Hôm nay,  

Tâm Sự Của Một Người Dân Bị Áp Bức

18/07/200600:00:00(Xem: 2368)

Tôi là Lê Trí Tuệ, sinh ngày 26/07/1979 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Tp. Hải Phòng. Bác Cả của tôi là một liệt sỹ thời kỳ chống pháp; bác Hai của tôi tham gia quân tình nguyện Cambodia; bố tôi là sỹ quan quân đội đã nghỉ hưu. Cũng như bao nhiêu thanh niên cùng trang lứa, sau khi học xong phổ thông trung học, tôi đã tình nguyện nhập ngũ với biết bao dự định và hoài bão của tuổi trẻ. Việc rèn luyện trong quân ngũ giúp tôi mạnh dạn hơn trong giao tiếp, cương quyết hơn trong hành động, vững vàng hơn trong tư tưởng và kiên định hơn trong lập trường.

Trong thời gian quân ngũ, nhờ tham gia công tác xã hội, tôi được đi tham quan nhiều nơi, có nhiều thời gian tự học và chiêm nghiệm về cuộc sống. Nhờ đó, tôi hiểu rõ hơn cuộc sống của người dân Việt Nam, tình trạng mất nhân quyền, bất bình đẳng trong xã hội, mà thủ phạm không ai khác hơn là những cán bộ cộng sản. Giống như bao bạn trẻ trong quân đội, tôi có cảm tưởng là tuổi trẻ đang bị lừa dối bởi lý tưởng cộng sản, qua hệ thống chiến tranh tâm lý, nghệ thuật tuyên truyền, các tài liệu lịch sử được viết theo quan điểm của đảng.

Tôi đã tận mắt chứng kiến nhân quyền của người dân bị chà đạp lên, đất đai nhà cửa bị cướp trắng, biết bao công nhân phải sống với đồng lương chết đói. Biết bao thanh niên đã phải nằm xuống, hi sinh xương máu mình để đánh đuổi tư bản xanh, thì nay xã hội lại phát sinh ra những thế hệ tư bản đỏ còn tàn ác, bất công hơn gấp bội, đang sống trên mồ hôi nước mắt của nhân dân. Vì thế, tôi cảm thông sâu sắc trước bao gia đình đã từng hy sinh cả ba thế hệ để phục vụ cho cách mạng, trong đó có gia đình tôi, để rồi chính chế độ mà gia đình mình đã phục vụ ấy lại đang tâm đàn áp và trù dập chính gia đình mình. Không chỉ gia đình mình mà còn biết bao đồng bào mình, dân tộc mình! Đảng cộng sản tự hào đã giải phóng dân tộc được 31 năm, tự cho rằng dân tộc mình đã được độc lập, tự do rồi! Thế nhưng dân mình vẫn còn nghèo, dân trí mình vẫn còn thấp, đất nước bị xếp vào hạng tụt hậu nhất thế giới. Tại sao lại thế" Rất nhiều khi tôi tự hỏi như thế nhưng không tìm ra câu trả lời.

Khi chia tay quân đội với quân hàm cấp uý, tôi trở về quê nhà với biết bao dự định tốt đẹp. Nhưng khi lên Uỷ Ban Nhân Dân trình diện, xin tham gia công tác địa phương thì tôi bị từ chối. Mới ngày nào nhập ngũ, tôi còn nhớ lời hứa của đồng chí chủ tịch UBND phường: "Thanh niên phải có trách nhiệm bảo vệ tổ quốc. Tiễn các Đ/c lên đường, địa phương mong các Đ/c hãy rèn luyện cho tốt, an tâm tư tưởng xác định nhiệm vụ. Khi nào các Đ/c trở về địa phương, chúng tôi sẽ sắp xếp việc làm cho các Đ/c". Lời hứa ấy tôi nghe như mới hôm qua, sao hôm nay họ đối xử với mình xa lạ thế, lạnh lùng và vô cảm thế!"

Nuốt giận vào lòng, tôi ghi nhận thêm một dối trá nữa của chính quyền. Tôi tự nhủ: mình phải tự cứu lấy mình thôi, chả có ma nào cứu mình cả đâu! Vì thế, tôi lao vào học tập làm kinh tế, tìm hiểu về NGO, tức các chương trình phi chính phủ, phi lợi nhuận để tìm cách thoát cảnh nghèo, tự tạo việc làm cho mình. Thế là tôi đã tự mình sáng lập ra Câu lạc bộ Kỹ năng Thanh niên SIYB Hải Phòng và là một thành viên của Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam.

(Ghi chú: SIYB là từ viết tắt của Start And Improve Your Business: Hãy bắt đầu và cải thiện việc làm của bạn. Câu lạc bộ này là một chương trình của ILO [International Labour Organization = tổ chức lao động quốc tế] do quỹ SIDA [Swedish International Development Cooperation Agency = Cơ quan hợp tác Phát triển quốc tế của Thụy Điển] tài trợ, được VCCI [Vietnam's Chamber of Commerce and Industry = Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam] triển khai tại Việt Nam).

Nhưng số phận của tôi thật là nghiệt ngã: một tai nạn giao thông đã đến với tôi, khiến con đường thăng tiến và hoạt động của tôi bị trở ngại rất nhiều. Tôi bị chấn thương vùng ngực, bục ruột, gãy xương đùi trái, nhưng không được bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Nhìn đôi chân của mình không còn lành lặn, sức khỏe suy giảm, cảm giác chán nản, nhiều lúc tôi đã tìm cách tự hủy hoại bản thân mình. Nhưng nhờ gia đình và bè bạn động viên, tôi đã vượt qua được. Nuốt nước mắt vào bên trong, tôi luôn tự nhủ: mình là thanh niên, dẫu bị "tàn" nhưng nhất định không để bị "phế". Ý tưởng đó đã thôi thúc tôi tự vượt lên chính bản thân mình. Tôi luôn tự đặt cho mình câu hỏi: "Mình phải làm gì với quãng đời còn lại của mình đây""

Những ngày tập đi bằng nạng thật khó khăn, nhưng cuối cùng tôi đã đi đứng được trở lại tương đối bình thường. Hoạt động phi chính phủ và các mối quan hệ rộng rãi của tôi khiến nhà cầm quyền địa phương chú ý và gây khó khăn, nhất là công an kinh tế. Tôi bị Văn Sinh, đại diện cho báo Lao Động có văn phòng thường trú tại Hải Phòng, gây khó khăn. Đã vài lần Sinh đòi ăn hối lộ, cả hù doạ. Nghĩ rằng mình làm đúng, nên tôi chẳng có gì phải sợ hãi. Nhưng cuối cùng tôi cũng bị vu khống, lăng nhục, quy kết, chụp mũ. Tôi đã khiếu nại, nhưng chẳng những không được giải quyết mà còn bị đe dọa và cản trở việc khiếu kiện: suốt 6 tháng trời liên tục tôi phải làm việc với công an quận Hồng Bàng. Dưới quyền thụ lý của thiếu tá Lâm Văn Long, tôi bị gán tội buôn lậu, trốn thuế, lừa đảo, gián điệp của CIA, v.v..., bị khám xét hoạt động doanh nghiệp, bị thu giữ giấy tờ và những tài liệu bị cho là trái phép, các bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Trong thời gian đó, công an không đưa vụ việc ra tòa xét xử theo luật định, mà khuyên tôi không nên khiếu kiện nữa, đồng thời liên tục đe dọa, khủng bố nhằm cản trở tôi khiếu kiện. Họ không hề viết bài đính chính, xin lỗi, không bồi thường thiệt hại mà cũng không đưa ra kết luận tội gì. Tuy không bị xử phạt hành chính, nhưng tôi bị đánh đập và trả thù một cách hèn hạ, đến bây giờ vẫn chưa tìm ra thủ phạm, từ ngày 23 /07/2004 đến nay (12/07/2006). Tôi đã từng khiếu nại ở nhiều nơi, nhưng chẳng cơ quan nào chịu đứng ra giải quyết. Một sự im lặng rùng rợn!

Bị thiệt hại vật chất lẫn tinh thần, tôi lao vào nghiên cứu hồ sơ khiếu kiện, nhờ tích cực tham vấn các luật sư mà tôi trau dồi và hiểu thêm nhiều kiến thức pháp luật. Tôi biết được nhiều số phận còn đáng thương hơn tôi, khám phá ra tình trạng vi phạm nhân quyền đã và đang tràn lan một cách có hệ thống. Theo hiến pháp thì ai cũng có những quyền mà nhà nước phải tôn trọng và bảo vệ, nhưng trong thực tế cuộc sống thì ai cũng ít nhiều bị tước quyền và mất quyền. Cụ thể như quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do hội họp, v.v... Đặc biệt quyền dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Nhưng không những người dân không được bàn, được làm lại còn bị vu khống cho tội này hay tội khác nữa. Muốn có một cuộc sống yên ổn và làm những việc mình yêu thích đã khó rồi, khi mà cuộc sống phải lo kiếm ăn hàng ngày còn chưa đủ, nói chi tới chuyện mơ ước cao xa"! Biết bao bạn trẻ muốn vẫn muốn bỏ cái "thiên đường xã hội chủ nghĩa" này để trốn chạy, trong đó có không ít các con em cán bộ lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam. Thậm chí trốn chạy cả chính bản thân!

Để tìm niềm vui cho mình trong quãng đời còn lại, tôi tạm biệt quê hương Hải Phòng lên đường vào Sài Gòn, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, vận động người khác tham gia nữa. Tôi nghĩ: thế giới quá rộng lớn nên có rất nhiều việc phải làm: khi có tiền tôi sẽ học ngoại ngữ, cố kiếm một mảnh bằng đại học làm hành trang cho mình. Trong quân đội, tôi chỉ được học chuyên môn về quân sự, chưa có một tấm bằng đại học chính quy nào cả. Mẹ mất sớm, tôi phải tự bươn tự trải kiếm sống thật là chật vật. Những kiến thức kỹ thuật quân sự khó có thể kiếm được một công việc ngoài xã hội. Nhưng nhờ kiên trì, tôi đã xin được việc làm tại một công ty thiết bị điện, những mong cuộc sống ổn định. Tôi cũng dành nhiều thời gian để tìm hiểu các tôn giáo, tìm hiểu thế nào là dân chủ và tại sao phải đấu tranh cho nhân quyền.

Tôi nhận thấy nhiều người dân Việt bị gán cho những tội thật lạ lùng như: phản động, phản cách mạng, cấu kết với nước ngoài, âm mưu lật đổ chế độ, gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc... Tôi cũng quan tâm đến những vụ án được xét xử kín, thiếu công khai và minh bạch của các anh Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình. Tôi thắc mắc tại sao nhà cầm quyền không hành xử một cách khoan hoà, nhân đạo với những người dân đầy thiện chí ấy mà cứ cố tìm cách buộc tội và bỏ tù họ. Từ đó tôi nhận thấy dân tộc mình đang phải sống kiếp nô lệ cho những tư tưởng, những chủ thuyết giáo điều và phi nhân bản.

Tôi cũng quan tâm đến

-Những bậc trưởng lão về tôn giáo như: Cụ Lê Quang Liêm phật giáo Hòa Hảo, Hòa Thượng Thích Quảng Độ Viện trưởng Viện hóa đạo Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất...

-Những người bị oan ức mà chẳng thể được minh oan như trung tướng Trần Độ, cựu phó thủ tướng Đoàn Duy Thành...

-Những quyết định xử phạt hành chính vô tội vạ và vô trách nhiệm, không được một cơ quan nào có trách nhiệm giám định và chịu trách nhiệm, xử lý triệt để... Chẳng hạn cuốn "Hãy Trưng Cầu Dân Ý" với 5 tiểu luận của Phương Nam, một cuốn sách nói về dân chủ, một cuốn sách dám nói lên sự thật.

-Biết bao người dân không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ pháp lý. Biết bao người dân bị oan sai do một hệ thống cơ quan công quyền cố tình xuyên tạc, làm sai hiến pháp...

Do định chế, do chế tài pháp lý, do thiếu sự giám sát lẫn nhau, việc quy trách nhiệm, việc xử lý còn lỏng lẻo và thiếu công tâm dẫn tới tiêu cực và phạm tội của các cơ quan công quyền có tổ chức và có hệ thống, như vụ PMU18, Việt Nam Airlines, v.v...

Trường hợp của tôi là một điển hình. Tôi phải làm việc với cục chính trị 4, tổng cục an ninh, bộ công an... Vì thế, công ty của tôi trả lại hồ sơ và từ chối hợp tác. Từ đó, những chuỗi ngày đau khổ và khó khăn luôn tiếp diễn đối với tôi...

Vào hồi 11 giờ trưa ngày 19/06/2006 tôi đang trên đường về nhà tại quận 4, khi đi qua ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lý Tự Trọng, thấy đèn xanh đèn đỏ, tôi dừng lại và rút điện thoại ra tìm số. Bỗng có 2 tên mặc thường phục la lên: "Thằng kia là phóng viên!" Thế là họ xô té tôi, một tên cướp xe, một tên vừa bóp vừa bẻ tay tôi, rồi thò tay vô túi lấy điện thoại di động của tôi. Tôi la "cướp, cướp!" Lúc đó có một số phụ nữ gần đó chạy lại trợ giúp tôi, cản hai tên này lại. Rồi công an kéo tới, nhưng họ lại không giữ hai tên đã hành hung tôi, cướp tài sản của tôi và gây rối trật tự công cộng. Nhưng họ yêu cầu tôi về trụ sở công an để làm việc. Đây rõ ràng là một hành động không bình thường! Trong khi Việt Nam đang chuẩn bị việc bầu cử 2007 và một số sự kiện quan trọng, trong đó có việc Việt Nam chuẩn bị gia nhập (WTO), thì dường như có một thế lực nào đó với động cơ không rõ ràng, muốn vu khống chính trị, gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, cản trở hoạt động khiếu nại tố cáo, v.v...

Tôi đã từng là nạn nhân và là đại diện nguyên đơn trong một số vụ án dân sự. Tôi nghĩ đây có thể do tư thù cá nhân, họ mượn người khác để trù dập tôi.

Thấy mình không có gì sai, nên tôi không chịu về trụ sở công an theo yêu cầu của họ. Đoàn phụ nữ nãy giờ rất bất bình về việc họ lấy phương tiện, lấy chìa khóa xe... của tôi; họ đã chứng kiến hành vi vi phạm pháp luật của công an công khai như vậy, nên họ bênh vực tôi. Thấy có nguy cơ tắc nghẽn giao thông, nhóm công an mới cho tôi đi về.

Đám phụ nữ cảm thấy không yên tâm khi tôi về nhà một mình, nên họ đã đi theo tôi về nhà. Về đến quận 4 thì công an phường 12, cụ thể là đ/c Văn Phú Tấn xuất hiện, đòi kiểm tra giấy CMND của tôi. Sau khi coi xong, anh tạm giữ CMND của tôi và mời tôi về công an làm việc. Đoàn người lại tiếp tục kéo về trụ sở công an phường, đòi họ lập biên bản về việc hai công an mặc thường phục đã vi phạm hành hung tôi và họ sẵn sàng làm chứng cho tôi. Nhưng công an không cho họ vào trụ sở mà cô lập tôi. Họ tạm giữ tôi tới 23giờ 45 phút tối hôm ấy (19/06/2006).

Khi làm việc, họ thẩm vấn xem tôi có vai trò gì trong đoàn biểu tình. Khi biết tôi không có liên quan gì tới việc khiếu kiện của nhân dân Bến Tre, thì họ khám xét toàn bộ hành lý tư trang bất chấp sự bất đồng ý của tôi: tất cả giấy tờ, tài liệu bí mật kinh doanh của công ty, hồ sơ khiếu kiện đang tiến hành... đều bị kiểm tra. Họ còn xem cả sổ nhật ký và bí mật riêng tư của tôi, sổ tay ghi các số điện thoại của bạn bè và người thân đều bị thu giữ. Họ lập biên bản và hứa giao cho tôi một bản, nhưng cuối cùng lại không đưa. Thấy tôi vừa bất bình, vừa mệt mỏi vì không được ăn uống gì suốt từ trưa tới đêm, họ mới đi mua phở cho tôi. Tôi đề nghị cho tôi về nhà hôm sau sẽ làm việc tiếp, họ mới cho về.

Hôm sau họ lại hỏi tôi về những việc không liên quan gì đến đoàn biểu tình mà về nội dung sổ nhật ký của tôi và các mối quan hệ với những người có tên trong sổ điện thoại. Tôi thấy đây là hành vi vi phạm pháp luật hình sự của công an: xâm phạm quyền tự do của công dân, lợi dụng chức vụ quyền hạn để cản trở hoạt động khiếu kiện mà tôi là nguyên đơn trong một vụ án đang chuẩn bị đưa ra xét xử. Nhưng tôi vẫn chấp nhận vì không muốn gây phiền phức cho gia đình. Họ chụp mũ tôi một số tội mà họ biết rõ là không có thực. Ngày nào họ cũng mời tôi làm việc và hỏi tôi xem hôm qua đi những đâu, gặp ai, trao đổi những gì. Tôi phải làm việc với nhiều người lạ mặt mà không biết danh tính, nơi công tác của họ, và làm việc với tôi với mục đích gì. Tôi lo sợ và thắc mắc không biết việc họ thu giữ các tài liệu, sổ nhật ký của tôi có ảnh hưởng tới sinh mạng chính trị của ai không. Trong giấy mời làm việc thì nói tôi phải gặp đ/c Vũ là công an hộ khẩu của phường, nhưng khi đến làm việc thì tôi lại không làm việc với đ/c Vũ mà với những người khác. Biên bản thu giữ tài liệu giấy tờ của tôi họ không trả lại. Có đ/c còn mượn tôi một cuốn sách đến nay vẫn chưa trả.

Hôm sau tôi lại nhận được giấy mời làm việc với đ/c Vũ, nội dung là mang sổ KT3 (tức sổ tạm trú) lên để đối chiếu với sổ gốc. Tôi mang bản sao lên thì họ thu giữ luôn cùng với một đơn khiếu kiện mà không hề lập biên bản. Hôm sau nữa tôi lại có giấy giấy mời làm việc với Đ/c Vũ, nhưng đến 10 giờ 45 phút Đ/c Vũ mới về phường. Trong khi đ/c Vũ chưa về, tôi nói: "Hôm nay tôi chỉ phải làm việc với Đ/c Vũ, nếu người khác làm việc với tôi thì phải có giấy uỷ quyền hoặc xuất trình giấy tờ chứng minh là người của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Nhưng họ không trình giấy tờ gì cả.

Rút kinh nghiệm về việc đ/c Đoàn Duy Thành, như tôi được biết ông là một cựu phó thủ tướng mà còn bị vu khống chính trị, nên tôi sợ ảnh hưởng tới người thân, vì không biết những cán bộ này làm ở đâu, mà lại có những hành vi khuất tất, rất đáng nghi ngại. Thông thường những cán bộ công an khi làm việc họ đều xuất trình giấy tờ chứng minh là công an mà ngành công an cấp giấy, kể cả thanh tra cũng phải có thẻ miễn giữ, xét hỏi; còn những người này tôi không biết. Tôi xin được về nhà ăn trưa vì quá mệt mỏi, nhưng họ không cho về mà giữ tôi đến tận 4 giờ 30 phút chiều hôm ấy (29/06/2006).

Tôi liền gọi điện cho bạn bè và thông báo sẽ tuyệt thực để phản đối công an phường 12, quận 4. Vì cảnh sát khu vực không có quyền tạm giữ tôi khi tôi không hề vi phạm pháp luật; vì những người làm việc với tôi đều không liên quan theo giấy mời; vì họ cứ cố tình vi phạm pháp luật và tiếp tục giam giữ tôi. Tôi đang gọi điện thoại thì một người giật lấy điện thoại của tôi, rồi vu cáo tôi tội vu khống, và cũng không đưa biên bản cho tôi. Tài sản qúy nhất và là phương tiện liên lạc của tôi đó là chiếc điện thoại di động mà tôi là chủ thuê bao số 0983326718 thì họ giữ luôn, chưa trả lại. Trong các số điện thoại, có số của người hứa sẽ xin việc cho tôi, và nhiều người mà tôi cần quan hệ khác. Thật đau xót cho tôi khi được cảnh sát khu vực mời lên làm việc để rồi bị tạm giữ trái phép và bị giật điện thoại.

Ngày 16/09/2000 tôi đã dũng cảm bắt cướp tại đường phố Sài Gòn để trả lại tài sản cho người bị hại là một đoàn du khách người Nhật bản. Còn nay tôi bị giật điện thoại ngay tại trong trụ sở công an phường 12-Q4. Nếu nhân dân mà biết chuyện này, chắc chẳng bao giờ họ dám mang theo những đồ vật quý giá khi làm việc với công an. Không biết đảng và nhà nước có biết chuyện công an đã làm việc với tôi và đã làm việc với tôi thế nào trong những ngày vừa qua không" Thanh tra công an thành phố Sàigòn có biết hay không" Chỉ một cảnh sát khu vực mà có quyền mời công dân đi làm việc tính đến ngày 03/07/2006 là 09 ngày. Nhưng họ bất chấp luật pháp, cứ tiếp tục xâm hại quyền tự do của một công dân như tôi, tước đoạt những tài sản cá nhân và xâm phạm bí mật đời tư của công dân. Không ai giám sát, tiến hành xử lý họ cả.

Hiện nay tôi không có việc làm, không bảo hiểm y tế, không bảo hiểm xã hội, nếu cứ tiếp tục thế này tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hôm nay, tôi lại nhận được giấy mời ngày mai (07/7/2006) lên công an phường 12 để gặp Đ/c Vũ là cảnh sát khu vực.

Là một hội viên hội cựu chiến binh, lại là một thanh niên tàn tật, sinh ra sau ngày thống nhất đất nước, qua thông tin tôi được biết: sau cuộc chiến, chúng ta đã gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, bình thường hóa quan hệ với các nước thù địch. Vì thế, tôi mơ ước mình sẽ được đi tham quan nước Mỹ và những quốc gia đã từng bị coi là kẻ thù của mình, nhưng nay đã là những nước bạn thân thiện. Những nước này đã có nền dân chủ thực sự. Tôi sẽ đi bộ tại một số nơi bằng 2 chiếc nạng, trên đôi chân không được lành lặn của mình, thể hiện tình hữu nghị của những thế hệ trẻ sinh ra sau cuộc chiến, muốn được chung sống trong hòa bình. Tôi sẽ vận động cho việc thành lập hội đồng bảo vệ nhân quyền cho nhân dân Việt Nam, cho lộ trình dân chủ và vận động các tổ chức chính trị xã hội bảo vệ nhân quyền. Vì thế, vào ngày 30/06/2006 tại Sàigòn, tôi đã viết thỉnh nguyện thư nói lên mong ước có một hội đồng bảo vệ nhân quyền cho nhân dân Việt Nam. Tôi muốn có cơ hội học ngoại ngữ, tham quan các cô nhi viện nuôi dạy trẻ mồ côi, học hỏi kinh nghiệm và phương cách hoạt động dân chủ của họ.

Nhưng tôi luôn gặp khó khăn do phải làm việc liên tục với công an. Nếu tôi vi phạm pháp luật thì tôi yêu cầu được đưa vụ việc ra xét xử công khai, minh bạch. Nếu tôi không vi phạm, thì đề nghị công an phải sớm trả lại cho tôi những tài sản đã bị tước đoạt trái phép tại trụ sở công an phường 12- Q4.

Tôi khẩn thiết kiến nghị các cơ quan chức năng và bảo vệ nhân quyền trong nước và quốc tế có thẩm quyền can thiệp giúp đỡ tôi. Xin hãy tác động tới thanh tra công an Tp. Sàigòn xác minh, làm rõ trách nhiệm của công an phường 12 quận 4 và những cán bộ có liên quan, để sớm có kết luận và xử lý những cán bộ vi phạm để làm gương cho những cán bộ công an khác.

Xin chân thành cám ơn Quý Vị, và chúc Quý Vị luôn an mạnh.

Ngày 06/07/2006

Lê Trí Tuệ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.