Hôm nay,  

Một Thứ Kỳ Thị Nam Bắc Mới

24/07/200600:00:00(Xem: 1477)

Kỳ thị Bắc Nam không đơn thuần chỉ do địa lý, nguồn gốc nơi sanh. Kỳ thị Nam Bắc còn do một số yếu tố văn hoá, lối sống, tuy trừu tượng nhưng sâu sắc hơn. Như kỳ thị Bắc Nam theo nghĩa nghèo giàu trên thế giới mà chính Liên Hiệp Quốc cũng thấy và ra công hoà giải. Đa số các nước ở Nam bán cầu, chậm phát triển, nghèo hơn các nước Tây Âu, Bắc Mỹ ở Bắc bán cầu. Thời CS ở VN nảy sinh một thứ kỳ thị Nam Bắc mới. Đó là kỳ thị Nam Bắc trên phương diện ý thức hệ chánh trị mà Ô. Huỳnh văn Lang đã ghi nhận trong tác phẩm' “Đã Hơn 30 Năm Rồi" vừa ra mắt ở Little Saigon.

Nước VN là một quốc gia bề dài nam bắc nhiều lần hơn bề ngang đông tây. Dân tộc VN là một dân tộc lâu đời. Thực dân cũ mới và tự thực dân đã nhiều lần dùng chánh sách chia để trị. Do vậy khó mà tránh khỏi nạn kỳ thị. Kỳ thị Bắc Nam là một từ ngữ người Việt tế nhị tránh không dùng. Nhưng thực sự nó là một cảm nghĩ rất người, rất xã hội. Việc mổ xẻ là cần thiết để tránh những thái độ và hành động làm mất tình đoàn kết giữa những người con cùng một mẹ VN. Thời đệ nhứt Cộng Hoà một triệu đồng bào Miền Bác di cư vào Miền Nam. Chánh quyền dù cố gắng thế mấy cũng khó tránh được cú sốc văn hoá, hiểu theo nghĩa lối sống của hai đồng bào di cư và tại chỗ.

Trong nhà, người viết bài này nhớ lại khi rủ một bạn học trung học gốc Bắc di cư ở  Cái Sắn về nhà chơi. Má của người viết bài này rất vui nhưng nghe người người bạn của con nói "trọ trẹ",  hỏi con mình "thằng bạn mầy có phải là người Việt không". Và sau khi làm và dọn một bữa cơm đủ cá thịt đãi bạn của con, anh bạn này theo thói quen ở Miền Bắc lại lễ phép thưa "xin mời Bác xơi cơm". Người đàn bà đặc sệt Miền Nam cười vui vẻ, "hịt hạt" nói, "Cơm của tao mà bây mời tao à." Nhưng chỉ một thế hệ sau, chính người đàn bà đặc sệt Miền Nam đó đứng ra làm chủ hôn, buộc con trai phải làm suôi cưới cho được người bạn gái gốc Bắc di cư cho đứa cháu nội trưởng Nam của mình. Đứa chắc nội sinh ra lai Bắc di cư, Bà Cố thương đến nổi vào bảo sanh ngày đêm để săn sóc. Và chính người đàn bà Nam đặc sệt này thường lấy cô cháu nội dâu lai Bắc kỳ ra làm gương để dạy "bầy cháu nội” gái lẫn trai.

Còn ngoài xã hội, không thể chối cãi những đụng chạm văn hóa có lúc rất gay gắt giữa những nhân viên chánh phủ thời đệ nhứt và đệ nhi cộng hoà. Mãi đến khi mặc thị chấp nhận thoả hiệp vai trò quan trọng thứ hai là chức Thủ Tướng dành cho người miền Nam, tương đối mới đề huề. Và khi VNCH không còn nữa, dân Miền Nam ba triệu người Nam lẫn Bắc, Trung di tản ra ngoại quốc, ôm nhau mà khóc và gạt nước mắt biến đau thương thành hành động chống lại CS đang cào bằng văn hoá hay lối sống Miền Nam. Không còn Bắc rau muống, Nam dá sống, Trung măng le gì nữa. Tất cả tiếp tục phát huy truyền thống văn hoá đất nước ông bà để lại đã được đệ nhứt và đệ nhị Cộng hoà VN phát huy và tập thể người Việt Hải ngoại gìn giữ dù cách xa quê nhà nửa vòng trái đất.

CS Hà Nội sau khi tóm thu được cả nước có một văn hoá, lối sống riêng. Đó là lối sống theo chủ thuyết Mắc Lê mà Ô Hồ chí Minh là người du nhập bằng chiến tranh khói lửa và đấu tranh giai cấp trước đó vào  Miền Bắc. Buổi ban đầu CS Hà nội chiếm được Saigon, Trường Chinh vào Nam mới bước cẳng xuống Tân sơn Nhứt là nói nghe nực mùi tư sản. Đỗ Mưới vào Nam đóng vai trò Thái Thú Tô Định đánh tư sản mại bản, rồi tư sản dân tộc Việt và người Việt gốc Hoa, chở "đồ" về Miền Bắc, cào bằng kinh tế, chánh trị, văn hoá, xã hội của Miền Nam. Mãi sau khi kiệt quê bị "dứt sữa" vì, CS Nam mới ngoe ngoe và cứu nguy kinh tế được và nhờ thế Bắc tiến dần dần.

Ông Huỳnh văn Lang, một người có ăn học ở Miền Nam đã dùng ba chuyến đi cộng lại hơn 365 ngày để khảo cứu nhiều việc sau 30 năm nước nhà VN bị CS cào bằng. Khám phá sâu sắc của Ong là nạn kỳ thi Nam Bắc trên bình diện văn hoá. Việc này Ô Huỳnh văn Lang viết rõ trong tác phẩm "Đã Hơn 30 Năm Rồi". Ô Nguyễn thanh Liêm, một người gia công nghiên cứu văn hoá nhận định và nói nạn kỳ thi Nam Bắc về ý thức hệ như sau. "Sách do chính tác giả trình bày và xuất bản với hình bìa độc đáo là hình phân nửa lá cờ đỏ sao vàng của Cộng Sản Việt Nam, nằm bên phân nửa nền vàng tượng trưng cho nước Việt tự do. Theo sự giải thích của tác giả thì đây là hình ảnh diễn tả hoàn cảnh thực sự đã và đang xảy ra ở Việt Nam từ 1975 đến giờ: Miền Bắc cai trị, đô hộ Miền Nam. Hai tiếng Miền Bắc và Miền Nam ở đây, theo tác giả, không mang ý nghĩa miền địa lý mà mang ý nghĩa ý thức hệ, một bên là chủ nghĩa Mác-Lê và một bên là chủ nghĩa tự do, dân chủ. Miền Bắc chỉ Cộng Sản Bắc Việt theo chủ nghĩa Mác-Lê. Miền Nam là Miền Nam tự do trong tinh thần nhân bản, dân chủ. Theo ý nghĩa này, một người dù sinh trưởng ở Miền Nam như Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, v v . . . nhưng nếu đã theo Cộng Sản Bắc Việt thì phải được kể như người Miền Bắc, thắm nhuần văn hóa cộng sản. Ngược lại những người, tuy sinh trưởng ở Miền Bắc, nhưng theo chủ nghĩa dân chủ tự do, chống chủ nghĩa cộng sản, thì phải được xem như người Miền Nam, theo văn hóa tự do đa văn hóa của miền Nam. Miền Bắc cai trị/đô hộ Miền Nam có nghĩa là Bắc Việt với ý thức hệ cộng sản đang đô hộ Miền Nam với ý thức hệ dân chủ tự do. Đó là ý nghĩa của hình bìa và hai từ ngữ Miền Bắc và Miền Nam dùng trong tác phẩm này."

Và nhận định đó không phải chỉ riêng của một số người như Ô Huỳnh văn Lang và Nguyễn thanh Liêm. Mà đa số người Việt trong nước cũng như ngoài nước không phân biệt Bắc, Nam, Trung, hải ngoại yêu tự do, dân chủ, nhân quyền - không chấp nhận CS cũng có cảm giác như vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.