Hôm nay,  

Thêm Một Nhà Leo Núi Úc Bị Nạn Sau Khi Một Người Thoát Chết!

06/06/200600:00:00(Xem: 1459)

ÚC ĐẠI LỢI: Cách đây hai tuần lễ, Sue Fear đã leo gần tới đỉnh ngọn núi cao thứ tám của thế giới, Mount Manaslu ở Nepal, chỉ còn cách 150 mét và đã phải quay xuống. Cảm thấy mệt mỏi và luôn luôn chấp nhận sự giới hạn của cơ thể mình, người phụ nữ 43 tuổi leo núi hàng đầu của nước Úc đã leo xuống trại căn cứ (base camp). Sau khi nghỉ ngơi và lấy lại sức khỏe, cô đã leo lần thứ hai và đã thành công khi lên tới đỉnh núi ngày Chủ nhật.
Nhưng trong khi leo xuống, cô Fear và người dẫn đường, Bishnu Gurung, đã rơi xuống một vết nứt trên mặt băng. Ông Gurung, một người Nepal, đã có thể leo lên khỏi vực sâu này, nhưng tình trạng và vị trí của cô Fear vẫn chưa biết. Gia đình và các người bạn của cô ta đang rất lo lắng chờ đợi tin tức. Tai nạn này xảy ngay khi người bạn của cô, Lincoln Hall, được tìm thấy còn sống sót sau khi được tuyên bố đã chết trên dẫy núi Everest, và hiện đang được chuyển tới Kathmandu. Trong năm ngoái cô Fear và ông Hall đã cùng nhau phát hành một cuốn sách.
Ngày hôm qua ông Hall đã rời trại căn cứ để đến biên giới Tibet-Nepal. Đến sáng hôm nay, được đi kèm bởi một bác sĩ, ông ta sẽ vượt cây cầu Friendship Bridge để đến Nepal, và tại nơi đó ông sẽ được đón bởi viên đại sứ Úc, Graeme Lade. Ông Dawa Sherpa, người điều hợp cuộc leo núi này, cho biết: “Tình hình rất khả quan. Ông Hall đã thoát khỏi sự nguy hiểm. Ông ta bị hoại thư (frost bite) ở các ngón tay và rất khó chịu vì phù não, nhưng không cần oxygen khi về đến trại căn cứ.” Ông Dewa nói thêm rằng: “Lincoln là người rất mạnh khỏe còn sống sót từ độ cao đó và các hành động giải cứu rất đáng được ca ngợi.”
Bà Sue Badyari, một người bạn thân của cô Fear và là giám đốc của World Expedition, cho biết một cuộc cấp cứu đang được hoạch định nhưng phải chờ ông Gurung trở về thì mới biết chính xác vị trí xảy ra tai nạn. Bà Badyari nói rằng: “Chúng tôi mong đợi người hướng dẫn leo núi (sherpa) này về tới trại căn cứ buổi chiều hôm nay. Tin tức duy nhất mà chúng tôi có được đến lúc này là cô Fear đã leo tới đỉnh núi và tại một nơi nào đó trên đường leo xuống cô và Bishnu đã rớt xuống một khe nứt rất sâu trên mặt băng.”


Cô Fear, một cư dân Wollstonecraft, Sydney, là phụ nữ Úc thứ hai đã leo Mount Everest và là một người bạn của ông Hall. Ông ta đã giúp cô viết cuốn tự truyện “Fear No Boundary”, được xuất bản trong năm ngoái. Cũng trong năm ngoái cô Fear được trao tặng huân chương Order of Australia vì các thành tích trong hoạt động leo núi và làm công việc từ thiện cho tổ chức Fred Hollows Foundation. Cô được các người bạn miêu tả là người phụ nữ đem lại nguồn cảm hứng cho nhiều người khác. Bà Dadyari cho biết cô Fear đã hướng dẫn các cuộc leo núi của World Expedition trên 10 năm qua và luôn luôn được khen ngợi. Cô Fear cũng đã được tuyên dương là “Adventurer of the Year” trong năm 2003 của Australian Geographic.
Trước khi thực hiện cuộc leo núi này cô đã nói với Australian Geographic rằng ngọn núi Manaslu có những cơn gió mạnh và mưa tuyết rất nặng hạt, điều này làm cho “thử thách vốn đã gây sợ hãi” càng gay go hơn nữa. Ông Ringi Nurbu Sherpa, thuộc tổ chức leo núi Sea to Summit Trekking, đã quen biết cô Fear 16 năm qua. Ông ta cung cấp lều và mọi vật dụng cần thiết và sắp xếp ông Gurung, một nhà leo núi nhiều kinh nghiệm, đi theo cô Fear. Đây là lần đầu tiên ông Gurung leo ngọn núi Manaslu nhưng ông ta đã leo tới đỉnh của ngọn núi Cho Oyu cao 8135 mét.
Bà cụ 83 tuổi Elizabeth Hawley, người ghi chép các cuộc thám hiểm leo núi, cho biết cô Fear đã đến gặp bà để tặng cuốn tự truyện của cô. Bà Hawley nói rằng ngọn núi Manaslu có tỷ lệ tử vong rất cao, phần lớn liên hệ đến các cái chết của một đoàn leo núi Nam Hàn đã kết thúc thê thảm cách đây hơn 30 năm. Ông Andrew Peacock  một nhà leo núi và cũng là một bác sĩ đã chinh phục ngọn núi này- giải thích rằng mặc dù nó không bị xem là khó leo về mặt kỹ thuật, Manaslu có nhiều mối nguy hiểm khác như các trận tuyết lở (avalanche) và các tảng băng có thể rơi bất cứ lúc nào.
Bác sĩ Peacock nói rằng: “Rất kỳ lạ, Manaslu không có nhiều các vết nứt sâu trên mặt băng (crevasses). Nhưng phải thật thận trọng để tránh chúng, dù chúng có nhiều hoặc ít. Thật rất khó để nhìn thấy chúng nếu điều kiện thời tiết quá xấu, và bạn có thể bất thình lình nhận thấy đang đứng ngay trước một vết nứt sâu mà không hề biết trước.” Ngày hôm qua, đại sứ Lade cho biết đã nhận được một báo cáo cô Fear đã chết trong một tai nạn nhưng đang chờ thêm tin tức. Đại sứ Lade cũng nói ông sẽ đi đến Kodari để gặp ông Hall ở đó vì có một sự quan tâm rất cao ở Úc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.