Hôm nay,  

Chương Trình Bảo Lãnh Odp Sau 20 Năm Hoạt Động

01/05/199900:00:00(Xem: 20970)
Phần 1
Mục di trú và bảo lãnh hàng tuần do Văn Phòng tham vấn di trú Robert Mullins International đảm trách, chỉ có mục đích thông báo các tin tức thời sự liên quan đến vấn đề đoàn tụ gia đình, rất hữu ích cho quý độc giả nào quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân. Việc tín nhiệm các tin tức trong mục này hoàn toàn thuộc quyền tự do và trách nhiệm của quý độc giả.
Hiện nay trên báo chí, truyền thanh và truyền hình, tin tức hàng đầu đều đề cập đến chiến tranh vùng Kosovo và thảm cảnh di tản lánh nạn của dân chúng trong vùng binh lửa và giết chóc. Sự kiện này làm chúng ta nhớ lại hoàn cảnh của dân tộc Việt Nam vào 24 năm trước đây, cũng trải qua nhiều tang thương, mất cả tài sản và mạng sống trên đường vượt biên lánh nạn cộng sản tìm tự do.
Thảm trạng này đưa đến sự thành lập cơ quan ODP tại Bangkok. Danh xưng ODP, nguyên chữ là Orderly Departure Program, tức Chương Trình Ra Đi Trong Trật Tự, đã nói lên nhiệm vụ chính yếu của cơ quan này, là giúp đỡ người Việt Nam ra đi tìm tự do mà tránh được những nguy hiểm về tù tội, cướp bóc, chết người nếu phải dùng con đường vượt biên.
Chúng tôi cũng xin nói rõ về một điểm thường hay bị ngộ nhận về ODP là nhiều người trong cộng đồng Việt Nam cho rằng cơ quan ODP chỉ phụ trách hồ sơ bảo lãnh thân nhân mà thôi, nên mới có những phát biểu thí dụ như “Tôi thuộc diện con lai chớ không phải ODP”, hoặc “Gia đình ông qua đây theo diện HO hay ODP"” Thật ra cơ quan ODP phụ trách tất cả các chương trình ra đi trong trật tự, tức ra đi có giấy tờ và đi bằng máy bay, có thân nhân đưa đón đàng hoàng, chớ không phải mạo hiểm vượt biên. Như vậy, theo định nghĩa này thì chương trình ODP bao gồm tất cả các người ra đi theo diện bảo lãnh di dân, diện tỵ nạn, diện HO, diện con lai, diện cựu nhân viên sở Mỹ, diện McCain, vân.. vân.. chớ không phải chỉ có diện bảo lãnh mà thôi. Sở dĩ có sự ngộ nhận này nguyên do là lúc trước ở trại tỵ nạn Bataan (Phi Luật Tân) có tổ chức các lớp học Anh văn và lớp hướng dẫn định cư, dành cho những người được chấp nhận sang Mỹ, gồm cả những người được bảo lãnh đi thẳng từ Việt Nam sang và những người vượt biên từ các trại tỵ nạn khác như Mã Lai, Hồng Kông chuyển sang.
Và trong khi sống chung hoặc học chung ở trại Bataan và để phân biệt người từ Việt Nam qua hay từ các đảo qua, họ thường gọi đùa với nhau những người đi diện bảo lãnh từ Việt Nam qua là Ô Đi Bi (ODP) còn những người đi diện tỵ nạn từ các đảo chuyển qua là Ô Đi Ghe (tức thuyền nhân). Do đó sau này người ta cứ ngộ nhận chỉ có diện bảo lãnh di dân mới thuộc ODP.
Trải qua hơn 20 năm giúp đỡ người Việt Nam tìm tự do và định cư tại Hoa Kỳ, vai trò của cơ quan ODP đến lúc chấm dứt và chuyển giao trách nhiệm lại cho Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ sắp sửa tiến hành công việc cấp chiếu khán.
Trở lại thời gian đầu thập niên 80, khi đó chương trình tiến hành sơ khởi do các giới chức của Ủy Ban Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc phụ trách phỏng vấn các thuyền nhân tại các trại tỵ nạn và mẫu I-94 được nhân viên Sở Di Trú ký ngay tại phi cảng Hoa Kỳ. Thủ tục còn chậm chạp nên nhiều khi một gia đình phải chờ đợi khoảng 3,4 năm mới được chấp thuận cho đi định cư hoặc bác khước. Do đó trong thời gian này thuyền nhân thường có câu: “Vượt biên có số, định cư có phần”.

Thời gian tiếp theo sau đó, ODP mở thêm nhiều chương trình định cư khác, như chương trình định cư cho các cựu tù cải tạo mà sau này được gọi là HO, chương trình con lai, chương trình cựu nhân viên sở Mỹ. Ngoài ra còn có một diện đặt biệt nữa là diện PIP (Public Interest Parole) thường hay dịch là diện tạm dung. Từ năm 1991 đến năm 1994 có tất cả khoảng 40,000 người Việt Nam được định cư tại Hoa Kỳ theo diện PIP. Đây trường hợp hi hữu trong lịch sử định cư Hoa Kỳ, vì diện PIP chỉ được chấp thuận trong một vài trường hợp hết sức đặc biệt cho một vài cá nhân nào đó thôi chớ không được cấp ào ạt cả mấy chục ngàn người như đối với Việt Nam.
Số người Việt Nam được chấp thuận diện PIP đã làm gia tăng đáng kể tổng số người cho đi định cư tại Hoa Kỳ theo chương trình ODP.
Hiện nay diện PIP và diện cựu nhân viên sở Mỹ đã chấm dứt.
Việc nộp hồ sơ diện HO cũng đã ngưng từ tháng 9-1994.
Đặc biệt trong hai năm 1994 và 1995 cơ quan thiện nguyện JVA của chương trình ODP đã góp sức trong việc mở lại hồ sơ định cư cho các Biệt Kích đã bị bắt giam trong thời gian rất lâu, có thể trên 15 năm. Những người Biệt Kích này trước đây đã bị từ chối định cư vì bị bắt trước ngày 30 tháng 4, 1975, là cái mốc dùng để cứu xét cho các hồ sơ HO.
Từ 1994 có thêm 2 chương trình tỵ nạn nữa được đưa ra phỏng vấn để cho đi định cư là chương trình McCain và ROVR.
Chương trình McCain có mục đích tái xét những đứa con trên 21 tuổi của hồ sơ HO. Còn chương trình ROVR (Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees) có mục đích tái phỏng vấn những người tự nguyện hồi hương từ các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á. Cả 2 chương trình sẽ chấm dứt vào 30 tháng 9, 1999.
Ngoài ra còn lại 1 số hồ sơ HO chưa được phỏng vấn hoặc phỏng vấn rồi nhưng bị bác sẽ được tiếp tục cứu xét.
Riêng các hồ sơ bảo lãnh di dân vẫn được tiến hành và sẽ do Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ ở SAIGON xét cấp chiếu khán.
Cơ quan ODP cho biết hiện nay đang chuẩn bị chuyển giao công việc và hồ sơ cho Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ vào khoảng tháng 7 hoặc tháng 8, 1999. Chúng ta không nên lo ngại là hồ sơ bảo lãnh thân nhân bị dẹp bỏ sau khi cơ quan ODP đóng cửa. Các hồ sơ bảo lãnh di dân đang chờ giải quyết sẽ do Tòa Lãnh sự Mỹ tại Sàigon phụ trách.
Về hồ sơ chương trình McCain và các chương trình tỵ nạn khác vẫn tiếp tục do cơ quan ODP cứu xét vì cơ quan ODP có nhiều kinh nghiệm về các diện này.
Quý độc giả quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân muốn có thêm tin tức cập nhật, xin theo dõi qua báo chí hay đón nghe chương trình phát thanh của chúng tôi vào mỗi tối thứ Tư từ 7PM đến 7:30PM và 11:30AM-12PM mỗi trưa Chủ Nhật, trên hai làn sóng 1430AM và 106.3FM. Hoặc quý vị liên lạc với một trong những văn phòng Robert Mullins International gần nhất, tại Nam California: (714) 890-9933, Bắc California: (408) 294-3888, Oakland-San Francisco: (510) 238-8830 hay qua Email: info@rmiodp.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.