hôm nay,  

Múa Gậy Thái Bình

22/06/200600:00:00(Xem: 2297)

Tục ngữ dân gian Việt Nam thời xưa có câu "Múa gậy vườn hoang" để chế diễu mấy anh mãi võ "dổm" đem gậy ra múa khoe tài, nhưng múa không có bài bản, thành ra múa loạn như một trò hề giữa chốn không người. Thời nay trò hề có vẻ nghiêm trọng hơn, vì anh mãi võ Bình Nhưỡng dọa múa cái gậy có tên "hỏa tiễn liên lục địa" có thể bay qua Thái Bình Dương đến tận bờ biển phía Tây nước Mỹ, nhất là nó có thể gắn đầu đạn nguyên tử. Cố nhiên thiên hạ thấy rợn người phải theo dõi, còn Mỹ, Nhật Bản, Úc trừng mắt nhìn, sắn tay áo...Tuần này Mỹ cảnh cáo trò chơi phóng thử hỏa tiễn của Bắc Hàn sẽ là một hành động "khiêu khích" nhưng Bắc Hàn bất chấp.

Ngay lập tức Mỹ trả đũa, không phải bằng cách múa gậy giữa biển hoang, mà bằng một cuộc thao diễn khổng lồ của hải lục không quân ngay gần đảo Guam ở Thái Bình Dương, đúng giữa khoảng cách từ Đài Loan đến Hawaii của Mỹ. Trò chơi chiến tranh lần này lớn nhất chưa từng thấy từ mấy chục năm qua, có 3 hàng không mẫu hạm tham dự với đầy phi cơ trận, cùng với 30 chiến hạm, 280 phi cơ đủ loại và 22,000 quân. Cuộc thao diễn tiếp tục trong 5 ngày liền, có tên "Lá Chắn Dũng Cảm". Mục tiêu cuộc thao diễn không nhằm một nước nào mà chỉ để luyện quân trong các nhiệm vụ "truy lùng, xác định vị trí, theo dõi và đánh địch". Đại diện Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Nam Hàn, Nga và Singapore được mời đến quan sát.

Lần đầu tiên một phái đoàn quân sự Trung Quốc được mời đến quan sát một cuộc thao diễn quân sự của Mỹ, đây là một diều đáng chú ý. Mặc dù mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc vẫn còn băng giá kể từ ngày một phi cơ do thám Mỹ bị Trung Quốc bắt năm 2001, các giới chức quân sự Mỹ vẫn tìm cách làm cho ấm lại. Đồng thời Ngũ giác đài tỏ ý quan tâm về bức màn bí mật vẫn bao phủ vụ Trung Quốc đang tiến hành gấp hiện đại hóa quân lực. Theo Đô đốc William J. Fallon, Tư lệnh cao cấp Mỹ ở Thái Bình Dương, việc mời Trung Quốc đến quan sát là ngầm có ý mong Trung Quốc sẽ "lại quả" có đi có lại. Hôm thứ ba Tân Hoa Xã loan tin phái đoàn 10 người của Giải phóng quân Trung Quốc sẽ tham dự và một viên chức Quốc phòng Bắc Kinh nói: "Lời mời đến quan sát thao diễn là một phần rất quan trọng của sự trao đổi quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc".

Trung Quốc là đồng minh thân cận nhất của Bắc Hình. Hồi năm ngoái quanh vụ Bắc Hàn chế tạo bom nguyên tử, Mỹ đã nhiều lần nhìn đến vai trò của Trung Quốc để ngăn chặn ý đồ của Bắc Hàn. Một cuộc điều đình 6 bên đã thành hình, trong đó có Bắc Hàn, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản và Nam Hàn. Nhưng thương thuyết kéo dài không kết quả, đến cuối năm tạm ngừng, coi như chỉ còn hấp hối. Bây giờ Bắc Hàn đem một môn võ cũ ra múa, tức là hăm dọa thử phi đạn tầm xa. Vậy sức mạnh của phi đạn Bắc Hàn như thế nào" Năm 1998, Bắc Hàn đã gây chấn động trên thế giới khi đột nhiên bắn thử một phi đạn tầm xa, bay qua trên đầu Nhật Bản, rơi xuống Thái Bình Dương. Phi đạn này có tên là Taepodong. Năm 1999, chính phủ Mỹ (thời Clinton) cùng với áp lực của dư luận thế giới nhân lúc Bắc Hàn đang bị nạn đói, đã xiết Bình Nhưỡng phải chấp nhận ngừng thí nghiệm mọi loại phi đạn tầm xa. Từ năm đó Bắc Hàn không thử một phi đạn nào khác.

Nhưng khoảng 5 tuần trước đây, các giới chức Mỹ nhận được những bức hình của vệ tinh cho thấy Bắc Hàn đang chuẩn bị phóng thử một phi đạn tầm xa loại mới Taepodong 2 có nhiều tầng. Lúc đầu một vài viên chức trong chính phủ Bush cho rằng đây chỉ là một thủ đoạn của Bắc Hàn muốn Mỹ phải chú ý đến họ giữa lúc Mỹ chỉ quan tâm đến vấn đề bom nguyên tử của Iran. Nhưng sau, Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở hai bên bờ Thái Bình Dương càng lúc càng lo ngại Bắc Hàn có thể sẽ tiến hành thí nghiệm phi đạn thật sự. Trả lời sự cảnh cáo của Mỹ, Bắc Hàn hôm thứ ba tuần này nói Mỹ chuẩn bị xây dựng một lá chắn chống phi đạn là đổ dầu thêm vào cuộc chạy đua võ trang trên không gian rất nguy hiểm. Báo Rodong Sinmun của Bắc Hàn chỉ trích việc Nhật Bản đang tiến đến việc mua một dàn lá chắn chống phi đạn và các trang bị liên hệ của Mỹ để nâng cấp hệ thống chống phi đạn, "điều này chứng tỏ ý đồ của Nhật muốn trở thành một đại cường quân sự, chuẩn bị gây hấn ở nước ngoài".

Các giới chức Mỹ ở Washington nói hỏa tiễn Taepodong 2 có vẻ đã được bơm xong nhiên liệu. Nhưng hôm thứ ba cơ quan Tình Báo Nam Hàn tin rằng chưa thể xong vì có 40 xe bồn xăng ở quanh dàn phóng không đủ để bơm 65 tấn cần thiết cho hỏa tiễn này. Ngoài ra có tin Khí tượng Nam Hàn loan báo vùng dàn phóng Bắc Hàn hiện đang có mưa và mây mù kéo dài cho đến thứ tư, đó cũng là vấn đề cho mọi cuộc phóng thử phi đạn. Trong khi chờ đợi Trời giúp, các cuộc vận động ngoại giao tiến hành tới tấp. Tại Seoul phát ngôn nhân chính phủ Nam Hàn nói nếu phóng thử phi đạn, Bắc Hàn sẽ mất hết mọi viện trợ. Đại sứ Mỹ tại Nam Hàn, Alexander Vershbow nói Mỹ muốn hoàn thành quan hệ bình thường với miền Bắc và nhấn mạnh một cuộc phóng thử như vậy sẽ làm Bắc Hàn bị cô lập thêm và càng làm Bắc Hàn tách xa hơn nữa với cộng đồng thế giới". Trung Quốc chỉ nói "đã ghi nhận tin tức nói Bắc Hàn có thể sẽ phóng thử phi đạn", ngoài ra không chịu nói gì thêm.

Vậy Bắc Hành chế tạo hỏa tiễn liên lục địa và muốn phóng thử để làm gì" Trước đây Bắc Hàn nói phóng thử hỏa tiễn tầm xa để đưa vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất. Sự thật khác hẳn. Sau khi tỏ thái độ cứng rắn về vụ thí nghiệm hỏa tiễn, Bắc Hàn đề nghị thương thuyết trực tiếp với Mỹ. Té ra mục tiêu chính của vụ "múa gậy" chỉ là muốn được nói chuyện riêng tay đôi với Mỹ, điều Bắc Hàn vẫn đòi hỏi từ lâu nay nhưng vẫn không được. Các giới chức ngoại giao Mỹ đã bác bỏ ngay đề nghị đó. Nhưng nếu Bắc Hàn vẫn ngang bướng phóng thử hỏa tiễn thì sao" Các dàn chắn của Mỹ đã được lệnh chuẩn bị bắn hạ bất cứ loại hỏa tiễn nào của Bắc Hàn bay vào Thái Bình Dương. Và cũng không nên quên các cơ quan tình báo Mỹ đã biết dàn phóng của Bắc Hàn ở đâu và chỉ có 1,000 quân lính canh phòng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.