Hôm nay,  

Việt Nam Ngày Nay

29/07/200600:00:00(Xem: 2576)

Chúng tôi hân hạnh được thưa chuyện cùng Quý vị một đề tài luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của mỗi người trong chúng ta. Đó là vấn đề phát triển Việt Nam. Có lẽ Quý vị cũng như chúng tôi thường tự đặt câu hỏi trong đầu là: Việt Nam đã không còn chiến tranh từ hơn 30 năm qua, đất nước hòan tòan thống nhất và tất cả tài nguyên quốc gia đều nằm trong tay đảng CS, nhưng tại sao Việt Nam vẫn còn xếp hạng cùng với những quốc gia cùng đinh nhất thế giới" Tự hỏi để cùng chiêm nghiệm những bế tắc của nước nhà.

Chúng tôi xin mạn phép đóng góp vài ý kiến và cố gắng trả lời câu hỏi trên.

Từ năm 1975 trở đi, trong mỗi chu kỳ 5 năm, đảng CS đã lên kế hoạch và thực hiện chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch. Nhưng cho đến hôm nay, quả thật chúng tôi chưa thấy chỉ tiêu trong kế hoạch nào được hòan tất và dĩ nhiên trong báo cáo thường niên, tất cả những con số thống kê, chỉ tiêu đều được ghi nhận là đạt hay vượt kế hoạch. Bịnh nâng cao thành tích, bịnh báo cáo không chính xác, cùng với bịnh tham nhũng chính là ba cơn bịnh trầm kha nằm trong não trạng của hầu hết nếu không nói là tất cả đảng viên trong đảng CS Việt Nam.

Ngay trong kỳ nhóm họp đại hội đảng lần thứ X vừa qua, đại hội đã "bầu ra" (") 160 ủy viên Trung ương đảng chính thức và 21 dự khuyết, cùng 14 ủy viên Bộ chính trị. Nhưng trong số 195 ủy viên đó, không có uỷ viên nào nắm lấy ba lãnh vực then chốt trong công cuộc phát triển quốc gia trước tiến trình tòan cầu hóa hiện tại. Chúng tôi muốn nói đến lãnh vực giáo dục, y tế, và môi trường.

Được biết các lãnh vực nói trên đều được Thủ tướng Việt Nam là Phan Văn Khải, trong chuyến công du Hoa Kỳ vào tháng 6, 2005 đã thảo luận cùng Tổng thống HK và ba lãnh vực trên  nằm trong 6 vấn đề trao đổi giữa hai bên. Tuy nhiên trong hiện tại, có lẽ đối với đảng CS, ba lãnh vực then chốt trên không được họ xem là ưu tiên hàng đầu so với các vấn đề như ngăn chận sự xâm nhập của mọi thế lực thù địch từ bên ngoài(") hay các diễn tiến hoà bình có thể gây xáo trộn đất nước! Và, đối với họ, phát triển Việt Nam là làm đủ tất cả mọi phương cách để đem lại lợi nhuận trước mắt và nhất thời; mặc dù lợi nhuận đó không được chia xẻ đồng đều cho người dân như cải thiện nền giáo dục còn lạc hậu hiện tại, nâng cấp hệ thống y tế công cộng để cho người dân đặc biêt là nông dân có được sự an tòan y tế tối thiểu, và cấp bách hơn nữa, cải thiện môi trường Việt Nam để cho người dân có khả năng tiếp cận được nguồn nước sạch và sự an toàn thực phẩm trong sinh hoạt hàng ngày vì đây là hai điều kiện sống tối thiểu của con người qua định nghĩa của LHQ.

Đó chính là ba vấn nạn đã kéo dài từ hơn 30 năm nay, dù có lạc quan và tích cực như thế nào đi nữa, chúng tôi vẫn không thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm. Trong phạm vi giới hạn của bài nói chuyện hôm nay chúng tôi không thể phân tích chi tiết  từng vấn nạn một, nhưng chúng tôi có thể chia xẻ cùng quý vị một vài nét điển hình trong từng lãnh vực.

Trước hết về mặt giáo dục, từ chương trình học bậc tiểu học cho đến đại học đều do đảng chỉ định. Về chuyên môn vẫn còn nặng nề và từ chương, thiếu thực dụng và không thích ứng với điều kiện Việt Nam. Về nhân sự, đảng vẫn còn coi trọng hồng hơn chuyên, do đó nhiều cán bộ khiếm khuyết chuyên môn nhưng vẫn giữ những vai trò lãnh đạo then chốt. Thêm nữa, nhiều bộ môn giảng dạy hòan tòan không có ý nghĩa trong công cuộc chấn hưng đất nước như chính trị và lý thuyết đảng, triết học Mac-Lênin, tư tưởng HCM… v.v… .. vẫn còn là điểm gạn lọc học sinh, sinh viên trong những kỳ thi. Còn chế độ thi cử quá nặng nề, các em phải thi vào lớp 6, lớp 10, thi trung học phổ thổng, và thi vào đại học hay cao đẳng.

Còn người thầy giáo XHCN thì sao" Người thầy ở đây chỉ hành xử như một người nhai lại kiến thức và phổ biến cho học trò những "sấm truyền" trong sách giaó khoa, ngay cả những điều sai trái trong sách cũng không được nói khác đi... vì những gì ghi trong sách đã là "chân lý bất di bất dịch".

Chúng tôi xin đan cử một vài thí dụ điển hình để nói lên một số tệ trạng trong hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện tại. Giáo sư thạc sĩ tin học Phan Thị Ngọc Sơn bị kết án ba năm tù vì đã sữa điểm cho sinh viên tốt nghiệp cao học, để đổi lấy 11 triệu đồng. Khi bị khám phá, vị giáo sư nầy bào chữa vì thương học trò! Còn ông Lê Trái Khoá, Phó Chánh tranh tra nhà nước tỉnh Quảng Bình đã được chấm đậu Cao học từ tháng 4, 2006 tại Huế qua việc nhờ một người khác đi thi thế cho. Nhưng khi bị đổ bể ngay sau đó, ông viện lẽ là bận công tác đảng cho nên phải nhờ người khác thi hộ. Và gần đây nhất, một ủy viên Trung ương đảng tên Đào Ngọc Dung bị bắt quả tang trong kỳ thi tuyển sinh vào ban tiến sĩ qua môn thi hành chánh công ngày 27 tháng 5, 2006. Nhưng ngay sau đó Trung ương đảng lại "khẳng định" là đồng chí ĐNDung không có gian lận!

Rõ ràng là những lý lẽ biện minh cho các việc làm sai trái trên đều là những ngụy biện, phơi bày một não trạng bất bình thường và không còn phân biệt được hành vi đúng sai, phải trái dựa theo một chuẩn mực nào cả. Trong ba trường hợp trên, các đương sự gồm cán bộ giáo dục, cán bộ nồng cốt cấp tỉnh, và cán bộ cấp trung ương  (tòan quốc chỉ có 195 cán bộ mà thôi). Tất cả là đỉnh cao của trí tuệ của chế độ đủ để hình dung tệ trạng giáo dục trên tòan xã hội hiện nay.

Bước qua lãnh vực y tế, nhìn lại tình trạng chung, hầu hết các cơ sở y tế đều đã có sẳn từ trước 1975. Nếu có thêm chỉ là những cơ sở tân tiến, khang trang ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội. Và tại những bịnh viện nầy, chi phí cho tiền phòng lên đến vài trăm Mỹ kim cho một ngày, chưa nói đến chi phí chữa trị, làm sao có thể phục vụ người công nhân viên chức với số lương trung bình $50 hàng tháng. Hiện tại, xã hôị Việt Nam vẫn không có chính sách y tế công cộng cho tuyệt đại đa số người dân nghèo. Ở thành phố, mặc dù vẫn có nhà hộ sinh, bịnh viện công cộng, nhưng muốn được vào khám hay nằm, người dân phải chi tiêu qua nhiều ngõ ngách khác nhau, từ thầy cò bên ngoài cho đến y tá, bác sĩ và cán bộ hành chính của bịnh viện. Còn chi phí, thuốc men chữa trị, gia đình bịnh nhân phải chaỵ tìm  mua ngoài chợ trời.

Ở những vùng xa như nông thôn, hệ thống y tế hầu như không có mặt, và nếu có chỉ là một cái chòi xiêu vẹo với một bảng hiệu y tế mốc meo. Còn nhân viên y tế có lẽ còn bận công tác đảng cho nên thường xuyên không có mặt!

Sau cùng, một trong ba vấn nạn trên là môi trường. Môi trường Việt Nam hiện tại là nạn nhân trực tiếp của việc phát triển Việt Nam từ khi có chính sách mở cửa năm 1986 trở đi.

Nhìn lại hơn 30 năm quản lý môi trường 1975 - 2006 của một quốc gia Việt Nam thống nhất, đất nước đã được gồm thu vào một mối, công cuộc điều hành quốc gia được tóm gọn vào một chiều hướng duy nhất: Phát triển quốc gia theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Dù cố gắng tối đa để có một nhận xét tích cực, nhưng quả thật, Đất Nước Việt Nam đang đi dần đến bế tắc, nhất là 20 năm sau khi có kế hoạch mở cửa từ năm 1986.

Phát triển Việt Nam trong nông nghiệp và chăn nuôi để phục vụ cho nhu cầu xuất cảng để có một số ngoại tệ nặng, nhưng cán cân chi thu vẫn làm cho Việt Nam càng thiếu hụt thêm ra theo thời gian mặc dù có rất nhiều nguồn vốn đầu tư do ngoại quốc đổ vào. Việc xuất cảng hàng năm trên năm triệu tấn gaọ, thu nhập vào khoảng hơn 1 tỷ Mỹ kim, liệu có cân bằng được việc nhập cảng 9,5 tấn phân bón, cùng hàng trăm ngàn tấn hóa chất bảo vệ thực vật để có được lượng gạo xuất cảng trên hay không" Hay đó chỉ là một chính sách quản lý bao tử của người dân bằng cách bảo đãm một mức sống tối thiểu cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước"

Việc xuất cảng hàng năm trên 1 tỷ Mỹ kim qua việc xẻ gỗ đã để lại quá nhiều vấn nạn môi trường cho sự thất thoát rừng và những hệ lụy như hạn hán và ngập lụt. Thử hỏi mức thu nhập nầy có thể khỏa lấp được những mất mát do vấn nạn trên hay không" Hay nguồn tài nguyên căn bản của đất nước đang bị hao mòn dần"

Theo một báo cáo mới nhất về Chỉ số Môi trường Bền vững 2005 (2005 Environmental     Sustainability Index) do Diễn đàn kinh tế nhóm họp tại Davos (Thụy Sĩ) vào tháng 3, 2005, Việt Nam đã đứng cuối bảng trong 8 quốc gia ASEAN. Đó là Malaysia đứng đầu với 54,0 điểm, Miến Điện 52,8, Lào 52,4, Campuchia 50,1; và Việt Nam đứng chót bảng với 42,3 điểm. Chỉ số trên đo đạc do nhóm giáo sư ở Đại học Yale và Columbia (Hoa Kỳ) thực hiện, căn cứ vào 21 chỉ số môi trường như sau: khí thải nhà kính, phẩm chất nước, không khí, đất, sức khỏe môi trường, trình độ khoa học và công nghệ, khả năng quản lý tài nguyên, khả năng giải quyết áp lục môi trường v.v... So với 117 quốc gia đang phát triển trên thế giới, Việt Nam được xếp vào hạng 98.

Qua ban vấn nạn điển hình đang đè nặng lên đất nước, cho đến ngày hôm nay, Việt Nam vẫn tiếp tục đi trên con đường mòn cũ mà đảng CS Việt Nam đã vạch ra từ hơn 30 năm qua cho miền Nam và hơn 60 năm cho miền Bắc. Ngay cả sau khi đaị hội đảng lần thứ X vừa qua, tình trạng cũ vẫn còn tồn tại. Mọi khiếm khuyết, mọi lỗi lầm, mọi vi phạm đều được lý giải bằng những mỹ từ đẹp đẽ để phủ nhận trách nhiệm. Tất cả đều là lỗi do "cơ chế". Mà đi đến đâu cũng chỉ thấy lỗi do cơ chế mà thôi. Mà xin hỏi: người làm ra cơ chế là ai"  Chính là đảng CS Việt Nam vậy.

Vậy, việc cần phải thay đổi một cơ chế không còn hợp lúc, hợp thời nữa chính là việc cần phải thay đổi đảng CS Việt Nam trong lãnh vực điều hành quốc gia.

Có được như vậy, mới hy vọng Việt Nam có thể vượt qua những rào cản cơ chế hiện tại do đảng CS đề ra.

Có được như vậy, Việt Nam mới có cơ may và hy vọng nhìn thấy ánh bình minh trong tương lai.

Mai Thanh Truyết

Kỷ niệm Ngày Phân chia Đất Nước 20/7/2006

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.