Hôm nay,  

Ý Nghĩa Ngày Đại Lễ 18/5

15/05/200600:00:00(Xem: 6021)

(Lời giới thiệu: Hằng năm cứ vào ngày 18 tháng 5 Âm Lịch, dù ở tại nơi đâu : Quốc Nội hay Hải Ngoại trong hoàn cảnh nào TỰ DO hay TÙ TỘI, người tín đồ PGHH đều cử hành Đại Lễ 18 tháng 5 Âm lịch, mừng ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Khai Sáng Nền Đạo PGHH . <"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

Ngày 18 tháng 5 âm lịch năm nay nhằm ngày  Thứ Ba 13 tháng 06 năm 2006 do quyết định của Đại Hội Đạo Thường  Niên lần thứ 26 tại Nam California . Ban Trị Sự Trung Ương Giáo Hội PGHH Thuần Túy Hải Ngoại quyết định  tổ chức :

 

1) - Đại Hội Đạo Thường Niên lần thứ 27  Thứ Bảy 10 tháng 6 năm 2006 

 

2) - Đại Lễ 18 Tháng 5 Âm Lịch Kỷ Niệm 67 Năm Đức Huỳnh Giáo Chủ Khai Sáng Nền Đạo PGHH Chủ Nhựt 11 tháng 6 năm 2006 .

 

Tại thành phố <"xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />San Jose  tiểu bang California.

 

Ban Trị Sự Trung Ương Giáo  Hội PGHH Thuần Túy Hải Ngoại trân trọng giới thiệu bài viết  Ý  NGHĨA NGÀY 18 THÁNG 5 ÂM LỊCH  của Ông   Nguyễn Hồng Khánh tín đồ PGHH.)

 

Ý nghiã ngày Đại lễ 18/5.

 

 NGUYỄN HỒNG KHÁNH

 

Hơn 60 năm trước đây, đất nước Việt Nam đang bị Thực dân Pháp cai trị và miền Nam Việt nam được gọi là đất Nam kỳ Thuộc địa. Do ảnh hưởng của chánh sách bóc lột, kềm kẹp, ngu dân và chia để trị ; đời sống  người dân  Namkỳ lúc bấy giờ thật tối tăm và khốn khổ. Dân chúng phần đông là nông dân nhưng đều là tá điền của các đại điền chủ (trong đó có người Việt lẫn người Pháp). Họ phải quần quật, dầm mưa dãi nắng quanh năm suốt tháng trên đồng ruộng bùn lầy hay kham khổ trong rừng rậm muỗi mòng và thú dữ; để rồi những huê lợi của họ tạo ra bằng mồ hôi nước mắt, bị các chủ điền giàu có, nhiều thế lực, cùng các tham quan ô lại và các gian thương gốc người Hoa tham lam tàn nhẫn, cấu kết với nhau tìm đủ mánh khoé bóc lột và tước đoạt.

 

Đó chẳng qua là vì người dân thế cô, thất học, vì không tiền nên không có phương tiện học hành và hệ quả là con cái họ lại tiếp nối số phận hẩm hiu của cha ông, theo con đường dốt nát. Thời đó, mười sáu tỉnh miền Tây với dân số khoảng năm triệu người, chỉ có hai trường Trung học Công lập và một vài trường Tư thục tập trung ở châu thành Mỹ Tho và Cần Thơ. Ngoài ra, người dân không biết gì về phương tiện truyền thông như báo chí, sách vở…Suốt cả làng với trên dưới 10 ngàn dân, chỉ có một, hai người mới gởi mua được một tờ “Nhựt trình”. 

 

Trong khi đó, người dân thành thị thì tiêm nhiễm nền văn minh vật chất, đua đòi theo cuộc sống Tây phương, trọng sự phù phiếm xa hoa về thể xác hơn tinh thần, coi thường phong hoá nước nhà, quên đi luân thường đạo lý đã gây nên những thảm trạng đáng tiếc cho gia đình và xã hội. Riêng giới sĩ phu yêu nước thì sau những thất bại của phong trào Văn Thân Cần Vương đành khoanh tay bó gối ngồi nhìn, mặc thế sự nổi trôi theo vận nước; còn giới cần lao thì âm thầm chịu đựng số phận tôi đòi mà không biết làm sao để than van, phản kháng.

 

Tóm lại, theo lời nhận xét của ông Vương Kim trong quyển Đức Huỳnh Giáo Chủ: ”Xã hội Việt nam sau ngày bị Thực dân Pháp đô hộ, đã băng hoại cả hai phương diện đời sống tinh thần và vật chất. Nhan nhản những cảnh tượng đồi trụy, cùng biết bao trò thương luân bại lý đang diễn ra khắp hang cùng, ngõ hẹp.

 

Nơi thành thị, vật chất phù hoa đã đánh gục biết bao là mầm non của đất nước. Thanh niên sống với cờ bạc, rượu chè, đĩ điếm, á phiện… do nhà đương quyền Pháp công khai tổ chức hoặc khuyến khích hầu quyến rủ họ vào con đường dâm ô, trụy lạc nhằm phá nát nhuệ khí đấu tranh của tuổi trẻ. Riêng những người theo tân học, phần lớn là con nhà quyền quý, danh gia thì một khi cắp sách đến trường là chỉ xây mộng làm quan, riêng hưởng vinh hoa phú quý trên mồ hôi nước mắt của đám dân đen cơ hàn chất phác.

 

Chốn thôn quê, tệ nạn mê tín, dị đoan đã gây nhiều khốn đốn cho người dân thất học. Đời sống họ quây quần theo thầy bùa, thầy pháp, thầy Lỗ ban , hối lộ Thánh thần, sống cùng ma quỷ và những tiếng hò hét cuả các cô cậu “nhưn bông”, đồng bóng cùng tiếng trống, tiếng kèn vang lên hằng đêm khắp cùng thôn xóm.”

 

Chính trong hoàn cảnh đen tối và thê thảm đó, Đức Huỳnh Giáo Chủ xuất hiện và sau đó khai sáng nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo để cứu đời là một trong những  sứ mạng thiêng liêng cao cả nhất của Ngài. Sau đây, chúng ta tìm hiểu xem Ngài là ai, từ đâu đến và đến thế gian nầy để làm gì"

 

Trước hết, Đức Huỳnh Giáo Chủ thế danh là Huỳnh Phú Sổ, đản sanh ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi âl  (nhằm ngày 15-1-1920 dl) tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Thân phụ mẫu của Ngài là Đức Ông Huỳnh Công Bộ và Đức Bà Lê thị Nhậm, thuộc gia đình trung lưu, nhiều phúc hậu và uy tín với người dân trong vùng. Ngài ra đời và trưởng thành cũng bình thường như bao nhiêu thường nhơn khác, nhưng cho đến năm Ngài 20 tuổi, từ một thư sinh ốm yếu sau những năm dài bịnh hoạn triền miên, phải bỏ học về nhà trị bịnh, Ngài bỗng nhiên hoắc ngộ, chuyển hoá thành một vị Giáo chủ quán thông kim cổ, tự nhiên mà biết, tự nhiên mà thông, không thông qua cây cầu phải học mới biết như người đời, đúng là một bậc “sinh nhi tri” rất hiếm thấy trong lịch sử nhân loại. Theo kinh Phật, trường hợp của ĐHGC được gọi là hóa hiện, có nghiã là từ một vị Phật hay vị Bồ Tát hoá thân xuống thế gian bằng cách mang mượn một xác phàm để thực hiện sứ mạng nào đó cho chúng sanh và vì chúng sanh mà chịu khổ.  ĐHGC chính là bậc Đại ngộ, Đại giác hóa thân xuống trần bằng cách:”chọn một chàng tuổi trẻ tục phàm” (tức là phần xác của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ) để hoá độ chúng sanh đang lặn hụp trong biển khổ, lăn lộn chốn mê đồ. 

 

Vì vậy, vào ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (nhằm ngày 4-7-1939), sau khi  trang trọng làm lễ Cáo Hoàng Thiên, chánh thức nhận lấy sứ mạng, Ngài tuyên bố khai lập đạo PGHH, như lời Ngài tiết lộ trong bài Thay lời tựa: ”Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, vì thời cơ đã đến, lý Thiên đình hoạch định,” và “vì thể lòng từ bi bác ái cùng thù đáp những linh hồn đã trợ duyên trong nhiều kiếp Ta nương cậy tu hành, nên ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, Ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh.” Rõ ràng trong tiền kiếp, ĐHGC là bậc tu hành liễu đạo đang “ngao du tứ hải, dạo khắp Tiên bang, muôn ngày vô sự, lóng sạch phàm tâm, cơ mầu đà thấu tỏ, sớm chiều hầu chơn Phật nghe Kinh” vậy mà cũng “vì lòng từ ái chứa chan, thương bách tính tới hồi tai họa.” nên phải “len lỏi xuống chốn hồng trần, đặng chịu cảnh khen chê.” Đó chẳng qua vì Ngài “là một trong các vị cứu đời” đang thi hành sứ mạng do Thiên đình giao phó.

 

Ngoài ra, rải  rác trong năm quyển Sấm giảng và hàng trăm bài Thi Văn Giáo lý, Ngài không ngần ngại cho biết xuất xứ của Ngài, ý chừng muốn tăng trưởng đức tin và đánh tan sự nghi ngờ trong lòng người đời, nên Ngài cho biết:

 

“Bồng Lai, Điên lại có ngôi,

 

Tây phương Cực lạc, Khùng ngồi tòa sen.”

 

Vì thương xót vạn dân đến hồi tai ách nên đành lià bỏ cảnh thơm tho của mùi sen báu, xuống trần cứu thế độ dân :

 

“Cảnh Thiên Trước thơm tho nồng nặc,

 

Chẳng ở yên còn xuống phàm trần.

 

Ấy vì thương trăm họ vạn dân,

 

Nên chẳng kể tấm thân lao khổ.”

 

Đã vậy, Ngài còn lập nên đại nguyện :

 

“Nếu thế gian còn chốn mê tân,

 

Thì Ta chẳng yên vui Cực lạc.”

 

Điều nầy, cho thấy rằng ĐHGC đã liễu đạo rồi, đã có ngôi vị ở Bồng lai Thiên Trúc, ở Tây phương Cực lạc rồi nhưng do cơ duyên đặc biệt với đất nước Việt nam nên Ngài hoá hiện tại miền Tây Nam Việt để mở Đạo cứu Đời do “hiềm vì nỗi cảnh quốc phá, gia vong, máy huyền cơ đã định, lòng thương trăm họ vướng cảnh đồ lao, chi xiết xót thương chúng sanh vạn khổ.” nên Ngài mới ra tay cứu vớt. Đặc biệt, trong lần lâm phàm độ thế nầy, ĐHGC đã vâng lịnh các vị sau đây:

 

Thứ nhứt, Ngài cho biết là do lịnh của Ngọc Đế :

 

“Liên Hoa chín phẩm ở Ngọc Tòa,

 

 Được lịnh Thiên hoàng nấy sai Ta.

 

 Hạ giới dạy khuyên truyền đạo lý,

 

 Giả dạng Điên Khùng mượn thi ca.”

 

hoặc:

 

 “Cúi đầu tâu lại cửu trùng,

 

Ngọc Hoàng ban chiếu Lão Khùng giáo dân.”

 

Sau chiếu chỉ của Ngọc Đế là sắc lịnh của Phật Vương và Phật Tổ ;

 

“Khùng vâng lịnh Tây phương Phật Tổ,

 

Nên giáo truyền khắp cả Namkỳ.”

 

Hay:

 

“Điên nầy vưng lịnh Phật Vương,

 

Với lịnh Phật đường đi xuống giảng dân.”

 

Thứ đến, Ngài được Đức Phật A Di Đà và Đức Quan Thế Âm trao cho sứ mạng :

 

“Muốn tu tỉnh nay đà gặp cuộc,

 

 Đức Di Đà truyền mở đạo lành.

 

Bởi vì Ngài thương xót chúng sanh,

 

Ra sắc lịnh bảo Ta truyền dạy.”

 

Và:

 

“Quan Âm NamHải Phổ Đà

 

Cùng Thầy ra lịnh nên ta giáo truyền.”

 

Đặc biệt là sắc lịnh của Đức Phật Thích Ca được Ngài thường nhắc nhở:

 

“Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn,

 

Khắp hạ giái truyền khai Đạo pháp.”

 

hoặc:

 

“Ta là kẻ vô hình hữu ảnh,

 

Ẩn xác phàm gìn đạo Thích Ca.”

 

Tóm lại, ĐHGC xuống trần kỳ nầy chịu mạng lịnh của 5 vị :

 

1. Đức Phật A Di Đà để phổ truyền Pháp môn Tịnh độ.

 

2. Đức Phật Thích Ca để hưng truyền Chánh pháp Vô vi.

 

3. Đức Ngọc Đế để lập bảng Phong Thần, cầm cân thưởng phạt.

 

4. Đức Phật Vương để lập Hội Long Hoa, chọn người hiền đức đưa về cõi Thượng ngươn an lạc.

 

5. Đức Phật Quan Âm để cứu độ chúng sanh đầy khổ nạn trong thời kỳ Hạ ngươn mạt pháp.

 

Do vậy, Ngài phải hoàn thành một sứ mạng thiêng liêng vô cùng to tát, có thể tóm lược như sau :

 

1/- Chấn hưng Phật pháp: Về sứ mạng nầy, ĐHGC cho biế :

 

“Theo Thần Tú tạo nhiều chuông mõ,

 

Từ xưa nay có mấy ai thành.”

 

Hay:

 

“Xưa Thần Tú bày điều tà mị,

 

Mà dắt dìu bá tánh đời Đường.”

 

Và; “Theo Lục Tổ chớ theo Thần Tú.”

 

Nên chi:

 

“Dầu cho phải chịu ngàn cay đắng,

 

Cũng nguyện Đạo mầu sẽ chấn hưng.”

 

hoặ :

 

 “Phần Sĩ Tăng tay trống miệng kèn,

 

Giác thiện tín chấn hưng nền Phật giáo.”

 

Vì:

 

“Đạo Vô vi của Phật ân cần,

 

Noi theo chí Thích Ca ngày trước.”

 

2/- Chỉ đường về Tây phương Cực lạc: cũng là sứ mạng hàng đầu mà  ĐHGC thọ lãnh từ Phật A Di Đà:

 

“Tìm Cực lạc đây rành đường ngỏ,

 

Hãy mau mau tu tỉnh mới mầu.

 

Tận thế gian còn có bao lâu,

 

Mà chẳng chịu làm tròn Nhân đạo.”

 

Thật vậy, ngoài Pháp môn Học Phật Tu Nhân được diễn đạt qua câu:

 

“Tu đền nợ thế cho rồi

 

Thì sau mới được đứng ngồi toà sen.”

 

(có nghiã là kẻ tu hành trước hết phải làm tròn Nhân đạo, sau đó mới tiến vào Phật đạo và đạt đến cứu cánh giải thoát), Ngài còn truyền bá cho người đời Pháp môn Tịnh Độ, còn gọi là Pháp môn Niệm Phật, không ngoài mục đích dẫn dắt chúng sanh tìm đường giải thoát :

 

“Lòng thương chúng thuyết phương Tịnh Độ,

 

Đặng dắt dìu tất cả chúng sanh.

 

Nếu như ai cố chí làm lành,

 

Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật quốc.

 

Cả vũ trụ khắp cùng vạn vật,

 

Dầu Tiên, Phàm. Ma, Quỷ, Súc sanh.

 

Cứ nhứt tâm tín, nguyện, phụng, hành.

 

Được cứu cánh về nơi an dưỡng.

 

Chỉ một kiếp Tây phương hồi hướng,

 

Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.”

 

3/- Cứu độ chúng sanh : là sứ mạng chánh yếu của ĐHGC, Ngài đã thực hiện bằng nhiều phương tiện như Ngài cho biết:

 

“Thấy biển khổ đâu an lòng đặng,

 

Xông thuyền ra cứu vớt chúng sanh.”

 

Hay:

 

“Ta quyết lòng rứt nợ oan khiên,

 

Cứu bá tánh khỏi nơi lao khổ.”

 

hoặc:

 

“Chờ con đầy đủ nghiã nhân,

 

Ra tay tế độ dắt lần về Ngôi.”

 

4/- Lập Bảng Phong Thần : nhằm phong thưởng cho những ai có lòng trung nghiã với Đời với Đạo, cùng xử phạt những kẻ tà gian như lời Ngài thố lộ :

 

“Lão đây vâng lịnh Phật Tôn,

 

Cầm cân thưởng phạt chư môn dữ lành.”

 

hoặc:

 

“Có ngày mở rộng quy khôi,

 

Non thần vang chuyển Khùng ngồi xử phân.”

 

Hay;

 

“Một câu quân lý Tứ Ân,

 

Ta đừng phai lạt Phong Thần bảng ghi.”

 

Và theo như lời ông Thanh sĩ thì:

 

“Khuyên đừng có lắm phân vân,

 

Không Thầy cái hội Phong Thần ai phong.”

 

5/- Lập Hội Long Hoa: như trong bài Thay lời tựa Ngài có viết :”Phật Vương đà chỉ rõ máy diệu huyền chuyển lập hội Long Hoa, chọn những đấng tu hành cao công quả để ban cho xứng vị xứng ngôi, người đủ các thiện căn để giáo truyền Đại Đạo…” Đó cũng chính là sứ mạng cao cả của Ngài, vì:

 

“Muôn thu thiên định nhứt kỳ,

 

Hạ ngươn sắc lịnh khai kỳ Long Hoa.”

 

Hay:

 

“Hội Long Hoa chọn kẻ tu mi,

 

Người hiền đức đặng phò chơn chúa.”

 

Thì ra, qua những sứ mạng trên, ĐHGC vừa làm chức năng của một ông Thầy giáo lại vừa giữ vai trò của một vị Giám khảo chấm thi. Vì là Thầy giáo nên Ngài lúc nào cũng hết lòng dạy dỗ, lúc nào cũng quan tâm đến sự thành bại của môn đồ. Vì vậy, cả một rừng pháp môn với 84 ngàn bài học mà thời giờ thì quá eo hẹp như Ngài cho biết “Đời ngươn hạ ngày nay mỏng mẻo”, cho nên Ngài phải rút ra bài học nào khả dĩ để môn sinh của mình vừa đủ thời gian tu tập vừa có được kết quả tối đa, tức là có tên trong ngày Long Hoa đại hộ :

 

“Đến kỳ thi danh Thầy chạm bảng,

 

Trên đài cao gọi các linh hồn.”

 

Ai đậu, ai rớt rồi đây sẽ có ngày do chính tay ĐHGC niêm yết và công bố. Mặc dầu Ngài bị bọn Cộng sản Việt minh âm mưu ám hại vào đêm 24 tháng Hai  nhuần năm Đinh Hợi (1947) tại Đốc Vàng và vắng mặt từ ấy đến nay, nhưng có điều chắc chắn là Ngài sẽ trở lại như những lời Ngài hứa hẹn và điều cần ghi nhớ là lúc nào Ngài cũng ở bên cạnh môn đồ để xem họ thi thố thế nào qua những bài vở mà “ông Thầy” đã truyền thụ. Không một thí sinh nào có thể qua mặt được Ngài vì Ngài có “cặp mắt Thánh dòm xem tứ hải” nên những gì thí sinh đang nghĩ, thí sinh đang làm đều không thể nào che dấu được.

 

Vậy thì, đã là tín đồ PGHH, chúng ta phải rán làm tròn bổn phận của mình, rán lo tu hành chơn chất, đừng lo gì không gặp được mặt Thầy mà chỉ sợ rằng một mai khi Ngài trở lại chúng ta sẽ không dám hoặc không xứng đáng để gặp Ngài vì đã không tuân thủ theo những điều Ngài đã dạy:

 

“Tu thiệt tâm thì được thảnh thơi,

 

Tu giả dối thì lao thì lý.”

 

Hay:

 

“Ai mà ta dạy chẳng gìn,

 

Thì sau đừng trách mất tình yêu thương.”

 

Tóm tắt, vào ngày tháng nầy cách nay 67 năm, ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, ĐHGC là một vị Phật sống, vâng lịnh Phật Trời, lâm phàm độ thế, khai mở nền Đạo PGHH nhằm hoằng khai Đạo pháp, cứu độ chúng sanh thoát mê về giác. Trước hết, Ngài đã “dùng huyền diệu của Tiên gia độ bịnh để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của Chư vị với Trăm quan” bằng phương pháp thật đơn giản như giấy vàng, nước lã hoặc lá xoài, lá ổi, lá mít, bông trang…vậy mà đã trị hết những bịnh hiểm nghèo luôn cả bịnh nan y nên bá tánh tấp nập kéo đến chật cả Tổ đình qui y, thọ giáo. Sau đó, Ngài “nói Phật pháp cho kẻ có lòng mộ Đạo qui căn, gây gốc thiện duyên cùng Thầy Tổ” bằng việc thuyết pháp và viết ra Kệ giảng truyền bá khắp nơi. Lời giảng của Ngài đều ứng khẩu, kể cả thơ văn đều thao thao bất tuyệt, thật là:

 

“Miệng nhích môi đầy văn tao nhã,

 

Hạ bút thần thơ đã đề khai.”

 

Cho nên, có rất nhiều nho gia, thi sĩ, học giả… đến thử tài, chất vấn đều công nhận Ngài là bậc siêu phàm, quán thế. Về mặt Giáo lý, Ngài có ý dùng lời lẽ thật giản dị bình dân, rõ ràng, dễ nhớ, ai nghe qua cũng hiểu, cũng hành được; nhưng rất hàm súc và hoàn toàn phù hợp với Kinh, Luận, cốt tủy của Giáo lý nhà Phật. Ngài đã làm cho Phật pháp trong sáng hơn, nguyên thủy hơn, gần gủi với dân tộc hơn, sinh động và dễ hoà nhập hơn. Chính Ngài đã Việt hóa tư tưởng Phật giáo một cách thần kỳ mà không hề đánh mất cốt lỏi của nó, chỉ ra con đường thực sự giác ngộ và giải thoát ngay trong cuộc sống.

 

Nên chi, chỉ trong thời gian ngắn mà thiên hạ kéo đến qui ngưỡng với Ngài với số lượng người tăng nhanh chưa từng thấy trong giáo sử mở Đạo của các vị Giáo chủ trên thế gian nầy. Ngài lập đạo và truyền giáo chỉ hơn 7 năm mà đã thu phục hơn hai triệu tín đồ, để lại cho đời quyển Sấm giảng và Thi văn Giáo lý tổng cộng hơn 150,000 chữ gồm lời lời chỉ tánh, chỗ chỗ bày tâm, kết gấm hoa thành châu Chơn Như rực rỡ, xứng đáng lưu truyền muôn thuở.

 

Chính vì vậy mà hằng năm hễ đến muà Lễ hội 18/5 là hàng triệu con tim mến Đạo thương Thầy, từ khắp mọi nơi đều hướng lòng thành kính vô biên về vùng Thánh địa Hòa Hảo để tưởng nhớ công đức vô lượng của Ngài. Trước năm 1975, vào những ngày nầy đã có hàng trăm hàng ngàn lượt người từ khắp các nẻo đường, bằng mọi phương tiện có được với hàng trăm hàng ngàn cộ đèn, xe hoa trên đường và bè thủy lục dưới sông tấp nập hành hương về Tổ đình và An Hòa Tự, nơi đầu tiên ĐHGC gióng chuông cảnh tỉnh nhơn sanh, mang tình thương đến cho muôn loài, để long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm ngày ĐHGC khai sáng Đạo PGHH, một nền đạo sinh ra từ lòng Dân tộc và lớn lên từ khí thiêng sông núi của Tổ quốc Việt Nam. Cái tinh thần tất yếu của PGHH là bám sát với dân tộc, cùng sống chết với dân tộc và Tổ quốc Việt nam. Do đó, không một thế lực nào, chế độ nào có thể tiêu diệt PGHH vì còn Tổ quốc, còn dân tộc Việt nam thì PGHH sẽ trường tồn vĩnh viễn.

 

PGHH cho đến nay chỉ vừa tròn 67 tuổi nhưng qua sự thử thách của thời gian, cùng với những bước thăng trầm của lịch sử Dân tộc, nền đạo PGHH cho đến nay vẫn tồn tại và phát triển cùng khắp mọi nơi trên thế giới. Từ Mỹ châu, Âu châu cho đến Úc châu… nơi nào có tín đồ PGHH là nơi đó có Hội Quán , có Ban trị sự để tiếp tục duy trì và xiển dương giáo lý siêu mầu mà Đức Tôn sư đã dày công hoằng hóa. Đặc biệt là tại Việt nam, mặc dù phải sống dưới chế độ độc tài Đảng trị của bạo quyền Cộng sản, nhưng vào ngày 18/5 của năm 1999 và năm 2000 vừa qua, đã có hàng triệu tín đồ PGHH từ khắp nơi ồ ạt kéo về Thánh địa Hòa Hảo tổ chức thật vô cùng trọng thể ngày Đại lễ nầy, sau 24 năm âm thầm khổ đau chịu đựng, bất chấp mọi răn đe của bọn công an địa phương luôn giở trò ngăn cấm. Điều nầy, nói lên được rằng dù bị đàn áp, bắt bớ, giam cầm…như trường hợp các đồng đạo PGHH tại VN hiện đang đấu tranh cho Nhân quyền, Dân chủ và Tự do Tôn giáo, nhưng tấm lòng thương Thầy mến Đạo của toàn thể tín đồ PGHH không lúc nào suy giảm.

 

Bao giờ thế giới còn tối tăm và chúng sanh còn đau khổ thì PGHH vẫn còn hiện diện. Người tín đồ PGHH dù đang ở bất cứ nơi đâu, ngoài việc cố gắng lo tu hành tinh tấn còn phải làm sao thực hiện được sự mong mỏi của Đức Thầy :

 

“Ước mơ Thế giới lân Hòa Hảo,

 

Nhà Phật, con Tiên hé miệng cười.”

 

Và ngày 18/5 sẽ luôn luôn là ngày Đại hỷ của toàn Nhân loại:

 

“Tháng Năm, Mười Tám rõ ràng,

 

Cùng xóm cuối làng ai cũng hò reo.”

 

Đó cũng chính là ý nghiã thiêng liêng của ngày 18 tháng 5 vậy./.

  

 (Mùa Đại lễ 18/5 năm 2006)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.