Hôm nay,  

Tin Văn: V.s. Naipaul: Hai Thế Giới (5, Kỳ Chót)

15/01/200200:00:00(Xem: 8205)
Diễn văn Nobel văn chương 2001 (ngày 7 tháng Chạp 2001).

Tới một ngày, tôi bỗng nảy ý nghĩ, tại sao không bắt đầu thử nghiệp viết của mình, từ đường phố Port de Spain, nơi chúng tôi từ tỉnh lẻ Chaguanas dắt díu nhau tới. Chẳng còn cái cổng sắt để mà tống khứ thế giới ra bên ngoài rồi đóng sập lại. Cuộc sống đường phố mở rộng tay chào đón, và mời tôi kể về nó. Thật tuyệt vời, khi ngồi từ hàng hiên nhìn ra mặt lộ. Tôi bắt đầu viết, từ hàng hiên đó. Tôi viết thiệt lẹ, tránh chuyện nhìn lại những trang đã viết, và tôi giản đơn mọi chuyện. Tôi bỏ đi chuyện đời riêng, của tay kể chuyện trẻ tuổi. Tôi vờ đi những phức tạp do màu da và do điều kiện xã hội, và chỉ trình bầy những con người, như họ xuất hiện trên đường phố. Tôi chẳng giải thích gì hết, và cứ thế dí sát mắt xuống mặt đường, thì cứ nói như vậy. Mỗi ngày tôi "chơi" một truyện. Năm truyện đầu thật ngắn, và tôi bắt đầu tự hỏi, hay là mình cạn láng rồi. Rồi thì nàng tiên, hay ông Bụt xuất hiện, và giơ lên cây đũa thần; tôi muốn nói, điều huyền ảo của cái gọi là "viết". Chất liệu từ đủ thứ ngõ ngách, xó xỉnh, cứ ào ào đổ xô tới. Những câu chuyện dài ra, và thật vô phương, mỗi ngày chơi một truyện. Sau cùng, hứng khởi, vốn ngày nào còn mỉm cười với tôi, nay như "về Trời" cùng với ông Bụt. Cây viết của tôi thế là teo lại, nhưng chẳng sao, tôi đã viết xong một cuốn sách, và dù thế nào đi chăng nữa, đã trở nên một nhà văn, ít nhất là với chính mình.

Khoảng cách giữa nhà văn và cái giếng chất liệu của người đó thật rõ rệt, ở trong hai cuốn tiếp theo; tầm nhìn của y/thị rộng hẳn ra. Rồi thì trực giác xúi tôi chơi một cuốn có bề dầy tầm cỡ, về gia đình mình. Tham vọng nhà văn cũng hò theo. Khi viết xong cuốn sách, tôi có cảm tưởng mình là một con tằm đã bị rút hết, không những tơ mà luôn cả ruột, nghĩa là, cuốn sách chơi sạch cái vốn liếng ở đảo của tôi. Tôi trăn trở hoài, nhưng chẳng một câu chuyện nào bật ra nữa.

Tới đây, không phải hứng khởi, mà là sự tình cờ đã cứu tôi. Tôi trở thành một du lịch gia. Tôi du lịch vùng đảo Caribbean, và tôi càng hiểu thêm, cái gọi là cơ chế thuộc địa mà tôi có phần ở trong đó. Tôi tới Ấn Độ, quê hương của tổ tiên tôi, và ở đó một năm; cuộc du lịch bẻ cuộc đời tôi ra làm đôi. Những cuốn sách mà tôi viết về hai cuộc du lịch kể trên, như đẩy tôi lên một mức, tới những miền cảm xúc mới mẻ, cho tôi một viễn tượng về thế giới mà tôi chưa hề có được, trước đó; mở rộng tôi, về cách viết. Trong cuốn tiểu thuyết tiếp theo đó, tôi đã tự cho phép mình "trói voi bỏ rọ", nghĩa là khoanh tròn ở trong đó, cả xứ Ăng Lê lẫn vùng đảo Caribbean - ôi công việc mới gian nan làm sao! Tôi cũng đề cập được hầu hết những nhóm sắc tộc ỏ trên đảo, điều mà trước đây hầu như bất khả đối với tôi.

Cuốn tiểu thuyết mới này đụng tới sự tủi nhục và "tuồng ảo hóa" (tạm dịch từ "fantasy, fantasme") ở những xứ sở thuộc địa; đúng ra, đây là một cuốn sách về điều, tại sao những kẻ không có một chút quyền lực lại nói dối về chính họ, và với chính họ: bởi vì đây là tài nguyên độc nhất (their only resource) mà họ có được. Cuốn tiểu thuyết có cái tên "Những Kẻ Bắt Chước" (The Mimic Men). Và nó không phải về những sự bắt chước, mà là về những con người ở những xứ sở thuộc địa "làm trò khỉ", nghĩa là bắt chước làm người, làm ra vẻ mình có thân phận con người. Và những con người như thế đó, sau cùng đi tới chỗ chẳng còn tin tưởng về bất cứ chuyện gì liên quan tới họ. Mới đây, tôi được người ta đọc cho nghe một vài đoạn ở trong đó - đã hơn ba chục năm tôi chẳng rờ tới cuốn sách - và tôi chợt hiểu ra rằng: đây là về chứng thần kinh phân liệt ở những xứ thuộc địa. Trước đây, tôi không để ý đến chuyện này, là do tôi không hề sử dụng những từ trừu tượng để mô tả bất cứ một toan tính văn chương nào. Nếu có, chắc là tôi chẳng thể nào viết nổi cuốn sách đó. Nó đã được viết bằng trực giác, và hoàn toàn do quan sát, theo kiểu tôi đã nói ở trên: dí sát mắt xuống mặt đường.

Tôi kể sơ qua cõi văn đầu đời của mình như trên, là để cố gắng trình bầy cho quí vị thấy, qua từng giai đoạn, nơi chốn tôi ra đời đã biến đổi và phát triển ở trong những gì tôi viết ra: từ cõi têu tếu, tức cười của cuộc sống nơi đường phố tới một thứ nghiên cứu chứng thần kinh phân liệt tổng quát. Cái giản dị bỗng biến thành phức tạp.

Hai thể loại tiểu thuyết và du ký đã đem đến cho tôi một cách nhìn, và bạn sẽ hiểu tại sao đối với tôi, mọi hình thức văn chương đều có giá trị như nhau. Tôi lấy thí dụ, khi tôi tính viết cuốn thứ ba về Ấn Độ - hai mươi sáu năm sau cuốn đầu - tôi nhận ra rằng, điều quan trọng nhất đối với một cuốn du ký như vậy, đó là những con người mà nhà văn đi du lịch ở trong họ. Phải để cho những con người như thế tự định nghĩa về họ. Nghe thật giản dị, nhưng nó đòi hỏi một thể loại mới cho cuốn sách, và luôn cả cho du lịch. Đây chính là phương pháp tôi sử dụng, một lần nữa, sau đó, khi đi vào thế giới Hồi giáo.

Tôi thấy mình chín mùi, là nhờ trực giác, chỉ nội nó. Tôi không có kế hoạch, nói về mặt văn học cũng như chính trị. Tôi chẳng hề được dẫn dắt bằng một tư tưởng chính trị. Điều này theo tôi, là do di truyền, tôi muốn nói, ảnh hưởng từ ông bà để lại. Nhà văn Ấn R. K. Narayan, mới mất năm nay, cũng chẳng có tư tưởng chính trị. Cha tôi, viết những truyện ngắn của ông trong một thời kỳ thật tăm tối, chẳng màng tưởng thưởng, ông cũng không có tư tưởng chính trị. Có thể, tất cả là do chúng tôi, hàng bao thế kỷ, đã bị tách ra khỏi, và thật xa vời, cái gọi là nhà cầm quyền. Điều này đem đến cho chúng tôi một cách nhìn đặc biệt. Tôi cảm thấy mình nghiêng về, và thật gần gụi, với chất tếu và lòng trắc ẩn, khi nhìn mình, người, và sự vật.

Cũng gần ba mươi năm, kể từ chuyến đi thăm Á Căn Đình của tôi. Khi đó đang xẩy ra cuộc khủng hoảng du kích. Người ta mong đợi nhà cựu độc tài Peron, lúc đó sống lưu vong, trở về đất nước. Cả nước sôi sục hận thù. Những người theo Peron đang chờ đợi đến lượt họ xuống tay, ân đền ân, oán trả oán. Một người trong số họ, nói với tôi, "Có thứ tra tấn tốt, có thứ tra tấn xấu". Tra tấn tốt, là cách bạn đối xử với kẻ thù của nhân dân. Tra tấn xấu, là cách kẻ thù của nhân dân dành cho bạn. Những người ở phía bên kia cũng phát biểu tương tự như vậy. Chẳng làm sao có được một cuộc trao đổi thực sự, về bất cứ điều gì, Chỉ có lửa ngun ngút, của đam mê, và mớ từ ngữ chính trị, vốn chỉ là một thứ biệt ngữ, vay mượn từ Âu Châu. Tôi cho rằng, "một khi biệt ngữ biến đời thực, những vấn đề nóng hổi của đời thực, trở thành trừu tượng, và một khi biệt ngữ, sau chót, đụng độ với... biệt ngữ, khi đó con người chẳng còn có lý do, lý tưởng, sự nghiệp hay bất cứ gì gì... Họ chỉ có... kẻ thù."

Và những đam mê của xứ Á Căn Đình vẫn đang ngun ngút, nóng bỏng, bừng bừng ở những người con người của đất nước này. Vẩn là những ngọn lửa đam mê đang đáng bại lý trí, lẽ phải, và đang... ngốn những mạng người. Vẫn chưa có giải pháp nào ló ra ở cuối... ngọn lửa.

Bây giờ, tôi sắp xong, việc của tôi. Tôi thật hài lòng, cái gì làm được, thì đã được làm. Hài lòng đẩy mình đi trên con đường sáng tạo, tới nơi chốn mà tôi có thể tới được. Bởi vì, nhờ cái kiểu viết bằng trực giác, và cũng bởi vì nhờ cái bản chất rối rắm của mớ chất liệu của tôi, mỗi cuốn sách hóa ra là một sự chúc phúc. Cuốn nào cũng làm cho tôi ngỡ ngàng, ngay đúng vào lúc viết đó, mà tôi vẫn còn ngờ, không biết nó có ở đó hay là không. Nhưng phép lạ lớn lao nhất đã đến với tôi, đó là khởi sự viết. Tôi có cảm tưởng - và bây giờ, niềm hãi hùng vẫn còn nguyên - rằng tôi có thể thất bại một cách thật dễ dàng, trước khi bắt đầu.

Tôi chấm dứt như tôi bắt đầu, cũng với những tiểu luận tuyệt vời của Proust, trong Chống lại Sainte-Beuve: "Những điều đẹp đẽ mà chúng ta sẽ viết, nếu chúng ta có tài, thì ở trong chúng ta, một cách không rõ ràng, như hồi ức về một giai điệu, nó thắp sáng chúng ta, nhưng thật khó mà nắm bắt.... Những người - bị ám ảnh bởi kỷ niệm mờ nhạt, về những sự thực mà họ chẳng hề biết - là những người thiên phú... Tài năng thì cũng giống như một thứ hồi ức, nhờ nó mà, sau cùng, tới gần được giai điệu mơ màng kia, nghe được nó một cách rõ ràng, và ghi những nốt nhạc xuống trang giấy trắng..."

Tài năng, Proust nói; còn tôi, tôi sẽ nói, cơ may, và với rất nhiều lao tâm khổ tứ.

Jennifer Tran chuyển ngữ
14.1.2002
(Gửi HT)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.