Hôm nay,  

Việt Nam Trước Ngưỡng Cửa Wto

10/09/200300:00:00(Xem: 4216)
Lời giới thiệu của VNN: Gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) Việt Nam sẽ có lợi hay hại" Chúng ta có thể có được những kinh nghiệm gì từ Trung Quốc" Toàn cầu hóa là một chủ nghĩa" Là một tiến trình tất yếu của nền văn minh nhân loại" Chủ nghĩa Tư bản cải tiến là giải pháp toàn năng để chấm dứt thảm kịch nghèo đói của thế giới" Dự án lịch sử nhiều tham vọng nầy sẽ đưa nhân loại đến một thế giới đại đồng mới" Việt Nam đương nhiên sẽ hùng cường trong bối cảnh đó" v.v... Hãng Thông tấn VNN đã hân hạnh được Tiến sĩ Vũ Mộng Lan dành cho một cuộc phỏng vấn đặc biệt sau đây do phóng viên Võ Triều Sơn thực hiện. Xin kính mời Quý vị theo dõi.
Sơ lược tiểu sử Tiến sĩ Vũ Mộng Lan:
Tiến sĩ Kinh Tế Học tại Université de Paris-I (Panthéon-Sorbonne), chuyên khoa "Phát Triển Kinh Tế". Tốt nghiệp tại Ecole Polytechnique Féminine, chuyên khoa "Điện Toán". Huấn nghiệp về phát triển quốc tế.
Đã giảng dạy tại Université de Paris XII, từng là chuyên gia trong ngành Điện toán, thiết kế hệ thống nhu liệu cho các Ngân hàng.
Làm việc tại Agence Française de Développement, cơ quan phát triển quốc tế của Pháp, trong lãnh vực Quản Trị Nhân Dụng, Kinh Tế Vĩ Mô và Hệ Thống Tin Học.
Hiện là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị của Hội Chuyên Gia Việt Nam.
VNN: Kính thưa Tiến sĩ, Việt Nam đã đệ đơn và mong được gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (World Trade Organization: WTO) vào năm 2005. Theo Tiến sĩ nhận định, nếu được gia nhập WTO, điều nầy sẽ ảnh hưởng ra sao đối với tương lai kinh tế Việt Nam"
Tiến sĩ Vũ Mộng Lan: Kính thưa ông, chúng tôi xin đề cập trước tới những lợi ích lý thuyết cho kinh tế Việt Nam.
Khi gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (TCMDTG), trước hết là sẽ gia nhập một hệ thống không dựa trên tương quan quyền lực mà trên luật lệ, như vậy có sẵn cơ cấu để giải quyết các xung đột có thể xảy tới. Mậu dịch được cởi trói sẽ khiến giá cả trong nước đỡ mắc mỏ vì có sự cạnh tranh của hàng hoá bên ngoài, đồng thời cung cấp cho tiêu thụ thêm nhiều mặt hàng đa dạng. TCMDTG nêu lên những con tính cho thấy rằng nếu hàng rào quan thuế được bãi bỏ toàn diện, cả thế giới sẽ được hưởng lợi là 23 tỷ MK, riêng Hoa kỳ 12.3 tỷ, Gia Nã Đại 0.8 tỷ, Âu Châu 2.2 tỷ và 8 tỷ cho các quốc gia đang phát triển.
Mậu dịch có thể có tác động gia tăng lợi tức quốc gia, vì đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Tại Âu Châu, Ủy Ban AC đã tính thấy lợi tức gia tăng từ 1.1 tới 1.5 phần trăm khi chuyển sang thị trường chung, từ năm 1989 tới 1993. Mậu dịch cho phép phân công lao động trên thế giới, khiến các yếu tố sản xuất được sử dụng hữu hiệu hơn. Đó là những lợi ích lý thuyết mà việc tham dự TCMDTG có thể mang lại cho Việt Nam.
Sang tới phần thực tế, trong lúc này, ít nhất có hai nguyên nhân thúc đẩy Việt Nam nhanh chóng gia nhập TCMDTG :
- Nguyên nhân đầu là sự gia nhập mới đây của Trung Quốc vào TCMDTG, khiến sự cạnh tranh của Trung Quốc với các quốc gia như Việt Nam, Nam Dương, Phi Luật Tân và Thái Lan... thêm gay go trong các kỹ nghệ cổ điển dùng nhiều nhân lực (may mặc, đồ da, giày dép, đồ chơi). Nhờ những giảm thiểu chi phí sản xuất có thể có qua sản xuất hàng loạt, nhờ kích thước của thị trường nội địa và nhờ giá nhân công không tay nghề rẻ, hàng hoá của Trung Quốc vốn có giá thành rẻ hơn. Nay sau khi gia nhập, lại được hưởng qui chế Tối Huệ Quốc của TCMDTG một cách tự động, khiến tỉ lệ thuế quan đánh vào hàng Trung Quốc ngang với 145 quốc gia thành viên khác của TCMDTG trên những thị trường này, hàng hoá của Trung Quốc sẽ hấp dẫn gấp bội và sẽ chiếm thêm thị trường. So với Trung Quốc, Việt Nam vì chưa gia nhập nên chưa được hưởng qui chế Tối Huệ Quốc này, Việt Nam muốn cạnh tranh với hàng may mặc, giày dép, đồ chơi của Trung Quốc sẽ khó khăn hơn vì có chênh lệch về tỉ lệ thuế quan với Trung Quốc trên các thị trường của thành viên TCMDTG.
- Nguyên nhân thứ nhì, Việt Nam cũng mong giải quyết được những khó khăn thương mãi với Hoa Kỳ (vụ kiện cá ba-sa, tôm) cũng như tháo gỡ một số hạn chế liên quan tới số lượng hàng dệt-may mặc xuất cảng qua Âu Châu và Hoa Kỳ như Trung Quốc sắp được hưởng vào năm 2005 nhờ gia nhập TCMDTG.
Để tóm tắt, nếu không gia nhập thì Việt Nam có nguy cơ mất thị trường, còn gia nhập có mang lại lợi ích thực sự cho Việt Nam không thì điều này còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố mà Việt Nam chủ động được và không chủ động được.
VNN: Quan tâm tới vấn đề nầy, nhiều người đã lấy trường hợp những khó khăn của Trung Quốc hiện nay để dự phóng tương lai của Việt Nam sau khi gia nhập WTO. Theo Tiến sĩ nghĩ, những gì của Trung Quốc hiện nay đáng để chúng ta phải suy gẫm cho tương lai của Việt Nam"
Tiến sĩ Vũ Mộng Lan: Trung Quốc mới gia nhập TCMDTG được 1 năm, bây giờ còn quá sớm để chúng ta có thể rút tiả bài học. Tuy nhiên, đa số các phân tích cho thấy rằng hai lãnh vực của Trung Quốc sẽ bị phương hại: đó là nông nghiệp (luá, gạo, bắp) và các kỹ nghệ sử dụng nhiều kỹ thuật và vốn. 10 Triệu nông dân (trên 1 dân số lao động 340 Triệu người) có thể mất việc. Kỹ nghệ xe hơi nội địa sẽ bị đe dọa khi thuế đánh vào các xe nhập cảng từ 80-100% sẽ xuống còn 25%, và các xe hơi do các xí nghiệp có vốn ngoại quốc đầu tư vào Trung Quốc sản xuất sẽ phải giảm chi phí sản xuất và giá bán trên thị trường để cạnh tranh với xe Âu Mỹ nhập cảng. Nói chung, những hạn chế về số lượng hàng công nghiệp nhập cảng vào Trung Quốc sẽ bị tháo gỡ, và hàng công nghiệp sẽ lan tràn vào Trung Quốc. Những xí nghiệp nội địa không cạnh tranh nổi sẽ phải đóng cửa. Trong đoản kỳ, tất cả các nông dân và công nhân mất việc sẽ không kiếm ra việc ngay trong các khu vực kinh tế khác, do đó thất nghiệp sẽ gia tăng. Thất nghiệp do việc gia nhập TCMDTG sẽ khiến những vấn đề căn bản của Trung Quốc như sự việc mỗi năm có 10 triệu người trẻ bước vào thị trường lao động, như khuynh hướng thừa thãi lao động trong nông nghiệp (10 Triệu người dư thừa) thêm phần trầm trọng.
Việt Nam đang phải đối phó với những vấn đề tương tự như Trung Quốc với những con số khiêm nhường hơn như 1 Triệu người trẻ bước vào thị trường lao động mỗi năm và hiện tượng thiểu dụng trầm trọng tại nông thôn, cùng với tỉ lệ nghèo đói của các nông dân cao hơn các thành phần khác. Chúng ta có thể dự đoán rằng nền nông nghiệp tại Việt Nam sẽ chịu số phận tương tự như nông nghiệp của Trung Quốc, và những hậu quả xã hội do chuyển hoán kinh tế mang lại.
VNN : Cảm ơn Tiến sĩ. Như vậy, theo Tiến sĩ nhận định, Việt Nam cần phải chuẩn bị những gì thực sự cần thiết ngay lúc nầy để sự gia nhập WTO mang đến kết quả tích cực"
Tiến sĩ Vũ Mộng Lan: Thưa ông, chúng ta có thể tự hỏi rằng đã đành rằng việc gia nhập hệ thống mậu dịch đa phương là việc nên làm, nhưng Việt Nam có cần phải gia nhập nhanh chóng, trong khi các luật lệ đa phương chưa được hoàn hảo và cần được cải thiện để có tính cách bình đẳng hơn, để tôn trọng quyền lợi của các quốc gia đang phát triển hơn " Tuyên ngôn của nhóm 77 quốc gia và Trung Quốc nhân buổi hội thảo cấp Tổng Trưởng kỳ 4 của TCMDTG tại Doha năm 2001 đã nhấn mạnh trên điều này. Các quốc gia này nhận định rằng có sự chênh lệch giữa các nhiệm vụ và quyền lợi trong các thoả ước mậu dịch đa phương, cũng như trong các điều kiện xâm nhập thị trường.
Tại các thị trường của các quốc gia thành viên tiên tiến, họ đã phải đương đầu với hiện tượng tỉ lệ thuế quan gia tăng khi giá trị thặng dư của nông phẩm do họ xuất cảng gia tăng, hay nói cách khác nông phẩm càng chế biến càng bị đánh thuế cao (ngôn từ kỹ thuật gọi là tỉ lệ leo thang, "tariff escalation"), hiện tượng tỉ lệ thuế cao bằng hay hơn 30% ("tariff peak"), các hạn chế phi thuế quan như luật lệ phức tạp, tiêu chuẩn vệ sinh và môi trường... Trong việc xuất cảng nông phẩm qua các nước tiên tiến, họ phải đối phó với bảo hộ mậu dịch tại nơi đây qua trợ cấp nông nghiệp, hàng rào thuế quan hay phi thuế quan linh tinh... Cơ quan DREE của Pháp có cho biết rằng trong một quốc gia bưng bít thông tin như Việt Nam, đã có nhiều nguồn dư luận chống đối việc gia nhập TCMDTG sau khi bản tường trình của OXFAM, một cơ quan phi chính phủ về sự thiếu công bằng của TCMDTG lưu hành rộng rãi ("Règles manipulées et standards doubles" , 2002).
Song song với việc chờ đợi cách vận hành của hệ thống đa phương tốt hơn, theo thiển ý, Việt Nam chỉ nên gia nhập khi tạo dựng được hệ thống vận hành hiệu quả, khả năng cạnh tranh vững chắc, có giải pháp thoả đáng cho các tổn thất xã hội có thể đặt ra, và khi thành lập hay huấn luyện được đội ngũ chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về thương trường quốc tế và đủ khả năng bảo vệ quyền lợi quốc gia khi hữu sự. Hãy coi mậu dịch đa phương là phương tiện để phát triển, chứ không phải là cứu cánh. Mặt khác, mậu dịch đa phương cũng không phải là lối tắt để có thể trì hoãn hay bỏ qua những cải tổ kinh tế bất khả kháng trong việc xây dựng căn bản cho phát triển quốc gia.
VNN : Tiến sĩ nhận định thế nào về tuyên bố sau đây (năm 1986) của Ông John Block, Bộ Trưởng Canh Nông Mỹ : ''Ý tưởng các nước chậm tiến có thể tự túc về thực phẩm đã lỗi thời. Tốt hơn hết là họ mua nông phẩm của Mỹ, vừa nhiều vừa rẻ''.Và chủ trương nầy của Mỹ sẽ chi phối Việt Nam không khi hai bên thi hành Hiệp Ước Mậu Dịch Việt - Mỹ cũng như khi Việt Nam đã gia nhập WTO" Trong trường hợp đó, những hậu quả nào sẽ gây ra cho Việt Nam với một nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp"
Tiến sĩ Vũ Mộng Lan: Lời tuyên bố của ô. J. Block có vẻ chủ quan vì ông ta mặc nhiên cho rằng các nước mà ông gọi là chậm tiến cùng cung cách tiêu thụ với Hoa Kỳ, tức là thích ăn luá mì, bơ sữa, thịt bò là những nông phẩm mà Hoa Kỳ có thể có ưu thế tương đối vào thập niên 80. Thập niên sau đó đã được chứng kiến sự bế tắc của nhiều cuộc thương lượng về mậu dịch đa phương, thành ra những giới hữu trách về Canh Nông của các nước tiên tiến khôn khéo hoặc thận trọng hơn trong lời nói. Chẳng hạn như ô. Gaymard, Tổng Trưởng Canh Nông Pháp vừa phát biểu (1/9/2003) rằng tự do mậu dịch đại qui mô và toàn bộ không đáp ứng được với nhu cầu phát triển nông nghiệp của các quốc gia đang phát triển.
Về vấn đề một quốc gia đang phát triển có nên bỏ hẳn việc trồng cấy 1 nông phẩm mà giá sản xuất (tức giá phản ảnh những điều kiện sản xuất) cao hơn giá quốc tế: một bài học có thể được rút tiả từ kinh nghiệm của dầu ăn Ấn Độ, là món hàng có một thị trường nội địa rộng rãi, được tư nhân cũng như kỹ nghệ chiếu cố, từ trước khi Ấn Độ gia nhập TCMDTG. Sản xuất nội địa có thể cung ứng đầy đủ cho thị trường nội địa mà không cần nhập cảng. Lúc đó, giá dầu ăn khá cao trên các thị trường quốc tế, nên sau khi cung ứng cho thị trường nội địa, các xí nghiệp Ấn còn xuất cảng.
Sau khi gia nhập TCMDTG, chính quyền Ấn đã hạ giá thuế quan trên dầu ăn. Cũng vào thời điểm đó, giá dầu sút giảm trên thị trường quốc tế. Các dầu ăn của Mã Lai, Ba Tây, Hoa Kỳ và Nam Dương lan tràn vào Ấn Độ và chiếm 40% thị trường Ấn Độ. Kết quả là cả triệu nông dân Ấn bị mất nghiệp và xí nghiệp sản xuất dầu ăn tại Ấn bị phá sản : riêng tại miền Karnataka, có 100 trên 115 hãng đã phải đóng cửa. Thay vì hoan hỉ là được mua dầu ăn với giá rẻ hơn (là một lợi điểm của mậu dịch tự do, theo TCMDTG), đã có nhiều nguồn dư luận tại Ấn Độ đòi hỏi sự tái thương lượng những điều khoản của TCMDTG và áp dụng biện pháp hạn chế dầu ăn nhập cảng, nhân danh nhu cầu an toàn lương thực của quốc gia.
Muốn theo đuổi lý luận của mậu dịch tự do tới cùng thì một quốc gia có thể bỏ trồng cấy ngũ cốc, rau cỏ, trái cây... và chỉ chuyên về khoáng sản, du lịch, hay chế biến. Vào năm 1945, người dân Việt Nam được mục kích cơn đói kinh hoàng tại miền Bắc mà một trong những nguyên nhân là sự việc nông dân bị bó buộc bỏ luá và trồng đay thay vào đó, để phục vụ nhu cầu kỹ nghệ của nước ngoài. Kinh nghiệm đau thương này còn ghi khắc dấu ấn trong chúng ta và nhắc nhở nhu cầu tự lực về mặt lương thực. Chúng tôi nghĩ rằng đối với những nông phẩm hay nhiên liệu thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam thì cần có chính sách phát triển chủ động chứ không nên lệ thuộc vào so sánh với các giá cả trên các thị trường quốc tế.
VNN : Khi đã trở thành hội viên của WTO, sản phẩm nước ngoài sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam với giá rẻ vì không còn trở ngại bởi rào cản quan thuế của Việt Nam. Có nhận định cho rằng điều nầy sẽ bắt buộc các doanh nghiệp quốc nội phải tự cải tiến để sống còn trong cuộc cạnh tranh với hàng ngoại nhập, điều đó thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Tiến sĩ nghĩ sao về nhận định nầy"
Một nhận định khác cho rằng : sau khi gia nhập WTO, do lợi thế đương nhiên vì được giảm thiểu rào cản quan thuế, sản phẩm Việt Nam sẽ tràn ngập thị trường các quốc gia tân tiến, đoanh nghiệp Việt Nam do đó sẽ phát triển, thu hút đầu tư ngoại quốc, tạo thêm công ăn việc làm, đóng được nhiều thuế cho ngân quỹ quốc gia v.v... nói chung là có nhiều thuận lợi cho đất nước phát triển. Xin Tiến sĩ cho biết ý kiến về nhận định lạc quan nầy"

Tiến sĩ Vũ Mộng Lan : Viễn cảnh hàng ngoại lan tràn thị trường nội địa Việt Nam với giá rẻ vì không còn trở ngại quan thuế sau khi Việt Nam gia nhập TCMDTG có thể được đo lường ngay từ hôm nay, với hàng buôn lậu từ Trung Quốc. Ngay cả trên lãnh vực giày dép, mà Việt Nam có ưu thế tương đối, hàng Trung Quốc cũng rẻ hơn và thời trang hơn. Chẳng hạn, giày thể thao Việt Nam sản xuất khoảng 5-600000 đồng, trong khi đó thì đôi giày tương đương của Trung Quốc khoảng 3-400000 đồng.
Mới đây, chúng ta được nghe tin rằng các xí nghiệp giày dép Việt Nam tuyên bố bỏ thị trường nội địa cho hàng Trung Quốc, mà dồn cố gắng vào các thị trường quốc tế, lý do được nêu ra là thị trường nội địa nhỏ, lại đòi hỏi đa dạng, không thích hợp với cách thức sản xuất hàng loạt kỹ nghệ. Thành ra, thưa ông, khi hàng rào quan thuế bị bãi bỏ và hàng ngoại uà vào, chưa chắc phản ứng của doanh nghiệp quốc nội sẽ là cải thiện sản xuất để cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Mặt khác, nhìn dưới khiá cạnh quan thuế, bỏ thuế quan thì sẽ mất một nguồn lợi không nhỏ cho ngân quỹ quốc gia trong khi việc thâu thuế nói chung là vấn đề nhức óc tại Việt Nam, do hiện tượng trốn hay khai man thuế. Thâu giảm thì chi cũng sẽ phải co rụt theo.
Nhân tiện chúng tôi xin đề cập tới lối nhìn mà theo thiển ý, có thể sai lạc. Sai lạc ở chỗ tưởng rằng sự mở rộng của thị trường các nước tiên tiến sẽ đem lại nhiều lợi tức hơn là thị trường trong nước, và do đó có thể bỏ bê thị trường trong nước cho hàng ngoại. Căn cứ ở đâu mà những xí nghiệp Việt Nam có thể chắc chắn rằng sẽ xâm chiếm được những thị trường khá xa lạ, nơi mà mình chưa nắm vững cách tiếp thị, thời trang, sở thích " Nhất là trên những thị trường này, mình sẽ phải cạnh tranh với nhiều quốc gia cũng có những ưu thế tương đối tương tự"
Thêm vào đó, đã chắc gì hàng rào quan thuế đã được bãi bỏ trên các thị trường tiên tiến" Theo một bản tường trình của tổ chức OXFAM, vừa được phổ biến đầu tháng 9 này, tỉ lệ thuế quan trung bình của Hoa Kỳ áp dụng cho các quốc gia đang phát triển cao gấp 20 lần tỉ lệ trung bình cho các quốc gia giàu có. Thí dụ, tỉ lệ trung bình cho hàng nhập cảng từ Bangladesh, thành viên của TCMDTG như Hoa Kỳ, là 14% trong năm 2002, trong khi đó tỉ lệ trung bình cho hàng từ Pháp là 1% (tin 02/09/2003 của Financial Times).
Ông dùng chữ lạc quan, mà quả thật, phải lạc quan lắm mới nghĩ rằng với cơ sở sản xuất hiện hữu, với những nan đề của kinh tế Việt Nam trong lúc này, Việt Nam có thể nổi trội hơn các quốc gia đang phát triển thành viên khác của TCMDTG trên các thị trường quốc tế. Nhất là khi nhìn vào kết quả của cuộc thẩm định thường niên về khả năng cạnh tranh vi-mô của các quốc gia do World Economic Forum thực hiện : vào năm 2002, Việt Nam đứng hàng thứ 60 (Mã Lai 26, Thái Lan 35, Trung Quốc 38) trên 80 quốc gia.
VNN : Cảm ơn Tiến sĩ. Sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc hiện đang bị các định chế tài chánh quốc tế ép buộc phải ngưng chương trình trợ cấp nông nghiệp, trong khi đó, với Luật Farm Bill do Tổng Thống G.W. Bush mới ban hành, đã gia tăng trợ cấp cho nông nghiệp Mỹ tới một mức độ khổng lồ 180 tỷ Mỹ kim. Liên Hiệp Âu Châu cũng có chánh sách trợ cấp nông nghiệp tương tự. Kính thưa Tiến sĩ, Sự kiện nầy phản ánh đặc tính gì của xu hướng toàn cầu hóa" Và liệu Việt Nam có thể bị chi phối bởi đặc tính nầy không"
Tiến sĩ Vũ Mộng Lan : Kính thưa ông, sự thiếu bình đẳng trong cung cách đối xử của TCMDTG đã bị nhóm 77 quốc gia và Trung Quốc nêu ra sau buổi họp kỳ 4 cấp Tổng Trưởng tại Doha vào năm 2001 ("...we note with great concerns that the benefits of the existing mutilateral trading system continue to elude developing countries. Progress towrds full liberalization in sectors of particular interest to them is lagging behind, and significant imbalances between the rights and obligations exist in multilateral trade agreements, as well as in conditions of market access...).
Để cải thiện tình trạng này, các quốc gia nhược tiểu có đưa ra một số yêu sách, như bãi bỏ các trợ cấp mà các quốc gia tiên tiến dành cho nông nghiệp bản xứ. Các thành viên của Tổ Chức Hợp Tác Phát Triển Kinh tế (OCDE, OECD) đã trợ cấp nông dân của họ 283 tỷ MK vào năm 1999, trong đó có 114 tỷ của Liên Hiệp Âu Châu, 54 của Hoa Kỳ và 58 của Nhật. Trong khi đó, Ấn Độ chẳng hạn chỉ có khả năng trợ cấp 7 tỷ.
Ô. Stern, kinh tế gia trưởng tại Ngân Hàng Thế Giới (NHTG), đã tố cáo rằng 1 con bò Âu Châu nhận trợ cấp chính quyền trung bình mỗi ngày là 2.5 MK, 1 con bò Nhật 7.5 MK, trong khi 75% người dân Phi Châu sống với dưới 2 MK / ngày. Ông vừa nhắc tới Farm Bill khổng lồ của Hoa Kỳ, chúng ta có thể tự hỏi một con bò của Hoa Kỳ nhận được gấp bao nhiêu lần lợi tức của một con người"
Các nước đang phát triển thấy bị lôi cuốn vào một hệ thống bất bình đẳng, họ phải cắt giảm những trợ cấp có khi là vấn đề sinh tử cho nông dân của họ, trong khi nhờ trợ cấp, nông dân tại các quốc gia tân tiến có thể có giá thành rẻ và nhờ đó xâm chiếm thị trường quốc tế. Hãy đừng quên rằng (theo thống kê của Văn Phòng Lao Động Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc), tại các nước giàu, nhân lực trong nông nghiệp từ 1.4% (Anh Quốc) tới 7% (Ái Nhĩ Lan) tổng số lao động, trong khi đó thì họ trên 70% tại nhiều quốc gia Á-Phi. Tỉ lệ đáng kể này nói lên tầm quan trọng của các cuộc thương lượng liên quan tới mậu dịch nông sản cho các nước nhược tiểu.
Chúng tôi xin nêu lên 1 thí dụ khác, đó là bông vải. Giá bông vải đang sút giảm dữ dội trên các thị trường thế giới, tổn hại tới các nông dân các quốc gia bắc và tây châu Phi, nơi bông vải là nguồn lợi tức chính. Các quốc gia này còn bị các định chế quốc tế cho vay nợ cấm đoán không được trợ cấp bông vải bản xứ trong khuôn khổ công cuộc tư hữu hoá bông vải. Thế nhưng năm nay, các nông trại Hoa Kỳ sản xuất bông vải sẽ nhận 3.9 tỉ MK trợ cấp, tức 3 lần số tiền Hoa Kỳ dành để viện trợ Phi Châu. Biện pháp này đưa đến tình trạng sản xuất dư thừa trên thế giới.
Sự việc mà 78 quốc gia đang phát triển (hiện nay TCMDTG có 146 thành viên) cảm thấy cần liên đới để cho tiếng nói của mình vang vọng hơn và có trọng lượng hơn chứng tỏ sự bất cân quyền lực trong tương quan đa phương. Là một quốc gia nhược tiểu, VN làm sao tránh được chung số phận với họ"
VNN : Tiến sĩ nhận định thế nào về sự hình thành của Diễn Đàn Xã Hội Thế Giới (World Social Forum : WSF)" Về căn bản, WSF có thể giúp ích gì cho Việt Nam nói riêng và cho các quốc gia nghèo đói hay đang phát triển nói chung, trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và thương mãi hiện nay không"
Tiến sĩ Vũ Mộng Lan: Diễn Đàn Xã Hội Thế Giới (WSF) chủ trương tạo nơi gặp gỡ để trao đổi ý kiến, cùng nhau suy nghĩ thêm, thảo luận và đưa ra đề nghị, trao đổi kinh nghiệm giữa các tổ chức và phong trào thuộc xã hội dân sự chống đối sự chi phối của tư bản trên toàn cầu hay của "bất cứ hình thức đế quốc nào". WSF đã từng nhóm họp ba kỳ tại Porto Alegre vào cùng thời điểm với hội nghị thượng đỉnh Kinh tế Thế giới Davos (World Economic Forum, WEF), để nói lên ý muốn hình thành lực lượng đối trọng với các thế lực tư bản đang tiến hành toàn cầu hoá. Hội nghị WEF qui tụ cấp quản đốc của các công ty đa-quốc lớn mạnh nhất trên thế giới cùng các lãnh đạo trong giới đại học và chính trị.
Kỳ họp cuối cùng vào đầu tháng 2 năm nay của DĐXH qui tụ những người tới từ 131 quốc gia, từ những chân trời khác nhau, là nông dân châu Á, đánh cá châu Phi, những lãnh tụ nông dân Pháp như Bové, những trí thức Hoa Kỳ như Chomski, phái "xanh", các phong trào bênh vực đòi hỏi quyền nữ giới, các đại diện tôn giáo... Sự hỗn hợp này khiến họ khó lấy quyết định. Diễn Đàn Xã Hội Thế Giới tiêu biểu cho sự phong phú của đa nguyên, sự chấp nhận các dị biệt, và ý muốn đi tìm những hướng đi khác cho nhân loại. Khẩu hiệu của kỳ họp vừa rồi là "Có thể có một thế giới khác", chứa chan hy vọng. Tuy nhiên, những lý tưởng cao đẹp này cần được cụ thể hoá và lồng trong những chương trình hành động thực tiễn chưa thể có vì những suy nghĩ quá khác biệt của các tham dự viên: chẳng hạn, có những người quan niệm rằng chỉ cần cải thiện các định chế quốc tế sẵn có như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, NHTG, TCMDTG... trong khi có người khác lại đòi hỏi sự thay đổi triệt để hơn.
Theo thiển ý, tinh thần đa nguyên chấp nhận dị biệt là chỉ dấu cho sinh hoạt dân chủ lành mạnh, khi nào song song với WEF còn có thể có những hình thức đối trọng như WSF là điều đáng mừng. Còn về việc giúp ích cụ thể cho các quốc gia đang phát triển thì cho tới giờ này, chưa được rõ ràng lắm.
VNN: Cảm ơn Tiến sĩ. Có nhận định cho rằng xu thế toàn cầu hóa hiện nay cũng là một tư tưởng thế giới đại đồng. Đầu thế kỷ 20 có đại đồng Cộng sản, đầu thế kỷ 21 nầy có đại đồng Tư bản, cổ vũ ưu thế của chủ nghĩa tư bản cải tiến như một giải pháp toàn năng để chấm dứt thảm kịch nghèo đói cho nhân loại. Tiến sĩ nhận định thế nào về sự kiện nầy"
Tiến sĩ Vũ Mộng Lan : Về nhận định rằng xu thế toàn cầu hoá hiện nay cũng là một tư tưởng thế giới đại đồng, chúng ta hãy cùng xem lại thế giới đại đồng theo quan niệm Mác-Lê là gì " Là một thế giới không còn biên giới, không còn quốc gia, không còn giai cấp, không còn đấu tranh, không còn thiếu hụt, mà muốn đạt tới cần phải trải qua sự nắm quyền chuyên chế của giai cấp vô sản. Trước khi mọi hình thức chính quyền bị bãi bỏ, thì các giai cấp tư sản bóc lột cũ phải bị giai cấp thống trị mới này áp chế, hệ thống sản xuất cũ phải bị huỷ diệt hoàn toàn.
Toàn cầu hoá dựa trên ưu thế tương đối của các quốc gia và phân công lao động trên thế giới, cũng đi tới kết quả là bãi bỏ các ranh giới quốc gia, nếu so sánh với tư tưởng thế giới đại đồng. Những giai đoạn trải qua cũng gây tổn thất xã hội, cũng cho thấy tình trạng cá lớn nuốt cá bé.Tuy nhiên, cho dù là dự án lịch sử đầy tham vọng vì muốn giải quyết thảm kịch nghèo đói của nhân loại, cho dù so trên phương diện hiện tượng có điểm tương đồng nhưng trong bản chất, hai tư tưởng rất khác biệt.
Ngay từ sinh thời của Karl Marx, Proudhon và Bakounine đã nêu lên tính cách độc đoán của sự thay thế thị trường bằng tập trung hoạch định, huỷ bỏ tự do kinh doanh, bắt các cá nhân hoàn toàn lệ thuộc vào Nhà Nước.
Đại khái, "Thế giới đại đồng" dựa trên cơ sở lý luận chính trị, trong khi đó thì toàn cầu hoá có những động lực kinh tế.
VNN : Kính thưa Tiến sĩ, đai đồng Tư bản đề xướng khẩu hiệu rất phổ quát và hấp dẫn : Xây dựng một giai cấp trung lưu mới, lớn mạnh trên tinh thần Hai bên cùng thắng (win-win situation) : người nghèo thắng vì có sản phẩm giá rẻ để tiêu dùng, người giàu cũng thắng vì bán được sản phẩm. Nhưng kết quả nghiên cứu của WSF cho biết : Hố sâu cách biệt giàu nghèo trên thế giới ngày càng khoét rộng, 1,2 tỷ người đang sống với dưới 1 Mỹ kim một ngày, 800 triệu người đang đói mỗi ngày, 2 tỷ người thiếu dinh dưỡng, 80% tài nguyên thế giới nằm trong tay một thiểu số 20% là những tập đoàn giàu có và thế lực trong nhân loại v.v... Trước thực tế đó, kính thưa Tiến sĩ, khẩu hiệu trên của đại đồng Tư bản khả tín không" Hay cũng chỉ là lời hứa hẹn về một thiên đàng không bao giờ đến như kiểu thiên đàng Cộng sản trong thế kỷ trước"
Tiến sĩ Vũ Mộng Lan : Kính thưa ông, cách đây không lâu, bản tường trình của LHQ về tình trạng phát triển của nhân loại cũng cho thấy lợi tức trung bình đầu người đã suy giảm trong thập niên 90 tại 50 quốc gia, đa số thuộc châu Phi. Bản tường trình cũng nêu ra những nguyên nhân như bệnh SIDA hoành hành, chiến tranh, loạn lạc, tham nhũng, độc tài...
Cũng có những phân tích khác cho thấy Trung Quốc là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong các trao đổi thương mãi trong 2 thập niên vừa qua, với các nước đang phát triển cũng như các nước tiên tiến, trong khi đó các quốc gia chậm phát triển nhất không ngưng mất thị trường trong cùng thời gian.
Sở dĩ các khẩu hiệu được ghi nhớ dễ là vì chúng trình bày sự việc một cách đơn giản, và vì đơn giản nên không phản ảnh được toàn bộ một thực tế thường là phức tạp. Nhưng thưa ông, những nguyên nhân đưa tới sự chậm tiến và nghèo đói của một quốc gia, đâu phải là chỉ có mậu dịch, hay sự bóc lột của tư bản quốc tế qua mậu dịch" Cũng như khó kết luận rằng các quốc gia chậm phát triển nhất mất thị trường chỉ vì bất cân quyền lực trong các tương quan quốc tế.
Ngược lại, sự phồn vinh thịnh vượng của một quốc gia cũng phải lấy bàn đạp từ tiềm năng của chính mình và từ sự liên kết dân tộc. Có khi nào giải pháp toàn năng từ bên ngoài, thế giới đại đồng hay đại đồng tư bản, có thể bảo đảm cho một quốc gia sự phát triển toàn diện đâu"
Võ Triều Sơn: Đại diện cho hãng thông tấn VNN, tôi xin chân thành cảm tạ Tiến sĩ Vũ Mộng Lan đã dành nhiều thì giờ cùng những suy nghĩ rất chân thành và thẳng thắn giúp cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn hữu ích nầy. Xin kính chúc Tiến sĩ cùng quý quyến luôn thành đạt như ước nguyện.
Tiến sĩ Vũ Mộng Lan : Xin thành thật cám ơn ông và hãng thông tấn VNN đã cho chúng tôi cơ hội quý báu để trình bày một vài suy tư trước viễn ảnh Việt Nam gia nhập WTO, chúng tôi mong mỏi rằng những điều này phản ảnh tâm tư của những người có lòng, có quan tâm đến hiện tình đất nước và ấp ủ hoài bão canh tân Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.